TÓM TẮT:
Trải qua các thời kỳ khác nhau, quy định về mô hình chủ thể quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản trong pháp luật Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề này trở nên ngày càng quan trọng và nhận được nhiều sự quan tâm. Trong phạm vi bài viết này, tác giả khái quát các mô hình chủ thể quản lý, thanh lý tài sản đã được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam.
Từ khóa: Chủ thể quản lý, thanh lý tài sản phá sản, quản tài viên, phá sản.
I. Đặt vấn đề
Giải quyết phá sản là một hoạt động phức tạp, đụng chạm đến nhiều đối tượng trong xã hội và nhiều quan hệ xã hội. Giải quyết phá sản là giải quyết các mối quan hệ liên quan đến tài sản của các chủ nợ, việc làm của người lao động, trật tự an toàn xã hội… Mục đích của việc quản lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản là tránh việc tẩu tán tài sản làm thất thoát tài sản, đảm bảo quyền lợi của các chủ nợ khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản cũng như bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, hợp tác xã khi có cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Phá sản là một thủ tục tố tụng tư pháp đặc biệt với sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau, trong đó có thiết chế quản lý tài sản của con nợ. Sự hiện diện của chủ thể này trong pháp luật cũng như thực tiễn giải quyết các nước là một điều cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng con nợ tẩu tán, làm thất thoát tài sản, thu hồi được nhiều các quyền lợi vật chất, tránh tình trạng bắt nợ phi pháp từ phía các chủ nợ, đồng thời việc phân chia tài sản, điều hòa lợi ích giữa các chủ nợ, giữa chủ nợ với con nợ và lợi ích của người lao động, của nhà nước một cách công bằng và đúng luật trên cơ sở tài sản hiện có của con nợ cũng là một yêu cầu cho sự hình thành của thiết chế quản lý tài sản.
II. Mô hình chủ thể quản lý, thanh lý tài sản trong pháp luật phá sản Việt Nam
Pháp luật của mỗi nước trên thế giới có những quy định khác nhau về chủ thể quản lý tài sản phá sản. Tuy nhiên, khái quát lại có thể thấy có 2 mô hình chủ thể phổ biến là mô hình chủ thể quản lý tài sản là những cá nhân (Tín thác viên theo luật phá sản Hoa Kỳ, Quản tài viên theo luật phá sản của Thụy Điển và Latvia, quản trị viên theo luật phá sản Nhật Bản và luật phá sản Cộng hòa liên bang Nga…) và mô hình là một thiết chế tập thể (như trong pháp luật phá sản Việt Nam trước 2014 và Luật Phá sản Trung quốc). Đồng thời với mỗi mô hình, pháp luật các nước cũng trao cho chủ thế này những nhiệm vụ quyền hạn rộng hẹp khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của mỗi nước[1].
Nếu như trong pháp luật phá sản Việt Nam giai đoạn trước năm 1975 ghi nhận mô hình chủ thể quản lý tài sản phá sản là cá nhân (Kiểm sát viên trong Luật Thương mại Trung phần 1942, Quản tài viên trong Luật Thương mại (VNCH) 1972, thì các đạo luật về phá sản ở Việt Nam sau 1975, việc quản lý tài sản của doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản luôn luôn do một thiết chế tập thể đảm nhận.
1. Thanh toán tư pháp trong Bộ luật Thương mại Trung phần 1942
So với khánh tận, thanh toán tư pháp là một thủ tục mang tính khoan hồng so với người vỡ nợ ngay tình. Khi lâm vào tình trạng không trả được nợ, con nợ ngay tình có thể nộp đơn yêu cầu thụ lý án thanh toán tư pháp (khánh tận và thanh toán tư án đều được Bộ luật Thương mại Trung phần xem như một vụ án)
Theo trình tự này, người mắc nợ được hưởng một vài quy chế giảm nhẹ như sau: (i) không bị bắt giam (Điều 240); (ii) không bị mất quyền quản trị mà được tiếp tục chiếm giữ và quản lý sản nghiệp dưới sự giám sát của kiểm sát viên do tòa án ấn định; (iii) tiếp tục được hành nghề và thực hiện các hành vi mà tòa án cho phép; (iv) có thể thỏa hiệp với các chủ nợ, tòa sẽ ban hành án công nhận thỏa hiệp này (Điều 229 - 252 BLTM TP 1942).
