Bàn về khái niệm hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển

HÀ VIỆT HƯNG (Giảng viên Khoa Pháp luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích và đưa ra khái niệm hoàn chỉnh về hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển. Trên cơ sở đó, nghiên cứu các loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển theo pháp luật Hàng hải Việt Nam, góp phần vào việc nâng cao hiểu biết của các cá nhân, tổ chức về Luật Hàng hải quốc tế, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia ký kết và thực hiện hợp đồng.

Từ khóa: Vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển, hợp đồng quốc tế, pháp luật hàng hải Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đã không ngừng phát triển và đóng vai trò quan trọng đối với nền hàng hải thế giới. Ở Việt Nam, vận tải đường biển thực sự có ý nghĩa rất quan trọng. Ước tính lượng hàng hóa quốc tế vận chuyển chiếm tới 80% tổng lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhiều công ty vận chuyển đường biển cũng đã xuất hiện và ngày càng phát triển. Điều đó đồng nghĩa với việc cần phải có các quy định pháp luật điều chỉnh phù hợp. Sự ra đời của Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 đánh dấu bước phát triển mới trong thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, các thương nhân Việt Nam đã có cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho việc ký kết các hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển.

Hiện nay, khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu đặt ra đối với chúng ta là cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật để điều chỉnh hoạt động dịch vụ vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển cho phù hợp hơn với các yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và quốc tế. Hiểu biết pháp luật sẽ giúp bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng cho các bên trong giao dịch hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển, thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại hàng hải của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

2. Nội dung phân tích

2.1. Khái niệm hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển, trước hết được hiểu là một loại hợp đồng dân sự, bởi ở đó thể hiện sự bình đẳng trong việc thương lượng và tự quyết định các nội dung thuộc lĩnh vực quan hệ dân sự. Điểm khác biệt quan trọng nằm ở tính quốc tế của hợp đồng. Trong thực tiễn, để xác định tính chất quốc tế của một hợp đồng có nhiều cách đánh giá, tiếp cận khác nhau. Theo các quan điểm phổ biến hiện nay, hợp đồng được coi là có tính chất quốc tế khi có các dấu hiệu sau: có liên quan đến hai hay nhiều quốc gia; thuộc phạm vi điều chỉnh của một điều ước quốc tế; hàng hóa có sự chuyển dịch qua biên giới; hoặc hợp đồng tạo ra các giá trị, lợi ích trong thương mại quốc tế.

Trong thực tiễn, cách tiếp cận của luật pháp quốc tế về xác định tính chất quốc tế của một hợp đồng thường được thể hiện thông qua dấu hiệu các chủ thể liên quan có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau. Theo Điều 1 của Công ước LaHay (1964) về mua bán quốc tế những động sản hữu hình, một hợp đồng mua bán được coi là một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khi các bên chủ thể có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau, hàng hóa trong hợp đồng được chuyển dịch qua biên giới và được xác lập ở các nước đó. Còn theo Điều 1 Công ước Viên của Liên Hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì yếu tố nước ngoài của hợp đồng là yếu tố chủ thể: chủ thể của hợp đồng là các bên có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau.

Ngoài ra, có thể tìm thấy yếu tố này trong nhiều điều ước quốc tế về hợp đồng như Công ước La Hay (1986) về luật áp dụng đối với hợp đồng mua bán quốc tế, Công ước Geneve (1983) về đại diện trong mua bán quốc tế hoặc trong bộ Nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế PICC của UNIDROIT (Điều 1)… đều dựa trên tiêu chí các bên có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau để xác định tính chất quốc tế của hợp đồng.

Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể về hợp đồng có tính chất quốc tế, vì vậy có thể lý giải tính chất quốc tế trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển theo quan điểm của tư pháp quốc tế. Nó liên quan đến các dấu hiệu chủ thể, khách thể và sự kiện pháp lý quy định tại Điều 663 Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015. Theo đó, tính chất quốc tế của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển thể hiện ở các dấu hiệu sau:

Thứ nhất, có ít nhất một bên chủ thể ký kết hợp đồng có quốc tịch nước ngoài hay có trụ sở ở nước ngoài.

Thứ hai, hợp đồng được ký kết hoặc thực hiện ở nước ngoài;

Thứ ba, đối tượng của hợp đồng là hàng hóa tồn tại ở nước ngoài;

Thứ tư, do đặc thù của hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển nên hàng hóa trong hợp đồng được vận chuyển từ các cảng biển của quốc gia hay vùng lãnh thổ này tới các cảng biển của quốc gia hay vùng lãnh thổ khác.

