Hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam: Trường hợp 5 ngân hàng thương mại Việt Nam có giá trị thương hiệu cao năm 2020

TS. NGUYỄN QUANG MINH (Trường Đại học Tài chính - Marketing)

TÓM TẮT:

Nội dung nghiên cứu đề cập tới năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, tiêu biểu là 5 NHTM có giá trị thương hiệu cao năm 2020 theo đánh giá của Brand Finance, gồm Techcombank, MBBank, Agribank, ACB và Sacombank. Các số liệu liên quan hiệu quả tài chính được phân tích trong 3 năm gần nhất. Thông qua nội dung phân tích, tác giả hy vọng cung cấp một góc nhìn khác hơn so với góc nhìn về giá trị thương hiệu cao mà tổ chức Brand Finance công bố. Từ đó, ngoài việc xây dựng giá trị thương hiệu, các ngân hàng cần có những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả tài chính của mình, bởi đây là yếu tố vững bền giúp ngân hàng có hoạt động lâu dài, đủ nội lực để cạnh tranh với các NHTM khác trên thế giới trong thời kỳ hội nhập.

Từ khóa: Ngân hàng thương mại, năng lực, Việt Nam, tài chính, thương hiệu.

1. Đặt vấn đề

Bài nghiên cứu trước đã tập trung vào 4 ngân hàng đạt thương hiệu giá trị cao năm 2019 về năng lực tài chính. Tuy nhiên, năm 2020 có 9 ngân hàng của Việt Nam đã được ghi nhận giá trị thương hiệu cao, thông qua đó có 5 ngân hàng của Việt Nam lần đầu tiên được ghi nhận. Mặt khác, hoạt động gia tăng giá trị thương hiệu trên thị trường quốc tế và nâng cao năng lực tài chính luôn là các hoạt động quan trọng mà các NHTM theo đuổi. Đôi khi các NHTM phải hi sinh mục tiêu này để theo đuổi mục tiêu kia. Tuy nhiên, hiệu quả tài chính vẫn là yếu tố quan trọng hơn cả để quyết định việc tồn tại và phát triển lâu dài của một ngân hàng. Chính vì vậy, việc phân tích và nhìn nhận thực trạng hiệu quả tài chính của 5 NHTM sau khi các NHTM lần đầu tiên được ghi nhận về giá trị thương hiệu lớn cung cấp một góc nhìn khác, để từ đó các NHTM cần tiếp tục nâng cao hiệu quả tài chính trong thời kỳ hội nhập.

2. Hiệu quả tài chính và giá trị thương hiệu của NHTM

2.1. Hiệu quả tài chính của NHTM

Tài chính là “phương thức huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực khan hiếm (nguồn lực tài chính) nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của các chủ thể trong phát triển kinh tế - xã hội” [16; tr 59].

Tài chính doanh nghiệp một cách tổng quát là quan hệ giá trị giữa doanh nghiệp và các chủ thể trong nền kinh tế [4; tr8,9].

Hiệu quả hoạt động kinh doanh phản ánh việc sử dụng các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu kinh tế của doanh nghiệp, có thể đề cập đến như là hiệu quả hoạt động tài chính (N. Venkatraman, Vasudevan Ramanujam, 1986).

Như vậy, có thể hiểu, hiệu quả tài chính của NHTM là khả năng thực hiện các mục tiêu của các NHTM dựa trên các nguồn lực tài chính hiện có bao gồm tài sản, vốn.

2.2. Giá trị thương hiệu của NHTM

Theo Aaker (1991), Giá trị thương hiệu là tập hợp giá trị mà khách hàng liên kết với thương hiệu phản ánh các khía cạnh của nhận thức thương hiệu, liên tưởng thương hiệu, chất lượng cảm nhận, lòng trung thành thương hiệu và các giá trị tài sản khác.