2. Luật Thương mại Việt Nam Cộng hòa 1972
Luật này được ban hành chủ yếu dựa vào mô hình pháp luật phá sản Pháp, ngoài một số cải biên mang tính kỹ thuật, đạo luật này không có một triết lý mới mẻ đáng kể nào so với BLTM TP 1942. Ra đời trong điều kiện chiến tranh và sự sụp đổ, tan rã toàn diện của Việt Nam Cộng hòa đang tới gần, đạo luật này hầu như chỉ có giá trị sử liệu mà ít có ảnh hưởng thực tế.
Trong pháp luật thời Việt Nam Cộng hòa, quản tài viên là một thủ ủy tư pháp do tòa án chỉ định ra được thù lao bằng tiền phụ cấp do thẩm phán thừa nhiệm thanh quyết toán bằng án lệnh[2]. Giải thích cho bản chất thụ ủy tư pháp của quản tài viên, nhóm nghiên cứu và hoạch định xây dựng Bộ luật Thương mại Việt Nam cộng hòa 1973 cho rằng: “người khánh tận phải được đại diện vì đã bị tước quyền quản trị tài sản và ở vào tình trạng không còn tiến hành được các hành vi pháp lý đối kháng với chủ nợ; còn các chủ nợ được liên kết thành một khối cá biệt về pháp lý, nên cần phải có một người đại diện hành động nhân danh các chủ nợ[3].
Khi tòa được thụ lý do một đơn xin đơn phương của chủ nợ, quán lệ là Chánh án giao cho một Quản tài viên (tại mỗi tòa có một số quản tài viên được lựa chọn sẵn) mở một cuộc điều tra, xem xét hoạt động và sổ sách của thương gia bị tố cáo và làm phúc trình. Phúc trình này là tài liệu căn bản để tòa quyết định. Thực hành trên chỉ có thể ứng dụng được nhờ ở sự lựa chọn những người xứng đáng làm quản tài viên: không những quản tài viên phải là người có căn bản vững vàng về luật thương mại mà còn phải là những người trong sạch có lương tâm chức nghiệp; nếu quản tài viên không hiểu biết gì về luật thương mại, hay, mỗi khi được ủy nhiệm điều tra, lại thông đồng với người khánh tận để người này giấu diếm, tẩu tán tài sản đi, hay, vì thù hằn cá nhân, làm phúc trình man trá, thì dĩ nhiên việc xét xử bị sai lạc; công lý sẽ, vô tình, tiếp tay cho tham nhũng[4].
Do tính chất là một cơ chế hay một phương thức lấy nợ tập thể, ngăn cản việc lấy nợ riêng rẽ trên tài sản còn lại của con nợ và tòa án là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ cho quá trình phá sản, cho nên quản tài viên có bản chất pháp lý là người thụ ủy tư pháp đứng ở trung tâm của mối quan hệ đại diện phát sinh bởi luật. Quản tài viên vừa là người đại diện cho các chủ nợ, lại vừa là người đại diện cho con nợ bị phá sản. Bởi con nợ có khuynh hướng tự làm nghèo cho mình để trốn tránh trách nhiệm trả nợ, có thể trả riêng cho chủ nợ theo sự lựa chọn của mình và xét ở khía cạnh quản trị, con nợ yếu kém về quản trị dẫn đến tình trạng phá sản, nên buộc con nợ phải hành động qua một trung gian trong một số hoạt động, nhất là trong mối quan hệ liên quan đến chủ nợ. Do đó, liên quan tới con nợ, quản tài viên thực hiện nhiệm vụ quản trị sản nghiệp của con nợ. Sản nghiệp là một thuật ngữ pháp lý chỉ tổng thể quyền và nghĩa vụ về tài sản nằm trong nhân cách pháp lý của thể nhân, pháp nhân mà bao gồm phần tích sản và phần tiêu sản[5]. Bởi không chủ nợ nào được lấy nợ riêng rẽ trên khối tài sản còn lại của con nợ để đảm bảo phá sản là một cơ chế lấy nợ tập thể, nên buộc bất kỳ chủ nợ nào cũng phải hành động thông qua một trung gian minh bạch và mọi người có thể kiểm soát được. Do đó, liên quan đến các chủ nợ, quản tài viên thực hiện nhiệm vụ là đại diện cho các chủ nợ để không chủ nợ nào được hành động riêng rẽ trên sản nghiệp của con nợ.
