Yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội trong bối cảnh Covid-19

Đặng Thị Hoa (Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Trong những năm qua, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng đang có những bước phát triển mạnh, ngày càng có những đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 khiến doanh thu của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội giảm đáng kể. Dựa trên nghiên cứu về các công trình đã công bố liên quan tới nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành, bài viết chỉ ra các yếu tố có ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội trong bối cảnh Covid-19, gồm: (1) Chất lượng dịch vụ, (2) Ứng dụng chuyển đổi số, (3) Năng lực marketing, (4) Nguồn nhân lực (5) Năng lực tài chính (6) Trách nhiệm xã hội. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Từ khóa: du lịch, Hà Nội, năng lực cạnh tranh, Covid-19

1. Đặt vấn đề

Du lịch đã trở thành một thành phần quan trọng của sự phát triển kinh tế hiện đại (Weaver và Lawton, 2010) và đã được công nhận là một lĩnh vực đóng góp cho nền kinh tế thế giới (Holloway và cộng sự, 2009). Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam chưa được cải thiện nhiều so với các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực phát triển của đất nước còn hạn chế, nhận thức vai trò về du lịch còn chưa đầy đủ, liên kết giữa các Bộ, ngành, địa phương còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp dựa trên các lợi thế so sánh. Hà Nội - Kinh đô xưa và là Thủ đô ngày nay của Việt Nam, là nơi giao thoa của những nền văn hóa lớn với những danh thắng tự nhiên đẹp và quyến rũ như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tháp Rùa - Đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột, Thăng Long Tứ Trấn, thành Cổ Loa,...

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Hà Nội cũng là địa phương chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tính đến cuối tháng 2/2021, đã có khoảng 750/3.587 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Thành phố phải tạm dừng hoạt động, ước tính doanh thu giảm 55% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiệm vụ của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn hiện nay hết sức khó khăn, phải vừa đảm bảo duy trì hoạt động tạo doanh thu, vừa tạo được lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp trong ngành. Do đó, tác giả nhận thấy cần thiết phải tập trung  nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, để từ đó giúp các doanh nghiệp có thể phát triển vững vàng trong và sau đại dịch Covid-19.

2. Cơ sở lý luận

2.1. Năng lực cạnh tranh

Theo quan niệm của Porter, (1985), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng duy trì, mở rộng thị phần và đạt lợi nhuận cao của doanh nghiệp. Theo Report, (1985), doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh là doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm, dịch vụ với chất lượng vượt trội, giá cả thấp hơn đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước. Theo từ điển Bách khoa Toàn thư online Việt Nam, năng lực cạnh tranh là khả năng của một mặt hàng, một đơn vị kinh doanh, hoặc một nước giành thắng lợi (kể cả giành lại một phần hay toàn bộ thị phần) trong cuộc cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ. Một mặt hàng có năng lực cạnh tranh là mặt hàng có thể thu hút được nhiều người mua hơn những hàng hóa cùng loại.

2.2. Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan

Thompson, Strickland & Gamble, 2007 đã đề xuất các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh tổng thể của một doanh nghiệp dựa trên 10 yếu tố: Hình ảnh/uy tín, công nghệ, mạng lưới phân phối, khả năng phát triển và đổi mới sản phẩm, chi phí sản xuất, dịch vụ khách hàng, nguồn nhân lực, tình hình tài chính và trình độ quảng cáo, khả năng quản lý thay đổi.

Review và cộng sự, 2013, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp lữ hành tại thị trường du lịch châu Âu được tạo ra bởi 6 yếu tố: (1) Chất lượng dịch vụ; (2) Giá; (3) Giá trị thu được so với chi phí bỏ ra; (4) Vấn đề môi trường; (5) Các vấn đề xã hội; (6) An ninh.

Phạm Việt Hùng, Lại Xuân Thủy, Trần Hữu Tuấn, (2017), đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch tỉnh Quảng Ngãi, bao gồm: Năng lực Marketing du lịch, Thương hiệu, Năng lực ứng dụng công nghệ, Năng lực quản trị, Tổ chức liên kết hoạt động, Trách nhiệm xã hội, Sản phẩm và dịch vụ du lịch, Nguồn nhân lực, Năng lực tài chính; Hạ tầng - cơ sở vật chất, Chiến lược về giá và Chiến lược doanh nghiệp.        

Nguyễn Cao Trí, (2011) chỉ ra 9 yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh gồm: (1) Cơ sở vật chất; (2) Tổ chức quản lý; (3) Hệ thống thông tin; (4) Nhân sự; (5) Thị trường; (6) Markerting; (7) Vốn; (8) Tình hình cạnh tranh nội bộ ngành; (9) Chủ trương, chính sách.

Vũ Văn Đông (2020) cho rằng, năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch trong hội nhập quốc tế là tập hợp các yếu tố nguồn lực như tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính, các chính sách, thể chế và con người trong các hoạt động của doanh nghiệp du lịch tạo ra một hình ảnh về sự phát triển du lịch bền vững, có hiệu quả.

