Ứng dụng ma trận swot trong xây dựng và vận hành chính phủ kiến tạo ở Việt Nam hiện nay

PGS. TS. HỒ XUÂN QUANG (Phòng Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Quy Nhơn) - ThS. CAO KỲ NAM (Phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường Đại học Quy Nhơn)

TÓM TẮT:

Việt Nam xây dựng Chính phủ kiến tạo xuất phát từ nhiều yêu cầu, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, cơ hội và cũng không ít khó khăn, thách thức từ nội tại và thực tế khách quan. Qua phân tích bằng ma trận SWOT, những yếu tố này được làm rõ để Chính phủ có thể nhận diện, từ đó, có căn cứ đưa ra giải pháp nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế, thách thức.

Từ khóa: Chính phủ kiến tạo, Chính phủ kiến tạo Việt Nam, ma trận SWOT.

1. Đặt vấn đề

Thuật ngữ “Nhà nước kiến tạo” lần đầu tiên được sử dụng trong tác phẩm “MITI and Japanese miracle: The growth of industrial policy 1925-1975” của Chalmers Ashby Johnson1. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, nhà nước kiến tạo được cho là nằm giữa mô hình nhà nước điều chỉnh và mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung, không làm thay thị trường và cũng không đứng ngoài thị trường. Nhà nước kiến tạo ban hành thể chế và xây dựng bộ máy, phương pháp quản lý để “kiến tạo” môi trường cho các thành phần kinh tế phát triển.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ khi mới ra đời đã tuyên bố là một Chính phủ kháng chiến và kiến quốc, trong đó “kiến quốc” là nhằm thực hiện mục tiêu: “1. Làm cho dân có ăn, 2. Làm cho dân có mặc, 3. Làm cho dân có chỗ ở, 4. Làm cho dân có học hành”2. Các mục tiêu đó đã thể hiện rõ tư tưởng về một nhà nước pháp quyền - dân chủ, hành động - kiến tạo, vì dân - phục vụ, đây chính là những giá trị cốt lõi làm cơ sở, nền tảng định hướng cho quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo (CPKT) hiện nay.

Ở Việt Nam hiện nay, khi sử dụng thuật ngữ “CPKT”, nhiều tác giả thường gắn với cụm từ: hành động, phát triển, hiệu quả, liêm chính, hành động quyết liệt… như để minh họa cho sự đa dạng về nội hàm của khái niệm. Theo Vũ Minh Giang: “Kiến tạo là hành động tạo ra những cơ hội, bớt đi những rào cản cho sự phát triển”3. Còn theo Đặng Viết Đạt thì: “Nhà nước kiến tạo phát triển là cách thức vận hành của nhà nước trong mối tương quan với thị trường, xã hội (cơ chế quản trị nhà nước) nhằm đảm bảo vai trò kiến tạo phát triển của nhà nước trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội; nghĩa là nhà nước chủ động, tích cực tham gia, dẫn dắt, tạo lập, thúc đẩy, khuyến khích thị trường phát triển và giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”4.

Tại diễn đàn Hội nghị cấp cao APEC tháng 11/2017, khi được tham vấn về CPKT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu định nghĩa “CPKT” khái quát như sau: “Trước hết, CPKT chủ động thiết kế chính sách và pháp luật để đất nước ta phát triển, không để rơi vào thế bị động. Nhà nước không làm thay thị trường, cái gì làm tốt thì để nhân dân và để xã hội làm. Chính phủ kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi... CPKT phải nâng cao chất lượng an sinh xã hội để phục vụ người dân tốt nhất, trước hết là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa. CPKT là Chính phủ hành động nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, kỷ luật, kỷ cương và đặc biệt phải thay ngay những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu”5.

Để xây dựng CPKT Việt Nam hiệu quả theo thông điệp của Thủ tướng thì việc phân tích và đánh giá môi trường xã hội liên quan đến những mặt mạnh, yếu, cơ hội và thách thức mà Chính phủ hướng đến là thật sự cần thiết.      

2. Ma trận SWOT và ý nghĩa của việc ứng dụng phân tích xây dựng CPKT ở Việt Nam

Phân tích bằng ma trận SWOT được cho là xuất hiện vào những năm 1960 đến năm 1970 khi Viện Nghiên cứu Standford, Menlo Park, California đã tiến hành một cuộc khảo sát tại hơn 500 công ty có doanh thu cao nhất do Tạp chí Fortune bình chọn, nhằm mục đích tìm ra nguyên nhân vì sao nhiều công ty thất bại trong việc thực hiện kế hoạch. Nhóm nghiên cứu đã sáng tạo ra “Mô hình phân tích SWOT” nhằm tìm hiểu quá trình lập kế hoạch của doanh nghiệp, tìm ra giải pháp giúp các nhà lãnh đạo đồng thuận và tiếp tục thực hiện việc hoạch định, thay đổi cung cách quản lý.

