Bàn về cơ cấu tổ chức và các thiết chế trong công ty cổ phần mô hình có ban kiểm soát

Bài báo nghiên cứu "Bàn về cơ cấu tổ chức và các thiết chế trong công ty cổ phần mô hình có ban kiểm soát" do ThS. Lưu Mạnh Hùng (Trường Đại học Hà Nội) và TS. Nguyễn Thanh Lý (Khoa Luật, Học viện Khoa học xã hội) thực hiện.

Tóm tắt:

Cơ cấu tổ chức và các thiết chế trong công ty cổ phần (CTCP) có tác động rất lớn đến hiệu quả quản trị công ty. Pháp luật các nước khác nhau có cách tiếp cận và điều chỉnh tương đối khác nhau về cơ cấu tổ chức và các thiết chế trong CTCP. Bài viết phân tích cơ cấu tổ chức và các thiết chế cơ bản của CTCP mô hình có ban kiểm soát thông qua so sánh pháp luật Việt Nam và một số quốc gia khác.

Từ khóa: công ty cổ phần, quản trị công ty, cơ cấu tổ chức, ban kiểm soát.

1. Đặt vấn đề

Ngay từ đầu thế kỷ thứ XIX, trong Luật của Anh, Hoa Kỳ thường xuyên đề cập đến công ty như “những thực thể nhân tạo”, thể hiện ý chí và hành động thông qua nhóm người. Bởi vậy, khi đề cập đến pháp luật về quản trị công ty, tức là đến cơ cấu tổ chức và sự vận hành của các thiết chế quản lý trong công ty. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức và các thiết chế quản lý trong công ty liên quan đến cấu trúc của bộ máy quản lý - điều hành của công ty, chứ không phải của toàn bộ cấu trúc quản trị của công ty. Nói cách khác, cơ cấu tổ chức của các thiết chế quản lý trong CTCP là một nội dung quản trị công ty. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế và truyền thống quản trị, cơ chế pháp lý của từng quốc gia, các thiết chế quản lý trong CTCP có vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau.

2. Cơ cấu tổ chức và các thiết chế trong công ty cổ phần mô hình có ban kiểm soát

2.1. Cơ cấu tổ chức

Căn cứ vào cơ cấu sở hữu, mô hình quản trị của CTCP có thể chia thành 3 mô hình: (1) cơ cấu sở hữu tập trung, quyền sở hữu và quyền kiểm soát tập trung vào trong tay một số ít cá nhân, gia đình, nhà quản lý, tổ chức khác; (2) Sở hữu phân tán là việc từng người trong số nhiều chủ sở hữu nắm giữ một lượng cổ phần của công ty.

Căn cứ vào cấu trúc quản trị nội bộ, có 3 mô hình cơ bản, đó là: (1) CTCP cấu trúc đơn cấp, (2) CTCP cấu trúc song cấp, (3) CTCP cấu trúc hỗn hợp.

Pháp luật doanh nghiệp ở Việt Nam không cụ thể quản trị CTCP theo mô hình đơn cấp hay mô hình song cấp, mà tùy thuộc và sự lựa chọn của nhà đầu tư. Các thiết chế trong CTCP ở Việt Nam thông thường gồm: (i) Đại hội đồng cổ đông; (ii) Hội đồng quản trị (HĐQT); (iii) Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; (iv) Ban kiểm soát (BKS) (có hoặc không theo quy định pháp luật và điều lệ công ty).

2.2. Chức năng nhiệm vụ của các thiết chế

Theo cơ cấu tổ chức này, về mặt lý luận CTCP mô hình có BKS gồm các thiết chế có chức năng nhiệm vụ như sau:

2.2.1. Đại hội đồng cổ đông

Với tư cách là chủ sở hữu công ty, các cổ đông cần một hệ thống cho phép họ được đóng góp vào việc xây dựng chiến lược phát triển chung, định hướng kinh doanh cho công ty mà họ đầu tư. Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bao gồm tất cả các cổ đông nắm giữ cổ phần của công ty, quyền lực của cổ đông được thực hiện bởi nghi thức của ĐHĐCĐ... ĐHĐCĐ là cơ quan quản lý cấp cao nhất của công ty.