Theo Aaker (1996), Giá trị thương hiệu là lòng trung thành (sự thỏa mãn của khách hàng), cảm nhận chất lượng, cảm nhận sự lãnh đạo thương hiệu, cảm nhận giá trị thương hiệu, cá tính thương hiệu, nhận thức của khách hàng đối với tổ chức, cảm nhận khác biệt, nhận thức thương hiệu, định vị thị trường, giá và mức độ phân phối.

Theo Keller (1998), giá trị thương hiệu bao gồm: (1) Nhận thức thương hiệu (người tiêu dùng sẽ nhận biết và nhớ lại những gì liên quan đến thương hiệu), (2) hình ảnh thương hiệu (là các liên tưởng hiệu năng và hình tượng), (3) phản ứng đối với thương hiệu (những đánh giá, tình cảm đối với thương hiệu như sự ấm áp, vui vẻ, háo hức, an toàn, chấp nhận xã hội và tự trọng), (4) quan hệ với thương hiệu hay còn gọi là cộng hưởng thương hiệu có nghĩa là sự trung thành về hành vi, sự gắn bó về thái độ, ý thức cộng đồng và sự cam kết hành động.

Một cách tổng quát, giá trị thương hiệu được hiểu là những giá trị đặc thù mà thương hiệu mang lại cho những đối tượng liên quan (bản thân doanh nghiệp, khách hàng, cổ đông, nhân viên,…). Giá trị thương hiệu là lợi ích mà thương hiệu mang lại cho một doanh nghiệp.

Giá trị thương hiệu của NHTM quan tâm đến 2 khía cạnh: Thứ nhất, giá trị cảm nhận là những cảm xúc, tình cảm của người tiêu dùng đối với thương hiệu. Thứ hai, giá trị tài chính là hành vi của người tiêu dùng - họ chọn dùng thương hiệu của tổ chức hay là những đối thủ cạnh tranh.

Giá trị thương hiệu gồm 5 thành tố chính đó là: Sự nhận biết thương hiệu, chất lượng cảm nhận vượt trội, sự liên tưởng thương hiệu, sự trung thành thương hiệu, các yếu tố giá trị thương hiệu khác. Việc tạo dựng được những giá trị này là cả một quá trình, đòi hỏi sự đầu tư và quyết tâm của doanh nghiệp.

3. Thực trạng hiệu quả tài chính của 5 NHTM Việt Nam có giá trị thương hiệu cao

3.1. Các NHTM Việt Nam có giá trị thương hiệu cao theo công bố của Brand Finance

Brand Finance là công ty hàng đầu thế giới về cố vấn và định giá thương hiệu, được thành lập bởi David Haigh vào năm 1996, có trụ sở chính tại Luân Đôn. Các bảng xếp hạng gắn mác Brand Finance luôn được giới chuyên môn đánh giá cao và giành được sự quan tâm lớn của dư luận. Nổi bật trong đó có Global 100 Brands - 100 thương hiệu đắt giá nhất thế giới, Brand Finance Banking 500 - 500 ngân hàng uy tín nhất thế giới, Top 25 Football Club Brand - 25 thương hiệu bóng đá đắt giá nhất thế giới,…

Phương pháp tiếp cận của Brand Finance là sử dụng kỹ thuật để chiết khấu dòng tiền trong tương lai (DCF), phương pháp này sử dụng doanh thu có được từ sở hữu thương hiệu hay khoản đóng góp của thương hiệu vào hoạt động kinh doanh hiện tại và tương lai, tại một tỷ lệ chiết khấu phù hợp, để đi đến một giá trị hiện tại ròng (NPV) của nhãn hiệu hàng hoá và tài sản liên quan đến trí tuệ: giá trị thương hiệu.

Như vậy, để lấy dòng tiền kỳ vọng trong tương lai chiết khấu về hiện tại, ta cần xác định một lãi suất chiết khấu phù hợp và tương đối chính xác nhất.

Hàng năm, Brand Finance công bố Top 500 thương hiệu ngân hàng mạnh nhất và có giá trị nhất trên thế giới (Brand Finance Banking 500).