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy: nên bắt đầu bước thứ nhất bằng cách yêu cầu đánh giá ưu điểm và nhược điểm của doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp nên bắt đầu hệ thống này bằng cách tự đặt câu hỏi về những điều “tốt” và “xấu” cho hiện tại và tương lai. Những điều “tốt” ở hiện tại là “những điều hài lòng” (satisfactory), và những điều “tốt” trong tương lai được gọi là “cơ hội” (opportunity); những điều “xấu” ở hiện tại là “Sai lầm” (fault) và những điều “xấu” trong tương lai là “Nguy cơ” (threat). Công thức này được gọi là phân tích SOFT. Đến năm 1964, nhóm nghiên cứu quyết định đổi thành công thức SWOT. Từ đó đến nay, nhiều quốc gia sử dụng ma trận SWOT như một công cụ quan trọng để phân tích đánh giá những vấn đề về chiến lược và phát triển trên 04 mặt: strengths (điểm mạnh/thuận lợi); weaknesses (điểm yếu/hạn chế); opportunities (cơ hội/thời cơ) và threats (thách thức/nguy cơ).

Việc ứng dụng ma trận SWOT cho phép phân tích các thuận lợi có được, các cơ hội, ảnh hưởng, tác động cũng như những hạn chế có tính chủ quan và những trở ngại, thách thức khách quan đối với quá trình xây dựng CPKT ở Việt Nam hiện nay.

3. Phân tích ma trận SWOT trong xây dựng CPKT ở Việt Nam

3.1. Thuận lợi và cơ hội (SO)

3.1.1. Về thuận lợi (S)

Thứ nhất, Việt Nam xây dựng CPKT là sự kế thừa sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nền tảng tư tưởng này đã được Đảng, Nhà nước vận dụng sáng tạo và trở thành lý luận cơ sở dẫn dắt việc xác định mục tiêu, phương pháp trong xây dựng CPKT hiện nay. Bên cạnh đó, xây dựng CPKT ở Việt Nam trong khuôn khổ một đảng duy nhất lãnh đạo, với cơ chế này, đường lối của Đảng được Nhà nước dễ dàng thể chế hóa, từ đó dễ tạo nên sự thống nhất trong việc đề ra và thực hiện các quyết định quản lý, phát huy mọi nguồn lực của xã hội phù hợp với mục tiêu chính trị của Đảng cầm quyền.

Thứ hai, Việt Nam xây dựng CPKT trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực như: “cơ cấu lại nền kinh tế đúng hướng, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng; các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể, nợ công giảm, nợ xấu được kiểm soát. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch tích cực”6; nhiều lĩnh vực của xã hội có bước phát triển, hệ thống chính trị có sự đồng thuận cao; an sinh xã hội được ngày càng được bảo đảm; đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng, an ninh được tăng cường; dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy... đã tạo môi trường cho CPKT hoạt động ngày càng hiệu quả.

Thứ ba, Việt Nam xây dựng CPKT trong bối cảnh cải cách hành chính nhà nước được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, từng bước đi vào chiều sâu với những chuyển biến khá tốt. Thể chế của nền hành chính được cải cách phù hợp với yêu cầu phát huy dân chủ. Thể chế về sở hữu ngày càng hoàn thiện, trong đó khẳng định sự tồn tại khách quan, lâu dài, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các hình thức sở hữu trong nền kinh tế; Thủ tục hành chính, nhất là thủ tục trong giải quyết các công việc dân sự có bước chuyển biến rõ rệt, theo hướng công khai, minh bạch tạo thuận lợi cho công dân. Môi trường kinh doanh trong một số lĩnh vực trọng tâm đã được cải thiện khá tốt; Bộ máy hành chính hoạt động ngày càng hiệu quả, giảm chồng chéo về chức năng, hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính nhà nước được nâng cao. Đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng phát triển về nhiều mặt; Cải cách tài chính công đã đạt được kết quả bước đầu; Công tác quản lý tài chính, ngân sách có chuyển biến rõ rệt.

3.1.2. Về cơ hội (O)

Thứ nhất, Việt Nam xây dựng CPKT trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng. Sự hội nhập đã tạo ra sự chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng công nghệ và quản lý giữa các nước phát triển với Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội nhập quốc tế cũng đã, đang và sẽ tạo cơ hội phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, kinh tế tri thức, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế và xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, phát triển các ngành, lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế… ở Việt Nam.

