Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của công dân

Thạc sĩ Luật học NGUYỄN THỊ THẢO1 - Thạc sĩ Luật học DƯƠNG VĂN QUÝ2 ((1), (2) Giảng viên Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tỉnh Đắk Lắk)

TÓM TẮT:

Trên cơ sở trình bày nội dung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của công dân, bài viết phân tích, đánh giá những hạn chế của quy định pháp luật về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của công dân, từ đó, đưa ra những kiến nghị góp phần hoàn thiện vấn đề này ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: trách nhiệm bảo vệ của Nhà nước, quyền tiếp cận thông tin, công dân Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Quyền tiếp cận thông tin (TCTT) của công dân là điều kiện thực hiện và bảo vệ quyền con người, quyền công dân khác, đây là minh chứng cho trình độ phát triển của nhà nước pháp quyền([1]), cho nên bảo vệ quyền TCTT của công dân là tất yếu. Trong đó, với những ưu thế đặc biệt quan trọng của mình([2]), Nhà nước là chủ thể bảo vệ quyền công dân có hiệu quả nhất hiện nay. Vì vậy, nhận thức và thực hiện trách nhiệm của Nhà nước về bảo vệ quyền TCTT của công dân là một công việc hết sức quan trọng và cần thiết ở Việt Nam hiện nay.

2. Nội dung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền TCTT của công dân

Nhà nước có trách nhiệm công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân([3]), trong đó có quyền TCTT của công dân. Do vậy, muốn làm rõ nội dung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền TCTT của công dân, trước hết cần phân biệt trách nhiệm bảo vệ với trách nhiệm công nhận, trách nhiệm tôn trọng và trách nhiệm bảo đảm của Nhà nước.

Thứ nhất, phân biệt trách nhiệm bảo vệ và trách nhiệm công nhận: Theo Từ điển Tiếng Việt: công nhận là “Nhận trước mọi người là hợp với sự thật, với lẽ phải hoặc với thể lệ, luật pháp([4]), cho nên có thể hiểu, trách nhiệm công nhận là việc Nhà nước phải quy định quyền TCTT của công dân ở trong pháp luật, bởi đó là quyền tự nhiên của mọi người và đã được pháp luật quốc tế ghi nhận; bảo vệ là “Chống lại mọi sự xâm phạm để giữ cho luôn luôn được nguyên vẹn([5]), theo đó, nội dung của trách nhiệm bảo vệ của Nhà nước gồm hai hoạt động: một là, chống lại các hành vi xâm phạm; hai là, giữ gìn cho luôn được nguyên vẹn. Như vậy, mặc dù là hai nội dung trách nhiệm công nhận và trách nhiệm bảo vệ là khác nhau, nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, trách nhiệm công nhận phải được thực hiện trước và trách nhiệm bảo vệ được thực hiện sau. Bởi chỉ khi Nhà nước ghi nhận quyền TCTT là của công dân thì Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền TCTT của công dân.

Thứ hai, phân biệt trách nhiệm tôn trọng và trách nhiệm bảo vệ. Tôn trọng là không được xúc phạm hoặc vi phạm đến([6]). Trách nhiệm này đòi hỏi các nhà nước phải kiềm chế không can thiệp, kể cả trực tiếp hoặc gián tiếp tới quyền TCTT của công dân đã được ghi nhận trong pháp luật. Như vậy, trách nhiệm tôn trọng đặt ra nhà nước không xâm hại quyền TCTT của công dân, còn trách nhiệm bảo vệ là trách nhiệm ngăn chặn sự vi phạm từ bên thứ ba. Bản thân nhà nước phải thực hiện hiệu quả việc không được xâm phạm tới quyền TCTT của công dân trước, rồi mới ngăn chặn sự vi phạm của bên thứ ba, nhà nước phải chủ động đưa ra những biện pháp và xây dựng các cơ chế phòng ngừa, xử lý những hành vi vi phạm.  

Thứ ba, phân biệt trách nhiệm bảo đảm và trách nhiệm bảo vệ. Bảo đảm là “làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được hoặc có đầy đủ những gì cần thiết”, hoặc là “hứa chịu trách nhiệm về điều gì”([7]. Bảo đảm là điều kiện cần phải có để thực hiện một điều gì, công việc gì. Như vậy, trách nhiệm bảo đảm và trách nhiệm bảo vệ là hai vấn đề khác nhau nhưng có nội dung tiếp giáp nhau và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong điều kiện hiện nay, quyền con người nói chung và quyền TCTT của công dân nói riêng, Nhà nước không chỉ đơn thuần có trách nhiệm ghi nhận, không xâm phạm, chống lại sự xâm phạm từ chủ thể khác mà Nhà nước còn phải có trách nhiệm đưa ra những kế hoạch, chương trình cụ thể để làm cho mọi công dân được hưởng thụ đến mức cao nhất có thể quyền TCTT của mình.