ĐHĐCĐ là một bộ phận, một thiết chế trong cơ cấu tổ chức quản lý của CTCP vì vậy Đại hội đồng cổ đông được tham gia các quan hệ pháp luật với các bộ phận, thiết chế khác trong doanh nghiệp phù hợp với quyền và nghĩa vụ nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Thông qua ĐHĐCĐ, các cổ đông thể hiện ý chí của họ đối với các vấn đề quan trọng của công ty như vấn đề cơ cấu doanh nghiệp, bầu bãi miệm nhân sự cấp cao (thành viên HĐQT, Ban giám đốc, BKS), bán hoặc đầu tư các tài sản, hợp đồng, dự án có giá trị lớn hoặc thông qua báo cáo tài chính… ĐHĐCĐ cũng giúp cho cổ đông có cơ hội, ít nhất mỗi năm một lần, gặp gỡ trực tiếp với các thành viên HĐQT, BKS, Ban Giám đốc để đặt câu hỏi, từ đó ra các quyết định đến tương lai của công ty. Trong đó, xuất phát từ bản chất pháp lý của mình, điều lệ công ty sẽ có vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của Đại hội cổ đông trên cơ sở không trái với các quy định “tối thiểu” của pháp luật về công ty.

Sự thể hiện quyền lực của ĐHĐCĐ diễn ra định kỳ thông các cuộc họp thường niên hoặc các cuộc họp bất thường. Trung bình một doanh nghiệp hàng năm chỉ có một vài cuộc họp của ĐHĐCĐ nên tính quyền lực mang tính gián tiếp, chủ yếu được thể hiện thông qua các hoạt động thi hành của HĐQT và Ban giám đốc. Mối quan hệ quyền lực giữa ĐHĐCĐ và HĐQT, Ban kiểm soát trong CTCP vừa mang tính quyền lực (tính chỉ huy) vừa mang tính giám sát. Tính quyền lực thể hiện ở chỗ, ĐHĐCĐ bầu thành viên và chỉ đạo các hoạt động của HĐQT và BKS. Tính giám sát được thể hiện ở chỗ, sau khi giao nhiệm vụ cho HĐQT và BKS ĐHĐCĐ kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ quan này thông qua các kết quả công việc và các báo cáo thường niên hoặc đột xuất. Mặc dù ĐHĐCĐ là cơ quan quyết định cao nhất của doanh nghiệp, nhưng quyền lực này bị hạn chế bởi không phải là cơ quan thường trực, do đó quyền lực không phải lúc nào cũng là quyền lực trực tiếp.

Trong quản trị CTCP mô hình có BKS, việc gia cố quyền lực cho ĐHĐCĐ quyết định những vấn đề của công ty rất được chú trọng. ĐHĐCĐ không được ủy quyền thực hiện một số hoặc tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình cho HĐQT. Tuy nhiên, đặc điểm của CTCP là ĐHĐCĐ có thể bao gồm rất nhiều các cổ đông, thậm chí các cổ đông chỉ quan tâm đến lợi tức thay vì quan tâm đến quản trị hoặc các cổ đông không có chuyên môn trong quản trị, điều hành. Do đó, sự phân tách quyền lực trong CTCP giúp cho các cổ đông san sẻ gánh nặng quản lý cho các thiết chế khác là một trong những đặc điểm đặc thù của CTCP, đặc biệt là đối với công ty đại chúng.

