TÓM TẮT:
Kiểm soát nội bộ là nền tảng và đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ hoạt động nào của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các hoạt động kiểm soát nội bộ tại các ngân hàng, cụ thể là Ngân hàng Sacombank - chi nhánh Đồng Nai còn hạn chế, chưa cụ thể, chặt chẽ và khả năng kiểm soát rủi ro còn chưa cao.
Mục đích của đề tài nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ và đánh giá thực trạng của hệ thống kiểm soát nội bộ đối với hoạt động cho vay khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Sacombank - chi nhánh Đồng Nai. Từ đó, tác giả phân tích các ưu - nhược điểm để tìm ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, đồng thời đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng này.
Từ khóa: Hệ thống kiểm soát nội bộ, khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Sacombank - chi nhánh Đồng Nai.
I. Đặt vấn đề
Hoạt động cho vay khách hàng cá nhân của một ngân hàng (NH) luôn tồn tại nhiều rủi ro. Nguyên nhân là do NH chưa thực sự xem trọng hoạt động kiểm soát nội bộ, cho nên chưa phát hiện và không có biện pháp để giải quyết triệt để những rủi ro đó. Vì vậy, NH cần thiết lập, đánh giá, phân tích một hệ thống kiểm soát nội bộ trong hoạt động cho vay khách hàng cá nhân. Từ đó, đưa ra các giải pháp góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát nội bộ, hạn chế những tổn thất, rủi ro nhằm đạt được các mục tiêu của ngân hàng.
II. Giải quyết vấn đề
1. Giới thiệu
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Đồng Nai là một ngân hàng bán lẻ hiện đại và đa năng bao gồm các nghiệp vụ huy động vốn, cho vay truyền thống và các hoạt động tín dụng khác.
Kiểm soát nội bộ là nền tảng và có vai trò quan trọng trong bất kỳ hoạt động nào của các ngân hàng thương mại. Chúng được thiết kế nhằm giảm thiểu các sai sót, khuyến khích hoạt động có hiệu quả, ngăn chặn gian lận để đạt được sự tuân thủ của các chính sách và quy trình. Việc thực hiện kiểm soát quy trình cho vay khách hàng cá nhân cũng là một trong những nhiệm vụ cơ bản và trọng yếu của hệ thống kiểm soát nội bộ.
2. Quy trình kiểm soát
Tác giả đã dựa vào hệ thống cơ sở lý luận về kiểm soát nội bộ trên nền tảng của báo cáo COSO 2013 và kết quả khảo sát ý kiến tại Ngân hàng Sacombank - chi nhánh Đồng Nai làm căn cứ để đánh giá những yếu tố, phân tích thực trạng về hoạt động kiểm soát nội bộ. Cụ thể, dựa vào 5 yếu tố cơ bản như sau:
Môi trường kiểm soát
Tác giả đã phân tích các yếu tố về: Tính chính trực và giá trị đạo đức; Đảm bảo về năng lực; Hội đồng Quản trị và Ủy ban Kiểm toán; Chính sách nhân sự; Triết lý quản lý và phong cách lãnh đạo; Cơ cấu tổ chức; Phân định về quyền hạn và trách nhiệm. Từ đó, nhằm đánh giá được những ưu, nhược điểm về môi trường kiểm soát của hoạt động kiểm soát nội bộ quy trình cho vay khách hàng cá nhân tại NH. Qua đó cho thấy, NH đã có môi trường kiểm soát tốt và đồng nhất, luôn đề cao vai trò của công tác kiểm soát giúp nâng cao hiệu quả trong việc kiểm soát quy trình cho vay khách hàng cá nhân.
Đánh giá rủi ro
Tác giả đã dựa vào cơ chế thiết lập để nhận diện rủi ro của hoạt động cho vay khách hàng cá nhân tại NH. Sau đó, nhận dạng và phân tích để đánh giá và đối phó rủi ro làm ảnh hưởng đến các hoạt động và mục tiêu của NH.
Ngân hàng đã phòng tránh các rủi ro về cho vay bằng cách đề cao chất lượng của khoản vay hơn là việc mở rộng thị phần cho vay, điều này góp phần hoàn thiện quy trình cho vay khách hàng cá nhân một cách tốt nhất. Tuy nhiên, NH vẫn chưa nhận dạng được những rủi ro cụ thể do không được dự báo trước hoặc rủi ro xảy ra bất ngờ làm ảnh hưởng đến hoạt động cho vay khách hàng cá nhân cũng như các mục tiêu của NH.