Ngoài 4 ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank thuộc Top 500 thương hiệu ngân hàng từ năm 2019, năm 2020 có thêm 5 ngân hàng mới là Techcombank, MBBank, Agribank, ACB và Sacombank. Thứ hạng của giá trị thương hiệu Vietcombank tăng từ 325 lên 207; BIDV tăng từ 307 lên 276, VietinBank giảm từ 242 xuống 277 và VPBank tăng từ 361 lên 280.

Trong đó, 5 ngân hàng mới là chủ thể nghiên cứu của bài nghiên cứu được xuất hiện trong bảng xếp hạng 2020 với các thứ hạng như sau: Agribank 190, Techcombank 327, MBBank 386, ACB 420 và Sacombank 422.

3.2. Thực trạng hiệu quả tài chính của 5 NHTM Việt Nam có giá trị cao năm 2020

Hiệu quả tài chính có thực sự mạnh hay không, đầu tiên cần dựa vào nguồn vốn từ nội lực của chính các doanh nghiệp. Tuy nhiên với đặc điểm riêng của NHTM, nguồn vốn chủ sở hữu thường chiếm tỷ trọng không nhiều. Techcombank có giá trị hệ số vốn chủ sở hữu/tổng tài sản luôn lớn nhất qua các năm, từ 10 - 16,2%, mức thấp nhất thuộc về ngân hàng Agribank với hệ số vốn chủ sở hữu/tổng tài sản từ 4,21 - 4,77%. Như vậy, có thể thấy, Techcombank luôn phản ánh tình hình tài chính khá lành mạnh hơn các ngân hàng còn lại.

Mặt khác, dựa trên con số tuyệt đối thì giá trị vốn chủ sở hữu của Agribank hiện nay cao nhất. Nhưng phải nhìn ở một góc độ khác, đây là ngân hàng nhà nước, có quy mô tổng tài sản và tổng nguồn vốn luôn cao. Do vậy, cũng không ngạc nhiên khi xét về số tuyệt đối của chỉ tiêu này, Agribank luôn đứng đầu và có giá trị cao. Tuy nhiên, qua số liệu đánh giá, có thể nhận thấy Techcombank đang tăng trưởng vững mạnh về số liệu tuyệt đối lẫn tương đối. Với tốc độ này, Techcombank sẽ nhanh chóng vươn lên để thành điểm sáng về quy mô tài chính cũng như tình hình tài chính lành mạnh trong thời gian không xa.

Biểu đồ 1: Vốn chủ sở hữu của 5 NHTM giai đoạn 2017-2019

(ĐV: tỉ đồng)

Vốn chủ sở hữu của 5 NHTM giai đoạn 2017-2019

Nguồn: Trích báo cáo tài chính của 5 NHTM

Các ngân hàng ACB, Sacombank có mức vốn chủ sở hữu ở mức khá khiêm tốn so với các ngân hàng còn lại, tỉ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản từ 5,6-7,2%, do vậy các ngân hàng này sẽ cần có các phương thức tăng vốn chủ sở hữu nhiều hơn để kịp cạnh tranh với các ngân hàng nội địa, xa hơn nữa là cạnh tranh với các ngân hàng khu vực và quốc tế.

Tổng tài sản của 5 ngân hàng đã có sự phân hóa rõ rệt. Tổng tài sản là giá trị rất quan trọng, thể hiện năng lực tài sản, nguồn vốn, và quy mô kinh doanh của ngân hàng, sẵn sàng đáp ứng được các dự án lớn trong thị trường, tăng sự an tâm đối với khách hàng.