Từ những phân tích trên, nội dung trách nhiệm bảo vệ quyền TCTT của công dân là việc Nhà nước thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn sự vi phạm quyền TCTT từ bên thứ ba, xây dựng những cơ chế phòng ngừa, xử lý những hành vi vi phạm, tạo ra phương thức, công cụ để bảo vệ quyền TCTT của công dân khi quyền bị xâm phạm.

Thứ nhất, Nhà nước thành lập thiết chế thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền TCTT của công dân. Bộ máy nhà nước bao gồm nhiều cơ quan nhà nước khác nhau, để tạo sự chính danh, hiệu quả cũng như xác định rõ trách nhiệm thì nhà nước giao cho những cơ quan nhất định để bảo vệ quyền TCTT của công dân. Trách nhiệm bảo vệ quyền TCTT của công dân được Hiến pháp năm 2013 quy định cho Chính phủ (khoản 6 Điều 96), Tòa án Nhân dân (khoản 3 Điều 103) và Viện Kiểm sát Nhân dân (khoản 3 Điều 107). Đây là những quy định quan trọng có ý nghĩa ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước này trong việc bảo vệ các quyền công dân, trong đó có quyền TCTT của công dân trong thực tế. Các cơ quan nhà nước này thông qua các quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có liên quan để bảo vệ quyền TCTT của công dân.

Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định đến “cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định” (khoản 2 Điều 119). Đây là tiền đề để bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở cấp cao nhất, bởi xét đến cùng, bảo vệ Hiến pháp chính là bảo vệ các quyền hiến định([8]). Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế bảo vệ Hiến pháp chưa được luật quy định cụ thể. Cho nên, hiện nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp.

Thứ hai, Nhà nước quy định các biện pháp pháp lý phòng ngừa, xử lý vi phạm các hành vi xâm hại quyền TCTT của công dân.

- Điều 14 Luật TCTT năm 2016 quy định các biện pháp mà người yêu cầu cung cấp thông tin được quyền chủ động bảo vệ quyền TCTT của mình, đó là:“1. Người yêu cầu cung cấp thông tin có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại Điều 9 của Luật này. 2. Công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin. 3. Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong việc tiếp cận thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính”. Khiếu nại, khởi kiện và tố cáo là các cách thức bảo vệ quyền TCTT của công dân, thể hiện việc công dân được chủ động thực hiện yêu cầu của mình, các cách thức bảo vệ này cũng phù hợp với hầu hết các quốc gia trên thế giới([9]). Các cơ chế bảo vệ này có ưu điểm nữa là không làm phát sinh thêm cơ sở vật chất, con người,… vì là những cơ chế sẵn có hiện nay ở Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan nhà nước, người cung cấp thông tin được nhìn nhận, đánh giá lại những quyết định, hành vi của mình và kịp thời khắc phục những sai lầm, thiếu sót nếu có để bảo vệ hiệu quả nhất quyền TCTT của công dân, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả cung cấp thông tin trong tương lai.

- Điểm đ khoản 1 Điều 35 Luật TCTT năm 2016 quy định các biện pháp bảo vệ quyền TCTT của công dân chủ động từ phía cơ quan nhà nước, cụ thể: “Thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật, xử lý vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin”. Đây là hoạt động thanh tra hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ quyền TCTT của công dân.Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan hành chính, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Điều 15 quy định về xử lý vi phạm về TCTT của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm từ bên thứ ba, cũng như bảo vệ quyền TCTT của công dân từ sự vi phạm tương tự khác, là: 1. Người nào có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về TCTT thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 2. Người cung cấp thông tin có một trong các hành vi quy định tại Điều 11 của Luật này mà gây thiệt hại thì cơ quan nhà nước cung cấp thông tin phải bồi thường thiệt hại, cá nhân có hành vi vi phạm có trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.3. Người thực hiện quyền TCTT sử dụng thông tin được cung cấp gây ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”. Xử lý kịp thời, khách quan, công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền TCTT của công dân là phương thức bảo vệ quyền TCTT của công dân rất hiệu quả, phòng ngừa những hành vi tương tự khác.

