Tự chủ tài chính đại học công lập: vấn đề tài chính đối với người học

TS. VÕ ĐỨC TOÀN (Trường Đại học Sài Gòn)

TÓM TẮT:

Tự chủ tài chính có thể giúp các trường đại học công lập tăng nguồn thu, từ đó trang bị cơ sở vật chất tốt hơn, nâng cao chất lượng đào tạo và đời sống viên chức, người lao động; đồng thời giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, nên đây sẽ là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, tự chủ tài chính sẽ gây không ít khó khăn cho người học khi học phí tăng cao có thể vượt quá khả năng chi trả của người học, do đó đòi hỏi cần có sự hỗ trợ về nguồn tài chính từ Chính phủ và các cơ quan hữu quan đối với người học. Cụ thể, cần có chính sách tín dụng hợp lý, trang bị cơ sở vật chất và cấp nguồn vốn cho các trường đại học công lập trước khi chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích về tự chủ tài chính đại học công lập, trong đó có vấn đề tài chính đối với người học để tìm ra các giải pháp hỗ trợ người học tốt hơn, mang lại nhiều hiệu quả hơn.

Từ khóa: người học, tự chủ tài chính, trường đại học công lập, chất lượng đào tạo.

1. Đặt vấn đề

Tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập là điều tất yếu. Tuy nhiên, vấn đề là lộ trình, học phí, cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo. Khi các trường đại học công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, vấn đề đầu tiên là tăng học phí. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến người học, khi thu nhập của đa số người dân vẫn còn ở mức thấp trong khi chính sách tín dụng đối với người học vẫn chưa thật sự phù hợp. Trước thực trạng đó, tác giả muốn bàn luận một vài thông tin thông qua bài viết “Tự chủ tài chính đại học công lập: Vấn đề tài chính đối với người học”, nhằm thể hiện quan điểm của mình theo góc độ người học.

2. Vấn đề tài chính đối với người học khi các trường công lập tự chủ tài chính

2.1. Học phí tại một số trường đã tự chủ hoặc chuẩn bị đề án tự chủ tài chính

Bảng 1. Học phí tại một số trường đã tự chủ
hoặc chuẩn bị đề án tự chủ tài chính

Đơn vị tính: triệu đồng

tự chủ tài chính

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ một số trường đại học

Theo tìm hiểu của tác giả, các trường công lập chưa tự chủ tài chính có mức học phí trung bình 1 năm khoảng 9.000.000 đồng đến 11.000.000 đồng/năm. Với số liệu ở Bảng 1 và tìm hiểu của tác giả, học phí đại học hệ đại trà bình quân khi các trường đại học tự chủ tài chính dao động từ 19.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng/năm, như vậy học phí sẽ tăng hơn 2 lần so với chưa tự chủ tài chính. Đây là một vấn đề đáng quan tâm đối với đại đa số người dân có thu nhập thấp, hộ nghèo và cận nghèo.

Bảng 2. Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập
chưa tự chủ tài chính

Đơn vị tính: Nghìn đồng/sinh viên/tháng

tự chủ tài chính

Nguồn: Nghị định số 81/2021/NĐ-CP

Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên với mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí tại Bảng 2 tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí tại Bảng 2 tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

Như vậy với quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, trong giai đoạn 2022 - 2026, các trường đại học tự chủ tài chính có mức học phí tối đa dao động từ 3.000.000 đồng/tháng đến 8.750.000 đồng/tháng, mức học phí này có thể cao hơn thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam. Ngoài ra, theo quy định, mức học phí các trường có thể tăng hàng năm là 10% - 15%.

- Khảo sát chi phí học tập của người học: Tác giả đã tiến hành khảo sát chi phí sinh sống và học tập của 383 sinh viên Khoa Tài chính Kế toán, Trường Đại học Sài Gòn cho thấy, chi phí sinh sống và học tập tại TP. Hồ Chí Minh dao động từ 3.000.000 đồng - 5.500.000 đồng/sinh viên/tháng (chưa bao gồm học phí đại học). Thời điểm khảo sát là tháng 5/2022.

2.2. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam

Nếu ước tính mức tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 2022 - 2026 là 7%/năm và giả sử thu nhập của người dân cũng tăng bằng mức tăng trưởng GDP, tác giả tính toán thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2022 - 2026 như Bảng 4.

Bảng 3. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam10 năm gần nhất

tự chủ tài chính

Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả

Bảng 4. Ước tính thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam 2022 - 2026

tự chủ tài chính

Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả

Bảng 3 và 4 cho thấy thu nhập bình quân đầu người từ năm 2022 sẽ không đủ chi trả nếu học tại các trường đại học tự chủ tài chính. Năm 2022, ước tính thu nhập bình quân đầu người là 6.262.855 đồng/tháng, nếu học đại học tại TP. Hồ Chí Minh thì chi phí sinh hoạt trung bình là 4.250.000 đồng/người/tháng, số tiền còn lại là 2.012.855 đồng/tháng không đủ để đóng học phí tại các trường đại học tự chủ tài chính, vì mức học phí có thể giao động từ 3.000.000 đồng đến 8.750.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chi phí học tập của người học chủ yếu do gia đình chu cấp. Vì vậy, khi các trường công lập chuyển sang cơ chế tự chủ mà chưa có chính sách tín dụng hợp lý sẽ gây khó khăn cho người học và gia đình.