Biểu đồ 2: Tổng tài sản của 5 NHTM giai đoạn 2017-2019

(ĐV: tỉ đồng)

Tổng tài sản của 5 NHTM giai đoạn 2017-2019

Nguồn: Trích báo cáo tài chính của 5 NHTM

 Do có sự phân hóa rõ rệt khi so sánh về tổng tài sản, nên có thể thấy đây là yếu tố cần phải cải thiện ở các ngân hàng có giá trị tổng tài sản thấp. Nhìn chung, bốn ngân hàng Techcombank, MBBank, ACB và Sacombank có mức chênh lệch tổng tài sản không lớn. Kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, cả 4 ngân hàng đều có mức tổng tài sản trên dưới 4 trăm ngàn tỉ đồng. Riêng đối với Agribank đã đạt gần 1,5 triệu tỉ đồng. Quy mô tổng tài sản liên tục tăng dần, phản ánh một kết quả khả quan của 5 NHTM Việt Nam mới được ghi nhận trong top các ngân hàng có giá trị thương hiệu mạnh. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, số lượng các ngân hàng có tổng tài sản trên 1 triệu tỉ đồng ngày càng tăng tại Việt Nam, còn trên thế giới thì số lượng này rất nhiều, do vậy 4 ngân hàng được đề cập cần có những phương án gia tăng quy mô tổng tài sản để phù hợp với sự cạnh tranh trên thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc khai thác thị trường tiền gửi và các hình thức huy động vốn, sử dụng vốn cần phát huy hơn nữa. Tiêu biểu như 4 ngân hàng Trung Quốc lớn nhất thế giới, ngân hàng ít nhất trong đó cũng có tài sản hơn 3000 tỷ USD, tương đương gần 70 triệu tỉ đồng. Do vậy, các ngân hàng Việt Nam muốn cạnh tranh được, đang phải đứng trước áp lực tăng vốn rất lớn. Đặc biệt đối với Techcombank khi tiềm năng gia tăng tài sản nếu được phát huy hơn nữa sẽ khai thác tốt thế mạnh vốn có về vốn chủ sở hữu của mình.

Ngoài phân tích các chỉ tiêu về tổng tài sản và nguồn vốn, chỉ tiêu sinh lời sẽ phản ánh được năng lực hoạt động tài chính nói chung, cũng như năng lực quản trị kinh doanh, năng lực quản trị tài chính nói riêng tại NHTM.

Chỉ tiêu ROA phản ánh một bức tranh khác về hiệu quả tài chính của các NHTM. Chỉ tiêu này cho thấy các ngân hàng có tổng tài sản càng cao thì giá trị ROA càng nhỏ, có nghĩa rằng khả năng sinh lời của tài sản càng thấp. Điều này cũng hợp lý khi cho rằng, trong quá trình mở rộng thêm về quy mô kinh doanh, ngân hàng càng khó khăn trong việc chọn lọc các dự án đầu tư ưu việt.

Biểu đồ 3: ROA của 5 NHTM giai đoạn 2017-2019

(ĐV: %)

ROA của 5 NHTM giai đoạn 2017-2019

Nguồn: Trích báo cáo tài chính của 5 NHTM

Trong khi Agribank có tổng tài sản lớn nhất thì chỉ số ROA lại gần như thấp nhất, đến năm 2019, chỉ số này của Agribank chỉ trên Sacombank. Nhưng khi nhìn vào biểu đồ, có thể lại thấy điểm sáng của Techcombank so với các ngân hàng còn lại. Trong 3 năm có thể thấy Agribank đạt mức cao nhất là xấp xỉ 3% năm 2019, còn Sacombank có chỉ số thấp nhất xấp xỉ 0,3% năm 2017. Qua đây thấy rằng điểm mạnh của ngân hàng Techcombank trong số các ngân hàng, hứa hẹn một tương lai phát triển mạnh mẽ cho ngân hàng này. ACB cùng MBBank cũng thể hiện sự tăng trưởng cho chỉ tiêu ROA. Tuy nhiên, tốc độ tăng từ năm 2018 đến năm 2019 có chiều hướng đứng lại so với tốc độ tăng năm 2018 so với năm 2017. Chưa kể năm 2020 là năm có khó khăn cho toàn bộ nền kinh tế, do vậy các ngân hàng cần đẩy mạnh tốc độ như đã từng đạt được trong năm 2018.

