Xây dựng mô hình xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

ThS. LÊ THỊ NGA (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Quản trị lợi nhuận (Earnings management) trong kế toán là hành vi các nhà quản trị doanh nghiệp sử dụng các ước tính trong kế toán và lựa chọn chính sách kế toán để điều chỉnh lợi nhuận theo ý muốn của mình nhằm phóng đại hay làm đẹp lợi nhuận. Nó sẽ làm sai lệch tình hình tài chính thực tế của DN và dẫn đến hậu quả là các nhà đầu tư bị lừa dối về kết quả kinh doanh và tốc độ tăng trưởng của DN. Với mục tiêu đưa ra các hàm ý cho các nhà đầu tư, bài nghiên cứu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận (HVQTL) của các DN niêm yết thông qua các nghiên cứu trước và cơ sở lý thuyết xem xét các quan hệ và mức độ ảnh hưởng để xác định các yếu tố nhân tố ảnh hưởng đến HVQTL tại các DN niêm yết trên sàn chứng khoán đó là: (i) Quy mô công ty (Size); (ii) Khả năng sinh lời trên tài sản (ROA), (iii) Tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE); (iv) Đòn bẩy tài chính của công ty (LEV), (v) Tỷ lệ cổ phần của ban giám đốc (BGD); (vi) Chất lượng kiểm toán (AUD).

Từ khóa: hành vi điều chỉnh lợi nhuận, quản lý thu nhập, báo cáo tài chính, thị trường chứng khoán.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hiện này, nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn sau những khủng hoảng và trì trệ từ ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, các DN thường có xu hướng tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để bổ sung nguồn lực, tuy nhiên họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và thu hút nguồn vốn đầu tư do hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Vậy làm thế nào để thu hút nguồn vốn đầu tư? Các nhà quản trị thường sử dụng các thủ thuật quản trị lợi nhuận để làm lợi nhuận của DN đẹp hơn, tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Việc quản trị lợi nhuận trong kế toán là hành vi các nhà quản trị DN sử dụng các ước tính trong kế toán và lựa chọn chính sách kế toán để điều chỉnh lợi nhuận theo ý muốn của nhà quản trị. Hành vi sẽ làm sai lệch tình hình tài chính thực tế của DN và dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với nhà đầu tư khi bị đánh lừa về hiệu quả kinh doanh và tốc độ tăng trưởng của DN, từ đó chịu thiệt hại nặng nề về quyết định đầu tư của mình. Và việc quản trị lợi nhuận sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự minh bạch và phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán.

Vì vậy, việc nhận diện và xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các nhà quản trị trong các DN sẽ giúp các đối tượng sử dụng thông tin, đặc biệt nhà đầu tư có được thông tin chính xác để đưa ra các quyết định đúng đắn và mang lại lợi ích cho nhà đầu tư là một đề tài có ý nghĩa rất lớn. Nhận thấy được ý nghĩa thiết thực đó, bài báo này đi xác định và xây đựng mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến HVQTL của các công ty niêm yết.

2. Hành vi quản trị lợi nhuận và các nghiên cứu trước đây

2.1. Khái niệm

Schipper (1989) đã định nghĩa HVQTL là “Sự can thiệp có mục đích trong quá trình công bố các báo cáo tài chính ra bên ngoài với mục đích cung cấp các thông tin có lợi cho DN”. Còn theo Levit (1998), HVQTL là hành động làm cho báo cáo tài chính phản ánh lợi nhuận theo mong muốn của nhà quản trị chứ không phải là hoạt động tài chính cơ bản của công ty. Parfet (2000) cũng cho rằng, HVQTL được thực hiện để che dấu thông tin hoạt động tài chính thực tế bằng cách tạo ra các nghiệp vụ kinh tế không có thực hoặc các dự trữ kế toán không hợp lý.

Tóm lại, HVQTL là một sự can thiệp vào trong quy trình cung cấp báo cáo tài chính ra bên ngoài cho các đối tượng sử dụng thông tin kế toán với mục đích thao tác các dữ liệu kế toán thông qua các ước tính và chính sách kế toán nhằm phóng đại hoặc “làm đẹp” lợi nhuận.

2.2. Mục đích của HVQTL

Thứ nhất, việc thực hiện HVQTL nhằm huy động vốn nhanh hơn với mức chi phí vốn thấp.

