Đặc điểm hội đồng quản trị và hiệu quả tài chính doanh nghiệp: Nghiên cứu thực nghiệm với các công ty niêm yết tại Việt Nam

PHẠM MINH VƯƠNG - NGUYỄN THỊ NHƯ TRINH - NGUYỄN THỊ KHÁNH DU (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu sử dụng 2 công cụ đo lường hiệu quả tài chính (HQTC) là ROA và TOBIN’S Q để phân tích sự ảnh hưởng của đặc điểm hội đồng quản trị (HĐQT) tới HQTC của doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, sự hiện diện của thành viên nữ trong HĐQT (FEMALE) và thái độ chấp nhận rủi ro của HĐQT (RISK) có mối tương quan cùng chiều với HQTC của doanh nghiệp, còn thành viên kép (DUALITY) lại có mối tương quan ngược chiều với HQTC của doanh nghiệp.

Từ khóa: hội đồng quản trị, hiệu quả tài chính, doanh nghiệp Việt Nam.

1. Đặt vần đề

Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh đều có một cơ cấu tổ chức chặt chẽ, phân chia nhiều phòng ban với từng chức năng riêng biệt. Trong đó, HĐQT là bộ phận đứng đầu, giữ vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quyết định định hướng và điều hành công ty. Có nhiều nghiên cứu về đặc điểm của HĐQT đối với HQTC của doanh nghiệp. Theo Jermias và Gani (2014), các doanh nghiệp có thành viên vừa là giám đốc điều hành vừa là chủ tịch HĐQT sẽ hoạt động kém hơn những công ty có thành viên là giám đốc điều hành không đồng thời kiêm nhiệm.

Nghiên cứu của Rashid (2018) đã đưa đến kết luận quy mô HĐQT có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của công ty và cho thấy mối quan hệ tương quan giữa đặc điểm của HĐQT đến HQTC của doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Phan Bùi Gia Thủy và cộng sự (2017) cho thấy những công ty có Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm CEO sẽ có hiệu quả tốt hơn so với những công ty không duy trì cấu trúc này. Chính vì vậy, mục tiêu chính của nghiên cứu này là tìm hiểu, phân tích mối quan hệ giữa đặc điểm HĐQT và HQTC của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam trong giai đoạn 2015-2019, từ đó góp phần mang đến góc nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và liên kết việc tổ chức HĐQT đến kết quả tài chính của doanh nghiệp tại Việt Nam.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Giả thuyết nghiên cứu

Quy mô HĐQT và HQTC của doanh nghiệp: Số lượng thành viên HĐQT của một doanh nghiệp thể hiện quy mô của doanh nghiệp đó, doanh nghiệp càng lớn thì lượng thành viên HĐQT càng nhiều để tăng khả năng kiểm soát hoạt động của công ty. Theo Germaina và cộng sự (2014), quy mô của HĐQT có tương quan đến mức độ hoạt động của công ty. Còn Cheng (2008) cho thấy quy mô HĐQT có liên quan tiêu cực với sự thay đổi của lợi nhuận cổ phiếu hàng tháng, lợi nhuận kế toán hàng năm trên tài sản (ROA), TOBIN’S Q, các khoản dồn tích kế toán, các khoản mục bất thường, các quyết định của HĐQT lớn hơn ít cực đoan hơn, dẫn đến hiệu quả hoạt động của công ty ít thay đổi hơn. Từ đó, giả thiết được đặt ra là:

H1: Số lượng thành viên trong HĐQT có mối tương quan nghịch chiều với HQTC của doanh nghiệp.

