Dữ liệu mở trong chuyển đổi Chính phủ số tại Việt Nam

ThS. TRẦN QUẢNG SƠN - ThS. BÙI THỊ HUỆ (Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Dữ liệu mở là một trong các yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số tại Việt Nam. Các bộ dữ liệu mở cho phép công dân và tổ chức ở cả khu vực công và tư có thể truy cập và sử dụng cho các mục đích thương mại và phi thương mại. Ngoài ra, dữ liệu mở còn có tác động to lớn đến quản lý nhà nước, tăng cường tính minh bạch và giải trình, thúc đẩy sự tham gia của công dân và doanh nghiệp vào hoạt động quản lý nhà nước. Quá trình triển khai xây dựng dữ liệu mở tại Việt Nam gặp nhiều thách thức, do đó, cần các giải pháp đồng bộ và sự hợp tác từ nhiều phía để giải quyết.

Từ khóa: Dữ liệu mở, chính phủ số, quản lý nhà nước.

1. Đặt vấn đề

Quá trình xây dựng chính phủ điện tử vẫn đang triển khai mạnh mẽ tại Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự tác động của cách mạng khoa học 4.0, Chính phủ đã nhìn nhận kịp thời và chuyển đổi sang mô hình Chính phủ số với việc ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy định nghĩa về Chính phủ số chưa cụ thể, nhưng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (World Bank) đều có quan điểm chung về sự khác biệt cơ bản giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số: chính là việc dữ liệu được tích hợp tại các đầu mối và chia sẻ rộng khắp, đặc biệt là Dữ liệu mở (Open data) với sự chủ động tham gia của tất cả mọi công dân và tổ chức, doanh nghiệp. Hãng tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới là Gartner (Mỹ) đã đưa ra khái niệm về mô hình trưởng thành của Chính phủ số cũng chỉ rõ sự quan trọng của dữ liệu trong quá trình triển khai. Điều đó cho thấy yếu tố dữ liệu mở luôn tồn tại và là một tiêu chí đặc trưng của bất kỳ mô hình chính phủ số nào đang được triển khai bởi các quốc gia trên thế giới.

Triển khai dữ liệu mở tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích không những trong chuyển đổi chính phủ số mà còn có giá trị về kinh tế, xã hội cho nhiều nhóm. Tuy nhiên, việc triển khai dữ liệu mở tại Việt Nam cần nhiều giải pháp với sự phối hợp đồng bộ để giải quyết các thách thức đang còn tồn tại.

2. Tổng quan về dữ liệu mở

2.1. Khái niệm dữ liệu mở

Dữ liệu mở được định nghĩa theo nhiều quan điểm khác nhau như định nghĩa dữ liệu mở là dữ liệu được cấp phép theo giấy phép mở, cho phép chúng ta tự do 3 việc sau đây: sử dụng và sử dụng lại, phân phối và phân phối lại (có thể tùy biến và pha trộn) [12]. Còn theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 đã đưa ra định nghĩa “Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước: là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ” [2]. Dù định nghĩa theo cách nào thì dữ liệu mở luôn đảm bảo được 2 đặc trưng: khả năng sẵn sàng và khả năng tiếp cận dễ dàng.

Hoạt động cung cấp dữ liệu mở tuân thủ theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 17 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP:

- Dữ liệu mở phải toàn vẹn và phản ánh đầy đủ nội dung thông tin cơ quan nhà nước cung cấp;

- Là dữ liệu được cập nhật mới nhất;

- Phải có khả năng truy cập sử dụng được trên môi trường mạng;

- Đảm bảo khả năng thiết bị số có thể gửi, nhận, lưu trữ và xử lý được;

- Tổ chức, cá nhân được tự do truy cập sử dụng dữ liệu mở, không yêu cầu khai báo định danh khi khai thác, sử dụng dữ liệu mở;

- Dữ liệu mở ở định dạng mở;

- Sử dụng dữ liệu mở là miễn phí;

- Ưu tiên cung cấp dữ liệu mở đối với dữ

liệu mà người dân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cao.

Tuy nhiên, không phải dữ liệu công nào cũng có thể trở thành dữ liệu mở. Chẳng hạn, nội dung điều 6 và điều 7 Luật Tiếp cận thông tin 2016 của Việt Nam quy định về các loại thông tin công dân không được tiếp cận hoặc tiếp cận có điều kiện đã cho thấy dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thông thường sẽ không bao gồm các dữ liệu của cá nhân (mở đối với các cơ quan hay cá nhân được trao quyền tiếp cận), dữ liệu bí mật hoặc dữ liệu quan trọng chỉ số ít người biết của đơn vị tổ chức, dữ liệu bí mật quốc gia.