Hoạt động kiểm soát
Qua việc phân tích và đánh giá tác giả đã cho thấy, Ban giám đốc luôn theo sát tình hình hoạt động cho vay khách hàng cá nhân của NH. Ngân hàng Sacombank - chi nhánh Đồng Nai đã thực hiện quy trình kiểm soát hoạt động cho vay khách hàng cá nhân một cách chặt chẽ, các nhân viên tín dụng và kiểm soát viên thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn từ khâu cho vay đến khâu thu nợ nhằm hạn chế các rủi ro trong quy trình nghiệp vụ. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các quy trình vẫn còn chưa sát sao làm ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn của NH.
Quy trình cho vay khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Sacombank - chi nhánh Đồng Nai gồm 7 bước như sau:
Sơ đồ quy trình cho vay khách hàng cá nhân
tại Ngân hàng Sacombank - CN Đồng Nai
Quy trình kiểm soát hoạt động cho vay khách hàng cá nhân sẽ được thực hiện theo như quy trình cho vay tại ngân hàng Sacombank, bao gồm 3 giai đoạn như sau:
Giai đoạn trước khi giải ngân: Kiểm tra hồ sơ do khách hàng lập và gửi cho ngân hàng; Kiểm soát quy trình thẩm định khoản vay; Kiểm soát về quy trình phê duyệt khoản vay.
Giai đoạn giải ngân: Kiểm soát viên chú ý đến các thông tin đảm bảo chính xác, đúng mẫu quy định, đầy đủ nội dung về: Số tiền giải ngân, tài khoản vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, kiểm soát chứng từ hạch toán của khoản vay, cán bộ tín dụng quản lý khoản vay này.
Giai đoạn sau khi giải ngân: Kiểm soát viên cần thực hiện kiểm tra về mục đích sử dụng vốn vay; Kiểm soát việc thu nợ và xử lý những phát sinh; Thanh lý hợp đồng để xem xét, đánh giá khách hàng. Nếu trong trường hợp khách hàng vi phạm hợp đồng hay cố tình gian lận, lừa đảo cần đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Qua quy trình kiểm soát hoạt động cho vay khách hàng cá nhân, ngân hàng sẽ phát hiện và đánh giá được các rủi ro tiền ẩn xảy ra ở hiện tại và cả tương lai. Đồng thời, giúp NH tránh được những sai sót trong các nghiệp vụ cho vay, nợ vay, lãi vay và các khoản chi phí phát sinh của hoạt động cho vay khách hàng cá nhân.
Thông tin và truyền thông
Dựa vào những phân tích và đánh giá, tác giả đã tìm hiểu và cho thấy việc trao đổi thông tin trong nội bộ tại ngân hàng luôn được kịp thời và chính xác làm cho hệ thống thông tin và truyền thông hoạt động có hiệu quả.
Giám sát
Tác giả đã cho thấy, Ban giám đốc đã giám sát, xem xét các hoạt động của NH và các phòng ban một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, việc rà soát, kiểm tra chứng từ của nhân viên còn hạn chế, cần phải có các biện pháp khắc phục để việc giám sát trở nên chặt chẽ hơn.
3. Giải pháp hoàn thiện kiểm soát nội bộ quy trình cho vay khách hàng cá nhân
Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môi trường kiểm soát: Ngân hàng cần xây dựng hệ thống phát triển, hoàn thiện hơn đối với bộ phận kiểm soát nội bộ. Bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cán bộ, nhân viên tín dụng; Bảo đảm việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ của khách hàng; Phân công hợp lý và kiểm tra chéo giữa các nhân sự. Hoàn thiện và thành lập bộ máy tổ chức tín dụng thành hai bộ phận riêng biệt là bộ phận cho vay và bộ phận thẩm định khách hàng.
Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đánh giá rủi ro: Thường xuyên thực hiện việc đánh giá, kiểm soát rủi ro trong quy trình cho vay khách hàng cá nhân. Hợp đồng tín dụng cần đầy đủ, rõ ràng, tuân thủ các quy định hiện hành về quy trình cho vay; cần chú trọng vào các dấu hiệu cảnh báo rủi ro trong quy trình kiểm soát của hoạt động cho vay. Ban giám đốc, Ban lãnh đạo cần có văn bản chỉ đạo để điều chỉnh và bổ sung, đồng thời xử lý các trường hợp không tuân thủ, sai sót lặp đi lặp lại.
Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao kỷ luật trong quá trình điều hành để ngăn chặn các rủi ro phát sinh. Bộ phận kiểm soát nội bộ phải độc lập, minh bạch, rõ ràng. Chú trọng các công tác, xây dựng hệ thống đánh giá, theo dõi các khoản nợ xấu phát sinh. Các cán bộ, nhân viên cần thường xuyên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, thường xuyên theo dõi, kiểm soát quá trình sử dụng vay của khách hàng sau khi giải ngân. Sử dụng các biện pháp kỹ thuật để chuyển giao các rủi ro và đa dạng hoá trong hoạt động cho vay khách hàng cá nhân.
Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thông tin và truyền thông: Khai thác, xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông; Đầu tư vào các phần mềm, các chương trình, ứng dụng; Báo cáo hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hệ thống kiểm soát nội bộ; Tăng cường công tác giám sát từ xa. Xây dựng kênh truyền thông bên ngoài để đáp ứng được các yêu cầu, giải đáp thắc mắc, mong muốn và lắng nghe phản hồi của khách hàng, từ đó xem xét, thay đổi và hoàn thiện các nghiệp vụ, quy trình để làm hài lòng khách.
Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giám sát: Thường xuyên kiểm tra, đánh giá lại các tài sản đảm bảo để hạn chế rủi ro và có biện pháp thích ứng kịp thời. Tăng cường giám sát thường xuyên và giám sát định kỳ quy trình kiểm soát nội bộ quy trình cho vay nhằm đưa ra ý kiến, đánh giá độc lập, khách quan để phát hiện kịp thời các sai sót, khiếm khuyết, đề ra các biện pháp khắc phục. Kiểm tra, rà soát các chứng từ, sổ sách so với thực tế và với các số liệu trên máy tính nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các sai sót cũng như gian lận. Báo cáo kịp thời đối với các trường hợp gian lận, nghi ngờ gian lận, không chấp hành, vi phạm các quy định của ngân hàng cũng như của pháp luật.
Hoàn thiện quy trình cho vay khách hàng cá nhân: Cần có thêm bộ phận thẩm định các khoản vay để đánh giá chính xác và quyết định có cho vay hay không. Đánh giá rủi ro theo từng nhóm vay, loại vay để việc thẩm định được chính xác, từ đó quy trình kiểm soát được thực hiện nhanh chóng hơn. Thông tin của khách hàng và tất cả các hồ sơ phải bảo đảm chính xác, đầy đủ chi tiết, tránh sai sót để hiệu quả trong việc khai thác thông tin khách hàng. Các nghiệp vụ phải xem xét, phê duyệt đúng đắn tránh sai sót, gian lận.
III. Kết luận
Để nâng cao chất lượng và hạn chế mức thấp nhất rủi ro trong hoạt động cho vay khách hàng cá nhân, một trong những giải pháp quan trọng mà Ngân hàng Sacombank - chi nhánh Đồng Nai quan tâm và thực hiện là nâng cao chất lượng kiểm soát nội bộ hoạt động cho vay.
Thời gian vừa qua, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại NH này đã đạt nhiều kết quả nhất định. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, sai sót cần sửa chữa và hoàn thiện.
Nghiên cứu đã dựa vào cơ sở lý luận về hệ thống KSNB trên nền tảng của báo cáo COSO 2013, từ đó làm sáng tỏ và đi sâu hơn để phân tích thực trạng hoạt động cho vay khách hàng cá nhân. Qua đó, tác giả đưa ra một số nhận xét, đánh giá các ưu - nhược điểm, đồng thời tìm ra nguyên nhân nhằm đưa ra các giải pháp và kiến nghị giúp nâng cao chất lượng hoạt động cho vay khách hàng cá nhân, kiểm soát được các nguồn lực và hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với mục tiêu, chiến lược và định hướng của ngân hàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam VSA 315 (2012). Thông tư số 214/2012/TT-BTC ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam áp dụng đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, kiểm toán viên hành nghề và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.
- Bộ Tài chính (2012). Thông tư số 214/2012/TT-BTC Ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, được ban hành ngày 06 tháng 12 năm 2012.
PERFECTING THE INTERNAL CONTROL SYSTEM FOR LENDING
TO INDIVIDUAL CUSTOMERS ACTIVITIES
AT SACOMBANK BANK - DONG NAI PROVINCE’S BRANCH
Ph.D NGUYEN THI BACH TUYET
NGO UYEN THU
Faculty of Accounting and Finance, Lac Hong University
ABSTRACT:
Internal control is a fundamental system and it plays a key role in any activities of commercial banks. However, the internal control activities at banks, especially Saigon Thuong Tin Commercial Joint Stock Bank (Sacombank) - Dong Nai Province’s Branch are not effective, resulting to higher risks. This research is to clarify and assess the current state of the internal control system for lending to individual customers activities at Sacombank - Dong Nai Province’s Branch. This research also analyzes the strengths and the weaknesses, finds the causes of the limitations, and proposes a number of solutions and recommendations to enhance the efficiency of the internal control system of Sacombank Bank - Dong Nai Province’s Branch.
Keywords: Internal control system, commercial banks, individual customers.