Tác động của tỷ lệ sở hữu và đặc điểm doanh nghiệp đến tính ổn định thu nhập tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

ThS. PHAN VÕ ĐĂNG KHOA (CPA, CFA, MBA, FP&A; Thành viên hiệp hội CFA Canada) - NGÔ HỒNG NHUNG (Giám đốc điều hành RBG Wealth JSC)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu xem xét mối liên hệ giữa tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp, đặc điểm doanh nghiệp và khả năng các công ty đầu tư ổn định thu nhập được báo cáo thông qua quản lý dồn tích. Nghiên cứu dựa vào dữ liệu của 578 công ty phi tài chính niêm yết ở giai đoạn 2010 - 2018, bằng phương pháp định lượng thông qua phân tích hồi quy tuyến tính. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp và đòn bẩy tài chính tác động nghịch chiều đến tính ổn định thu nhập, trong khi đó, quy mô và khả năng sinh lợi trên tài sản có tác động thuận chiều đến tính ổn định thu nhập của các công ty niêm yết tại Việt Nam.

Từ khóa: tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp, đặc điểm doanh nghiệp, ổn định thu nhập, công ty niêm yết, thị trường chứng khoán.

1. Đặt vấn đề

Ổn định thu nhập đề cập đến việc quản lý thu nhập theo xu hướng giảm sự thay đổi thu nhập (Beidman, 1973). Trên thực tế, ổn định thu nhập đã được thiết lập rất tốt (Beidman, 1973; Subramanyam, 1996) và các công ty đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để báo cáo thu nhập thể hiện tăng trưởng đều đặn. Các nhà quản lý có động cơ để làm trơn tru thu nhập được báo cáo, vì điều này có thể ảnh hưởng đến dự đoán thu nhập, rủi ro trong tương lai và để đảm bảo công việc được diễn ra suôn sẻ cũng như những lợi ích đem lại cho các nhà quản lý. Thu nhập được “làm mượt” có thể được sử dụng như một phương tiện để tăng giá trị cổ đông, giá trị doanh nghiệp và tài sản cá nhân của người quản lý. Nghiên cứu này tập trung vào các nhà đầu tư tổ chức vì họ có nhiều khả năng là nhà đầu tư định giá (Bushee, 2001). Do đó, các nhà đầu tư tổ chức, so với các nhà đầu tư cá nhân, có nhiều khả năng tạo ra các ưu đãi thị trường vốn để các nhà quản lý kiểm soát thu nhập, bao gồm cả ổn định thu nhập. Vấn đề là làm thế nào các nhà đầu tư tổ chức gây ảnh hưởng đến hành vi báo cáo tài chính đã thu hút nhiều sự chú ý ở Việt Nam. Các kết quả hỗ trợ dự đoán rằng, về tổng quan, các công ty đầu tư có quyền sở hữu doanh nghiệp cao hơn có nhiều khả năng làm trơn tru thu nhập hơn trong báo cáo tài chính. Quan trọng hơn, mối liên hệ giữa sở hữu doanh nghiệp và ổn định thu nhập không đồng nhất ở các kết quả nghiên cứu. Cụ thể, mối liên hệ tích cực giữa sở hữu doanh nghiệp và ổn định thu nhập thể hiện rõ nhất giữa các công ty lợi nhuận có thu nhập được quản lý trước dựa trên xu hướng thu nhập. Phân tích sâu hơn cho thấy rằng, trong khi Koh (2003) nhận thấy quyền sở hữu của tổ chức tuân theo mối liên hệ phi tuyến tính với với thu nhập tùy ý tăng thêm. Các nghiên cứu trong giai đoạn gần đây về mối quan hệ giữa sở hữu doanh nghiệp và hành vi nhà quản lý ngày càng được quan tâm (Koh, 2003; Li & Richie, 2016). Tuy nhiên, mối quan hệ giữa sở hữu doanh nghiệp và ổn định thu nhập còn khá ít nghiên cứu. Nghiên cứu này xem xét mối liên hệ giữa quyền sở hữu doanh nghiệp và khả năng các công ty đầu tư ổn định thu nhập được báo cáo thông qua quản lý dồn tích.