3. Hạn chế của pháp luật về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của công dân

Thứ nhất, quy định cơ quan bảo vệ quyền TCTT là cơ quan cung cấp thông tin là chưa phù hợp.

Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo Luật TCTT năm 2016 điều chỉnh mối quan hệ về TCTT giữa Nhà nước và công dân, do đó, Luật TCTT năm 2016 quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ cơ quan hành pháp, tư pháp đến cơ quan lập pháp cung cấp thông tin cho công dân, trong đó có Chính phủ, Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân. Với bản chất là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, nên việc quy định tất cả các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin là hợp lý. Tuy nhiên, Chính phủ, Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân vừa đồng thời là cơ quan cung cấp thông tin lại vừa đồng thời là cơ quan bảo vệ quyền TCTT sẽ xảy ra hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong thực hiện nhiệm vụ. Điều này ảnh hưởng tới tính khách quan trong việc bảo vệ quyền TCTT của công dân từ chính các cơ quan nhà nước trên.

Thứ hai, thẩm quyền giải quyết các thủ tục khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trên hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu bảo vệ quyền TCTT từ phía công dân.

- Đối với quyền khiếu nại, tố cáo: Theo quy định của pháp luật về khiếu nại hiện nay, công dân có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, thủ trưởng cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó, khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình([10]). Nhưng chỉ có quyết định hành chính và hành vi hành chính của cá nhân mới thuộc thẩm quyền giải quyết khiếu nại([11]). Trong khi trách nhiệm cung cấp thông tin là thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước, còn cá nhân chỉ là người làm đầu mối cung cấp thông tin([12]) hoặc nếu quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại do người đứng đầu cơ quan nhà nước thực hiện thì người đứng đầu cơ quan nhà nước thực hiện là nhân danh cơ quan nhà nước, chứ không nhân danh chính mình. Cho nên, với quy định hiện nay thì công dân chưa có đủ cơ sở pháp lý vững chắc để khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước. Tương tự, theo quy định của pháp luật về tố cáo, Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực([13]), theo đó, công dân cũng có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về TCTT của cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền, nhưng cũng chỉ có hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân trong cơ quan nhà nước mới thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo([14]).

- Đối với quyền khởi kiện: “Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi chung là danh sách cử tri). Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện”([15]). Theo đó, quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, cá nhân trong cơ quan nhà nước có thể là đối tượng khởi kiện của công dân nếu nó ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp về TCTT của công dân. Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện([16]). Theo đó, Tòa án cấp huyện sẽ không có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Tòa án nhân dân cấp huyện, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện và của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp huyện hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước đó. Đối với Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: “1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính. 2. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính. 3. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó. 4. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án. 5. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”([17]). Như vậy, không có cơ sở pháp lý để công dân khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Tòa án nhân dân cấp huyện, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện và của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp huyện hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước đó.

Thứ ba, cơ sở pháp lý xử lý vi phạm chưa rõ ràng và đầy đủ.

- Hành vi vi phạm pháp luật về TCTT là căn cứ quan trọng nhất để xác định một hiện tượng là vi phạm pháp luật, từ đó, có căn cứ để xử lý vi phạm. Để xử lý vi phạm pháp luật được khách quan, công bằng, nghiêm minh thì chủ thể có thẩm quyền phải xác định được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Hành vi là xử sự của con người trong một điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, cho nên hành vi phải được xác định rõ ràng, cụ thể. Hành vi cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước, người cung cấp thông tin là một hành vi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những chủ thể đó. Chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin thì phải thực hiện việc cung cấp thông tin đúng, đầy đủ, đó là trách nhiệm phải thực hiện. Cho nên, việc nhận biết thông tin là chính xác hay đầy đủ là trách nhiệm mà người cung cấp phải nhận thức được. Thông tin mà chủ thể có trách nhiệm cung cấp là chủ thể phải có khả năng nhận thức được là chính xác hay không chính xác, đầy đủ hay không đầy đủ. Vì vậy, việc quy định hành vi lỗi “cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin”([18]) là không cần thiết và thừa trong đánh giá hành vi vi phạm quyền TCTT của công dân. Pháp luật hiện hành hiện có nhiều quy định không căn cứ vào yếu tố lỗi để xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước, ví dụ: quy định pháp luật hiện hành không đặt ra yếu tố lỗi của hành vi để xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, đó là: “Điều 6. Các hành vi bị xử lý kỷ luật: 1. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật. 2. Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau: a) Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. b) Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. c) Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. c) Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác([19]) và tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra([20]).