Ngoài ra, với tư cách là một diễn đàn của những người chủ sở hữu công ty, các vấn đề liên quan đến cách thức hoạt động của ĐHĐCĐ cũng được pháp luật doanh nghiệp điều chỉnh. Các nội dung pháp luật xoay quanh rất nhiều vấn đề, từ việc chuẩn bị cuộc họp ĐHĐCĐ phải tuân theo các yêu cầu về trình tự và thủ tục chi tiết như thế nào, đến việc tổ chức cuộc họp, thông qua Nghị quyết và hiệu lực của Nghị quyết ĐHĐCĐ[1].

2.2.2. Hội đồng quản trị

Thành viên HĐQT là những người được cổ đông bầu chọn nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Tương tự như cổ đông, các quyền và trách nhiệm của HĐQT được quy định trong Luật Công ty (hoặc Luật Doanh nghiệp). Với tư cách là cơ quan đại diện cho cổ đông, thành viên HĐQT được mong đợi phải hành động vì quyền lợi của tất cả các cổ đông, chứ không phải của riêng cổ đông nào hoặc đưa ra các quyết định ảnh hưởng từ bên ngoài. Ở hầu hết các quốc gia, HĐQT có trách nhiệm đảm bảo những người quản lý tối đa hóa lợi ích của cổ đông. Các đặc điểm của HĐQT được nghiên cứu bao gồm: quy mô của HĐQT, sự độc lập của HĐQT với cấp quản lý, nền tảng của các thành viên HĐQT, mức độ bận rộn của công việc phụ thuộc vào số lượng thành viên HĐQT. Như Adams và Ferreira (2007) lưu ý, HĐQT cũng có thể hoạt động như một cố vấn cho cấp quản lý.

Trong cơ cấu tổ chức của CTCP mô hình có BKS, HĐQT là cơ quan quản lý của công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. Về địa vị pháp lý, ngoài các chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ, việc quyết định và thực hiện tất cả các vấn đề còn lại trong quản lý và điều hành kinh doanh của công ty đều thuộc thẩm quyền của HĐQT. Theo đó, HĐQT có các quyền và nhiệm vụ gồm:

- Các quyền và nhiệm vụ liên quan đến hoạch định giám sát thực thi chiến lược, phương hướng kinh doanh của công ty.

- Chức năng và nhiệm vụ liên quan đến quản trị nội bộ công ty.

- Chức năng và nhiệm vụ liên quan đến vốn và tài sản công ty.

- Chức năng và nhiệm vụ liên quan đến cổ đông và quyền của cổ đông.

- Chức năng và thẩm quyền liên quan đến công khai hóa thông tin, minh bạch thông tin.

Như vậy, thẩm quyền của HĐQT rất lớn và là “trung tâm” quyền lực của công ty, bao quát hết tất cả các lĩnh vực hoạt động của công ty, từ chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh, vốn, nhân lực chủ chốt cho đến công khai hóa, minh bạch hóa và kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, quyền lực đó được thực hiện một cách có hiệu quả hay không lại phụ thuộc nhiều vào quy mô, cơ cấu HĐQT, vị thế và năng lực của từng thành viên, cũng như phương thức, cơ chế làm việc, ý thức và thái độ làm việc của từng thành viên nói riêng và của HĐQT nói chung[2].

2.2.3. Ban Giám đốc

Chức danh quan trọng nhất của Ban Giám đốc là Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc công ty. Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc là người được cổ đông và HĐQT trao các quyền tự do cần thiết để vận hành công việc hàng ngày của công ty. Sự tự do này rất quan trọng, cho phép các cán bộ điều hành có thể đưa ra các quyết định cần thiết cho công ty. Trách nhiệm chính của cán bộ điều hành, cho dù họ có là cổ đông hay không, là điều hành công ty vì quyền lợi tối đa của cổ đông. Nếu họ thành công, họ sẽ được hưởng lợi. Nếu thất bại, họ có nhiệm vụ giải trình với HĐQT và cổ đông[3].