2. Tổng quan nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

Nghiên cứu của He và cộng sự (2010) xem xét mối quan hệ giữa mức ổn định thu nhập và độ chính xác giữa thông tin trong dự báo của các nhà phân tích. Kết quả của bài viết phù hợp với lập luận lí thuyết rằng các nhà quản lý ổn định thu nhập của công ty để truyền tải thông tin đến thị trường. Và với bằng chứng của Tucker và Zarowin (2006), cho thấy giá cổ phiếu hiện tại của các công ty có mức ổn định thu nhập cao sẽ kết hợp nhiều thông tin về thu nhập trong tương lai hơn. Nghiên cứu đóng góp một chiều hướng khác về vai trò truyền tải thông tin của ổn định thu nhập bằng cách tập trung trực tiếp vào tác động của ổn định thu nhập trên môi trường thông tin mà những người sử dụng báo cáo tài chính phải đối mặt. Trong khi mối liên kết giữa ổn định thu nhập giúp cải thiện độ chính xác của dự báo tài chính, dẫn đến việc tăng giá trị cổ đông, giá trị doanh nghiệp hoặc sự giàu có của cá nhân người quản lí được chấp thuận rộng rãi. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu nào thực sự đi sâu vào nghiên cứu các nhân tố tác động đến quyền sở hữu doanh nghiệp và làm mềm thu nhập.

Nghiên cứu của Goel và Thakor (2003) giải thích lí do vì sao các doanh nghiệp lại làm mượt thu nhập. Biến động thu nhập lớn hơn dẫn đến một lợi thế thông tin lớn hơn cho các nhà đầu tư có hiểu biết so với các nhà đầu tư không hiểu biết. Nếu nhiều cổ đông hiện tại không có đủ thông tin và cần giao dịch trong tương lai vì lí do thanh khoản, sự biến động gia tăng của thu nhập được báo cáo sẽ làm tăng mức độ giao dịch thua lỗ của các cổ đông này. Do đó, họ sẽ muốn người quản lí ổn định thu nhập được báo cáo càng nhiều càng tốt. Ý nghĩa thực nghiệm được rút ra là liên kết ổn định thu nhập với các hợp đồng bồi thường quản lí, sự không chắc chắn về sự biến động thu nhập và cơ cấu chủ sở hữu. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn còn hạn chế. Các nghiên cứu trong tương lai có thể được hướng vào việc kiểm tra ý nghĩa định giá tài sản tiềm năng của ổn định thu nhập. Ví dụ, việc ổn định thu nhập có thể ảnh hưởng đến tính thanh khoản của cổ phiếu công ty tại các thời điểm khác nhau và điều này có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Theo nghiên cứu của Warfield và các cộng sự (1995) ta thấy rằng, sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát được mở rộng, các nhà quản lý đã tận dụng vĩ độ trong số các báo cáo. Khi quyền sở hữu quản lý được các công ty mở rộng cũng đồng nghĩa với việc có sự gia tăng tương ứng trong liên kết của người quản lý và cổ đông (Jensen và Meckling, 1976). Bên cạnh đó, vì các cổ đông có thể được hưởng lợi từ việc làm ổn định và dự đoán các báo cáo thu nhập, do đó, quyền sở hữu quản lý được công ty mong đợi rằng có thể mang lại tác động tích cực đến việc ổn định thu nhập. Tuy nhiên, khi tỷ lệ sở hữu của tổ chức tăng, quyền kiểm soát sẽ có thể làm giảm các hành vi thao túng thu nhập của nhà quản lý.

Giả thuyết 1: Tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp có mối tương quan đến tính ổn định thu nhập.