2.2. Lợi ích của dữ liệu mở

Thứ nhất là tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ đối với các dạng dữ liệu “nhạy cảm” trong quá khứ như chi tiêu ngân sách, giải ngân đầu tư công. Chính phủ phải công bố các thông tin về ngân sách và chi tiêu công đồng thời khi công bố thì cần phải hiệu chỉnh các dữ liệu này sao cho người dân có thể dễ dàng đọc hiểu. Bên cạnh đó, người dân có thể tìm hiểu các chương trình, dịch vụ đang được đầu tư và các khoản chi cụ thể cho các nhóm này.

Thứ hai là tiết kiệm công sức và chi phí để có được thông tin mong muốn. Đối với cơ quan nhà nước thì có thể chia sẻ các nguồn dữ liệu (thông tin người dân) với nhau mà không cần mỗi cơ quan phải tự thu thập và xây dựng một bộ dữ liệu riêng. Ý thức được điều này, Chính phủ Việt Nam từ lâu đã xây dựng các bộ dữ liệu chung mở như Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật (vbpl.vn/pages/portal.aspx) hay Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn/), tạo cơ hội cho công dân và tổ chức có thể sử dụng các nguồn thông tin chính phủ sở hữu

Thứ ba là tạo điều kiện cho cá nhân và tổ chức tham gia vào hoạt động kiểm tra giám sát, tăng độ minh bạch về quản lý thông tin và bộ dữ liệu mở, từ đó có thể phát hiện các đặc tính hoặc vấn đề từ bộ dữ liệu mà bản thân chủ sở hữu dữ liệu (chính phủ) chưa phát hiện ra. Điều này cũng giúp thúc đẩy tính tích cực chủ động tham gia của người dân trong việc xây dựng chính phủ số.

2.3. Ứng dụng dữ liệu mở tại các quốc gia

Theo nguồn opendatahandbook, dữ liệu mở đã mang lại rất nhiều giá trị cho các quốc gia. Tại Đan Mạch, sau 8 năm xây dựng từ năm 2002 thì nguồn địa chỉ mở đã có hơn 1.000 doanh nghiệp và tổ chức sử dụng, mang lại giá trị trực tiếp ít nhất 62 triệu Euro. Tại Anh, một nhân viên chỉ mất 15 phút để giúp Chính phủ Anh tiết kiệm hàng triệu bảng Anh nhờ việc phát hiện các khoản chi trùng lặp trong dữ liệu chi tiêu công của chính phủ. Dữ liệu mở cũng giúp việc quản lý nguồn cứu trợ của các tổ chức phi chính phủ hiệu quả hơn ở Nepal.

Theo nguồn data.gov.vn, chính phủ Nhật Bản đã triển khai các Dữ liệu mở liên quan đến thiên tai. Cụ thể là: Thông tin thiên tai và thông tin hỗ trợ thảm họa dựa trên hệ thống thông tin địa lý đã được cung cấp trên web “sinai.info” được cộng đồng chung tay xây dựng và phát hành chỉ 4 giờ sau trận động đất xảy ra; Một cộng đồng các công ty công nghệ sử dụng kỹ thuật để hỗ trợ ứng phó; Hơn 50 các ứng dụng đã được xây dựng và đăng tải trên các trang web, các kho ứng dụng iOS, Android liên quan đến vấn đề thiên tai.

Để có thể xây dựng và tập hợp các bộ dữ liệu mở cần có một quá trình lâu dài. Xu hướng chung trong quá trình xây dựng dữ liệu mở ở nhiều quốc gia là tập trung vào hình thành những bộ dữ liệu rất quan trọng và mang lại lợi ích cho đa số người dân với mục tiêu hoàn thành nhanh với dữ liệu đầy đủ nhất có thể. Ví dụ như các bộ dữ liệu về dữ liệu địa lý, đơn vị hành chính và cụ thể địa chỉ (chi tiết đến tọa độ, đường phố) sẽ hỗ trợ cho rất nhiều các lĩnh vực khác như thương mại điện tử, giao thông vận tải, xây dựng quy hoạch,...

Đối với Việt Nam cũng đã thực hiện triển khai xây dựng các bộ dữ liệu mở và cần tiếp tục thực hiện cũng như mở rộng ra các lĩnh vực khác. Một số lĩnh vực cần xây dựng bộ dữ liệu mở tại Việt Nam được mô tả trong Bảng 1.