Thứ hai, việc thực hiện HVQTL có thể làm giảm số thuế thu nhập DN phải nộp.

Thứ ba, việc thực hiện HVQTL nhằm cải thiện sự hài lòng của các nhà đầu tư đối với DN.

Thứ tư, việc thực hiện HVQTL sẽ tác động tích cực vào giá cổ phiếu niêm yết.

Thứ năm, việc thực hiện HVQTL giúp DN hưởng lợi tối đa từ việc ưu đãi thuế khi có chính sách ưu đãi thuế.

Thứ sáu, việc thực hiện HVQTL giúp tăng mức thưởng và uy tín cho nhà quản trị.

3. Các nhân tố của mô hình

3.1. Các yếu tố của mô hình

+ Quy mô công ty: theo Elton và Gruber (2000), các nhà đầu tư sẽ có xu hướng xem xét đầu tư vào các công ty có tài sản lớn vì họ cho rằng, các công ty có quy mô tài sản lớn sẽ có ít rủi ro hơn so với các công ty có ít tài sản. Và trong một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, các công ty lớn thường có động cơ rất lớn trong việc thực hiện HVQTL nhiều hơn các công ty có quy mô nhỏ. Các công ty lớn để duy trì hình ảnh và sự tin tưởng của các nhà đầu tư, họ sẽ có xu hướng quản trị lợi nhuận của mình nhằm thổi phồng quy mô, hiệu quả kinh doanh của DN để tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo Kim et al. (1976), Glaum et al. (2004): các công ty có quy mô lớn sẽ tránh thực hiện HVQTL của mình vì họ cho rằng các công ty lớn sẽ nhận được sự theo dõi chặc chẽ hơn từ nhà nước, các nhà phân tích, các nhà đầu tư nên các công ty lớn sẽ thấy khó khăn khi thực hiện HVQTL của mình. Đồng thời, các công ty lớn thường sẽ có hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống này sẽ giúp DN kiểm soát tính minh bạch trong việc trình bày và công bố thông tin tài chính đến các nhà đầu tư. Để kiểm định lại quy mô công ty có hay không ảnh hưởng đến HVQTL, tác giả đưa ra giả thuyết như sau:

Giả thuyết 1: Quy mô công ty có ảnh hưởng đến HVQTL của các công ty niêm yết?

+ Tỷ lệ sinh lợi (ROA): Đối với các nhà đầu tư để đưa ra một quyết định đầu tư, họ thường có xu hướng quan tâm đến chỉ tiêu lợi nhuận của DN đã đạt được. Vì vậy, một chỉ tiêu để đánh giá mức độ hoạt động của DN mà nhà đầu tư quan tâm đó là chỉ tiêu khả năng sinh lời (ROA) của DN. Biến ROA thể hiện cho các nhà đầu tư thấy mức độ hiệu quả khi sử dụng tài sản của DN. ROA càng cao mức độ sử dụng tài sản của DN càng tốt. Để kiểm định lại biến ROA có hay không ảnh hưởng đến HVQTL của DN, tác giả đưa ra giả thuyết:

Giả thuyết 2: Khả năng sinh lời (ROA) ảnh hưởng đến HVQTL của các công ty niêm yết.

+ Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE): ROE thể hiện hiệu quả kinh doanh của DN thông qua chỉ tiêu vốn chủ sở hữu, là thước đo để đo lường liệu một đồng vốn bỏ ra và tích lũy được có thể tạo ra được bao nhiêu đồng lãi. Do vậy, để kiểm định ROE có ảnh hưởng đến HVQTL của DN hay không, tác giả đưa ra giả thuyết:

Giả thuyết 3: Tỷ suất lợi nhuận thuần ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập của các công ty niêm yết.

+ Đòn bẩy tài chính (LEV): Đòn bẩy tài chính là hoạt động liên quan đến việc sử dụng các khoản nợ đi vay, thay vì sử dụng vốn chủ sở hữu để mua sắm tài sản nhằm thu về lợi ích cho DN. Các DN sử dụng mức đòn bẩy cao, tỷ lệ nợ của DN đó càng lớn và ngược lại. Các nhà đầu tư sẽ không rót vốn cho những công ty có mức đòn bẩy cao, vì họ cho rằng những công ty này sẽ gặp rủi ro tài chính cao như khủng hoảng tài chính, khả năng thanh toán các khoản nợ và nguy cơ phá sản cao (theo Andrade & Kaplan,1998). Để tránh tình trạng này xảy ra, các DN có tỷ lệ LEV cao thường có xu hướng thực hiện quản trị lợi nhuận, do vậy tác giả thực hiện nghiên cứu để xác định biến LEV có hay không ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập của DN.

