Việc làm cho lao động vùng nông thôn Thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay

ThS. NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT (Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang tạo ra sức ép đối với vấn đề giải quyết việc làm cho lao động vùng nông thôn, Thành phố Cần Thơ cũng không phải ngoại lệ. Bài viết đã nêu rõ thực trạng việc làm của lao động vùng nông thôn tại thành phố Cần Thơ, đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ khóa: Việc làm, nông thôn, lao động, nông nghiệp, Thành phố Cần Thơ.

1. Vai trò của lao động vùng nông thôn trong phát triển kinh tế xã hội

Kinh tế vùng nông thôn đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước khi đây chính là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho xã hội. Ngoài ra, đây còn là nơi cung cấp nguyên liệu để phát triển công nghiệp nhẹ như: chế biến lương thực thực phẩm, chế biến hoa quả, công nghiệp dệt, giấy, đường,…cung cấp một phần vốn để công nghiệp hóa; đặc biệt, nông thôn là thị trường quan trọng của các ngành công nghiệp và dịch vụ.

  • Đặc điểm của lao động vùng nông thôn

Lao động làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu lao động vùng nông thôn. Do đó, lao động của vùng nông thôn có những đặc điểm khác biệt so với các vùng khác, cụ thể:

Một là, lao động nông thôn mang tính chất thời vụ cao. Sản xuất nông nghiệp luôn chịu tác động và bị chi phối mạnh mẽ bởi các qui luật sinh học, các điều kiện tự nhiên của từng vùng (khí hậu, đất đai,…). Do đó, quá trình sản xuất mang tính thời vụ cao, thu hút lao động không đồng đều. Đặc điểm này khiến việc sử dụng lao động ở các vùng nông thôn trở nên phức tạp hơn.

Hai là, lao động nông thôn rất dồi dào. Lao động nông thôn có đặc điểm tăng nhanh, ít qua đào tạo nghề, đa dạng về lứa tuổi, có nhiều cơ hội tìm việc nhưng tiền công lại rẻ, thường dịch chuyển lao động do mưu sinh. Thể lực còn hạn chế do kinh tế kém phát triển, mức sống thấp. Điều này ảnh hưởng đến năng suất lao động và phát triển kinh tế. Do đó, để việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động này đòi hỏi phải có biện pháp tổ chức quản lý lao động tốt để tăng cường lực lượng lao động cho sản xuất nông nghiệp.

Ba là, lao động nông thôn đa dạng, ít chuyên sâu, trình độ thấp. Sản xuất nông nghiệp gồm các khâu với các tính chất khác nhau, việc áp dụng máy móc thiết bị vào sản xuất còn thấp vì thế mà sản xuất nông nghiệp chỉ đòi hỏi về sức khỏe, sự lành nghề và kinh nghiệm. Phần lớn lao động nông nghiệp mang tính phổ thông, ít được đào tạo, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm và sức khỏe, tổ chức lao động đơn giản, công cụ lao động cũng thô sơ, mang tính tự chế cao. Vì vậy, hiệu suất lao động thấp, khó khăn trong việc tiếp thu công nghiệp hiện đại vào sản xuất. Bên cạnh đó, lao động nông thôn còn mang nặng tư tưởng và tâm lý tiểu nông, sản xuất nhỏ, ngại thay đổi, nên thường bảo thủ và thiếu năng động.

  • Quan điểm của Đảng trong giải quyết việc làm cho vùng nông thôn

Giải quyết việc làm là một trong những chính sách lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, nhiều chủ trương, đường lối được ban hành nhằm tạo nhiều việc làm cho người lao động nhất là lao động ở nông thôn, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Đại hội VII (1991) đánh dấu bước chuyển biến trong nhận thức về vấn đề việc làm của Đảng, xác định “Hình thành các cụm kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ nhỏ ở nông thôn, ở các thị trấn, thị tứ, đồng thời mở rộng xuất khẩu lao động, đa dạng hóa việc làm có thu nhập để thu hút lao động” [2, tr.76]. Đại hội VIII (1996), vấn đề việc làm trong cơ chế thị trường đã được nhận thức rõ hơn “Mọi công dân đều được tự do hành nghề, thuê mướn nhân công theo pháp luật, phát triển dịch vụ việc làm” [3, tr.15]. Đại hội IX (2001) đã xác định rõ tầm quan trọng của giải quyết việc làm, Đại hội khẳng định: “Giải quyết việc làm là một trong những chính sách xã hội cơ bản của quốc gia. Bằng nhiều biện pháp, hàng năm tạo ra hàng triệu việc làm mới, tận dụng số ngày công lao động chưa được sử dụng đến, nhất là trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn [4, tr.201]”.