Thứ hai, hội nhập quốc tế đã giúp quan hệ của Việt Nam và đối tác đi vào chiều sâu, tạo thế đan xen lợi ích, góp phần tạo ra và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ ba, trong xây dựng CPKT, Việt Nam kế thừa và tham chiếu kinh nghiệm từ nhiều quốc gia như: Singapore, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có những thành công trong xây dựng và vận hành CPKT…7

3.2. Khó khăn và thách thức (WT)

3.2.1. Khó khăn (W)

Thứ nhất, trong xây dựng CPKT, với cơ chế nhất nguyên chính trị, nếu quyền lực không được kiểm soát tốt thì dễ dẫn đến xu hướng độc tài, cứng nhắc và quan liêu, xa rời nhân dân. Sự chủ quan, áp đặt và duy ý chí trong đường lối chính trị của đảng cầm quyền có thể xảy ra; tình trạng đảng bao biện, làm thay công việc Nhà nước cũng sẽ hạn chế tính kiến tạo của Chính phủ.

Thứ hai, nền hành chính nhà nước vẫn còn một số hạn chế như: tốc độ cải cách còn chậm, hiệu quả còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới toàn diện; hệ thống thể chế còn thiếu đồng bộ, hạn chế về chất lượng; bộ máy hành chính các cấp vẫn còn cồng kềnh; cơ cấu cán bộ, công chức vẫn còn chưa phù hợp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức (nhất là cấp cơ sở) còn thấp; sự tham gia, đóng góp ý kiến của công dân vào hoạt động của nền hành chính còn ít… Những hạn chế này sẽ làm đáng kể tính hiệu lực và hiệu quả của CPKT.

Thứ ba, Việt Nam xây dựng CPKT trong bối cảnh kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều yếu kém như:

- Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc; nợ công tăng nhanh; nợ xấu vẫn còn ở mức cao8...; năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn thấp; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, chưa có cơ chế đột phá để thúc đẩy phát triển9.            

- Cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam hiện nay, số người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số chiếm tỷ lệ 76,45%; song số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 21,60%10. Ngoài ra, một số vấn đề như: kết cấu hạ tầng còn yếu, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm vẫn đang là những yếu tố cản trở sự phát triển. 

- Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế… còn nhiều yếu kém, hạn chế, chậm được khắc phục. Việc quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường còn bất cập. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, còn mâu thuẫn và chồng chéo, thiếu tính thống nhất, khó áp dụng.

- Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc chưa được phát huy đầy đủ. Ý thức pháp quyền của công dân chưa cao; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chậm. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.

3.2.2. Về thách thức (T)

Toàn cầu hóa, khu vực hóa và hợp tác quốc tế mang đến cho CPKT Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít những thách thức đặt ra như:

Một là, toàn cầu hóa đặt ra cho Việt Nam những vấn đề nan giải về năng lực cạnh tranh và tụt hậu kinh tế. Việt Nam còn nhiều áp lực trong giải quyết những vấn đề có tính toàn cầu như: ô nhiễm môi trường, tội phạm quốc tế, dịch bệnh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ...; mặt trái của kinh tế thị trường gây ra chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, là nguồn gốc gây bất ổn xã hội, dễ tạo ra sự tha hóa đạo đức xã hội, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc dễ bị lai căng, biến tướng…

Hai là, nhiều doanh nghiệp trong nước còn ít kiến thức và kinh nghiệm về kinh tế thị trường và luật pháp quốc tế; năng lực và kinh nghiệm quản lý của đội ngũ doanh nhân còn yếu và thiếu, sức ép cạnh tranh trên thị trường quốc tế lớn; tư tưởng trông chờ vào sự bảo hộ và bao cấp của Nhà nước vẫn còn bám sâu vào trong tư duy của nhiều nhà quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước.

Ba là, toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế đặt ra cho Việt Nam áp lực chạy đua tốc độ với cách mạng công nghiệp 4.0 về kết cấu hạ tầng, về thể chế pháp luật và lực lượng lao động có trình độ cao. Hiện tại, mạng lưới cơ quan nghiên cứu ứng dụng và triển khai của Việt Nam còn kém hiệu quả, hoạt động còn rời rạc và đầu tư chưa xứng tiềm năng. Hệ thống dịch vụ khoa học và công nghệ Việt Nam còn yếu về hạ tầng và khả năng cung ứng, chưa đáp ứng được yêu cầu về hội nhập quốc tế.