+ Hành vi kịp thời hay trì hoãn việc cung cấp thông tin chưa được xác định rõ ràng, thống nhất trong Luật TCTT năm 2016. Mặc dù Luật TCTT năm 2016 đã quy định cụ thể về thời hạn phải công khai thông tin là “Thời điểm công khai thông tin đối với từng lĩnh vực được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp pháp luật chưa có quy định thì chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày tạo ra thông tin, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải công khai thông tin”([21]), nhưng thời hạn để xử lý thông tin công khai không chính xác lại chưa rõ ràng, cụ thể. Việc xử lý thông tin công khai không chính xác được thực hiện như sau:1. Trường hợp phát hiện thông tin do mình tạo ra và đã được công khai không chính xác thì cơ quan đó có trách nhiệm kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính. 2. Trường hợp phát hiện thông tin do cơ quan khác tạo ra nhưng do mình công khai không chính xác thì cơ quan đã công khai thông tin có trách nhiệm kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính. 3. Trường hợp phát hiện thông tin do mình tạo ra nhưng được cơ quan khác công khai không chính xác thì cơ quan tạo ra thông tin có trách nhiệm yêu cầu cơ quan đã công khai thông tin kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính. 4. Trường hợp công dân cho rằng thông tin công khai không chính xác thì kiến nghị với cơ quan đã công khai thông tin đó. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan đó có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của thông tin và trả lời cho công dân; trường hợp xác định thông tin công khai không chính xác thì phải kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính. 5. Thông tin công khai không chính xác bằng hình thức nào thì phải được đính chính bằng hình thức đó([22]). Theo quy định này thì việc “kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính” không quy định cụ thể thời hạn phải đính chính là khi nào, việc “kịp thời” phải được thực hiện vào thời điểm nào của cơ quan nhà nước không được xác định rõ ràng. Khi thực hiện quy định này có thể dẫn tới việc trì hoãn việc cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước, nhưng chủ thể có thẩm quyền sẽ không có cơ sở để xử lý vi phạm trong trường hợp này.

- Một quy định dẫu có giá trị đến đâu cũng trở thành vô nghĩa nếu không đặt ra chế tài phù hợp dành cho nó([23]). Luật TCTT năm 2016 quy định cơ quan nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân. Nhưng Luật TCTT năm 2016 lại không có các quy định chế tài nào đối với cơ quan nhà nước để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ đó. Việc không quy định chế tài của cơ quan nhà nước sẽ dẫn đến việc cơ quan nhà nước xem nhẹ nghĩa vụ thực hiện của mình và không có cơ sở pháp lý để áp dụng hậu quả pháp lý bất lợi khi cơ quan nhà nước vi phạm quyền TCTT của công dân.

4. Kiến nghị

Thứ nhất, bài viết ủng hộ các thiết chế bảo vệ quyền TCTT của công dân Việt Nam hiện nay, bởi vì ở Việt Nam có một Đảng Cộng sản lãnh đạo duy nhất, có một hệ thống cơ quan nhà nước, có một hệ thống pháp luật,… và tất cả đều có chung một sự thống nhất là ở Việt Nam thì Nhân dân làm chủ. Nếu tất cả các thiết chế đó đều hoạt động hiệu quả, lấy mục tiêu và động lực vì Nhân dân thì việc bảo vệ quyền công dân nói chung hay quyền TCTT của công dân nói riêng sẽ có hiệu quả cao nhất trên thực tế. Tuy nhiên, các thiết chế này đều mang tính phi tập trung và không chuyên trách, không có thiết chế nào có tính chất, chức năng là bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở vị trí hàng đầu. Nhà nước Việt Nam được tổ chức và hoạt động dựa trên nguyên tắc phân công nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, chính danh, cho nên cần thiết có một thế chế chuyên trách bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thiết chế này nên được xây dựng dựa trên cơ chế bảo vệ Hiến pháp, bởi nó đã có cơ sở pháp lý rất vững chắc là Hiến pháp năm 2013 đã giao cho luật định.