Đặc biệt, Nghị quyết số 26/NQ/TW, ngày 5/8/2008, Hội nghị Trung ương 7, khóa X, về nông nghiệp, nông dân và nông thôn xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giải quyết việc làm cho nông dân là nhiệm vụ ưu tiên xuyên suốt trong mọi chương trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Có kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề và chính sách bảo đảm việc làm cho nông dân, nhất là ở các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hình thành Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm hằng năm đào tạo khoảng một triệu lao động nông thôn.

Thực hiện Nghị quyết đó, ngày 28/10/2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ban hành “Chương trình hành động của Chính phủ”, với mục tiêu: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn tăng lên 2,5 lần so với hiện nay. Để cụ thể hóa Chương trình hành động, ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg  phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956). Quyết định này đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước là: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai một cách đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định 1956/QĐ-TTg.

2. Thực trạng việc làm của lao động vùng nông thôn tại Thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay

2.1. Thực trạng

Thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm Vùng đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 143.896,241 ha, trong đó đất nông nghiệp là 114.621,20 (chiếm 79,65%), đất phi nông nghiệp là 29.178,95 ha (chiếm 20,28%), đất chưa sử dụng là 90,09 ha (chiếm 0,07%) [1, tr.20]. Cần Thơ có 9 đơn vị hành chính bao gồm 5 quận, 4 huyện, với 85 xã phường thị trấn. Thực trạng việc làm của lao động vùng nông thôn tại Thành phố Cần Thơ những năm qua cho thấy:

Một là, về cơ cấu lao động: Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2018 là 1.282.274 người, bao gồm dân số thành thị 862.502 người (chiếm 67,26%), dân số nông thôn 419.772 người (chiếm 32,74%). Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế ước tính năm 2018 là 715.226 người, trong đó lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 234.262 người, khu vực công nghiệp và xây dựng 155.277 người, khu vực dịch vụ 325.687 người. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2018 là 3,54%, trong đó khu vực thành thị 3,64%, khu vực nông thôn 3,34% [1, tr.10].

Hai là, về loại hình việc làm ở vùng nông thôn Cần Thơ:

  • Việc làm thuần nông: Việc làm nông nghiệp là những việc làm đặc trưng, mang tính phổ biến của khu vực nông thôn, bao gồm trồng trọt và chăn nuôi. Việc làm thuần nông thường mang nặng tính kinh nghiệm, dẫn đến năng suất và hiệu quả công việc không tương xứng với tiềm năng đất đai, khí hậu của Cần Thơ, tuy nhiên đây là việc làm truyền thống có từ lâu đời, nên nó phát huy được kinh nghiệm sản xuất của ông cha để lại, không cần vốn đầu tư lớn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao đối với người lao động.
  • (ii) Việc làm phi nông nghiệp: Là những công việc được thực hiện ở khu vực nông thôn bao gồm những ngành nghề ngoài nông nghiệp như: sơ chế, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, các hoạt động gia công cơ khí, sữa chữa các vật tư nông nghiệp, các hoạt động vận tải và dịch vụ có liên quan, sản xuất đồ gỗ, gốm sứ, đồ thủ công mỹ nghệ. So với việc làm thuần nông, việc làm phi nông nghiệp thường mang lại thu nhập cao và khá ổn định, tận dụng tối đa sức lao động xã hội. Mặt khác, do yêu cầu của công việc, người lao động trong các ngành nghề này ít nhiều đều phải có tay nghề và đòi hỏi về tay nghề ngày càng cao. Có thể nói việc làm phi nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn Cần Thơ.

Ba là, về trình độ của người lao động vùng nông thôn Cần Thơ: Phần lớn lao động nông thôn Cần Thơ đã tốt nghiệp THCS, THPT, đây là tín hiệu tốt cho việc giải quyết việc làm sau này cho lao động nông thôn vì họ đã có kiến thức, văn hóa để tìm kiếm được một việc làm ổn định thích hợp. Có thể nói trình độ văn hoá của người lao động tuy chưa cao nhưng người lao động nông thôn Cần Thơ rất cần cù chịu khó, luôn tìm hướng để sản xuất theo hướng có giá trị cao nhất, có khả năng vận dụng, thích ứng nhanh và theo kịp với tốc độ phát triển của công nghiệp hiện đại.