Hơn nữa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến cho CPKT Việt Nam phải đối diện với việc cần thay đổi cách thức tiếp cận của công dân đối với Chính phủ đặc biệt là Chính phủ số. Quá trình này kéo theo áp lực và thử thách đối với các nhà lập pháp, hành pháp và tư pháp trong việc thích nghi với môi trường kiến tạo mới.

Bốn là, hội nhập quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, hiện tại, với nguồn lực quốc gia còn hạn chế, Việt Nam khó cạnh tranh với thế giới trong thị trường giáo dục ngày càng năng động. Đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ còn thấp. Bình quân hàng năm, khoảng đầu tư này với mức kinh phí vào khoảng 1,4 - 1,85% tổng chi ngân sách nhà nước, chiếm từ 0,4 đến 0,6 GDP11. Sự tồn tại của các loại hình dịch vụ giáo dục kém chất lượng ảnh hưởng không nhỏ đến nền giáo dục Việt Nam. Mâu thuẫn giữa nhu cầu học tập của nhân dân và đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục ngày càng cao, trong khi khả năng đáp ứng của ngành Giáo dục và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn hạn chế.

Năm là, trong quá trình xây dựng CPKT, Việt Nam còn phải đối diện với thách thức lớn về sự cạn kiệt về tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên ngày càng diễn ra theo tốc độ và tần suất cao. Biến đổi khí hậu tác động đến nhiều ngành nghề, nhiều vùng miền trong cả nước và đời sống của quần chúng nhân dân.

4. Giải pháp xây dựng CPKT Việt Nam từ kết quả phân tích theo ma trận SWOT

Xây dựng CPKT Việt Nam là công việc khó khăn, lâu dài, đòi hỏi những hình thức, lộ trình, cách làm phù hợp. Có thể nêu một số giải pháp trọng tâm như:

Một là, nâng cao nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị. Trước hết là đối với đội ngũ cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, ý nghĩa của việc vận hành CPKT nói riêng, nhà nước pháp quyền XHCN nói chung nhằm tạo sự thống nhất trong hành động quốc gia về xây dựng CPKT; đẩy mạnh đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiệu quả; có cơ chế kiểm soát tốt quyền lực trong hệ thống chính trị; giảm bỏ bớt tầng nấc, tăng cường phân cấp và phân quyền hợp lý trong bộ máy hành chính.

Hai là, tiếp tục giữ vững và phát huy những thế mạnh nội tại, tận dụng và tranh thủ nhanh chóng, phù hợp các cơ hội mà toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế mang lại. Chính phủ cần quyết liệt khắc phục những khó khăn, hạn chế, đối diện và từng bước tìm phương án giải quyết thách thức tác động từ bên ngoài một cách tối ưu, tận dụng triệt để cơ hội, gắn kết với thế mạnh để phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực phát triển mọi mặt của đất nước.

Ba là, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính nhà nước trên các mặt: thể chế; thủ tục hành chính; bộ máy hành chính, chế độ công vụ; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tài chính công và dịch vụ công; hiện đại hóa nền hành chính. Cải cách phải hướng đến hiệu lực, hiệu quả, không ngừng gia tăng mức độ hài lòng của công dân bằng những kết quả đầu ra có thể định lượng.

Bốn là, xác lập đúng đắn và phù hợp vai trò giữa Nhà nước, thị trường và các doanh nghiệp. Chính phủ phải coi trọng vai trò của thị trường, để từ đó xây dựng thể chế phù hợp, tạo điều kiện tối đa cho các thành phần kinh tế (nhất là kinh tế tư nhân) phát triển bền vững. Trong phát triển kinh tế phải gắn chặt và đồng thời với thực hiện công bằng, tiến bộ và tăng cường an sinh xã hội. Nhà nước phải can thiệp hiệu quả vào thị trường nhằm giảm thiểu khuyết tật và tiêu cực; tập trung đầu tư thích hợp cho các ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đà vươn lên, tham gia, chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Năm là, chú trọng hơn nữa phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Trong hoạt động giáo dục và đào tạo, ngoài việc giáo dục kiến thức, đào tạo nghề nghiệp còn phải đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, tác phong, lối sống và ý thức pháp luật. Trong đầu tư phát triển và thực hiện chính sách, phải thật sự xem giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”. Nhà nước phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực có chất lượng cao, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Sáu là, không ngừng củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Nhà nước kiến tạo phải gắn chặt và phát huy dân chủ, phát triển xã hội đồng thời với kiến tạo phát triển kinh tế, phải vận hành các nguyên tắc của mô hình quản lý công mới và quản trị nhà nước tốt. Nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc sự tham gia tích cực của công dân vào quản lý xã hội. Trong hoạch định chính sách công, Nhà nước phải đảm bảo sự đồng thuận của xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân bằng nhiều hình thức phong phú, như: trưng cầu ý dân, phản biện xã hội… đối với những chính sách vĩ mô, những vấn đề kinh tế - xã hội có tác động, ảnh hưởng đến số đông dân cư, môi trường rộng lớn, chủ quyền quốc gia, phát triển bền vững.