2.3. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Thông qua kết quả tổng quan nghiên cứu, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gồm 7 yếu tố sau: (1) Tổ chức quản lý, (2) Chất lượng dịch vụ, (3) Ứng dụng chuyển đổi số, (4) Năng lực marketing (5) Nguồn nhân lực, (6) Năng lực tài chính, (7) Trách nhiệm xã hội. Bảng tổng hợp các thang đo được thể hiện chi tiết như Bảng 1.

Bảng 1. Bảng tổng hợp các thang đo của từng yếu tố

năng lực cạnh tranh

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Mô hình nghiên cứu được thể hiện như Hình 1.

Hình 1: Sơ đồ mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội

năng lực cạnh tranh

2.4. Giả thuyết nghiên cứu

H1: Tổ chức quản lý ảnh hưởng thuận chiều đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội.

H2: Chất lượng dịch vụ ảnh hưởng thuận chiều đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội.

H3: Ứng dụng chuyển đổi số ảnh hưởng thuận chiều đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội.

H4: Năng lực marketing ảnh hưởng thuận chiều đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội.

H5: Nguồn nhân lực ảnh hưởng thuận chiều đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội.

H6: Năng lực tài chính ảnh hưởng thuận chiều đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội.

H7: Trách nhiệm xã hội ảnh hưởng thuận chiều đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội.

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng nhằm kiểm định thang đo và mô hình nghiên cứu. Các thang đo được đánh giá thông qua các công cụ: Kiểm định hệ số tin cậy Cronbachs Alpha; phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích hồi quy. Bảng khảo sát được lập và phát ra cho 300 doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội. Số lượng bảng khảo sát thu về và đủ điều kiện phân tích là 185 bảng. Phương pháp phân tích hồi quy đa biến theo phương pháp bình phương nhỏ nhất để xem xét mức độ tác động của các biến độc lập đến biến phụ thuộc.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Đánh giá thang đo

Tất cả các thang đo của các biến QL, CL, NL, TC đều có hệ số Cronbachs Alpha đạt yêu cầu, nên được giữ lại. Còn hệ số a của riêng biến CD1, MA2, NLCT3, NLCT4 lớn hơn hệ số a chung, nên biến CD1, MA2, NLCT3, NLCT4 sẽ bị loại. Các thang đo được giữ lại là: Thang đo Tổ chức quản lý: Cronbachs Alpha = 0.910 với 4 biến quan sát QL1, QL2, QL3, QL4. Thang đo Chất lượng dịch vụ: Cronbachs Alpha = 0.837 với 5 biến quan sát CL1, CL2, CL3, CL4, CL5. Thang đo Ứng dụng chuyển đổi số: Cronbachs Alpha = 0.837 với 4 biến quan sát CD2, CD3, CD4, CD5. Thang đo Năng lực marketing: Cronbachs Alpha = 0.796 với 4 biến quan sát MA1, MA3, MA4, MA5. Thang đo Nguồn nhân lực: Cronbachs Alpha = 0.834 với 6 biến quan sát NL1, NL2, NL3, NL4, NL5, NL6. Thang đo Năng lực tài chính: Cronbachs Alpha = 0.938 với 6 biến quan sát TC1, TC2, TC3, TC4, TC5, TC6. Thang đo Trách nhiệm xã hội: Cronbachs Alpha = 0.893 với 4 biến quan sát TN1, TN2, TN3, TN4. Thang đo Năng lực cạnh tranh: Cronbachs Alpha = 0.806 với 3 biến quan sát NLCT1, NLCT2, NLCT5.

4.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA

Phân tích nhân tố khám phá EFA cho biến phụ thuộc: Ba biến quan sát của nhóm biến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội đều có hệ số tin cậy Cronbachs Alpha > 0,6. Các biến quan sát này được đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA. Kết quả sau khi phân tích EFA cho thấy, hệ số KMO của nhóm biến này là 0,632, thỏa điều kiện 0,5 < KMO < 1 với mức ý nghĩa là Sig.= 0,000 trong kiểm định Barletts (Sig<0,05), tổng phương sai trích được là 72,085%, 3 biến quan sát này đều có hệ số tải nhân tố > 0,5; điều này thể hiện kết quả phân tích nhân tố là phù hợp.

Phân tích nhân tố khám phá EFA cho biến độc lập: Kết quả phân tích EFA cho thấy hệ số KMO của các biến quan sát là 0,808, thỏa mãn điều kiện 0,5 < KMO < 1, vậy có thể kết luận là phân tích nhân tố khám phá là thích hợp để phân tích yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội. Thông qua kiểm định Bartlett có kết quả Sig.< 0,05 nên 33 biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện. Cột Cumulative cho biết trị số phương sai trích là 70,191%, điều này có nghĩa là 70,191%, sự thay đổi của các nhân tố được giải thích bởi các biến đặc trưng. Kết quả của phân tích mô hình EFA cho biết các biến đặc trưng đều có hệ số tải nhân tố (Factor loading) lớn hơn 0,5. Tổng số 33 biến quan sát được trích thành 7 nhóm yếu tố đại diện: QL, CL, CD, MA, NL, TC, TN.