Giả thuyết 4: Đòn bẩy tài chính ảnh hưởng đến HVQTL của các công ty niêm yết.

+ Sở hữu cổ phần của Ban giám đốc (BGD): Trong một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, những người quản lý công ty như ban giám đốc thường có xu hướng thực hiện HVQTL vì các nhà quản lý muốn chứng minh năng lực và giá trị bản thân vì mục đích cá nhân như vì mục tiêu tiền thưởng (Bergstresser và Philippon 2006) nhưng trong một nghiên cứu khác của Lei, (2006) đã cung cấp bằng chứng cho thấy BGĐ nắm cổ phần của công ty sẽ làm giảm HVQTL. Theo đó, tác giả đưa ra giả thuyết như sau:

Giả thuyết 5: Tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của Ban giám đốc có mối quan hệ tương quan với HVQTL của các công ty niêm yết.

+ Chất lượng kiểm toán (AUD): Đối với các công ty niêm yết, việc công bố thông tin kế toán là yêu cầu bắt buộc và để xác định được sự chính xác, minh bạch trong thông tin kế toán các báo cáo này phải thông qua ý kiến của kiểm toán. Các công ty được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán lớn trong nhóm Big4 (Công ty kiểm toán KPMG, Ernst & Young, Deloitte, PWC) có đội ngũ kiểm toán viên chuyên nghiệp, với trình độ chuyên môn cao, độc lập, minh bạch và có kinh nghiệm thì mức độ thông tin trong báo cáo tài chính của DN đáng tin cậy hơn so với các công ty kiểm toán khác (Cheung, 2005). Tác giả thực hiện nghiên cứu để xác định biến chất lượng kiểm toán có hay không ảnh hưởng đến HVQTL của DN.

Giả thuyết 6: Việc lựa chọn công ty kiểm toán bởi các công ty kiểm toán lớn Big 4 có ảnh hưởng đến HVQTL của các công ty niêm yết.

3.2. Mô hình nghiên cứu tổng quát

Từ các giả thuyết nêu trên, bài nghiên cứu đề xuất mô hình nghiên cứu tổng quát như sau:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu tổng quát

Mô hình nghiên cứu tổng quát

4. Mô hình các nhân tố tác động đến HVQTL của các công ty niêm yết

4.1. Chỉ số đo lường HVQTL

Kế toán cơ sở dồn tích (Accrual basis) là phương pháp kế toán dựa trên cơ sở Dự thu - Dự chi. Cơ sở kế toán dồn tích là một trong các nguyên tắc kế toán cơ bản nhất chi phối các phương pháp kế toán cụ thể trong kế toán DN. Theo đó, mọi giao dịch kinh tế liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu và chi phí được ghi nhận tại thời điểm phát sinh giao dịch, không quan tâm đến thời điểm thực tế thu hoặc chi tiền (Chuẩn mực kế toán số 01, 2002). Tuy nhiên, điểm yếu chính của phương pháp kế toán dồn tích đó là công ty phải trả thuế thu nhập trước khi thực nhận được tiền từ doanh thu bán hàng hóa và dịch vụ.

Kế toán cơ sở tiền là phương pháp kế toán dựa trên cơ sở Thực thu - Thực chi tiền. Theo phương pháp này, thu nhập và chi phí được ghi nhận khi thực nhận tiền và thực chi tiền. Ngược lại với kế toán theo cơ sở dồn tích, kế toán theo cơ sở tiền chỉ cho phép ghi nhận các giao dịch khi các giao dịch này phát sinh bằng tiền. Nếu lợi nhuận được xác định theo cơ sở tiền, lợi nhuận và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong một kỳ sẽ bằng nhau. Tuy nhiên, kế toán theo cơ sở tiền hiện nay chỉ được sử dụng để lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Kế toán theo cơ sở tiền có một ưu điểm nổi bật là tính khách quan cao khi trình bày thông tin trong BCTC. Tiền thu vào và chi ra là những hoạt động “hữu hình”, số tiền và ngày thu, chi tiền được xác định chính xác, cụ thể không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của nhà quản trị DN.