Các công ty lớn hơn có mức độ ổn định thu nhập cao hơn và ổn định hơn, bởi vì đó là những công ty lâu đời, có những dự đoán doanh thu, thu nhập gần chính xác và có thể đồng bộ (Carlson and Bathala, 1997). Chẳng hạn một doanh nghiệp với quy mô có thể ủy quyền các khía cạnh khác ngoải chính trị, không có bất kì dự đoán cụ thể nào về mối liên hệ giữa quy mô công ty và khả năng ổn định thu nhập. Nghiên cứu này sử dụng tổng tài sản của công ty như là sự đại diện cho quy mô công ty và khả năng sinh lời trên tài sản để đại diện cho đặc điểm doanh nghiệp. Do đó, các nhà quản lý sẽ hướng đến việc sử dụng các nhận thức về kế toán của họ để thực hiện các nghiệp vụ khi công ty của họ đang gần hơn với mức phá sản vì các hợp đồng nợ (Press and Weintrop, 1990; Koh, 2005). Bên cạnh đó, tỉ lệ đòn bẩy cũng được sử dụng như một sự ủy quyền cho các công ty ở trạng thái gần vi phạm hợp đồng nợ. Ngoải ra, trong giả thuyết về nợ của Watts and Zimmerman (1986) có đề cập rằng, khi các công ty tiếp cận với các giao ước nợ dựa trên nguyên tắc kế toán, một số quản lý công ty thích sử dụng phương pháp quản lý thu nhập tích cực để ngăn chặn sự vi phạm về các giao ước này hơn là các giải pháp về ổn định thu nhập.

Giả thuyết 2: Quy mô công ty có mối tương quan đến tính ổn định thu nhập.

Giả thuyết 3: Đòn bẩy tài chính có mối tương quan đến tính ổn định thu nhập.

Giả thuyết 4: Khả năng sinh lời có mối tương quan đến tính ổn định thu nhập.

3. Mô hình nghiên cứu

Mẫu nghiên cứu là các công ty niêm yết trên 2 sàn chứng khoán HOSE và HNX trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018. Các công ty chỉ được chọn khi có đủ tất cả các chỉ số cần thiết để phục vụ cho việc tính toán và không phải là những công ty đầu tư tài chính, ngân hàng, bảo hiểm do khác biệt về hoạt động kinh doanh, đồng thời phải có đầy đủ báo cáo tài chính, thường niên đã được kiểm toán trong giai đoạn nghiên cứu. Sau khi thu thập và kiểm tra các dữ liệu đã thu thập, tác giả lựa chọn 578 công ty để phân tích dữ liệu.

Mô hình nghiên cứu:

Nhóm tác giả kế thừa mô hình nghiên cứu của Koh (2005) và Li & Richie (2016) đo lường tác động tỷ lệ sỡ hữu đến việc làm mềm lợi nhuận của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Mô hình nghiên cứu được đề xuất như sau:

                ISit  = δ0 + δ1INSTit + δ2SIZEit + δ3LEVit + δ4ROAit + εit

Trong đó:

ISit là Biến phụ thuộc, đại diện cho ổn định thu nhập của công ty i ở thời điểm t, đo lường theo Koh (2005);

INSTit là biến độc lập, tỉ lệ sở hữu tổ chức của doanh nghiệp i ở thời điểm t;

Sizeit là biến độc lập, thể hiện quy mô công ty qua giá trị tổng tài sản của công ty i tại thời điểm t;

LEVit là biến độc lập, thể hiện tỷ số nợ ngắn và dài hạn trên tổng tài sản;

ROAit là biến độc lập, thể hiện lợi nhuận sau thuế chia cho tổng tài sản;

δ1, δ2 …, δ4 là hệ số hồi quy đo lường mức thay đổi tính độc lập của ổn định thu nhập trên một đơn vị thay đổi của biến độc lập khi mà giá trị của các biến độc lập khác là không đổi;

εit là sai số ngẫu nhiên.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả

Trong đó, tác giả trình bày giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của các biến được sử dụng. Theo số liệu thống kê mô tả của tất cả các biến trong bảng thống kê mô tả Bảng 1.