Sự độc lập của HĐQT và HQTC của doanh nghiệp: Thành viên độc lập trong HĐQT được cho là sẽ giúp đưa ra những quyết định mang tính sáng suốt và có lợi cho công ty hơn và đảm bảo kết quả tài chính đáng tin cậy hơn. Theo Boone và cộng sự (2007) cho thấy tính độc lập của HĐQT có liên quan tiêu cực đến ảnh hưởng của người quản lý và liên quan tích cực đến các ràng buộc đối với ảnh hưởng đó. Rahmana và các cộng sự (2021) lại chỉ ra tác động có lợi của sự độc lập của HĐQT đối với việc hạn chế bán khống. Ngược lại, James và các cộng sự (2020) đưa ra kết quả hiệu quả hoạt động của công ty tỷ lệ nghịch với tính độc lập của HĐQT. Từ đó, giả thuyết nghiên cứu được đặt ra là:

H2: Tỷ lệ thành viên độc lập trong HĐQT có quan hệ nghịch biến với HQTC của doanh nghiệp.

Quyền sở hữu quản lý và HQTC của doanh nghiệp: Jermias và Gani (2014) dựa trên mẫu nghiên cứu gồm 237 công ty của Hoa Kỳ (không bao gồm các công ty trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản) trong giai đoạn 1997-2004. Nghiên cứu cho thấy việc sở hữu cổ phần sẽ có tác động tích cực hơn đến hiệu quả hoạt động của người quản lý khi họ được giám sát và tư vấn bởi các thành viên HĐQT có chuyên môn cao. Mối quan hệ sở hữu cổ phần - hiệu suất sẽ được củng cố nếu các thành viên HĐQT chất lượng cao giúp các nhà quản lý phát triển các chiến lược tốt hơn (Judge và Zeithaml, 1992). Do đó, giả thuyết nghiên cứu được đặt ra là:

H3: Quyền sở hữu quản lý có mối tương quan cùng chiều với HQTC của doanh nghiệp.

Số lần họp HĐQT và HQTC của doanh nghiệp: Vafeas (1999) cho rằng, các cuộc họp HĐQT thường xuyên là một cách mà HĐQT ứng phó với những năm hoạt động khó khăn. HĐQT thường có xu hướng phản ứng với hiệu suất kém bằng cách nâng cao mức độ hoạt động của HĐQT thông qua các cuộc họp. Mặt khác, trong nghiên cứu của Chou và cộng sự (2013) cho thấy bản thân các giám đốc tham dự cuộc họp nhiều có thể nâng cao lợi nhuận của công ty, nhưng sự tham dự nhiều hơn của các đại diện của họ có tác động xấu. Sự độc lập của giám đốc hoặc HĐQT cũng có liên quan tích cực đến hiệu quả hoạt động của công ty. Giả thuyết được đặt ra là:

H4: Số lần họp của HĐQT có mối tương quan cùng chiều với HQTC của doanh nghiệp.

Thành viên nữ trong HĐQT và HQTC của doanh nghiệp: Nghiên cứu của Nielsen và Huse (2010) đã cho thấy nhờ có sự hiện diện của phụ nữ trong HĐQT nên mức độ xung đột lợi ích được cải thiện, tạo sự tin tưởng đối với khách hàng và kết nối giữa các thành viên, góp phần quan trọng trong các cơ chế đầu tư. Tuy nhiên, Vathunyoo và các cộng sự (2016) lại cho biết không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy sự đại diện của nữ trong HĐQT ảnh hưởng đến bất kỳ thước đo rủi ro vốn chủ sở hữu nào (rủi ro tổng thể, hệ thống và đặc trưng). Giả thuyết được đặt ra là:

H5: Sự hiện diện của thành viên nữ trong HĐQT có mối tương quan cùng chiều đến HQTC của doanh nghiệp.

Thành viên kép và HQTC của doanh nghiệp: Đối với các công ty cổ phần thì chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc điều hành (CEO) đều đóng vai trò rất quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của công ty. Khi một thành viên trong công ty vừa là chủ tịch HĐQT vừa giữ vai trò tổng giám đốc sẽ được gọi là kiêm nhiệm. Lý thuyết đại diện (Jensen và Meckling, 1976) cho rằng khi một chủ thể kiêm nhiệm 2 vị trí sẽ nắm trong tay rất nhiều quyền hạn, dễ dẫn đến sự chuyên quyền, lợi dụng chức quyền trong quản lý và ảnh hưởng đến kết quả tài chính của công ty. Giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:

H6: Sự kiêm nhiệm chức danh CEO và chủ tịch HĐQT có mối tương quan ngược chiều với HQTC của doanh nghiệp.