Việc áp dụng các phương pháp kế toán dồn tích và cơ sở tiền mặt này đã tạo cho nhà quản trị có cơ hội thực hiện HVQTL của mình thông qua các giao dịch không bằng tiền mặt nhằm đạt được mục tiêu mong muốn. Theo chuẩn mực kế toán quy định, đối với bảng kết quả kinh doanh phải áp dụng phương pháp kế toán dồn tích, còn kế toán cơ sở tiền được áp dụng cho bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp dựa trên cơ sở thực thu - thực chi nên nhà quản trị sẽ không thực hiện được HVQTL vì không điều chỉnh các hoạt động giao dịch. Chính vì vậy, giữa các bảng báo cáo này sẽ tạo ra sự chênh lệch về lợi nhuận trên bảng báo cáo kết quả kinh doanh và dòng tiền trên bảng lưu chuyển tiền tệ tạo nên biến kế toán gọi là biến dồn tích, được tính bằng công thức:

Tổng dồn tích = lợi nhuận sau thuế - Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh

Từ đó suy ra:

Lợi nhuận sau thuế = biến kế toán dồn tích + Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh

Biến kế toán dồn tích (TA) = Biến kế toán dồn tích có thể điều chỉnh được (DA) + Biến kế toán dồn tích không thể điều chỉnh được (NDA)

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập theo cơ sở tiền nên không thể điều chỉnh được, nên muốn điều chỉnh lợi nhuận các nhà quản trị phải điều chỉnh các biến kế toán dồn tích. Theo các nhà nghiên cứu, các biến kế toán dồn tích (Accruals) gồm 2 phần: phần không thể điều chỉnh (NDA) và phần có thể điều chỉnh từ nhà quản trị (DA). Biến NDA phản ánh tình hình kinh doanh cụ thể của công ty nên không bị ảnh hưởng bởi nhà quản lý nên không thể điều chỉnh, biến DA là biến mà các nhà quản lý có thể điều chỉnh thông qua việc lựa chọn chính sách kế toán, tác động vào nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

Để đo lường phần biến DA, tác giả sử dụng mô hình nhận diện HVQTL của Dechow, Sloan anh Sweeney (1995) đã cải tiến mô hình của mô hình Modiferd Jones để đo lường:

CT1

Trong đó:

TAit là biến kế toán dồn tích công ty i năm t; DAit là biến dồn tích có điều chỉnh của công ty i năm t; NDAit là biến dồn tích không của công ty i năm t; Ait là tổng tài sản công ty i năm t -1; ∆REV là biến động doanh thu thuần công ty i năm t so với doanh thu thuần kỳ t-1; ∆AR là biến động của trong nợ phải thu công ty i năm t so với năm t -1; PPEt là nguyên giá tài sản cố định hữu hình, nguyên giá tài sản cố định thuê tài chính, nguyên giá bất động sản đầu tư, chi phí xây dựng cơ bản dở dang cuối kỳ t; α1, α2, α3 là các tham số của từng công ty; t là kỳ t cần nghiên cứu hành động điều chỉnh lợi nhuận; i là công ty i cần nghiên cứu hành động điều chỉnh lợi nhuận.

Vậy, biến DA được đo lương theo phương trình sau:

DAit  =  TAit - NDAit

Chia cả 2 vế phương trình cho Ait -1, ta có:

CT2

4.2. Xây dựng mô hình nghiên cứu xác định các yếu tố tác động đến HVQTL của các công ty niêm yết

Từ các giả thuyết được đưa ra ở mục 3.1, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến HVQTL:

EM = β0 + β1SIZE + β2ROA + β3ROE + β4LEV + β5BGD + β6AUD + ε

Trong đó:

EM là hành vi quản trị lợi nhuận; β0 là hệ số chặn; SIZE, ROA, ROE, LEV, BGD, AUD là biến phụ thuộc; β1 → β6 là hệ số ước lượng của mô hình; ε là sai số ngẫu nhiên.