Bảng 1. Bảng đề xuất một số lĩnh vực cần bộ dữ liệu mở tại Việt Nam

Bảng đề xuất một số lĩnh vực cần bộ dữ liệu mở tại Việt Nam

3. Thách thức và giải pháp trong xây dựng và triển khai dữ liệu mở tại Việt Nam

3.1. Thách thức trong xây dựng dữ liệu mở

* Về khung pháp lý

Đây là thách thức lớn nhất hiện nay trong việc triển khai dữ liệu mở tại Việt Nam. Dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP tạo ra cơ sở pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu số của các cơ quan nhà nước, nhưng vẫn cần các văn bản hướng dẫn cụ thể để các đơn vị có đủ khả năng triển khai. Ngoài ra, tư tưởng “Mặc định đóng” còn tồn tại phổ biến trong các cơ quan nhà nước với nhận định rằng các dữ liệu liên quan đến nhà nước đều cần bảo vệ và không nên tiết lộ ra công chúng, trừ trường hợp bị bắt tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Sự phân loại giữa dữ liệu mở (có thể công khai) và dữ liệu bí mật còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến sự e ngại của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin công mở. Chẳng hạn năm 2019 đã có những tranh cãi và bàn luận xung quanh việc đóng dấu mật cho thông tin về phương án điều chỉnh giá điện nên hay không nên, với các luận cứ đến từ các bên khác nhau cho thấy có sự khác biệt giữa các nhóm, các cơ quan và người dân trong nhìn nhận và phân loại dữ liệu mở và dữ liệu bí mật.

Đối với các cơ sở dữ liệu có chứa đựng thông tin cá nhân thì đây là một vùng xám giữa việc giữ bí mật hay công khai. Nguyên nhân là do các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa đề cập nhiều đến thông tin cá nhân, bảo vệ thông tin cá nhân cũng như các chế tài xử phạt còn rất nhẹ nhàng đối với các hành vi xâm phạm thông tin cá nhân. Từ đó dẫn đến việc các cơ quan nhà nước đều gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá thông tin cá nhân nào cần được bảo vệ và cách thức bảo vệ như thế nào. [4]

* Về năng lực của các đơn vị

Hiện nay, các cơ quan nhà nước đều đang thiếu đội ngũ chuyên gia kỹ thuật về dữ liệu và dữ liệu mở, về bảo vệ an toàn dữ liệu, về định dạng dữ liệu.... Điều này tác động đến chất lượng của dữ liệu mở trên các phương diện về tính đầy đủ, tính cập nhật, tính phân cấp (phân quyền tiếp cận thông tin khác nhau cho các nhóm khác nhau). Nguyên nhân là do lĩnh vực khoa học dữ liệu (data science) còn rất mới nên chưa đào tạo được nguồn nhân lực dồi dào. Bên cạnh đó, điều kiện và phúc lợi tại khu vực tư dễ thu hút đội ngũ nhân lực này sang làm việc và khiến cho khu vực công khó thu hút được người hoặc khó giữ chân được người làm việc.

Việc cung cấp các dữ liệu mở này được xem như là một loại hình dịch vụ với hàng hóa ở đây là thông tin. Vì vậy, khi các cơ quan đơn vị triển khai công bố dữ liệu mở thì phải kèm với các quy định, điều khoản sử dụng và bản quyền cho phép sử dụng để người truy cập có thể sử dụng, tái sử dụng hợp pháp và không phát sinh tranh chấp pháp lý về sau. Những nội dung này vẫn chưa được đội ngũ nhân lực trong các đơn vị hiểu biết tường tận.

* Về đồng bộ dữ liệu giữa các bên

Thách thức này liên quan đến việc liên kết đồng bộ dữ liệu giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh/thành phố và cấp quận/huyện. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra minh chứng là đại diện của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều cho biết bất cập về đồng bộ dữ liệu khá rõ ràng tại hai thành phố. Nguyên nhân là do sự phổ biến của việc sử dụng các nền tảng số (ứng dụng di động) để truy cập trong khi thông tin lại được tập trung tại một đầu mối tại Trung ương dẫn đến tình trạng chính quyền thành phố không thể truy cập và nắm bắt thông tin trên địa bàn quản lý.

Đại diện hai thành phố đã đưa ra ví dụ về đăng ký kinh doanh, khi người dân trực tiếp đăng ký trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dangkykinhdoanh.gov.vn) thì thành phố gặp khó khăn để truy cập lấy thông tin đầy đủ về các doanh nghiệp được đăng ký trên địa bàn mình. Lý do là do toàn bộ quá trình đăng ký được thực hiện trực tuyến và quản lý trực tiếp ở cấp Trung ương trong khi 2 thành phố không đủ quyền hạn truy cập vào các cơ sở dữ liệu này vì liên quan đến thông tin của các khu vực hành chính khác.

3.2. Một số giải pháp kiến nghị

Thứ nhất là cơ quan nhà nước các cấp cần xây dựng các kế hoạch triển khai cơ sở Dữ liệu mở phù hợp với chức năng thẩm quyền. Đồng thời, các đơn vị phải ban hành các quy chế, quy định khai thác, sử dụng dữ liệu mở. Đây chính là các căn cứ pháp lý để các nhóm tham gia (công chức, công dân, doanh nghiệp,...) có thể tham gia đúng quy định và đúng quyền hạn. Ngoài ra, quá trình xây dựng văn bản cần chú ý đến quy định về truy cập và chia sẻ thông tin giữa các bộ dữ liệu mở để đảm bảo tính đồng bộ và đảm bảo tính truy cập giữa chính quyền địa phương với Trung ương.