Bảng 1. Trình bày thống kê mô tả các biến

Trình bày thống kê mô tả các biến

Nguồn: Phân tích dữ liệu từ phần mềm STATA

4.2. Phân tích tương quan

Bảng 2. Ma trận hệ số tương quan giữa các biến trong mô hình

Ma trận hệ số tương quan giữa các biến trong mô hình

Nguồn: Phân tích dữ liệu từ phần mềm STATA

Bảng 2 cho thấy hệ số tương quan giữa các biến độc lập với nhau và mức tương quan với biến phụ thuộc. Hệ số tương quan giữa các cặp biến độc lập không lớn hơn 0.8 và hệ số VIF < 2, do vậy, khi chạy mô hình hồi quy không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

4.3. Kết quả phân tích hồi quy

Với kết quả nghiên cứu có hiệu chỉnh phương sai thay đổi và tự tương quan, cho thấy khi tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp tăng (giảm) thì ổn định thu nhập giảm (tăng) 0.0496 đơn vị ở mức ý nghĩa 5%. Theo lý thuyết đại diện, đặc điểm của công ty cổ phần là có sự tách biệt giữa chủ sở hữu và người điều hành hoạt động công ty (hay còn gọi là người đại diện). Do có sự tách biệt này nên về mặt lí thuyết và thực tế đã xuất hiện vấn đề khi 2 bên thực hiện hành vi theo 2 hướng lợi ích khác nhau, với một bên vì lợi ích cổ đông và một bên vì lợi ích cá nhân. Sự tách biệt này đã tạo ra thông tin bất cân xứng, người điều hành (đại diện) có ưu thế hơn chủ sở hữu về thông tin, nên dễ dàng hành động tư lợi. Khi quy mô công ty tăng (giảm), việc ổn định thu nhập tăng (giảm) 0.129 đơn vị ở mức ý nghĩa 1%. Nhiều nghiên cứu chứng minh các công ty lớn thường ít áp dụng hành vi điều chỉnh lợi nhuận hơn các công ty ở quy mô vừa và nhỏ nhằm để giữ gìn danh tiếng. Các công ty niêm yết càng lớn,  càng có xu hướng ít sử dụng hành vi thao túng thu nhập để thủ thuật kế toán, nhằm làm đẹp báo cáo tài chính.

Bảng 3. Kết quả hồi quy OLS hiệu chỉnh

Kết quả hồi quy OLS hiệu chỉnh

*** ,** và *: Có ý nghĩa ở mức 1% , 5%, 10%

Nguồn: Phân tích dữ liệu từ phần mềm STATA

Khi đòn bẩy tài chính tăng (giảm) 1 đơn vị thì ổn định thu nhập giảm (tăng) 0.089 đơn vị ở mức ý nghĩa 1%. Nói cách khác, đòn bẩy tài chính càng cao, càng làm giảm mức độ ổn định thu nhập của doanh nghiệp. Điều này cho thấy các công ty sử dụng đòn bẩy tài chính, vốn lưu động dẫn đến chi phí lãi vay cao sẽ có xu hướng sử dụng thủ thuật kế toán nhằm làm đẹp báo cáo tài chính trong ngắn hạn. Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ cùng chiều giữa việc khả năng sinh lời trên tài sản và thực hiện ổn định thu nhập. Các bên liên quan với doanh nghiệp như Chính phủ, công đoàn lao động hay chủ nợ thường phải nhận các tổn thất trực tiếp hơn là phần lợi nhuận nên họ có xu hướng thích rủi ro thấp hơn. Do đó, các nhà quản lý có động cơ báo cáo thu nhập đã điều chỉnh, lợi nhuận của doanh nghiệp càng cao để tạo ấn tượng về dòng thu nhập ít rủi ro hơn cho các bên liên quan.