Bốn là, về thu nhập của người lao động vùng nông thôn Cần Thơ: Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của Cần Thơ tăng từ mức 50,03 triệu/người/năm (2015, tương đương 2.281 USD) lên mức 68,03 triệu/người/năm (2018, tương đương 2.950 USD). Trong đó, thu nhập và mức sống của lao động nông thôn luôn thấp hơn thành thị. Cụ thể, phần lớn thu nhập của lao động nông thôn thuần nông là từ 26 - 40 triệu đồng/người/năm (chiếm 51,66%) [1, tr.103].

2.2. Những vấn đề đặt ra trong giải quyết việc làm cho lao động vùng nông thôn tại thành phố Cần Thơ.

Một là, chất lượng lao động vùng nông thôn Cần Thơ còn thấp.

Chủ trương của chính quyền Cần Thơ là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ - kỹ thuật cao và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và hiệu quả cao với mô hình đa canh bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh và đa dạng hóa đất lúa, xây dựng vùng chuyên canh rau màu an toàn, sạch phục vụ đô thị; xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ - kỹ thuật cao; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và hoa kiểng cho nhu cầu đô thị và du lịch. Phát triển mạnh thuỷ sản với các loại hình nuôi bán công nghiệp, công nghiệp; nuôi luân canh lúa - thủy sản.

Để đạt được mục tiêu này cần có đội ngũ người lao động có trình độ chuyên môn tương ứng. Số liệu điều tra cho thấy: tỷ lệ người lao động nông thôn chưa biết chữ chiếm 4%, người học hết cấp một chiếm 35%, người học hết cấp hai khoảng 46%, người học hết cấp ba khoảng 15%, rất nhiều con em nông dân sau khi học xong đại học tìm cách ở lại các thành phố, đô thị tìm công ăn việc làm, số trở về quê làm nông nghiệp rất ít. Đây là rào cản rất lớn cho quá trình huấn luyện cũng như đào tạo nghề cho lao động.

Hai là, vấn đề thu hút đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế khiến cho vấn đề giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn.

Thực trạng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, kể cả ngay tại các địa bàn bị thu hồi đất nông nghiệp. Trong khoảng 10 năm qua, quá trình đô thị hóa tại Cần Thơ diễn ra nhanh, mạnh và hiệu quả. đầu tư thương mại, bất động sản, sản xuất công nghiệp cao gấp nhiều lần so với đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, rất khó thu hút được các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực này. Đô thị hóa cùng với công nghiệp hóa khiến một diện tích lớn đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng,. Có số tiền lớn từ bồi thường đất nông nghiệp lại không có việc làm dễ làm nảy sinh tâm lý hưởng thụ, bù đắp thiệt thòi những lam lũ vất vả trước đây. Từ đó gây ra những hệ quả khá phức tạp về an ninh trật tự, an sinh xã hội.

Ba là, khoảng trống về mặt chính sách cho vay vốn.

Tài sản chính của nông dân là đất đai, họ có diện tích lớn, có khả năng sinh lời tốt nếu có vốn đầu tư tốt. Tuy nhiên, do quy định về vay vốn thông qua thế chấp đất nông nghiệp lại khắt khe hơn các ngành khác, nên nông dân rất khó tiếp cận được nguồn vốn lớn. Một doanh nghiệp mua ô tô mới trị giá 1 tỉ đồng có thể được ngân hàng cho vay đến 700 triệu đồng (70% giá trị tài sản), nhưng nông dân có 2 ha ruộng (trị giá khoảng 1 tỉ đồng) rất khó có thể vay được mức đó. Số tiền được vay ít, thời hạn vay ngắn trong khi khả năng sinh lời từ sản xuất nông nghiệp chậm, rủi ro cao khiến nông dân gặp khó khăn trong đầu tư nông nghiệp, giải quyết việc làm vùng nông thôn.