Thứ hai, pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính cần bổ sung thẩm quyền giải quyết đối với vi phạm pháp luật về TCTT của cơ quan nhà nước. Bởi trong mối quan hệ pháp luật về thực hiện quyền TCTT của công dân thì cơ quan nhà nước là chủ thể có nghĩa vụ để bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân. Trong đó, nghĩa vụ pháp lý của cơ quan nhà nước bao gồm việc phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi nếu có sử sự không đúng với những quy định của pháp luật.

Thứ ba, Luật TCTT năm 2016 nên bỏ yêu cầu lỗi “Cố ý cung cấp thông tin...” và giải thích rõ, thống nhất thuật ngữ “trì hoãn” được quy định tại khoản 1 Điều 11.

Thứ tư, Luật TCTT năm 2016 cần bổ sung quy định chế tài đối với cơ quan nhà nước khi vi phạm quyền TCTT của công dân, cụ thể đó là các chế tài về hành chính và chế tài dân sự.

5. Kết luận

Bảo vệ quyền TCTT của công dân là hoạt động có nội dung rộng lớn, phong phú, đa dạng, liên quan đến trách nhiệm của nhiều chủ thể. Cho nên, ngoài việc nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trách nhiệm bảo vệ quyền TCTT của công dân từ phía Nhà nước, thì cần huy động sự tham gia bảo vệ quyền TCTT của công dân từ các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, của mọi cá nhân, cả cộng đồng và đây cũng là những nội dung nghiên cứu tiếp theo trong thời gian tới.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

(1) Thái Thị Tuyết Dung (2015). “Hoàn thiện các biện pháp pháp lý bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo Hiến pháp năm 2013”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (số 11), tr.48.

(2) Xem thêm, Trường Đại học Luật Hà Nội (2020). Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp, Hà Nội, tr.151 - tr.152.

(3) Điều 3 Hiến pháp năm 2013.

(4) Viện Ngôn ngữ học (2016). Từ điển Tiếng Việt, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.263.

(5) Viện Ngôn ngữ học (2016). Từ điển Tiếng Việt, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.49.

(6) Viện Ngôn ngữ học (2016). Từ điển Tiếng Việt, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.1282.

(7) Viện Ngôn ngữ học (2016). Từ điển Tiếng Việt, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.48.

(8) Vũ Công Giao, Nguyễn Minh Tâm (2015). “Quyền công dân và cơ chế bảo vệ quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (11), tr.15.

(9) Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (2016). Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, Số chuyên đề Dự án Luật Tiếp cận thông tin, NXB Tư pháp, Hà Nội, tr.168, 169.

(10) Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011.

(11) Mục 1 Chương III Luật Khiếu nại năm 2011.

(12) Khoản 4 Điều 33 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

(13) Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018.

(14) Mục 1 Chương III Luật Tố cáo năm 2018.

(15) Khoản 8, 9 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

(16) Khoản 1 Điều 31 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

(17) Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 31 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

(18) Khoản 1 Điều 11 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

(19) Điều 6 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ quy định về xử lý kỉ luật cán bộ, công chức, viên chức.

(20) Điểm b Khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

(21) Khoản 4 Điều 18 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

(22) Điều 22 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

(23) http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/210579/Nguyen-tac--quyen-yeu-cau-toa-an-bao-ve-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-duong-su-.html, truy cập ngày 05/01/2021.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013.
  2. Quốc hội (2011). Luật Khiếu nại.
  3. Quốc hội (2012). Luật Xử lý vi phạm hành chính.
  4. Quốc hội (2015). Luật Tố tụng Hành chính.
  5. Quốc hội (2016). Luật Tiếp cận thông tin.
  6. Quốc hội (2018). Luật Tố cáo.
  7. Chính phủ (2020). Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 quy định về xử lý kỉ luật cán bộ, công chức, viên chức.
  8. Viện Ngôn ngữ học, (2016), Từ điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức, Hà Nội.

 The responsibility to protect of the state in protecting the right to access information of citizen

LLM. Nguyen Thi Thao1

LLM. Duong Van Quy1

1Lecturer, Hanoi Law University - Dak Lak Province Campus

Abstract:

By presenting the content of the responsibility to protect of the state in protecting the right to access information of citizens, this paper analyzes and evaluates the shortcomings of current regulations on the responsibility of the state in protecting the right to access information of citizens. Based on the paper’s findings, some recommendations are made in order to improve the effectiveness of these regulations.

Keywords: responsibility to protect of the state, the right to access information, Vietnamese citizens.

 [Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2022]