Nếu nhìn nhận trình tự phá sản là một phương cách tái cơ cấu doanh nghiệp, hiệu quả của phương cách này phụ thuộc một cách đáng kể vào năng lực quản lý tài sản của tòa án, quản tài viên và hệ thống bổ trợ tư pháp. Trong khi hệ thống tòa đặc tụng thụ lý việc phá sản đã hình thành từ hàng trăm năm nay ở phương Tây thì hệ thống tư pháp nước ta mới đang tập làm quen với chức năng này. Từ triệu tập, chủ trì, điều hành các cuộc họp của chủ nợ, phê duyệt dự án tái cơ cấu, giám sát thực hiện, định giá sản nghiệp của con nợ cho đến thanh toán cho các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên - tòa án và hệ thống bổ trợ tư pháp Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới lạ trong quản trị kinh doanh. Không chỉ là trừng phạt người vỡ nợ, phá sản trước hết là một cuộc phẫu thuật. Một khi thẩm phán, kiểm toán viên, quản trị viên, luật sư… chưa tích lũy đủ kỹ năng tối thiểu cho những cuộc phẫu thuật đó thì căn bệnh mất khả năng thanh toán tất yếu sẽ được chữa trị bằng những thể chế và phương cách khác.[6]
3. Tổ quản lý tài sản và Tổ thanh toán tài sản trong Luật Phá sản Doanh nghiệp 1993
Điều 15 Luật Phá sản doanh nghiệp 1993 quy định: Chánh tòa Tòa kinh tế cấp tỉnh ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Trong quyết định này, các nhân viên Tổ quản lý tài sản được chỉ định. Như vậy, cũng như Pháp và đa số các nước, ở Việt Nam quyền chỉ định nhân viên quản lý tài sản thuộc về tòa án.
Luật Phá sản doanh nghiệp 1993 quy định có hai tổ là Tổ quản lý tài sản và Tổ thanh toán tài sản. Tổ quản lý tài sản được thành lập khi có quyết định mở thủ tục phá sản và các thành viên của tổ do Chánh tòa Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân cấp tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan cử. Tổ thanh toán tài sản được thành lập sau khi có quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
4. Tổ Quản lý, thanh toán tài sản trong Luật Phá sản 2004
Thực tiễn áp dụng Luật Phá sản doanh nghiệp 1993 cho thấy với thành phần tổ quản lý tài sản gồm ít nhất 7 thành viên, tổ thanh toán tài sản gồm ít nhất 6 thành viên từ các cơ quan đơn vị khác nhau đã dẫn đến việc hoạt động của các tổ này là rất kém hiệu quả, chi phí lớn. Khắc phục hạn chế này, khoản 2 điều 9 Luật Phá sản 2004 vào khoản 2 điều 15 Nghị định số 67 ngày 11/7/2006 của Chính phủ quy định nhập 2 tổ là tổ quản lý tài sản và tổ thanh toán tài sản thành một tổ gọi là tổ quản lý thanh toán tài sản nhằm tập trung đầu mối, giảm bớt thủ tục hành chính.
So với Luật Phá sản doanh nghiệp 1993, Luật Phá sản 2004 quy định cơ cấu tổ quản lý thanh toán tài sản gọn nhẹ hơn rất nhiều. Điều này giúp cho hoạt động của tổ này hiệu quả hơn, thuận tiện cho việc xử lý mọi vấn đề, có nhiều thuận lợi cho quá trình phục hồi sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản.
Có thể thấy, mục đích của các nhà làm luật nước ta khi quy định về tổ quản lý và thanh lý tài sản làm vừa nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, tính quyền lực nhà nước (chấp hành viên cơ quan thi hành án với vai trò tổ trưởng), vừa đảm bảo tính chuyên môn và tính dân chủ rộng rãi (sự tham gia của đông đảo các thành phần thuộc các cơ quan chuyên môn cũng như đại diện công đoàn, người lao động và cả chủ nợ), hướng tới việc thực hiện có hiệu quả nhất thủ tục quản lý và xử lý tài sản phá sản, nâng cao hiệu lực của Luật Phá sản.
5. Quản tài viên trong Luật Phá sản 2014
Trong Luật Phá sản 2014, chủ thể thực hiện quản lý, thanh lý tài sản trong thủ tục phá sản đã có sự thay đổi cơ bản. Việc quản lý, thanh lý tài sản phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã không còn chỉ quy định cho một chủ thể duy nhất, mà ở văn bản mới này, việc tiến hành quản lý, thanh lý tài sản phá sản đã được giao cho 2 chủ thể với tên gọi mới, có tư cách pháp lý độc lập, mang tính chất của hoạt động nghề nghiệp, đó là: Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thay cho các chủ thể mang tính chất vụ việc trước đây. Với 2 chủ thể mới, một chủ thể là cá nhân (quản tài viên), một chủ thể là tổ chức (doanh nghiệp) mặc dù đều thực hiện chung một chức năng, nhiệm vụ: hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.