4.3. Phân tích mô hình hồi quy

Phân tích hồi quy bội: Để nhận diện mức độ ảnh hưởng các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội, mô hình tương quan tổng thể có dạng: Y = f (X1, X2, X3, X4, X5, X6, X7). Sau khi chạy phương trình hồi quy, biến QL bị loại ra khỏi mô hình, do có hệ số sig > 0.05. Như vậy, chỉ còn lại các biến độc lập X2, X3, X4, X5, X6, X7. (Bảng 2)

Bảng 2. Bảng phân tích hồi quy các yếu tố ảnh hưởng

năng lực cạnh tranh

Phương trình hồi quy có dạng như sau:

NLCT = 0,170CL + 0,113CD + 0,062MA   + 0,182NL + 0,157TC + 0,031TN + 1,056

Kết quả phân tích hồi quy cho thấy cả 6 biến: (1) Chất lượng dịch vụ, (2) Ứng dụng chuyển đổi số, (3) Năng lực marketing, (4) Nguồn nhân lực (5) Năng lực tài chính (6) Trách nhiệm xã hội đều tác động thuận chiều đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội. Do đó, nghiên cứu chấp nhận 6 giả thuyết (H2, H3, H4, H5, H6, H7) đặt ra.

5. Kết luận và khuyến nghị

Yếu tố tác động mạnh nhất đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội là Chất lượng dịch vụ (hệ số beta 0,286). Yếu tố ảnh hưởng mạnh thứ hai là Nguồn nhân lực (hệ số beta 0,283). Yếu tố ảnh hưởng mạnh thứ ba là Năng lực tài chính (hệ số beta 0,281). Yếu tố ảnh hưởng mạnh thứ tư là Ứng dụng chuyển đổi số (hệ số beta 0,203). Yếu tố ảnh hưởng mạnh thứ năm là Năng lực marketing (hệ số beta 0,114). Yếu tố ảnh hưởng yếu nhất là Trách nhiệm xã hội (hệ số beta 0,53).

Trong định hướng phát triển, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tập trung phát triển các tiềm năng du lịch văn hóa đặc thù. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, cải thiện trình độ ngoại ngữ, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ trong marketing sản phẩm thông qua phát triển nội dung trên website với các công nghệ hiện đại; sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin và giao tiếp với khách hàng, nâng cao chất lượng trải nghiệm với các ứng dụng di động; hợp tác với các nền tảng số và các sàn giao dịch điện tử. Cuối cùng, các doanh nghiệp cần có sự hợp tác kết nối với các cấp các ngành, chính quyền các địa phương vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ mạnh mẽ, nhằm nâng cao chất lượng cải thiện môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vũ Văn Đông (2020), Nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch trong hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí Công Thương. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-nganh-du-lich-trong-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-77358.htm
  2. Phạm Việt Hùng, Lại Xuân Thủy, Trần Hữu Tuấn (2017), Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch tỉnh Quảng Ngãi, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, 126(5D), 125-137.
  3. Nguyễn Cao Trí (2011), Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  4. Report, A. (1985). Report from the Select Committee of the House of Lords on Overseas Trade. London: HMSO.
  5. Review, C. B., Assistant, S., & Dubrovnik, B. E. (2013). Competitiveness of Travel Agencies in the European. Tourism Market, 12(4), 278-286.
  6. Holloway, J.C., Humphreys, C., Davidson, R. (2009). The Business of Tourism. London: Pearson.
  7. Porter, M. E. (1990). The Competitive Advantage of Nations. USA: Harvard Business Review.
  8. Thompson, Strickland & Gamble. (2007). Crafting and Executing Strategy. USA: Mc Graw-Hill Companies, Incorporated.
  9. Weaver, D., Lawton, L. (2010). Tourism Management, 4th ed. Milton, Australia: John Wiley Sons.

FACTORS AFFECTING THE COMPETITIVENESS OF HANOI’S TOURISM BUSINESSES IN THE CONTEXT  OF THE COVID-19 PANDEMIC

Dang Thi Hoa

Faculty of Economics, National Economics University

ABSTRACT:

Vietnam's tourism industry in general and Hanois tourism sector in particular had experienced a strong growth in recent years and had greatly contributed to the national economic development. However, Hanoi’s tourism sector has been affected severely due to the Covid-19 pandemic. Based on previous researchs on improving the competitiveness of tourism businesses, this paper points out the factors affecting the competitiveness of Hanoi’s tourism businesses in the context of the Covid-19 pandemic imcluding (1) the service quality, (2) the implementation of digital transformation, (3) the marketing capabilities, (4) the human resources, (5) the financial capacity, and (6) the social responsibility. Based on these findings, the paper proposes some recommendations to improve the competitiveness of Hanoi’s tourism businesses in the context of the Covid-19 pandemic.

Keywords: tourism, Hanoi, competitiveness, Covid-19.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 13, tháng 6 năm 2021]