Số năm kinh nghiệm của HĐQT và HQTC của doanh nghiệp: Theo Woldie (2008), kinh nghiệm giúp cho những người quản lý có được những hiểu biết quan trọng trong việc hình thành những chiến lược, huy động những nguồn lực cần thiết cho sự phát triển doanh nghiệp. Kinh nghiệm giúp cho người quản lý phát triển được năng lực quản lý và giải quyết các vấn đề một cách tốt hơn (Cooper, 1994). Nếu số năm làm quản lý càng nhiều, khả năng xử lý những biến động về kinh tế cũng như những dự đoán về những biến động trong tương lai sẽ tốt hơn. Giả thuyết đặt ra là:

H7: Số năm kinh nghiệm của các thành viên HĐQT có mối tương quan cùng chiều với HQTC của doanh nghiệp.

Giả thuyết về thái độ chấp nhận rủi ro của HĐQT và HQTC của doanh nghiệp: Theo Nigro và Abbate (2011), lợi nhuận và rủi ro có liên quan chặt chẽ với nhau. Nghiên cứu của Agustia và các cộng sự (2020) cho thấy tìm hiểu hiệu quả của việc quản lý thu nhập đối với rủi ro phá sản là cần thiết cho các bên liên quan, chẳng hạn như các nhà đầu tư và chủ nợ, để đánh giá rủi ro phá sản, khả năng tài chính và mức độ tín dụng của một công ty. Còn theo Cheng và các cộng sự (2020), có sự khác biệt lớn giữa các nhà giao dịch theo xu hướng chấp nhận rủi ro và kết quả giao dịch là ngược lại với nhau đối với các nhà giao dịch có lợi nhuận và không có lợi nhuận. Cụ thể, HĐQT với quy mô lớn, nắm giữ cổ phần công ty nhiều sẽ làm tăng mức độ chấp nhận rủi ro của công ty. Giả thuyết đặt ra là:

H8: Thái độ chấp nhận rủi ro của HĐQT có mối tương quan cùng chiều với HQTC của doanh nghiệp.

2.2. Mô hình nghiên cứu

Bài nghiên cứu sử dụng mô hình được đề xuất bởi Jermias và Gani (2014). Tuy nhiên, mô hình có bổ sung thêm các biến ngành nghề (SECTOR); Quy mô HĐQT (BSIZE); Sự phụ thuộc của HĐQT (DEPEND); Sự hiện diện của thành viên nữ trong HĐQT (FEMALE); Số năm kinh nghiệm của thành viên HĐQT (EXP); Đòn bẩy tài chính (LEV); Chấp nhận rủi ro (RISK) để phân tích mô hình trên nhiều khía cạnh nhằm tìm ra những đặc điểm của HĐQT ảnh hưởng đến HQTC của doanh nghiệp.

2.3. Dữ liệu nghiên cứu

Bài nghiên cứu sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp, thông tin chủ yếu được lấy từ Báo cáo tài chính (BCTC) và Báo cáo thường niên (BCTN) của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE và HNX trong giai đoạn 2015-2019, được lập theo hướng dẫn về công bố thông tin của Thông tư 155/2015/TT-BTC trên website các trang điện tử cafef.vn, finance.vietstock.vn. Mẫu nghiên cứu không bao gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư, bất động sản. Sau khi loại bỏ những công ty thiếu dữ liệu và không đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, số công ty còn lại đưa vào nghiên cứu là 192 công ty với tổng số 960 quan sát.