3. Một số giải pháp chủ yếu nhằm giải quyết việc làm cho người lao động tại Thành phố Cần Thơ trong thời gian tới

Tiềm năng của Cần Thơ trong phát triển nông nghiệp là rất lớn, nhu cầu việc làm ở khu vực nông thôn ngày càng tăng, chính quyền đã có những chủ trương, giải pháp về vấn đề này. Những kết quả đạt được đã đáp ứng được một phần yêu cầu về việc làm và đời sống của người lao động, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm vùng nông thôn cần thực hiện một số giải pháp kỹ thuật chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với sử dụng lao động.

 Các cấp, các ngành của thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho vùng nông thôn. Công tác tuyên truyền cần linh hoạt và thiết thực về nội dung và phương thức đào tạo nghề, gắn với thực tế đối tượng học nghề, cũng như gắn với chương trình việc làm cụ thể của mỗi huyện. Điều này giúp các đối tượng lao động nông thôn của thành phố, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không bị lúng túng trong việc xác định nghề học, sắp xếp thời gian học. Cần chú ý dạy nghề theo hướng tạo việc làm tại chỗ, trong đó có đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hoặc thúc đẩy quá trình tái cấu trúc toàn diện kinh tế và xã hội nông thôn theo tinh thần “ly nông bất ly hương”, để người lao động sống ở nông thôn sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề có thể tăng khả năng và chủ động tìm kiếm, tạo lập công việc, thu nhập ngay tại quê nhà, không phải đi xa, giảm bớt áp lực quá tải, phi kinh tế lên các đô thị.

Hai là, đẩy mạnh việc cho vay vốn giải quyết việc làm.

Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tại khu vực nông thôn còn rất ít, các hoạt động về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng nông nghiệp rất hạn chế, hầu như chưa có, thiếu vốn cũng là nguyên nhân làm cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn Thành phố Cần Thơ diễn ra chậm, việc làm chưa ổn định, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, cần có nhiều tổ chức tín dụng, nhiều chương trình vay vốn đến tận tay người dân. Thành lập các tổ chức tín dụng, các tổ vay vốn tại các địa phương, huy động sự tham gia của các tổ chức, hiệp hội, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân vào các hoạt động hỗ trợ vay vốn cho người dân. Cần chú trọng đến các nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội, nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế cho những hộ nghèo, hộ cận nghèo, vốn ưu đãi đối với việc xây dựng các mô hình kinh tế.

Ba là, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, giá trị cao và thân thiện với môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sản xuất và tiêu dùng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có lợi thế. Phát triển quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm có tiềm năng của Cần Thơ. Nâng cao chất lượng, sản lượng đối với các vùng sản xuất chuyên canh hiện có, mở rộng phát triển các vùng chuyên canh rau, củ quả,…

Bốn là, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển xanh và bền vững. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng chuyên canh và chế biến nông sản. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi phát triển các hình thức liên doanh, liên kết “4 nhà”, nhất là liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân.

Năm là, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến người nông dân nhằm thay đổi cơ cấu và diện tích cây trồng, vật nuôi trên cơ sở nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông sản một diện tích gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ. Tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Sáu là, tổ chức thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm, tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực hiện tốt các chính sách về đất, hàng năm có kế hoạch điều chỉnh và sử dụng quỹ đất một cách hợp lý.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kêThành phố Cần Thơ (2019), Niên giám thống kê Thành phố Cần Thơ năm 2018,NXB Thống kê.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB Sự thật, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, NXB Sự thật, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Sự thật, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thúy Hà (2013), Chính sách việc làm: Thực trạng và giải pháp, Trung tâm Nghiên cứu khoa học - Viện Nghiên cứu Lập pháp.
  6. Vũ Văn Phúc, Trần Thị Minh Châu (đồng chủ biên, 2010), Chính sách hỗ trợ của Nhà nước ta đối với nông dân trong điều kiện hội nhập WTO, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 

THE CURRENT SITUATION OF EMPLOYMENT FOR RURAL WORKERS

IN CAN THO CITY

Master. NGUYEN THI BACH TUYET

Can Tho University

ABSTRACT:

The industrialization and urbanization processes are putting pressure on the employment issue for rural workers. This article presents the status quo of the employment for rural workers in Can Tho City and proposes some major solutions to solve this issue in the coming time, contributing to the city’s socio-economic development.

Keywords: Job, rural area, workers, agriculture, Can Tho City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]