Theo thông cáo báo chí về Kết quả khảo sát mức sống người dân năm 2021, thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng chia theo thành thị, nông thôn từ 2012-2021 như Bảng 5

Bảng 5. Thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng chia
theo thành thị nông thôn ở Việt Nam từ năm 2010 - 2021

Đơn vị tính: 1.000 đồng

tự chủ tài chính

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bảng 5 cho thấy mức sống người dân năm 2021 thấp hơn nhiều so với tính toán của tác giả.

2.3. Chính sách tín dụng của nhà nước đối với người học

Theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg: Mức vốn cho vay tối đa là 800.000 đồng/tháng/sinh viên. Đến năm 2019, theo Quyết định số 1656/2019/QĐ-TTg, mức cho vay tăng lên 2.500.000 đồng tháng. Đến ngày 23/3/2022, theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg, mức cho vay được tăng lên 4.000.000 đồng/tháng, áp dụng chính thức từ ngày 19/5/2022.

Theo đó, đối tượng được vay vốn là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm:

(1) Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ, nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

(2) Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

(3). Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Phương thức cho vay: Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, được trực tiếp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhà trường đóng trụ sở.

Thời hạn trả nợ: Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay, đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay.

Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên là 0,5%/tháng hay 6%/năm. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Học sinh, sinh viên phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học.

2.4. Vấn đề tài chính đối với người học

Qua những dữ liệu thu thập và tính toán cho thấy có một số vấn đề về tài chính đã ảnh hưởng đến người học, đặc biệt là các học sinh, sinh viên thuộc gia đình nghèo, cận nghèo và thu nhập thấp, cụ thể:

Thu nhập bình quân vẫn còn ở mức thấp so với chi phí học tập. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đều tăng qua các năm, tuy nhiên tỷ lệ tăng bình quân từ 2013 - 2021 chỉ là 6,89%/năm và mức thu nhập vẫn còn ở mức thấp so với chi phí học tập, đặc biệt là sinh viên học tại các trường đại học ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Theo quy định, mức học phí các trường có thể tăng hàng năm là 10% - 15%, cao hơn mức tăng thu nhập bình quân đầu người. Thêm vào đó, lạm phát hàng năm cũng làm tăng chi phí sinh hoạt của người học. Vì vậy, người học sẽ thêm khó khăn khi Chính phủ chưa có các chính sách hợp lý hơn đối với các trường công lập tự chủ tài chính.

Đối tượng được vay vốn chưa được mở rộng. Theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, chỉ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam mới được vay vốn. Trong khi đó, những hộ gia đình có mức thu nhập bằng với thu nhập bình quân đầu người sẽ khó đủ khả năng tài chính để cho con theo học tại các trường đại học tự chủ tài chính.

Mức cho vay đối với người học vẫn còn thấp và chưa linh hoạt. Theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg, mức cho vay tối đa 4.000.000 đồng/tháng. Như vậy, những sinh viên chọn học ngành có học phí cao (như ngành Y-Dược) tại các trường tự chủ tài chính sẽ khó đảm bảo khả năng chi trả trong quá trình học tập, làm hạn chế khả năng học tập của người học. Vì vậy, nên nghiên cứu xem xét cho người học vay theo tỷ lệ trên học phí.

Phương thức cho vay chưa thật sự tạo áp lực cho người học cố gắng. Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ ngân hàng. Sinh viên đại học đa số đã có đủ năng lực hành vi dân sự. Vì vậy, cho sinh viên tự vay và tự chịu trách nhiệm trả nợ sẽ tăng động lực học tập và cố gắng đi làm ngay khi ra trường.

Lãi suất cho vay hiện nay vẫn còn cao. Theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, lãi suất cho vay là 0,5%/tháng (6%/năm). Tuy nhiên hiện nay, lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội là 0,55%/tháng (6,6%/năm), trong khi cho vay nhà ở xã hộicó lãi suất 0,4%/tháng (4,8%/năm) và lãi suất huy động hiện nay 5,5%/năm. Do đó, cần xem xét giảm mức lãi suất cho vay đối với người học, người học nên được vay lãi suất thấp nhất.

Trả nợ gốc và lãi tiền vay chưa linh hoạt. Học sinh, sinh viên phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi có việc làm, có thu nhập, nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học. Quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho người học, vì người học khi kết thúc khóa học có thể phải mất một vài tháng mới có việc làm, khi có việc làm nhưng chưa chắc đã đủ thu nhập để trang trải cuộc sống, trong khi phải trả nợ gốc và lãi.