Mô hình 1:

ROAit = β0 + β1SECTORit + β2 BSIZEit + β3DEPENDit + β4EQUITYit + β5MEETINGit + β5FEMALEit + β7DUALITYit + β8EXPit + β9LEVit + β10RISKit + β11SIZEit + εit

Mô hình 2:

TOBIN’SQit = β0 + β1SECTORit + β2BSIZEit + β3DEPENDit + β4EQUITYit + β5MEETINGit + β6FEMALEit + β7DUALITYit + β8EXPit + β9LEVit + β10RISKit + β11SIZEit + εit

Trong đó:

- Biến phụ thuộc:

+ ROA = (Lợi nhuận trước thuế và lãi vay/Tổng tài sản bình quân) x100%

+ TOBIN’S = Tổng giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu/Tổng giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu.

- Biến độc lập:

+ BSIZE là quy mô hội đồng quản trị (HĐQT), có tác động âm với biến phụ thuộc.

+ DEPEND là sự phụ thuộc của HĐQT, = Số thành viên độc lập trong HĐQT/Tổng số thành viên của HĐQT, có tác động âm với biến phụ thuộc.

+ EQUITY là quyền sở hữu quản lý của các thành viên HĐQT, có tác động dương với biến phụ thuộc.

+ MEETING là Số lần họp của thành viên HĐQT, có tác động dương với biến phụ thuộc.

+ FEMALE là Sự hiện diện của thành viên nữ trong HĐQT, với giá trị 1 là có thành viên nữ, ngược lại là 0, có tác động dương với biến phụ thuộc.

+ DUALITY là Thành viên kép, nhận giá trị 1 khi chủ tịch HĐQT đồng thời là CEO, ngược lại là 0, có tác động âm với biến phụ thuộc.

+ EXP là Tổng số năm làm việc trong HĐQT của các thành viên HĐQT, có tác động dương với biến phụ thuộc.

+ RISK là Chấp nhận rủi ro được xác định bằng độ lệch chuẩn của ROA, có tác động dương với biến phụ thuộc.

- Biến kiểm soát:

+ SECTOR là ngành nghề

+ LEV là đòn bẩy tài chính, = Tổng nợ phải trả/Tổng tài sản

+ SIZE là quy mô doanh nghiệp, = LOG(Tổng tài sản cuối năm)

+ ε là sai số mô hình.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Kết quả kiểm định

3.1.1. Kiểm định đa cộng tuyến

Bảng 1. Kết quả kiểm định đa cộng tuyến

Kết quả kiểm định đa cộng tuyến

Dựa vào Bảng 1 kết quả kiểm định đa cộng tuyến, không có biến độc lập nào có giá trị VIF lớn hơn 5 và hệ số trung bình của phương trình cũng có giá trị là 1,17. Vì vậy, trong mô hình nghiên cứu không tồn tại hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến độc lập.

3.1.2. Kết quả kiểm định mô hình

Bảng 2. Mô hình kiểm định hiện tượng phương sai thay đổi và tự tương quan

Mô hình kiểm định hiện tượng phương sai thay đổi và tự tương quan

Bảng 2 cho thấy FEM là kết quả phù hợp nhất cho việc thực hiện hồi quy trong mô hình nghiên cứu.

3.1.3. Kiểm định khuyết tật của mô hình

Kiểm định Wald được sử dụng kiểm định phương sai sai số thay đổi. Kết quả kiểm đinh cả hai mô hình đều cho thấy hiện tượng phương sai thay đổi của cả hai mô hình có thay đổi. Còn kiểm định Wooldridge cho thấy hiện tượng tự tương quan bậc 1 chỉ xảy ra với mô hình 2. Từ đó, ước lượng Newey được sử dụng nhằm khắc phục các khuyết tật của các mô hình nghiên cứu.

3.2. Thảo luận kết quả

Bảng 3. Kết quả ước lượng Newey cho hai mô hình nghiên cứu

Kết quả ước lượng Newey cho hai mô hình nghiên cứu

Mô hình 1:

Dựa vào Bảng 3, biến RISK có P-value = 0.000 và β = 0.1201251 cho thấy biến RISK của HĐQT có tương quan đồng biến với ROA. Đối với những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả có những mục tiêu, chiến lược mới sẽ chịu chấp nhận rủi ro cao hơn để đạt được lợi nhuận cao như mong muốn. Từ đó đi đến kết luận chấp nhận giả thuyết H8.