Bên cạnh chỉ tiêu ROA phản ánh mức sinh lời chung trong tổng tài sản của các ngân hàng, chỉ số ROE phản ánh mục tiêu cụ thể của các NHTM, đó là hiệu quả sử dụng đồng vốn chủ sở hữu trong các hoạt động đầu tư. Phân tích giá trị chỉ số ROE cho thấy giá trị này chuyển biến theo xu hướng của giá trị ROA, hơn thế nữa, chỉ số này còn cho thấy sức bật và tác dụng trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính ở các NHTM.

Biểu đồ 4: ROE của 5 NHTM giai đoạn 2017-2019

(ĐV: %)

ROE của 5 NHTM giai đoạn 2017-2019

Nguồn: Trích báo cáo tài chính của 5 NHTM

Giá trị ROE của 3 ngân hàng Techcombank, MBBank và ACB gần như đều trên 20% ở 3 năm gần nhất, pphản ánh một mức sinh lời đáng ghi nhận cho việc kêu gọi các chủ đầu tư bỏ thêm vốn vào đầu tư. Tuy nhiên, Techcombank đang có xu hướng giảm dần của chỉ số ROE. Sự thay đổi này là điểm đáng chú ý của Techcombank. Trong khi các ngân hàng còn lại đều thể hiện một xu hướng tăng dần trong chỉ số ROE. Điều này có thể được lý giải bởi Techcombank trong thời gian qua đã tăng rất nhanh và quy mô lớn lượng vốn chủ sở hữu của mình. Đây cũng là hoạt động tích cực, tuy nhiên mức tăng về hiệu quả kinh doanh không theo kịp với mức tăng vốn chủ sở hữu trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, hiện giá trị ROE năm 2019 của Techcombank vẫn neo ở mức độ cao, thể hiện hiệu quả tài chính vẫn ở mức tốt. Agribank và Sacombank cũng cho thấy sức bền và sự ổn định trong hiệu quả hoạt động tài chính của mình, việc sử dụng vốn chủ sở hữu đang xu hướng tốt dần lên, tuy nhiên ROE của Sacombank vẫn ở mức dưới 10%, là mức khó hấp dẫn các nhà đầu tư.

3.3. Đánh giá chung

Như vậy thông qua việc phân tích hiệu quả tài chính tại 5 NHTM mới gia nhập top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu mạnh năm 2020 của Brand Finance, có thể thấy, về ưu điểm, các ngân hàng đã thể hiện xu hướng chung tăng trưởng vững vàng và đạt các giá trị tích cực bước đầu về hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, vẫn còn những giá trị cần phải cải thiện như sự tăng trưởng của chỉ tiêu ROA hay ROE, hay quy mô tổng tài sản, quy mô vốn chủ sở hữu ở một vài ngân hàng. Đặc biệt, các ngân hàng nhìn chung cần gia tăng mạnh mẽ hơn nữa quy mô tổng tài sản của mình, kêu gọi vốn đầu tư để cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

4. Một số đề xuất, kiến nghị

- Ngân hàng cần phát triển nhiều ứng dụng công nghệ thông tin. Các giao dịch dần tăng cường qua các kênh thương mại điện tử, qua các ứng dụng nhằm hạn chế dần các cuộc gặp gỡ trực tiếp với các khách hàng, qua đó vừa giảm thiểu được chi phí nhân lực, vừa phù hợp với sự phát triển ngành tài chính ngân hàng trên thế giới, đồng thời thay đổi theo thói quen khách hàng. Hoạt đồng này ngân hàng nào đi trước sẽ khai thác được thị trường trước một cách tốt hơn. Biện pháp này càng thể hiện tính hiệu quả hơn trong thời gian vừa qua khi xã hội hạn chế tiếp xúc trực tiếp do dịch bệnh.

- M&A ngân hàng là một trong những biện pháp hữu hiệu để các ngân hàng gia tăng nhanh chóng quy mô hoạt động, cũng như quy vốn, tài sản của mình. Các ngân hàng có thể xem xét đến các biện pháp này khi việc tự mở rộng thị trường là khó khăn, nhất là trong năm 2020 thị trường đang gặp phải biến cố dịch bệnh tác động không nhỏ.

