Tổng quan quản trị lợi nhuận

ThS. NGUYỄN THỊ TOÀN (Khoa Tài chính - Kế toán - Ngân hàng, Trường Đại học Phan Thiết)

TÓM TẮT:

Bài báo hệ thống các nghiên cứu về quản trị lợi nhuận (QTLN) trên thế giới và tại Việt Nam theo 5 nhóm, bao gồm: mô hình đo lường hành vi quản trị lợi nhuận, động cơ dẫn đến hành vi quản trị lợi nhuận, kỹ thuật quản trị lợi nhuận, các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận và hậu quả của hành vi quản trị lợi nhuận. Kết quả phân tích cho thấy Modified Jones là mô hình tốt nhất để phát hiện quản trị lợi nhuận trên biến dồn tích và ngoài ra nhà nghiên cứu có thể sử dụng mô hình quản trị lợi nhuận thực.

Từ khóa: quản trị lợi nhuận, tổng quan nghiên cứu, các nhân tố ảnh hưởng.

1. Đặt vấn đề

Lợi nhuận là chỉ tiêu quan trọng đối với doanh nghiệp vì nó ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp và sự trung thực của chỉ tiêu lợi nhuận là vấn đề cực kỳ quan trọng vì nó ảnh hưởng đến việc ra quyết định của người sử dụng thông tin. Khi các nhà quản trị sử dụng những xét đoán của mình trên báo cáo tài chính và trong cơ cấu của nghiệp vụ kinh tế phát sinh để làm thay đổi báo cáo tài chính, để gây ra sự hiểu nhầm về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp hoặc tác động đến kết quả các hợp đồng mà chúng dựa vào số liệu báo cáo của kế toán, nhằm đạt được các lợi ích cá nhân của mình thì đồng nghĩa với việc hành vi QTLN của nhà quản trị đã xảy ra (Healy and Whalen, 1999). Trường hợp Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông là một ví dụ điển hình cho việc QTLN của các công ty niêm yết ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư. Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông đã cung cấp một số thông tin sai lệch và bỏ sót một số thông tin quan trọng khi công bố bản cáo bạch chào bán cổ phiếu, gây ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư, dẫn đến hậu quả là các nhà đầu tư gần như mất trắng. Như vậy, làm thế nào để nhận biết được hành vi QTLN của các nhà quản trị?,  các nhà quản trị dùng những kỹ thuật gì để QTLN?, những nhân tố nào tác động đến hành vi QTLN của nhà quản trị?... Đây là những câu hỏi quan trọng đặt ra cho người sử dụng thông tin cũng như những nhà nghiên cứu để đưa ra cái nhìn bao quát về hành vi QTLN của các doanh nghiệp.

Việc tổng quan nghiên cứu về quản trị lợi nhuận sẽ giúp các nhà nghiên cứu tại Việt Nam nắm bắt được các hướng nghiên cứu về QTLN trên thế giới cũng như tại Việt Nam, từ đó đưa ra những nghiên cứu phù hợp với tình hình hiện tại nhằm hỗ trợ cho những người sử dụng thông tin trong việc đưa ra quyết định của họ đối với các doanh nghiệp.

2. Kết quả

a. Các nghiên cứu về mô hình đo lường hành vi QTLN

Đo lường hành vi QTLN trên biến dồn tích:

Mô hình Healy (1985) là mô hình đầu tiên đo lường hành vi QTLN, mô hình chỉ so sánh chỉ số tổng dồn tích trên tài sản giữa các nhóm doanh nghiệp chứ không đo lường trực tiếp dồn tích. Mô hình DeAngelo (1986) tính chênh lệch giữa tổng dồn tích của 2 kỳ trên tài sản để xác định dồn tích có điều chỉnh riêng biệt cho mỗi doanh nghiệp. Mô hình Jones (1991) tính dồn tích không điều chỉnh là một hàm số thay đổi theo doanh thu và tài sản cố định hữu hình, tính tổng biến dồn tích bằng cách lấy lợi nhuận sau thuế trừ đi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, và dồn tích có điều chỉnh được xác định là phần còn lại của tổng dồn tích sau khi trừ đi dồn tích không điều chỉnh. Mô hình Friedlan (1994) là một biến thể của mô hình DeAngelo (1986), xác định dồn tích có điều chỉnh bằng cách tính chênh lệch giữa tổng dồn tích của hai kỳ trên tài sản được chuẩn hóa bởi doanh thu bán hàng. Mô hình của Dechow và các cộng sự (1995) (còn gọi là mô hình Modified Jones) cải tiến mô hình Jones (1991) bằng cách bổ sung thêm một yếu tố tạo ra dồn tích không điều chỉnh là nợ phải thu; theo đó Dechow và các cộng sự (1995) tiến hành so sánh các mô hình để đo lường hành vi QTLN, kết quả cho thấy mô hình Modified Jones là tốt nhất  để phát hiện quản trị lợi nhuận.