Pháp luật công ty của Anh - Mỹ không có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng giám đốc (statutory power) như trong pháp luật công ty Việt Nam hay Trung Quốc. Quyền lực của Tổng giám đốc sẽ do Hội đồng giám đốc quyết định trên cơ sở ủy nhiệm, vì thế không phải các tổng giám đốc đều có quyền lực như nhau. Khác với mô hình Tổng giám đốc theo luật Anh - Mỹ, trong mô hình quản trị CTCP theo luật Việt Nam và Luật Công ty năm 2005 của Trung Quốc, Giám đốc/Tổng Giám đốc như một cơ quan trong bộ máy quản trị, với các quyền và nghĩa vụ do luật định mà các cổ đông hay HĐQT chỉ có thể trao thêm chứ không được lấy bớt đi. Mô hình CTCP đơn cấp như của Hoa Kỳ được đánh giá là mô hình Tổng giám đốc tập trung quyền lực nhất, đặc biệt khi vị trí Chủ tịch Hội đồng Giám đốc kiêm nhiệm luôn vị trí Tổng Giám đốc, hoặc Hội đồng giám đốc gia tăng quyền lực cho Tổng Giám đốc. Khác với ở Anh Chủ tịch Hội đồng giám đốc tại các công ty lớn ở Anh ít kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc. Việc kiêm nhiệm hai chức danh này ở Hoa Kỳ cũng có xu hướng phân tách dần sau các vụ phá sản của nhiều công ty lớn vào đầu thế kỷ XIX, như Enron, WorldCom, Tyco...[4].

Tuy không có BKS nhưng trong các công ty lớn, đặc biệt là các công ty niêm yết, xu hướng đa số các thành viên của Hội đồng Giám đốc là thành viên độc lập không điều hành. Xu hướng này cũng được khuyến nghị bởi những Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán như Ủy ban Chứng khoán của Hoa Kỳ (Securities and Exchange Commission), Australian Stock Exchange của Australia, Ủy ban Độc lập của chính phủ nghiên cứu về quản trị công ty của Anh (Cadbury, Hampel); Bosch của Úc... Các thành viên độc lập không điều hành của Hội đồng giám đốc sẽ đảm nhiệm chức năng xem xét, đánh giá một cách độc lập về các quyết sách quản trị của Hội đồng giám đốc và giám sát hoạt động của bộ phận điều hành. Tuy nhiên, sự giám sát của một nhóm thành viên trong Hội đồng giám đốc đối với các thành viên khác được cho là thiếu tính khách quan và hiệu quả. Bởi vậy, sự giám sát này có thể thiếu tính độc lập và kém tin cậy hơn so với hoạt động của một cơ quan giám sát độc lập trong cơ cấu quản trị của CTCP trong cấu trúc quản trị hội đồng hai tầng, cũng như trong luật công ty của Việt Nam và Trung Quốc.

Ngoài ra, hoạt động thâu tóm quyền quản trị trong CTCP là một vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều, đặc biệt là khi quyền lực nằm trong tay một người thông quan cơ chế kiêm nhiệm. Thực tế các vụ án tham nhũng đã chứng minh rằng có biểu hiện của việc một cá nhân nắm giữ quá nhiều quyền lực gây hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động quản trị của công ty.

2.2.4. Ban kiểm soát

BKS có thể có hoặc không theo quy định pháp luật trong từng trường hợp và theo sự lựa chọn mô hình quản trị của công ty. Ở Nhật Bản, CTCP buộc phải thiết lập BKS là công ty đại chúng trừ công ty có thiết lập các ủy ban. Đối với những CTCP không cần thiết phải thiết lập BKS cũng có thể thỏa thuận thành lập BKS. Ở Việt Nam, việc thiết lập BKS tùy thuộc vào lựa chọn của nhà đầu tư đối với mô hình CTCP, tuy nhiên BKS bắt buộc phải được thành lập khi CTCP có từ 11 cổ đông trở lên và các cổ đông là tổ chức sở hữu từ 50% trở lên tổng số cổ phần của công ty.