- NHTM cần tăng quy mô tài sản và nguồn vốn thông qua các biện pháp kêu gọi nhà đầu tư góp vốn, kể cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Để làm được điều này, ngân hàng có thể chứng minh hiệu quả tài chính của mình. Trong đó Sacombank cần thể hiện hiệu quả tài chính tốt hơn nữa, khi hiệu quả sử dụng đồng vốn chủ sở hữu ở mức khiêm tốn.

- Các cơ quan quản lý cần tiếp tục thắt chặt, kiểm soát và đưa vào khuôn khổ pháp luật những tổ chức cho vay trái pháp luật như nhiều cửa hàng cầm đồ có lãi suất cho vay vượt trần, nhằm tạo thị trường cho những tổ chức hợp pháp, kiến tạo một thị trường tài chính lành mạnh, hiệu quả. Thông qua đó, cũng hạn chế được các tổn thất tài chính cho các đối tượng còn chưa am hiểu kiến thức tài chính bị lợi dụng bởi các cá nhân, tổ chức có mục tiêu xấu.

- Ngân hàng điện tử là xu hướng tương lai không thể tránh khỏi, các ngân hàng cần khai thác tối đa, và phát triển theo hướng này, trong thời gian đầu có thể chưa có lợi nhuận nhiều do mới triển khai các hoạt động, tuy nhiên theo thời gian, khi lôi kéo được một lượng khách hàng đủ lớn, các ngân hàng sẽ có sức mạnh bứt phá nhờ công nghệ hiện nay, đặc biệt là công nghệ AI.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Aaker D. A. (1991). Managing brand equity. New York: The Free Press.
  2. Aaker D. A. (1996). Building Strong Brand. New York: The Free Press.
  3. Keller K. L. (1998). Strategic Brand Management. New Jersey: Prentice Hall.
  4. Lưu Thị Hương, Vũ Duy Hào, (2006), Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB ĐH Kinh tế quốc dân, trang 8,9.
  5. N. Venkatraman, Vasudevan Ramanujam. (1986). Measurement of Business Performance in Strategy Research: A comparison of approaches. Academy of Management Review, 11(4), 801-814.
  6. Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (2020), Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2019, TP. Hồ Chí Minh.
  7. Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (2019), Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2018, TP. Hồ Chí Minh.
  8. Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (2020), Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2019, Hà Nội.
  9. Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (2019), Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2018, Hà Nội.
  10. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (2020), Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2019, Hà Nội.
  11. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (2019), Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2018, Hà Nội.
  12. Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (2020), Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2019, Hà Nội.
  13. Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (2019), Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2018, Hà Nội.
  14. Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (2020), Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2019, TP. Hồ Chí Minh.
  15. Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (2019), Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2018, TP. Hồ Chí Minh.
  16. Phạm Ngọc Dũng, Đinh Xuân Hạng (2011), Giáo trình Tài chính tiền tệ, Nxb Tài chính, tr.202.

THE FINANCIAL PERFORMANCE

OF VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS:

CASE STUDY OF TOP 5 VIETNAMESE COMMRCIAL

BANK BRANDS IN 2020 ACCORDING TO BRAND FINANCE

• Ph.D NGUYEN QUANG MINH

University of Finance and Marketing

ABSTRACT:

This study is about the financial capacity of Vietnamese commercial banks including top 5 Vietnamese commercial bank brands in 2020 according to the Brand Finance’s ranking, namely Techcombank, MBBank, Agribank, ACB and Sacombank. This study analyzes the financial performance in the last 3 years of these banks. This study is expected to provide another perspective about above-mentioned commercial banks which is different to the perspective of Brand Finance. Besides building brand values, it is important for commercial banks in Vietnam to improve their financial performance in order to grow sustainability in long-term and compete with other foreign commerical banks in the context of Vietnam’s international integration process.

Keywords: Commercial bank, capacity, Vietnam, finance, brand.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]