Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phát triển bền vững du lịch

Mai Anh Vũ (Đại học Văn hóa Thể thao Du lịch Thanh Hóa), Hà Thị Bích Hạnh (Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa)

Tóm tắt:

Phát triển bền vững là một xu thế tất yếu của thời đại trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Con người đã trải qua một thời kỳ dài của sự phát triển. Với tốc độ phát triển chóng mặt, chỉ trong một thời gian ngắn, ngành Du lịch đã trở thành loại hình ngành nghề thu hút được nhiều lao động, đóng tỉ trọng cao trong GDP, có ảnh hưởng lớn tới kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động du lịch phát triển nhanh lại khiến người ta phải suy nghĩ và thảo luận về phương hướng phát triển ngành này một cách bền vững. Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững, cần phải xác định được các tiêu chí để đánh giá về sự phát triển bền vững của du lịch. Do đó, bài viết nghiên cứu và đề xuất bộ tiêu chí đánh giá phát triển bền vững du lịch cấp địa phương trên quan điểm nghiên cứu của cá nhân.

Từ khóa: du lịch, phát triển bền vững, tiêu chí, đánh giá, địa phương.

1. Phát triển bền vững và phát triển bền vững du lịch

1.1. Phát triển bền vững

Thuật ngữ "phát triển bền vững" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN) với nội dung rất đơn giản: Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế, mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học.

Năm 1987 Ủy ban Môi trường và Phát triển của Liên Hợp quốc đã đưa ra khái niệm phát triển bền vững (PTBV): “Phát triển bền vững là sự phát triển lâu dài phù hợp với yêu cầu của thế hệ hôm nay mà không gây ra những khả năng nguy hại đến các thế hệ mai sau trong việc thỏa mãn nhu cầu riêng và trong việc lựa chọn ngưỡng sống của họ”.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 tại Chương I, điều 3, mục 4 đã đưa ra khái niệm về PTBV như sau: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”. Đây là khái niệm có tính tổng quát, nêu bật những yêu cầu và mục tiêu quan trọng nhất của PTBV, phù hợp với điều kiện và tình hình Việt Nam.

Phát triển bền vững bao gồm 3 thành phần cơ bản: Môi trường bền vững, Xã hội bền vững và Kinh tế bền vững.

1.2. Phát triển bền vững du lịch

Khái niệm Phát triển bền vững du lịch (PTBVDL) không tách rời khái niệm PTBV. Du lịch (DL) là một ngành kinh tế tổng hợp, sự phát triển của DL phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên và môi trường, sự phát triển DL và sự PTBV chung của xã hội có sự tác động biện chứng lẫn nhau. Vì trên thực tế, PTDLBV và PTBV đều có liên quan đến môi trường, môi trường về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội,... PTBVDL là một xu thế phát triển tất yếu.

Khái niệm “du lịch bền vững” (Sustainable Tourism) xuất hiện năm 1996, được nhiều quốc gia và hiệp hội du lịch lớn trên thế giới ủng hộ. “Du lịch bền vững là việc di chuyển và tham quan đến các vùng tự nhiên một cách có trách nhiệm với môi trường để tận hưởng và đánh giá cao tự nhiên, các đặc điểm văn hóa kèm theo (có thể là cả trong quá khứ và hiện tại) theo cách khuyến cáo về bảo tồn, có tác động thấp từ du khách và mang lại những lợi ích cho sự tham gia chủ động về kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương.” (World Conservation Union, 1996).

Khái niệm về PTDLBV ở Việt Nam đã được đưa ra trong Luật Du lịch Việt Nam 2014: PTDLBV là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.”

2. Tiêu chí đánh giá phát triển bền vững du lịch

2.1. Một số tiêu chí đánh giá phát triển bền vững du lịch

Đã có một số công trình nghiên cứu đưa ra các bộ chỉ số bền vững trong phát triển du lịch, trong đó một số bộ chỉ số hướng đến việc đánh giá chung về phát triển bền vững du lịch, số khác đưa ra các chỉ số bền vững trong từng loại hình hoặc lĩnh vực hoạt động của du lịch (như chỉ số bền vững trong hoạt động lữ hành, trong kinh doanh lưu trú, trong quản lý điểm đến, chỉ số bền vững cho một số loại hình du lịch cụ thể,...).