Các biến còn lại như BSIZE, EQUITY, MEETING, DEPEND, FEMALE, DUALITY, EXP đều có giá trị P-value > 0,05. Do đó, chưa đủ bằng chứng để kết luận tác động của những nhân tố này ảnh hưởng đến HQTC doanh nghiệp.

Mô hình 2:

Bảng 3 cho thấy sự hiện diện của thành viên nữ trong HĐQT có tác động tích cực đến HQTC. Do nữ giới có khả năng giao tiếp, ứng xử trong công việc và xã hội, giải được vấn đề linh hoạt tốt hơn so với nam giới. Từ đó, đi đến kết luận chấp nhận giả thuyết H5.

Kết quả nghiên cứu ở Bảng 3 cho thấy thái độ chấp nhận rủi ro tác động tích cực đến HQTC và có ý nghĩa về mặt thống kê. Điều này lý giải doanh nghiệp càng muốn lợi nhuận cao thì sẽ hướng tới các hoạt động với mức độ rủi ro cao. Từ đó đi đến kết luận chấp nhận giả thuyết H8.

Trong khi đó, biến DUALITY có mối tương quan nghịch biến với HQTC đo theo Tobin’s Q. Điều này trái với kỳ vọng ban đầu của bài nghiên cứu. Từ đó đi đến kết luận bác bỏ Giả thuyết H6.

Các biến còn lại như BSIZE, EQUITY, MEETING, và DEPEND đều có giá trị P-value > 0,05. Do đó, chưa đủ bằng chứng thực nghiệm để kết luận về tác động của các nhân tố này tác động ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của HĐQT.

4. Kết luận

Bài nghiên cứu cho thấy, các biến thành viên nữ có mối quan hệ thuận chiều với đặc điểm của HĐQT dưới góc nhìn của thị trường, tỉ lệ về sự hiện diện của thành viên nữ trong HĐQT càng cao thì tác động đến HQTC càng lớn. Đối với biến DUALITY có mối quan hệ nghịch chiều với đặc điểm của HĐQT, trong doanh nghiệp thành viên HĐQT vừa là giám đốc kiêm chủ tịch thì khả năng phân hóa chức vụ để thực hiện công việc kém hơn do có nhiều nhiệm vụ phân tán sự tập trung. Việc kiêm nhiệm cũng có thể dẫn đến sự gian lận trong quá trình quản lý, gây thiếu sự tin tưởng trong nội bộ cũng như các đối tượng bên ngoài không đánh giá cao về tính minh bạch của công ty, gây ảnh hưởng đến nguồn vốn góp của công ty. Còn biến RISK cũng có mối quan hệ cùng chiều với đặc điểm HĐQT, cho thấy doanh nghiệp muốn thu được lợi nhuận cao thì phải chấp nhận rủi ro cao, rủi ro và cơ hội là hai yếu tố song song, doanh nghiệp muốn nắm bắt cơ hội sinh lời cao thì bắt buộc gánh chịu rủi ro lớn.