3. Các khuyến nghị

Thứ nhất, về việc thu nhập bình quân vẫn còn ở mức thấp so với chi phí học tập: Chính phủ, cơ quan chủ quản các trường đại học công lập nên đầu tư cơ sở vật chất và cấp một mức vốn ban đầu đủ lớn cho các trường trước khi chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính. Như vậy sẽ không tạo ra cú sốc học phí đối với người học, đồng thời giúp các trường an tâm hơn khi chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính. Từ đó, giúp các trường tự chủ tài chính thành công, đồng thời nâng cao được chất lượng đào tạo.

Thứ hai, về vấn đề đối tượng được vay vốn: Chính phủ cần xem xét mở rộng đối tượng vay vốn, trước hết là những hộ gia đình có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Về lâu dài, tất cả sinh viên đều được vay vốn học tập, không phân biệt có khó khăn hay không.

Thứ ba, về vấn đề mức cho vay: Chính phủ nên xem xét tính mức vay vốn dựa trên học phí trung bình của các trường đại học tự chủ tài chính và trường đại học dân lập,  cộng với chi phí học tập trung bình của người học, có tính hệ số đối với người học ở những thành phố lớn chi phí sinh hoạt cao.

Thứ tư, về phương thức cho vay: Cần xem người học là người đủ lớn để tự chịu trách nhiệm với bản thân mình, nên cho người học tự vay và tự chịu trách nhiệm trả nợ, như vậy người học sẽ tăng động lực học tập và cố gắng đi làm khi ra trường, đồng thời tránh gánh nặng nợ vay cho gia đình người học.

Thứ năm, về lãi suất cho vay: Chính phủ cần xem xét giảm mức lãi suất cho vay đối với người học, với mức nên từ 4,8%/năm đến bằng lãi suất huy động 5,5%/năm.

Thứ sáu, đối với trả nợ gốc và lãi tiền vay: Cần có thêm thời gian tính từ lúc có việc làm hoặc quy định cụ thể lương đến mức nào đó người học mới phải trả nợ gốc và lãi, hoặc chỉ trả lãi, nợ gốc sẽ được hoãn một thời gian đến khi nào có mức lương phù hợp hơn theo quy định.

4. Kết luận

Tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập là xu hướng tất yếu, khi nguồn thu ngân sách nhà nước còn hạn chế. Tuy nhiên, vấn đề lo lắng nhất của người học là khả năng chi trả cho việc học tập, học phí tại các trường chuyển sang tự chủ tài chính chắc chắn sẽ tăng cao, ít nhất phải gấp 2 lần học phí khi chưa tự chủ tài chính. Mặc dù Chính phủ có quy định về việc cho vay đối với người học. Tuy nhiên, không phải tất cả người học đều được vay, mà chỉ có những người học thuộc diện khó khăn mới được vay, điều này làm hạn chế khả năng học tập của người học. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung các quy định liên quan đến hỗ trợ tài chính đối với người học để giúp họ an tâm hơn, nỗ lực hơn trong quá trình học tập và các trường cũng an tâm hơn khi chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vũ Hải Quân (2021). Tự chủ tài chính - Mắt xích trọng yếu của tự chủ đại học. Truy cập tại https://megastory. vnuhcm.edu.vn/tu-chu-tai-chinh-mac-xich-trong-yeu-cua-tu-chu-dai-hoc/
  2. Chính phủ (2007). Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
  3. Chính phủ (2021). Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về việc Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
  4. Chính phủ (2021). Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021, Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
  5. Chính phủ (2022). Quyết định 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/ 2022, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
  6. Tổng cục Thống kê (2020). Niên giám thống kê năm 2020. Hà Nội, NXB Thống kê.
  7. Tổng cục Thống kê (2022). Thông cáo báo chí kết quả khảo sát mức sống dân cư 2021. Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/06/thong-cao-bao-chi-ket-qua-khao-sat-muc-song-dan-cu-2021/
  8. Website Trường đại học Trà Vinh. https://tuyensinh.tvu.edu.vn/vi/news/tin-giao-duc/

FINANCIAL AUTONOMY AT PUBLIC UNIVERSITIES:

FINANCIAL CHALLENGES FOR LEARNERS

Ph.D. VO DUC TOAN

Sai Gon University

ABSTRACT:

Financial autonomy is considered an inevitable trend in the development of higher education sector as it can help public universities increase their revenue in order to not only improve their facilities, training quality, and income of employees and faculties, but also reduce the pressure on the state budget. However, it will cause many difficulties for learners due to the higher tuition fees. As a result, it requires the government and relevant state management agencies to support learners when many public universities have adopted the financial autonomy mechanism. This paper analyzes the financial autonomy mechanism for public universities in Vietnam, and proposes some solutions to better support learners overcome challenges related education costs.

Keywords: learner, financial autonomy, public university, training quality.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2022]