Mô hình của Kothari và các cộng sự (2005) phát triển mô hình của Jones (1991) và mô hình Modified Jones (1995) với việc đưa thêm biến lợi nhuận trên tổng tài sản vào mô hình nhằm xem xét mối quan hệ giữa biến dồn tích và kết quả hoạt động của công ty; tuy nhiên, nghiên cứu của Keung and Shih (2014) cho thấy các sai số của mô hình của Kothari và các cộng sự (2005) sẽ có mối tương quan ngược chiều với biến kế toán dồn tích có thề điều chỉnh. Phạm Thị Bích Vân (2012) đề xuất mô hình mới cho việc nhận diện hành vi QTLN của các công ty niêm yết trên HOSE dựa trên mô hình Modified Jones với việc đưa thêm vào mô hình biến dự phòng và sử dụng biến khấu hao tài sản cố định để thay thế biến tài sản cố định. Kết quả cho thấy hệ số đo lường sự phù hợp của mô hình tăng lên và mô hình có ý nghĩa thống kê, tuy nhiên biến dự phòng được đưa thêm vào mô hình lại không có ý nghĩa thống kê, nghĩa là biến này không ảnh hưởng đến việc phát hiện hành vi QTLN.

Đo lường hành vi QTLN thực:

Roychowdhury (2006) và Gunny (2010) đưa ra mô hình về QTLN thực, gồm 3 thành phần là doanh thu, sản phẩm và chi phí.

b. Các nghiên cứu về động cơ dẫn đến hành vi QTLN

Healy (1985) tìm thấy bằng chứng về hành vi sử dụng các khoản dồn tích để tối đa hóa các khoản thưởng. Watts and Zimmerman (1990) cho rằng các nhà quản lý có động lực để thúc đẩy báo cáo lợi nhuận từ tương lai đến kỳ kế toán hiện hành khi một kế hoạch giải thưởng tồn tại dựa trên lợi nhuận. Healy and Wahlen (1999) cho rằng, có ba động cơ chính dẫn đến hành vi QTLN, đó là kỳ vọng thị trường vốn, các hợp đồng bằng văn bản được ký kết trong đó có liên quan đến số liệu kế toán, và phản ứng lại các quy định của chính phủ. Baralexis (2004) cho thấy các công ty nhỏ đang thực sự quan tâm nhiều hơn về tiết kiệm chi phí thuế trong cân nhắc QTLN. Ball and Shivakumare (2005) xác định thuế là một trong những mục tiêu chính của báo cáo thường niên của các công ty tư nhân. Burgstahler and Eames (2006) phát hiện ra rằng hành vi QTLN càng tăng khi đáp ứng những kỳ vọng của các nhà phân tích và những dự báo trong quản lý. Bergstresser and Philippon (2006) cho thấy để gia tăng tài sản cá nhân thông qua các quyền chọn mua cổ phiếu, nhà quản trị luôn có xu hướng QTLN theo hướng tăng lên. Chevis và các cộng sự (2007) cho thấy các công ty nếu đạt hoặc vượt kế hoạch sẽ được đánh giá cao hơn các công ty không đạt được kế hoạch. Noronha và các cộng sự (2008) cho thấy động cơ hợp đồng bồi thường quản lý và tiết kiệm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp là những động cơ cho hành vi QTLN. Nghiên cứu của Ahmad-Zaluki và các cộng sự (2011) cho thấy các công ty có hành vi QTLN nhiều nhất vào những năm niêm yết, đặc biệt là các công ty niêm yết trong giai đoạn khủng hoảng. Omar Farooq and Meryem Benali (2012) cho thấy mức độ QTLN của năm đầu niêm yết cao hơn những năm trước và sau niêm yết.