Bảng 1. Các chỉ tiêu chung cho du lịch bền vững

Mai Anh Vũ

                                                                                    Nguồn: Manning, 1996

Hay một bộ tiêu chí khác có ý nghĩa tham khảo trong đánh giá tổng thể về phát triển du lịch bền vững là Bộ tiêu chuẩn du lịch bền vững toàn cầu do Hội đồng du lịch toàn cầu (GSTC) phiên bản lần thứ 3 xây dựng, bao gồm 4 nhóm chỉ số, cụ thể như sau:

- Chứng minh việc quản lý bền vững hiệu quả, gồm: (1) Hệ thống quản lý bền vững; (2) Tuân thủ pháp luật; (3) Thông tin và báo cáo; (4) Gắn kết nhân viên; (5) Phản hồi của khách hàng; (6) Quảng cáo chính xác; (7) Công trình xây dựng và cơ sở hạ tầng (Tuân thủ, Tác động và sự toàn vẹn, Các qui định về vật liệu bền vững, Đảm bảo sự tiếp cận cho tất cả); (8) Quyền sở hữu tài sản, đất và nước; (9) Thông tin và diễn giải; (10) Gắn kết với điểm đến du lịch.

- Tối đa hóa các lợi ích kinh tế xã hội cho cộng đồng địa phương và tối thiểu hóa các tác động có hại: (1) Hỗ trợ cộng đồng; (2) Sử dụng lao động địa phương; (3) Thu mua địa phương; (4) Cơ sở kinh doanh địa phương; (5) Khai thác và lạm dụng; (6) Cơ hội bình đẳng; (7) Việc làm tử tế; (8) Dịch vụ cộng đồng; (9) Sinh kế dân địa phương.

- Tối đa lợi ích cho di sản văn hóa và tối thiểu tác động có hại: (1) Tương tác văn hóa; (2) Bảo vệ di sản văn hóa; (3) Trình diễn văn hóa và di sản; (4) Đồ tạo tác.

- Tối đa lợi ích cho môi trường và tối thiểu tác động có hại: (1) Bảo tồn tài nguyên (Mua hàng có lợi cho môi trường, Mua hàng hiệu quả, Bảo tồn năng lượng, Bảo tồn nước); (2) Giảm thiểu ô nhiễm (Xả thải khí nhà kính, Vận tải, Nước thải, Chất thải rắn, Chất độc hại, Giảm thiểu ô nhiễm); (3) Bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cảnh quan (Bảo tồn đa dạng sinh học, Các loài xâm hại, Tham quan các khu vực tự nhiên, Tương tác với động vật trong tự nhiên, Quyền lợi cho động vật, Đánh bắt và trao đổi sinh vật hoang dã).

2.2. Đề xuất bộ tiêu chí đánh giá phát triển bền vững du lịch cấp địa phương

Cho đến nay, vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn thống nhất mang tính quốc tế về du lịch bền vững, nhất là ở cấp độ vùng và địa phương. Những bộ tiêu chí được đề cập ở trên có ưu điểm là đề cập toàn diện các mặt hoạt động của du lịch bền vững nhưng có trở ngại lớn trong áp dụng vì có quá nhiều chỉ tiêu, trong khi đó khả năng đo lường và đánh giá của các tiêu chí rất khó xác định.

Trong nước, một số công trình nghiên cứu cũng đã đưa ra một số tiêu chí về phát triển bền vững du lịch ở các mức độ cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một bộ tiêu chí thống nhất để đánh giá về phát triển bền vững du lịch và cũng chưa có bộ tiêu chí nào đề ra đầy đủ các giá trị cụ thể cần đạt được trong mỗi nhóm tiêu chí.

Từ phân tích về nội dung phát triển bền vững du lịch, tham khảo có chọn lọc từ các công trình nghiên cứu đã công bố, nhóm nghiên cứu đề xuất một bộ tiêu chí đánh giá phát triển bền vững du lịch có thể áp dụng và khả thi hơn trong điều kiện thực tế của các địa phương cấp tỉnh Việt Nam. Bộ tiêu chí được xây dựng phù hợp với nội dung của phát triển bền vững du lịch, bao gồm 3 nhóm tiêu chí tương ứng với 3 trụ cột của phát triển bền vững du lịch đã trình bày ở trên. Nhóm nghiên cứu đề xuất nội dung bộ tiêu chí đánh giá như trình bày tại Bảng 2.