Thứ hai là cần quan tâm đến công tác tuyển dụng đội ngũ kỹ sư khoa học dữ liệu phục vụ cho công tác cung cấp và khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu mở. Đây là một nhu cầu hết sức cấp bách nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng kinh tế số và nhu cầu về nhân lực khoa học dữ liệu tăng cao trong cả khu vực công và tư. Bên cạnh đó, không những đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin và cả các nhân sự khác cần được đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng về cách thức xây dựng, tổ chức, chia sẻ, khai thác và cập nhật dữ liệu mở. Từ đó hình thành lực lượng nhân sự về khoa học dữ liệu ngay trong nội bộ đơn vị.

Thứ ba là đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin trong dữ liệu mở. Khi triển khai các bộ dữ liệu mở thì công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và sao lưu phục hồi là vô cùng cấp thiết. Tấm gương về thiệt hại nặng nề khi bị tấn công mạng, tấn công khóa dữ liệu (Ransomware) các cơ sở dữ liệu tại một số quốc gia từ nắm 2017 đến nay là tín hiệu cảnh báo Việt Nam cần đặt vấn đề bảo mật lên hàng đầu, vốn là một trong những yếu điểm tồn tại rất lâu tại Việt Nam. Ngoài ra, với các kế hoạch triển khai mạng 5G đang được xúc tiến thì đây là một tiền đề quan trọng để mang lại cơ hội tiếp cận dữ liệu mở cho tất cả mọi người dân ở bất kỳ nơi đâu tại Việt Nam.

Thứ tư là chú trọng công tác tuyên truyền và công khai thông tin về chia sẻ dữ liệu mở. Tác dụng của dữ liệu mở chỉ phát huy tốt nhất khi có sự tham gia tích cực từ cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội. Chính vì vậy, cần có biện pháp cho mỗi công dân nhìn ra được ích lợi khi tham gia, sử dụng và đóng góp cho bộ dữ liệu mở, thúc đẩy tính tính cực và chuyển biến về tâm thế khi tham gia hoạt động quản lý nhà nước của công dân. Đây cũng là tiền đề để có thể xây dựng Chính phủ số thành công.

4. Kết luận

Việc xây dựng và triển khai các bộ dữ liệu mở là xu thế tất yếu và là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình xây dựng và chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số. Chính phủ đã kịp thời nắm bắt và ban hành chính sách, các văn bản quy định và thực hiện một loại các biện pháp nhằm đẩy mạnh việc công khai thông tin công mở tại các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể như Chính phủ đang triển khai các đầu mối dữ liệu như cổng đăng ký doanh nghiệp, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, cổng thông tin đấu giá tài sản,...

Để có thể giải quyết các thách thức trên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều bên từ chính phủ, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, các cơ quan và đơn vị cấp dưới... để có thể phát huy hết tiềm năng và lợi ích của dữ liệu mở đối với các mặt trong đời sống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2016). Luật số 104/2016/QH13: Luật Tiếp cận thông tin, ban hành ngày 06 tháng 4 năm 2016.
  2. Chính phủ (2020). Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 09/4/2020 về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ban hành ngày 03/6/2020 về Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
  4. World Bank. (2019). Digital Government and Open Data Readiness Assessment (Prepared for the Government of the Socialist Republic of Vietnam)
  5. Rob van der Meulen. (2016). When Less Becomes More: The Journey to Digital Government, truy cập tại https://www.gartner.com/smarterwithgartner/when-less-becomes-more-the-journey-to-digital-government
  6. Open data handbook. What is Open Data?, truy cập tại http://opendatahandbook.org/guide/en/what-is-open-data/
  7. Lưu Vĩnh Toàn (2019). Dữ liệu mở trong quá trình trình chuyển đổi số. Truy cập tại https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Du-lieu-mo-trong-qua-trinh-trinh-chuyen-doi-so-20620

THE ROLE OF OPEN DATA

IN THE DIGITAL GOVERNMENT DEVELOPMENT IN VIETNAM

• Master. TRAN QUANG SON

• Master. BUI THI HUE

National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

Open data is one of the fundamental factors in the transformation from the e-government to the digital government model in Vietnam. Open data sets would allow cititzens and organizations in both public and private sectors access and use them for commercial and non-commercial purposes. Moreover, open data sets have great influences on the public administration, improving the transparency and accountability of the government, and encouraging the attentions of citizens and businesses to the public administration. However, the open data deployment in Vietnam has faced some challenges, requiring synchronized solutions and cooperation among agencies and organizations to solve these problems.

Keywords: Open data, digital government, public administration.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1, tháng 1 năm 2021]