BKS có chức năng để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư. Trong cơ cấu tổ chức công ty, BKS có chức năng độc lập với bộ máy quản trị, nhằm kiểm soát các hoạt động quản trị nội bộ công ty thông qua việc: thu thập, kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh, quản lý tài chính của công ty, phục vụ yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời. Kết quả đánh giá của bộ phận kiểm soát nhằm uốn nắn những sai phạm, thiếu sót trong quản lý, kinh doanh, góp phần thay đổi, thúc đẩy công ty phát triển[5].

Khi nói đến vấn đề giám sát trong quản trị công ty, ví dụ điển hình nhất là mô hình quản trị công ty của Đức với Hội đồng giám sát (Aufsichtsrat) bao gồm các thành viên do ĐHĐCĐ bầu ra, trong số các thành viên hội đồng này, thì 1/3 thành viên (đối với những công ty có từ 500 đến 2000 người lao động) đến 1/2 thành viên (đối với những công ty có từ 2000 người lao động trở lên) phải lựa chọn trong đại diện của người làm công trong công ty. Hội đồng giám sát theo pháp luật Đức khác với thiết chế BKS trong CTCP ở Việt Nam.

Theo pháp luật doanh nghiệp ở Việt Nam, BKS là một cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động của HĐQT và Ban Giám đốc, tập trung vào việc kiểm soát các hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty cũng như giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật. BKS là một trong những thiết chế có vai trò vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng quản trị công ty thông qua cơ chế kiểm soát đối trọng nhau trong việc đưa ra quyết sách cho tổ chức và hoạt động của công ty. BKS chỉ được tạo lập và phục vụ cho ĐHĐCĐ, BKS hoạt động độc lập với HĐQT và Ban Giám đốc. Thông qua việc thực hiện chức năng giám sát tối cao của mình, BKS sẽ đảm bảo các quyết định của HĐQT và Ban Giám đốc là phù hợp với pháp luật, với các Nghị quyết của ĐHĐCĐ và bảo vệ lợi ích của các cổ đông. Khi bàn về vai trò và mối quan hệ giữa BKS với các thiết chế khác trong CTCP, có tác giả đã nhận định: Nếu tạm coi CTCP là một “nhà nước” thu nhỏ, thì ĐHĐCĐ đóng vai trò là cơ quan lập pháp - nơi quyết định phương hướng phát triển và những vấn đề trọng đại khác của công ty; HĐQT và Ban Giám đốc được coi là cơ quan hành pháp - nơi điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày; còn BKS đóng vai trò của cơ quan tư pháp - có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát hoạt động của HĐQT và Ban Giám đốc[6]. Có thể thấy, BKS trong CTCP ở Việt Nam được thiết kế là một cơ quan (có thể hiểu đơn giản là “cơ quan tư pháp” riêng trong cơ cấu quản trị nội bộ của CTCP), có nhiệm vụ chuyên trách giám sát và đánh giá HĐQT và những người quản lý điều hành nhân danh cổ đông, vì lợi ích của cổ đông và của công ty. Xuất phát từ lý do đó, quy định pháp luật về BKS đề cập tới các nội dung như: i) Thẩm quyền và trách nhiệm của BKS; ii) Cơ cấu của BKS; iii) Điều kiện, tiêu chuẩn của KSV; iv) Hoạt động của BKS[7].

