Tổng mức bán lẻ 5 tháng đầu năm tăng hơn 12%, kỳ vọng thị trường trong nước dần phục hồi

Bộ Công Thương đánh giá, tại thị trường trong nước, mặc dù sức mua phục hồi chậm, sản xuất gặp khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, tuy nhiên đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong 5 tháng đầu năm nay.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng cao

Theo Bộ Công Thương, tại thị trường trong nước, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây.

giá lương thực thực phẩm thị trường trong nước giữ ổn định
Trong tháng 5, giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm, rau củ nhìn chung có xu hướng ổn định nhờ nguồn cung dồi dào.

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.993,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; may mặc tăng 11,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 1,9%.

Tính theo địa phương, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Bắc Ninh tăng 19,6%; Bình Định tăng 14,8%; Bình Dương tăng 13,8%; Thanh Hóa tăng 12,1%; Hải Phòng tăng 10,6%; Quảng Ninh tăng 9,9%; Cần Thơ tăng 9,8%; Đồng Nai tăng 8,7%; Hà Nội tăng 7,9%; Đà Nẵng tăng 6,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,1%.

Do thời tiết đang vào mùa nắng nóng, nhu cầu các mặt hàng đồ gia dụng làm mát tăng, mức sử dụng điện, nước sinh hoạt cũng tăng. Bên cạnh đó, giá điện mới được điều chỉnh tăng 3% kể từ ngày 4/5/2023 có thể tác động đến giá một số mặt hàng sử dụng nhiều điện để phục vụ sản xuất như thép, xi măng, giấy,… trong thời gian tới.

Mặt khác, trong tháng 5, giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm, rau củ nhìn chung có xu hướng ổn định nhờ nguồn cung dồi dào. Riêng giá thịt lợn, đường, có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu tăng. Giá nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng có xu hướng tăng, giảm đan xen do chịu ảnh hưởng của giá thế giới.

Kỳ vọng thị trường trong nước hồi phục

Tại thị trường trong nước, “sức mua hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Các chính sách hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, giảm thuế, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp đi vào thực thi nhưng sẽ có những độ trễ nhất định. Sự hồi phục chậm của thị trường bất động sản, giải ngân vốn đầu tư thấp sẽ tác động đến tiêu thụ của một số ngành sản xuất có liên quan.” - Bộ Công Thương đánh giá.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương nhận định vẫn có những dấu hiệu tích cực. Cụ thể, một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo, một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan và lạm phát tại các nước châu Âu trong tháng 5 đã giảm xuống,…

Các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước đã phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất; việc thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đã được Thủ tưởng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương,…

Đồng thời, chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần qua các tháng; nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng,… Đây là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.

Tập trung phát triển thị trường trong nước

Nhằm phát triển thị trường trong nước thời gian tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương theo dõi diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện hoặc đề xuất lên Chính phủ các biện pháp để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước, ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá.

Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước

Về tình hình quản lý, phân phối bán lẻ xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương thông tin, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 được phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (39 thương nhân) thực hiện tổng cộng là 27.343.517 m3/tấn xăng dầu các loại (xăng dầu mặt đất: bao gồm xăng, diesel, dầu mazut, dầu hỏa: 26.055.478 m3/tấn; nhiên liệu hàng không: bao gồm Jet A1, xăng tàu bay: 1.288.039 m3).

Cụ thể: Xăng: 11.025.220 m3; Diesel: 14.549.048 m3; Mazut: 430.912 tấn; Dầu hỏa: 50.298 m3; Jet A1: 1.288.000 m3; Xăng tàu bay: 39 m3.

Tại Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, năm 2023, Công ty TNHH lọc hoá dầu Nghi Sơn dự kiến sản xuất 5,860 triệu tấn xăng dầu các loại, trong đó tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 5,760 triệu tấn. Nhìn chung, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu đang bám sát kế hoạch thực hiện, 5 tháng đầu năm nguồn cung được đảm bảo.

Huyền My