5. Kết luận

Việc phân tích bằng mô hình SWOT trong xây dựng CPKT Việt Nam hiện nay sẽ giúp các chủ thể quản lý nhà nước có thể nhìn nhận, đánh giá đúng điểm mạnh để phát huy, tranh thủ tối đa cơ hội để phát triển. Song song đó, có thể thấy được điểm hạn chế để kiến tạo phương pháp phòng ngừa và khắc phục, nhận diện thách thức để đối đầu và có phương hướng và giải pháp ứng phó phù hợp. Giữa S - W và giữa O - T như hai mặt của một vấn đề, có thể tác động và chuyển hoá lẫn nhau. Vì vậy, nếu khéo léo kết hợp giữa S (Thuận lợi) và O (cơ hội) sẽ mang đến cho CPKT Việt Nam nhiều ưu thế từ yếu tố chủ quan và khách quan và ngược lại, nếu W (Yếu) với T (Thách thức) có điều kiện kết hợp sẽ là trở ngại lớn trên lộ trình xây dựng CPKT.

Trên cơ sở phát huy những thuận lợi và cơ hội, khắc phục những hạn chế và thách thức, nếu Việt Nam kiến tạo được những điều kiện tốt, khơi dậy và phát huy khát vọng phát triển của các tầng lớp nhân dân và của cả dân tộc, nhất định CPKT sẽ hiệu quả và thành công hơn cả trong xây dựng và tổ chức vận hành.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

1Dẫn theo: Đại học Quốc gia Hà Nội (2017), “Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển qua nghiên cứu của các học giả nước ngoài”, Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, tr.7.

2Hồ Chí Minh (2010), Toàn tập, NXB CTQG, t.4, tr.175.

3Dẫn theo: Vân Thiêng (2016), CPKT là phải hành động chứ không thể ngồi trên dân, VOV, Truy xuất từ http://vov.vn.

4Đặng Viết Đạt (2008), “Nhà nước kiến tạo phát triển: Nhận diện và đặc trưng”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia sự thật, tập I, tr 209-233.

5VGP (2017), “Điểm khác biệt của CPKT”, Báo Công an TP. Hồ Chí Minh, Truy xuất http://congan.com.vn/tin-chinh/chinh-tri-thoi-su/diem-khac-biet-cua-chinh-phu-kien-tao 47870.html

6Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (2020), Những nội dung cốt lõi trong các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội. Tr 133.

7Phạm Quỳnh Liên (2008), “Xây dựng CPKT: Nhìn từ kinh nghiệm Hàn Quốc và Xingapo”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia sự thật, tập I, tr 1168-1289.

8Anh Minh (2019), Nợ công của Việt Nam đang ở mức nào. Truy xuất từ http://baochinhphu.vn/Kinh-te/

No-cong-cua-Viet-Nam-dang-o-muc-nao/367840.vgp.

9Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2018), Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII.

10Nguyễn Ngọc Minh (2019), Tình hình nhân lực Việt Nam hiện nay và các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Truy cập từ http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tinh-hinh-nhan-luc-viet-nam-hien-nay-va-cac-giai-phap-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-53860.htm

11Nguyễn Hồ Phi Hà (2018), Thực trạng đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước. Truy cập từ http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/thuc-trang-dau-tu-cho-phat-trien-khoa-hoc-va-cong-nghe-tu-ngan-sach-nha-nuoc-133809.html

APPLYING SWOT MATRIX IN BUILDING AND OPERATING

 THE ENABLING GOVERNMENT IN VIETNAM

• Assoc.Prof.Ph.D HO XUAN QUANG

Department of Postgraduate Studies, Quy Nhon University

• Master. CAO KY NAM

Department of Politics and Student Affairs, Quy Nhon University

ABSTRACT:

Due to many requirements, the Government of Vietnam has developed a government of action and integrity that nurtures development and better serves the people in the context of both many internal and external advantages and difficulties. These internal and external advantages and difficulties can be clarified by using the SWOT matrix so that the Vietnamese government can identify and have appropriate strategies to take advantage of opportunities and overcome challenges.

Keywords: Developmental state, Vietnamese government of action and integrity, SWOT matrix.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 29+30, tháng 12 năm 2020]