5. Kết luận

Nghiên cứu thực hiện xem xét mối quan hệ giữa 4 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc bao gồm tỉ lệ sở hữu tổ chức doanh nghiệp, khả năng sinh lời trên tài sản, tỷ số đòn bẩy tài chính, quy mô công ty và tính ổn định thu nhập. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sỡ hữu và tỷ lệ nợ tác động nghịch chiều đến ổn định thu nhập, khả năng sinh lời và quy mô có tác động thuận chiều đến ổn định thu nhập. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của các nghiên cứu trên với độ tin cậy cao một mặt sẽ tăng cường nhận thức của những người sử dụng thông tin kế toán về thao túng thu nhập, mặt khác là cơ sở để đưa ra những khuyến nghị ở tầm vi mô và vĩ mô, nhằm kiểm soát điều chỉnh lợi nhuận nói riêng và tăng cường chất lượng thông tin kế toán nói chung. Do đó, cần thiết kiểm soát thao túng thu nhập thông qua thiết lập nghiêm ngặt hơn việc thực hiện chuẩn mực kế toán theo thông lệ quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Beidleman, C. R. (1973). Income smoothing: The role of management. The Accounting Review, 48(4), 653-667.
  2. Bushee, B. J. (2001). Do institutional investors prefer near-term earnings over long-run value?. Contemporary Accounting Research, 18(2), 207-246.
  3. Carlson, S. J., & Bathala, C. T. (1997). Ownership differences and firms' income smoothing behavior. Journal of Business Finance and Accounting, 24(2), 179-196.
  4. Goel, A. M., & Thakor, A. V. (2003). Why do firms smooth earnings?. The Journal of Business, 76(1), 151-192.
  5. He, W., Sidhu, B. K., & Tan, H. C. (2010, August). Income smoothing and properties of analyst information environment. In AAA Annual Meeting and CTLA, San Francisco (pp. 2-4).
  6. Jensen, M. C., & Meckling, W. H. (1976). Theory of the firm: Managerial behavior, agency costs and ownership structure. Journal of Financial Economics, 3(4), 305-360.
  7. Koh, P. S. (2003). On the association between institutional ownership and aggressive corporate earnings management in Australia. The British Accounting Review, 35(2), 105-128.
  8. Koh, P. S. (2005). Institutional ownership and income smoothing: Australian evidence. Accounting Research Journal.
  9. Li, S., & Richie, N. (2016). Income smoothing and the cost of debt. China Journal of Accounting Research, 9(3), 175-190.
  10. Press, E. G., & Weintrop, J. B. (1990). Accounting-based constraints in public and private debt agreements: Their association with leverage and impact on accounting choice. Journal of Accounting and Economics, 12(1-3), 65-95.
  11. Subramanyam, K. R. (1996). The pricing of discretionary accruals. Journal of accounting and economics, 22(1-3), 249-281.
  12. Tucker, J. W., & Zarowin, P. A. (2006). Does income smoothing improve earnings informativeness?. The Accounting Review, 81(1), 251-270.
  13. Warfield, T. D., Wild, J. J., & Wild, K. L. (1995). Managerial ownership, accounting choices, and informativeness of earnings. Journal of Accounting and Economics, 20(1), 61-91.
  14. Watts, R. L., & Zimmerman, J. L. (1978). Towards a positive theory of the determination of accounting standards. Accounting Review, 112-134.
  15. Watts, R.L. and Zimmerman, J.L. (1986), Positive Accounting Theory. Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall.

THE IMPACTS OF OWNERSHIP RATIO

AND FIRM CHARACTERISTICS ON INCOME STABILITY

OF LISTED ENTERPRISES IN VIETNAM

• Master. PHAN VO DANG KHOA

CPA, CFA, MBA, FP&A; Member CFA Canada

• NGO HONG NHUNG

CEO of RBG Wealth JSC 

ABSTRACT:

This study examined the relationship among the ownership ratio, firm characteristics and income stability of an enterprise which use the accrual accounting method. This study was conducted by using data sets from 578 listed non-financial companies in Vietnam over the period from 2010 to 2018. Quantitative research methods including the linear regression analysis were used. The study found that the ownership ratio and the financial leverage have negative correlations with the income stability in studied enterprises. Meanwhile, the firm size and the profitability of assets have positive correlations with the income stability of studied enterprises.

Keywords: enterprise ownership ratio, characteristics of an enterprise, income stability, listed companies, stock market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2021]