Huỳnh Thị Vân (2012) cho rằng công ty cổ phần có xu hướng QTLN tăng lên trong năm đầu niêm yết, các công ty được hưởng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ QTLN trong năm đó lên rất cao nhằm tiết kiệm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp. Nguyễn Thị Minh Trang (2012) cho thấy ứng với mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có các nguyên QTLN khác nhau: công ty cổ phần có xu hướng quản trị tăng lợi nhuận nhằm thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, đồng thời cũng có xu hướng tiết kiệm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; các loại hình doanh nghiệp còn lại có xu hướng quản trị giảm lợi nhuận nhằm tiết kiệm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Nguyễn Thị Phương Uyên (2014) và Phạm thi Bích Vân (2017) cho rằng các công ty niêm yết có xu hướng quản trị tăng lợi nhuận trong những năm phát hành bổ sung cổ phiếu nhằm thu hút nhà đầu tư để đợt chào bán được thành công. Phan Thị Thanh Trang (2015) cho rằng các công ty cổ phần có hành vi quản trị tăng lợi nhuận trong năm đầu niêm yết cao hơn năm trước và sau khi niêm yết. Ngô Thị Thanh Nga (2018) cho rằng có 3 động cơ dẫn đến hành vi QTLN là thu hút vốn, vì lợi ích cá nhân nhà quản trị và áp lực từ phía nhà cung cấp tín dụng và thuế.

c. Các nghiên cứu về kỹ thuật QTLN

cac_nghien_cuu_ve_ky_thuat_qtlnd. Các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi QTLN

Nghiên cứu

Mẫu nghiên cứu

Các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi QTLN

Roodposhti & Chashmin (2011)

196 công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tehran giai đoạn 2004-2008

Cơ chế quản trị công ty, Quy mô công ty, và Quản lý đòn bẫy.

Ahmad-Zaluki và các cộng sự (2011)

50 công ty IPO niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Kuala Lumpur giai đoạn 1990-2003

Chất lượng công ty kiểm toán và Thời gian hoạt động của công ty.

Soliman & Ragab (2013)

50 công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Ai Cập giai đoạn 2007-

2010

Quy mô hội đồng quản trị (HĐQT), Việc tách biệt vai trò của Chủ tịch và Giám đốc điều hành, và Đòn bẩy tài chính.

Dwi Lusi Tyasing Swastika (2013)

51 công ty trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Indonesia năm 2005

HĐQT, Chất lượng công ty kiểm toán, và Quy mô công ty.

Jo-Lan Liu1 & Ching-Chieh Tsai (2015)

Các công ty niêm yết tại Đài Loan giai đoạn 2006-2010

Chất lượng giám đốc, Chất lượng thành viên HĐQT, Quyền sở hữu của nhà đầu tư tổ chức, Đòn bẩy tài chính, Quy mô công ty, Tính hai mặt của CEO, ROA, Cơ hội tăng trưởng của công ty, Mức độ trả lương thưởng cho nhà quản trị, và Chất lượng công ty kiểm toán.

 Pranesh Debnath (2017)

84 công ty phi tài chính được niêm yết trên BSE giai đoạn 2007-2015

Tăng trưởng của công ty, Hiệu quả hoạt động của công ty, Quy mô công ty, Độ tuổi của công ty, và Yếu tố rủi ro của công ty.

Ebraheem Saleem Salem Alzoubi (2019)

86 công ty niêm yết trên ASE (Jordan) giai đoạn 2007-2010

Ủy ban kiểm toán, Chức năng kiểm toán nội bộ, Tính độc lập của HĐQT, Chuyên môn tài chính của HĐQT, Quy mô HĐQT, Quy mô công ty, Đòn bẫy tài chính, Loại công ty kiểm toán.

Trần Thị Mỹ Tú (2014)

các công ty cổ phần niêm yết trên HOSE giai đoạn 2009-2013

Tính độc lập của HĐQT, Quy mô công ty, Công ty kiểm toán và Đòn bẩy tài chính.

Phan Thị Thanh Trang (2015)

54 công ty niêm yết trên HOSE

Quy mô công ty, Điều kiện kinh tế, Công ty kiểm toán, và Thời gian hoạt động của công ty.