Bảng 2. Các tiêu chí đánh giá phát triển bền vững du lịch cho địa phương cấp tỉnh

Mai Anh Vũ              Mai Anh Vũ          Nguồn: Nhóm nghiên cứu đề xuất

3. Kết luận

Ngày nay, du lịch đã trở thành một ngành kinh tế có sự phát triển mạnh nhất trên thế giới với tiềm năng và những đóng góp to lớn trên nhiều phương diện của nó. Du lịch tạo công ăn việc làm, tăng ngân sách, góp phần mạnh mẽ cho phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, khu vực, địa phương, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, du lịch cũng có những tác động tiêu cực không nhỏ đối với môi trường, xã hội và cả nền kinh tế. Yêu cầu đặt ra đối với các quốc gia, các nền kinh tế trên thế giới là nghiên cứu để có thể hướng đến sự phát triển bền vững du lịch, đạt hiệu quả trên cả 3 mặt: kinh tế, xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Chính vì vậy, phát triển bền vững du lịch là hướng đi đúng đắn của ngành Du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển bền vững du lịch là khi đảm bảo sự phát triển của 3 thành phần cơ bản: Môi trường bền vững, Xã hội bền vững và Kinh tế bền vững. Để đánh giá tính biền vững của du lịch, cần sử dụng các tiêu chí đánh giá là phương pháp đúng đắn và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một bộ tiêu chí thống nhất để đánh giá về phát triển bền vững du lịch; cũng chưa có bộ tiêu chí nào đề ra đầy đủ các giá trị cụ thể cần đạt được trong mỗi nhóm tiêu chí. Các bộ tiêu chí đã được công bố có ưu điểm là đề cập toàn diện các mặt hoạt động của du lịch bền vững, nhưng có trở ngại lớn trong áp dụng vì có quá nhiều chỉ tiêu, trong khi đó khả năng đo lường và đánh giá của các tiêu chí rất khó xác định. Đặc biệt, chưa có một bộ tiêu chí nào phù hợp để đánh giá phát triển bền vững du lịch tại cấp địa phương. Do đó, bài nghiên cứu đã đề xuất một bộ tiêu chí đánh giá phát triển bền vững du lịch có thể áp dụng và khả thi hơn trong điều kiện thực tế của các địa phương cấp tỉnh ở Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hội đồng du lịch bền vững toàn cầu (2016). Tiêu chuẩn du lịch bền vững toàn cầu GSTC.
  2. IUCN. (1996). Annual Report 1996. In The World Conservation Union.
  3. IUCN. (1980). World conservation strategy. Retrieved from: https://portals.iucn.org,
  4. Machado, A. (2003). Capacitating for tourism development in Vietnam : Training course by - TOURISM AND SUSTAINABLE DEVELOPMENT. Retrieved from: https://www.researchgate.net/profile/Antonio-Machado-3/publication/309952519_Torusim_and_sustainable_development/links/585028a208aed95c250b7dff/Torusim-and-sustainable-development.pdf?__cf_chl_jschl_tk__=W3sN8SnFuwY2nSpHdvv2IiHaUUtkS5vsGITV9FLFgPw-1640249989-0-gaNycGzNDOU
  5. Mai Anh Vũ (2021). Phát triển bền vững du lịch tại Thanh Hóa. Luận án Tiến sĩ Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
  6. Manning, E. W. (1996). Carrying capacity and environmental indicators: what tourism managers need to know. WTO News, 2, 9-12.
  7. Nguyễn Bá Lâm (2007). Giáo trình Tổng quan về du lịch và phát triển du lịch bền vững. NXB Hà Nội.
  8. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường
  9. Quốc hội (2017), Luật Du lịch Việt Nam.
  10. WCED. (1987). Report of the World Commission on Environment and Development: Our Common Future. Retrieved from: http://www.un-documents.net.

DEVELOPING A SET OF CRITERIA TO EVALUATE THE SUSTAINABLE TOURISM DEVELOPMENT  

Mai Anh Vu 1

Ha Thi Bich Hanh 2

1 Thanh Hoa University of Culture, Sports and Tourism

2 Thanh Hoa Province School of Political Studies

Abstract:

Sustainable development is an inevitable socioeconomic development trend. Thanks to its rapid growth rate, the tourism has become one of the major sectors within the economy of Vietnam in recent years. It has become a driver of job growth and economic prosperity in Vietnam. However, Vietnam needs to find sustainable development ways for the fast-growing tourism activities. As a result, it is important to define criteria which assesses the sustainable development of tourism. This paper examines and proposes a set of criteria to evaluate the sustainable tourism development at the local level from an individual research point of view.

Keywords: tourism, sustainable development, criteria, assessment, locality.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 1, tháng 1 năm 2022]