5. Kết luận

Với mục tiêu nghiên cứu khám phá và xác định các nhân tố ảnh hưởng đến HVQTL của DN đang niêm yết đưa ra các hàm ý cho những các nhà đầu tư. Nghiên cứu đã đưa xây dựng mô hình nghiên cứu được đề xuất có 7 nhân tố với 6 giả thuyết, trong đó các biến độc lập bao gồm: Quy mô công ty (SIZE), Khả năng sinh lời (ROA); Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE); Đòn bẩy tài chính (LEV); Sở hữu của ban giám đốc (BGD); Chất lượng kiểm toán (AUD).

Từ mô hình đã được xây dựng trong nghiên cứu trên, nhà đầu tư áp dụng mô hình này để tiến hành khảo sát và đo lượng HVQTL của các DN, xác định được các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp HVQTL của các công ty niêm yết và từ đó đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý.

Hướng nghiên cứu trong tương lai: Trong bài nghiên cứu này, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính để xây dựng mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến HVQTL của các DN niêm yết. Ở nghiên cứu sau, tác giả sẽ áp dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để phân tích và xác định sự tác động của yếu tố này đến HVQTL của các công ty niêm yết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Aziatul, W. Ghazali (ab), Nur, A. S and Zuraidah, M. S (2015). Earnings Management: An Analysis of Opportunistic Behaviour, Monitoring Mechanism and Financial Distress. Procedia Economics and Finance, 28, 190-201.
  2. Dade, N, Linda, H. (2015). Analysis of Factors Affecting the Motivation of Earnings Management in Manufacturing Listed in Indonesia Stock Exchange. Research Journal of Finance anh Accounting, 6(3), 100-107.
  3. Dechow, Patricia, Richard Sloan, and Amy P. Sweeney. (1995). Detecting earnings management. The Accounting Review, 70(2-April), 193-225.
  4. Elton, E, and M, Gruber. (2000). Modern portfolio theory and investment analysis. New York: John Wiley and Sons.
  5. Jones, J. (1991). Earnings management during import relief investigations. Journal of Accounting Research, 29(2), 193-228.
  6. Kim, JS, and WC, Hamner. (1976). Effect of performa.nce feedback and goal setting on productivity and satisfaction in an organizational setting. Journal of Applied Psychology, 61, 45-57.
  7. Lei, K. (2006). Earnings Management and Corporate Govermance in the UK: The Role of the Broad of Directors and Audit Committee. Master's Theses, Department of Finance & Accouting National University Of Singapore.
  8. Levit Jr, A (1998). The number game. The CPA Journal, December, 15-19.
  9. Nguyễn Đỗ Quyên và Trần Đức Hoàng (2017). Hành vi quản trị lợi nhuận và hiệu quả hoạt động của các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tạp chí Kinh tế đối ngoại, 99, 1-18.
  10. Trisnawati, R., Sasongko, N., & Fauzi, I. (2015). The Effect Of Information Asymmetry, Firm Size, Leverage, Profitability And Employee Stock Ownership On Earnings Management With Accrual Model. International Journal of Business, Economics and Law, 8(2), 21-30.
  11. Wiyadi dan Prasnowo (2011). Earning Management Practices in Companies Listed in Jakarta Islamic IndexIndonesian Stock Exchange. PROCEEDINGS, Malaysia-Indonesia International Conference in Economics, Management and Accounting (MIICEMA), October 13th-14th, (pp. 1255-1271). Bengkulu, Indonesia.

BUILDING A MODEL FOR DETERMINING

FACTORS AFFECTING THE EARNINGS MANAGEMENT

BEHAVIOR OF LISTED COMPANIES

ON VIETNAMS STOCK MARKET

• Master. LE THI NGA

Nguyen Tat Thanh University 

ABSTRACT:

Earnings management in accounting is the use of accounting estimates and choosing accounting policies to adjust profits to manipulate earnings. It distorts the actual financial position of the company and deceives investors about the companys performance. By reviewing previous studies and analyzing theories, this paper identifies the factors affecting the earnings management of listed companies in Vietnam’s stock market. There are some factors affecting the earnings management of listed companies including (i) Company size (Size); (ii) Return on Assets (ROA), (iii) Return on Equity (ROE); (iv) Financial leverage of the company (LEV), (v) Share ratio of the Board of Directors (BGD), and (vi) Audit Quality (AUD).

Keywords: income smoothing, earnings management,, financial statements, stock market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]