Nguyễn Thị Phương Hồng (2016)

283 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2012-2014

Đòn bẩy tài chính, Loại công ty kiểm toán, Tính trì hoãn của báo cáo tài chính, Quyền sở hữu vốn của nước ngoài, Quy mô công ty, Triển vọng phát triển, Loại hình công nghiệp, Tính trạng niêm yết, lợi nhuận, và Chính sách chia cổ tức.

Nguyễn Thị Toàn (2016)

153 công ty niêm yết trên HNX giai đoạn 2014-2015

Quy mô công ty, Thời gian hoạt động của công ty, Loại công ty kiểm toán, Tính trì hoãn của báo cáo tài chính.

Bùi Văn Dương và Lê Hoàng Diệp (2017)

507 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2010-2015

Độ lớn của HĐQT, Tỷ lệ thành viên HĐQT có chuyên môn tài chính, Tỷ lệ thành viên nữ thuộc HĐQT, Quy mô doanh nghiệp, Đòn bẩy tài chính và ROA.

Lê Thị Yến Nhi (2017)

105 công ty sản xuất hàng tiêu dùng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt năm năm 2015

Quy mô công ty và Sàn niêm yết.

Phạm Thị Bích Vân (2017)

106 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Quy mô HĐQT, Đòn bẩy tài chính, Tính thanh khoản của tài sản, Sự kiêm nhiệm của chủ tích HĐQT, Quy mô doanh nghiệp, và Khả năng sinh lời.

Hoàng Thị Việt Hà và Đặng Thị Ngọc Hùng (2018)

260 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên HOSE giai đoạn 2012-2016

BCTC hợp nhất, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Hiệu quả hoạt động kinh doanh, Đòn bẩy tài chính, Phát hành cổ phiếu, Quy mô và chất lượng kiểm toán.

Hồ Thị Thúy Nga, Phạm Thị Bích Ngọc (2018)

221 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2015-2017

Tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước, Tỷ lệ sở  hữu của cổ đông nước ngoài và số lượng thành viên ban kiểm soát không phải là cổ đông, và Chất lượng công ty kiểm toán.

Trần Quốc Thịnh và Trần Ngọc Anh Thư (2020)

30 Ngân hàng thương mại giai đoạn 2015-2019

Đòn bẩy tài chính, Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, Quy mô ngân hàng, và Tỷ suất sinh lời.

 e. Các nghiên cứu về hậu quả của hành vi QTLN

Cohen và Zarowin (2008) cho thấy vào thời kỳ tiến hành hành vi QTLN, các công ty đầu tư vượt quá mức tối ưu, và sau thời kỳ này, các công ty lại đầu tư thấp hơn mức tối ưu, dẫn đến số tiền đầu tư của các cổ đông chưa được sử dụng hiệu quả, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của các cổ đông. Nghiên cứu của Dechow & các cộng sự (1995) cho thấy, các nhà đầu tư rất nhạy cảm với hành vi QTLN thông qua việc cung cấp bằng chứng là có một sự sụt giảm khoảng 9% trong giá cổ phiếu của những công ty đang bị SEC - Cơ quan liên bang thực thi luật lệ chứng khoán của Mỹ điều tra về hành vi QTLN. Nghiên cứu của Võ Văn Nhị và Hoàng Cẩm Trang (2013) cho thấy mức độ QTLN tương đồng với nguy cơ phá sản.

3. Khuyến nghị và kết luận

Các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam hiện nay tập trung vào những vấn đề cơ bản của hành vi QTLN: mô hình nhận diện hành vi QTLN, động cơ dẫn đến hành vi QTLN, kỹ thuật QTLN, các nhân tố tác động đến hành vi QTLN, và hậu quả của hành vi QTLN. Theo đó, QTLN tỷ lệ thuận với nguy cơ phá sản.