5. Kết luận

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, cấu trúc quản trị nội bộ của CTCP ở Việt Nam, xét một cách toàn diện, không phải là cấu trúc hội đồng một tầng theo mô hình luật công ty Anh - Mỹ, cũng không phải cấu trúc hai tầng như mô hình của luật Đức mà mang dáng vẻ là cấu trúc mang tính pha trộn (hybrid model) giữa 2 mô hình được phân tích trên. Mô hình quản trị CTCP của Việt Nam cũng không giống mô hình quản trị CTCP Nhật Bản, nơi cấu trúc quản trị cũng là sự pha trộn giữa 2 mô hình Đức và Mỹ[8]. Thực tiễn quản trị CTCP ở Việt Nam cho thấy, các CTCP có quy mô lớn (số lượng cổ đông lớn, nguồn vốn lớn, hoặc công ty đại chúng, CTCP có vốn nhà nước) thường lựa chọn quản trị theo mô hình CTCP có BKS. Dù lựa chọn mô hình quản trị nào thì việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế trong CTCP cũng tác động rất lớn đến hiệu quả quản trị công ty. Vì vậy, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong công ty cần được chú trọng trên cả phương diện pháp luật điều chỉnh và thực tiễn thực hiện pháp luật.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Phan Đăng Hải (2020). Quản trị công ty niêm yết theo pháp luật Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, tr.50.

[2] Nguyễn Như Phát (2013). Quy định của pháp luật Việt Nam về người quản lý công ty cổ phần và thực tiễn áp dụng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Luật Doanh nghiệp và Luật Phá sản trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tiếp cận kinh nghiệm từ Đức, Pháp, Nhật.

[3] Trương Thị Nam Thắng (2010). Quản trị công ty ở Đông Á sau khủng hoảng 1997. NXB Đại học Kinh tế quốc dân, tr.5-7.

[4] Vũ Hữu Trí (2017). Quy chế pháp lý về Ban kiểm soát trong quản trị công ty cổ phần Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[5] Đỗ Thị Kim Tiên (2017). Quản trị doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. NXB Chính chị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.71.

[6] Trần Thanh Tùng (2007). Vai trò của Ban kiểm soát trong công ty cổ phần. Truy cập tại: https://thesaigontimes.vn/vai-tro-cua-ban-kiem-soat-trong-cong-ty-co-phan/

[7] Phan Đăng Hải (2020). Quản trị công ty niêm yết theo pháp luật Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội

[8] Bùi Xuân Hải (2006). So sánh cấu trúc quản trị nội bộ công ty cổ phần Việt Nam với các mô hình điển hình trên thế giới. Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 6/2006.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phan Đăng Hải (2020). Quản trị công ty niêm yết theo pháp luật Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội.
  2. Nguyễn Như Phát (2013). Quy định của pháp luật Việt Nam về người quản lý CTCP và thực tiễn áp dụng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Luật Doanh nghiệp và Luật Phá sản trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tiếp cận kinh nghiệm từ Đức, Pháp, Nhật Bản.
  3. Trương Thị Nam Thắng (2010). Quản trị công ty ở Đông Á sau khủng hoảng 1997. NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
  4. Đỗ Thị Kim Tiên (2017). Quản trị doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  5. Trần Thanh Tùng (2007). Vai trò của Ban kiểm soát trong công ty cổ phần. Truy cập tại: https://thesaigontimes.vn/vai-tro-cua-ban-kiem-soat-trong-cong-ty-co-phan/
  6. Bùi Xuân Hải (2006). So sánh cấu trúc quản trị nội bộ công ty cổ phần Việt Nam với các mô hình điển hình trên thế giới. Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 6/2006.

 

 

Organizational structure and institutions in joint stock companies

that have a board of controllers

Master. Luu Manh Hung1

PhD. Nguyen Thanh Ly2

Ha Noi University1

2Faculty of Law, Graduate Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

The organizational structure and institutions of joint-stock companies have a great impact on the effectiveness of corporate governance. The laws of different countries have relatively different approaches and adjustments to the organizational structure and institutions of joint-stock companies. This study analyzed the basic organizational structure and institutions of a joint stock company that has a board of controllers through a comparison of the laws of Vietnam and some other countries.

Keywords: joint stock company, corporate governance, organizational structure, board of controllers.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2024]