Các biến BSIZE, EQUITY, MEETING, DEPEND, FEMALE, DUALITY, EXP chưa đủ bằng chứng để kết luận về giả thuyết. Lý do giải thích cho điều này là thị trường Việt Nam có các đặc điểm khác so với thị trường các nước trên thế giới như quy mô vốn của các doanh nghiệp thường nhỏ hơn, cách điều hành và phát triển doanh nghiệp của thành viên HĐQT tại Việt Nam khác biệt hơn so với các nước bởi có sự khác nhau về tốc độ tăng trưởng kinh tế, điều kiện tự nhiên, văn hóa và xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Agustia, D., et al. (2020). Earnings management, business strategy, and bankruptcy risk: Evidence from Indonesia. Heliyon, 6(2).
  2. Boone, A. L., Field, L. C., Karpoff, J. M., & Raheja, C. G. (2006). The determinants of corporate board size and composition: An empirical analysis. Journal of Financial Economics, 85(1), 66-101.
  3. Cheng, T.Y., & Lee,C.I.,& Lin, C.H. (2020). The effect of risk-taking behavior on profitability: Evidence from futures market. Economic Modelling, 86. 19-38.
  4. Chou, H.I., & Chung. H., Yin. X.K. (2013). Attendance of board meetings and company performance: Evidence from Taiwan. Journal of Banking & Finance, 37(11), 4157-4171.
  5. Cooper, A., & Gimeno-Gascon, F. J.G., & Woo, C.Y. (1994). Initial human and financial capital as predictors of new venture performance. Journal of Business Venturing, 9(5), 371-395.
  6. Germaina,L., &Galya,N.,&Lee,W. (2014).Corporate governance reform in Malaysia: Board size, independence and monitoring. Journal of Economics and Business, 75. 126-162.
  7. Jensen, M. C., & Meckling, W. H. (1976). Theory of the firm, managerial behavior, agency costs and ownership structure. Journal of Financial Economics, 3(4), 305-360.
  8. Jermias, J., & Gani, L. (2014). The impact of board capital and board characteristics on firm performance. The British Accounting Review, 46(2), 135-153.
  9. Judge, W., & Zeithaml, C. (1992). Institutional and strategic choice perspectives on board involvement in the strategic decision process. Academy of Management Journal, 35, 755-794.
  10. Nielsen, S., & Huse, M. (2010). Women directors' contribution to board decision-making and strategic involvement: The role of equality perception. European Management Review, 7(1), 16-29.
  11. Nigro, G.L., & Abbate,L. (2011). Risk assessment and profit sharing in business networks. International Journal of Production Economics, 131(1), 234-241.
  12. Phan Bùi Gia Thuỷ, Trần Đức Tài và Trần Thị Tú Anh (2017). Ảnh hưởng của đặc điểm tổng giám đốc điều hành đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, Tạp chí khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, 55(4). 51-63.
  13. Rahmana, A., & Talukdar, B., & Bhuyand, R. (2021). Board independence and short selling. Finance Research Letters, 39, 1-7.
  14. Rashid, A. (2018). Board independence and firm performance: Evidence from Bangladesh. Future Business Journal, 4(1), 34-49.
  15. Vafeas, N. (1999). Board meeting frequency and firm performance. Journal of Financial Economics, 53(1), 113-142.
  16. Vathunyoo Sila, Angelica Gonzalez, Jens Hagendoff. (2016). Women on board: Does boardroom gender diversity affect firm risk? Journal of Corporate Finance, 36, 26-53.
  17. Woldie, A., Leighton P., and Adesua A. (2008). Factors influencing Small and Medium Enterprises (SMEs): an exploratory study of owner/manager and firm characteristics. Journal of Management Development, 17(4), 245-257.

THE IMPACTS OF CHARACTERISTICS OF THE BOARD OF

DIRECTORS ON THE COMPANY’S FINANCIAL PERFORMANCE:

 AN EMPIRICAL RESEARCH

ON LISTED COMPANIES IN VIETNAM

• PHAM MINH VUONG

• NGUYEN THI NHU TRINH

• NGUYEN THI KHANH DU

Faculty of Accounting - Audit, Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

This paper uses two financial performance measurement tools, namely ROA and TOBIN’S Q, to analyze the influence of characteristics of the Board of Directors (BoD) on the financial performance of an enterprise. The paper’s results indicate that the presence of the BoD’s femal members and the risk-taking attitude of the BoD have positive correlations with the company’s financial performance. Meanwhile, the presence of the BOD’s member who hold two positions has a negative correlation with the company’s financial performance.

Keywords: the Board of Directors, financial performance, Vietnamese enterprise.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]