Các động cơ chủ yếu dẫn đến hành vi QTLN theo các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam bao gồm: kỳ vọng của thị trường vốn như trong những năm đầu niêm yết hoặc phát hành thêm cổ phiếu; lợi ích từ các hợp đồng dựa trên lợi nhuận kế toán như các khoản thưởng, các quyền chọn mua cổ phiếu; tiết kiệm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp; áp lực từ phía nhà cung cấp. Từ những động cơ trên, nhà quản trị có thể sử dụng nhiều kỹ thuật để thực hiện hành vi QTLN của mình, bao gồm: thông qua việc thay đổi chính sách kế toán áp dụng, việc trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng tổn thất tài sản, việc lựa chọn phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang, các khoản trích trước và phân bổ, các khoản dự phòng phải trả, việc ước tính tỷ lệ hoàn thành hợp đồng và ghi nhận doanh thu, chi phí đối với hợp đồng dài hạn...

Kết quả phân tích cho thấy Modified Jones là mô hình tốt nhất để phát hiện QTLN trên biến dồn tích và ngoài ra nhà nghiên cứu có thể sử dụng mô hình QTLN thực. Kết quả tổng hợp các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi QTLN cho thấy sự ảnh hưởng của các nhân tố đến hành vi QTLN tùy thuộc vào mẫu nghiên cứu (nhóm công ty được lấy mẫu, giai đoạn lấy mẫu). Các nghiên cứu tiếp theo tại Việt Nam về QTLN có thể triển khai theo từng nhóm ngành và cập nhật trong giai đoạn mới nhất đưa ra cái nhìn chi tiết hơn về hành vi QTLN trong từng nhóm ngành.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alzoubi, E. S. S. (2019). Audit committee, internal audit function, and earnings management: Evidence from Jordan. Meditari Accountancy Research, 27(1), 72-90.
  2. Bùi Văn Dương và Ngô Hoàng Diệp (2017). Đặc điểm Hội đồng quản trị và hành vi quản trị lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tạp chí khoa học Đại học mở TP. Hồ Chí Minh, 54(3), 71-84.
  3. Debnath, P. (2017). Assaying the Impact of Firm's Growth and Performance on Earnings Management: An Empirical Observation of Indian Economy. International Journal of Research in Business Studies and Management, 4(2), 30-40.
  4. Gunny, K. (2010). The relation between earnings management using real activities manipulation and future performance: Evidence from meeting earnings benchmarks. Contemporary Accounting Research, 27(3): 855-888.
  5. Hoàng Thị Việt Hà và Đặng Ngọc Hùng (2018). Yếu tố ảnh hưởng đến quản trị lợi nhuận: nghiên cứu trường hợp các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 46, 60-67.
  6. Hồ Thị Thúy Nga và Phạm Thị Bích Ngọc (2018). Nghiên cứu về cơ chế quản trị, chất lượng kiểm toán và quản trị lợi nhuận: Trường hợp các công ty niêm yết Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, 127(5A), 213-231.
  7. Lê Thị Yến Nhi (2017). Phân tích hành vi quản trị lợi nhuận trên báo cáo tài chính của các công ty niêm yết nhóm ngành sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
  8. Liu, J. , & Tsai, C. (2015). Board member characteristics and ownership structure impacts on real earnings management: Evidence from Taiwan. Accounting and Finance Research, 4(4), 84–96.
  9. Ngô Thị Thanh Nga (2018). Quản trị lợi nhuận của nhà quản trị doanh nghiệp. Tạp chí Kế toán và Kiểm toán. 5, 55-56.
  10. Nguyễn Thị Toàn, 2016. Các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận - Nghiên cứu tại các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  11. Phạm Thị Bích Vân (2017). Quản trị lợi nhuận khi phát hành thêm cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Luận án Tiến Sĩ, Đại học Đà Nẵng.
  12. Roychowdhury, S., 2006. Earnings Management through Real Activities Manipulation. Journal of Accounting and Economics, 42, 335-370.
  13. Trần Quốc Thịnh và Trần Ngọc Anh Thư (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, 217, 12-20.

 

A LITERATURE REVIEW ON EARNINGS MANAGEMENT

Master. NGUYEN THI TOAN

Phan Thiet University

ABSTRACT:

This literature review presents an overview of studies on the earnings management in the world and in Vietnam according to 5 groups, including: the measuring model of earnings management, the motivation leading to earnings management, the techniques of earnings management, the factors affecting earnings management and the consequences of earnings management. This review finds out that Modified Jones is the best model for detecting earnings management on the accrual variable and in addition, the researchers can use the real earnings management model.

Keywords: earnings management (EM), research overview, influencing factors.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 8, tháng 4 năm 2021]