Sự tham gia của quản tài viên vào thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là một bước đột phá của Luật Phá sản năm 2014, đồng thời đưa pháp luật phá sản nước ta tiệm cận hơn với pháp luật về phá sản của một số quốc gia trên thế giới.
Việc đưa chế định quản tài viên khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp, tính chất kiêm nhiệm của các thành viên trong tổ quản lý, thanh lý tài sản, đáp ứng được yêu cầu về tính nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý tài sản của DN, HTX bị lâm vào tình trạng phá sản, phù hợp với việc thực hiện chủ trương xã hội hoá những hoạt động mang tính nghề nghiệp theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về cải cách hành chính; đồng thời, phù hợp với thông lệ quốc tế, vì hiện nay nhiều nước quy định về chế định quản tài viên, ví dụ: Nhật Bản, Đức, Nga, Pháp, Mỹ, Latvia và theo Khuyến nghị số 45 của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hiệp quốc (UNCITRAL) và theo thông lệ quốc tế thường sử dụng đội ngũ luật sư làm Quản tài viên.
III. Kết luận
Có thể khẳng định rằng, việc quy định chủ thể quản lý, thanh toán tài sản phá sản là một cá nhân hành nghề tự do là một sự thay đổi phù hợp.
Như đã phân tích, nhà nước hiện đại đã và đang chuyển dần một số các hoạt động của mình cho các chủ thể khác trong đời sống xã hội. Ở nước ta, nhiều hoạt động trước đây vốn là những hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, được thực hiện bởi hệ thống cơ quan công quyền đã và đang được xã hội hóa nhằm giảm tải gánh nặng cho các cơ quan nhà nước, đưa nhà nước trở về đúng vị trí chức năng của mình và cũng là để đạt hiệu quả cao hơn trong các hoạt động đó. Phá sản không còn là hiện tượng mới mẻ ở các nước có nền kinh tế phát triển và ở các nước này, hoạt động quản lý tài sản phá sản được thực hiện bởi các cá nhân chuyên nghiệp hành nghề độc lập.
Có quan điểm cho rằng, cần xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của quản tài viên ở Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất của quản tài viên, đáp ứng yêu cầu đặc thù của hoạt động quản lý, thanh lý tài sản[7]. Điều đó sẽ giúp chủ thể này chủ động hơn trong công việc, khiến cho hoạt động quản lý thanh lý tài sản trở thành một hoạt động có tính chuyên nghiệp, đảm bảo nhanh nhất về thời gian, đầy đủ nhất về tài sản, từ đó nâng cao hiệu quả của Luật Phá sản ở nước ta.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Đặng Văn Huy (2012), Địa vị pháp lý của tổ quản lý và thanh lý tài sản theo pháp luật phá sản, Tạp chí Pháp luật và Doanh nghiệp số 2 (239)
2,3,4 Lê Tài Triển, Nguyễn Vạng Thọ và Nguyễn Tân (1973), Luật Thương mại Việt Nam dẫn giải, Quyển II, nhóm nghiên cứu và dự hoạch, Sài Gòn.
5 Ngô Huy Cương (2015), Bình luận các quy định về pháp nhân trong dự thảo BLDS (sửa đổi), Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Số chuyên đề sửa đổi, bổ sung BLDS, NXB Tư pháp.
6 Phạm Duy Nghĩa (2004), Chuyên khảo Luật Kinh tế (Chương trình sau đại học), NXB ĐHQG Hà Nội.
7 Đặng Văn Huy (2018), Hoàn thiện chế định quản tài viên trong Luật Phá sản, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 20/2018.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Luật Thương mại Trung phần 1942
- Bộ Luật Thương mại Việt Nam Cộng hòa 1972
- Luật Phá sản doanh nghiệp 1993
- Luật Phá sản 2004
- Luật Phá sản 2014
THE ENTITY MANAGEMENT AND ASSET LIQUIDATION ACCORDING TO VIETNAM’S LAW ON BANKRUPTCY
Master. NGUYEN THI THANH NGOC
Faculty of Law, Da Lat University
ABSTRACT:
Over the different periods, the regulations on the entity management model and asset liquidation during bankruptcy settlement process in Vietnamese law have changed significantly. Especially, in this current period, this issue has become increasingly important and received much attention. This study generally introduces the entity management and the asset liquidation models which were recognized in Vietnamese law.
Keywords: The entity managing, liquidation of bankruptcy assets, asset management officer, bankrupt.