Như vậy, theo pháp luật quốc tế, một hợp đồng được coi là có tính chất quốc tế nếu các bên có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau và có liên quan đến hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Cách đánh giá tính chất “quốc tế” của hợp đồng dựa trên các tiêu chí này được coi là hợp lý và có mối quan hệ gắn bó với nhau vì chỉ các hợp đồng được giao kết giữa các bên có “trụ sở” thương mại ở các nước khác nhau sẽ liên quan đến hai hoặc nhiều hệ thống pháp luật khác nhau có thể được áp dụng. Trong thực tiễn, hợp đồng có tính chất quốc tế được thừa nhận rộng rãi hiện nay là hợp đồng được ký kết giữa các thương nhân có trụ sở thương mại nằm trên lãnh thổ các quốc gia khác nhau.

Đã có khá nhiều công ước quốc tế về hàng hải và vận tải biển, tuy nhiên chỉ có hai công ước quốc tế có đề cập trực tiếp tới quan niệm về hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển. Theo Mục b, Điều 1 Công ước quốc tế thống nhất một số quy tắc pháp luật về vận đơn đường biển ký năm 1924 (còn gọi là Công ước Brussels 1924) quy định: “Hợp đồng vận chuyển được thể hiện bằng vận đơn hoặc một chứng từ sở hữu tương tự trong chừng mực chứng từ đó liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, bao gồm bất kỳ vận đơn hoặc chứng từ tương tự nào như đã nêu ở trên, được phát hành trên cơ sở hoặc theo một hợp đồng thuê tàu kể từ thời điểm vận đơn hoặc chứng từ sở hữu tương tự đó điều chỉnh các mối quan hệ giữa một người chuyên chở với một người cầm vận đơn”.

Theo Mục 6, Điều 1, Công ước Hamburg (1978) - Công ước của Liên hợp quốc về chuyên chở hàng hóa bằng đường biển, khái niệm hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển quốc tế được hiểu “là bất kỳ hợp đồng nào mà theo đó người chuyên chở đảm nhận chuyên chở hàng hóa bằng đường biển từ một cảng này đến một cảng khác để thu tiền cước. Tuy nhiên, một hợp đồng bao gồm chuyên chở bằng đường biển và cả phương tiện khác thì hợp đồng đó chỉ được coi là hợp đồng chuyên chở bằng đường biển theo nghĩa trong Công ước này, nếu nó liên quan đến vận tải đường biển”. Các quy định trên cho thấy, Công ước Brussels (1924) chỉ điều chỉnh hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển dưới dạng vận đơn hay chứng từ tương tự như vận đơn, còn Công ước Hamburg (1978) thì áp dụng cho tất cả các loại hợp đồng vận chuyển bằng đường biển, kể cả vận đơn.

Theo Điều 145, Bộ luật Hàng hải Việt Nam (2015), hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được định nghĩa như sau: “Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là thỏa thuận được giao kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển thu giá dịch vụ vận chuyển do người thuê vận chuyển trả và dùng tàu biển để vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng”. Từ quy định này có thể hiểu hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của Việt Nam mang tính dịch vụ, là hoạt động doanh nghiệp khai thác tàu biển của mình để vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng và thu giá dịch vụ vận chuyển do người thuê vận chuyển trả. Người chuyên chở chính là người cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường biển.

Quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam (2015) về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển rõ ràng, đầy đủ địa vị pháp lý và mối quan hệ của từng bên liên quan trong hợp đồng nhằm tạo sự đồng bộ và nhất quán trong toàn bộ các điều khoản của Chương hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Theo đó có thể hiểu, hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là hoạt động của người vận chuyển dùng tàu biển để vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận đến cảng trả hàng trên cơ sở một hợp đồng vận chuyển đã được ký kết với người thuê vận chuyển

Trong thực tiễn pháp luật, một số nước cũng có sự quy định tương đồng với quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Điều 41, Bộ luật Hàng hải Trung Quốc (1992), quy định: “Hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển là một hợp đồng theo đó ngư­ời vận chuyển cam kết vận chuyển bằng đư­ờng biển những hàng hóa mà ngư­ời gửi hàng đã ký hợp đồng vận chuyển từ cảng này đến một cảng khác và được thanh toán tiền cước.” Bộ luật Hàng hải Trung Quốc (1992) tiếp cận khái niệm hợp đồng vận chuyển theo góc độ truyền thống, quy định hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giữa người vận chuyển với người gửi hàng và người vận chuyển được thu tiền cước vận chuyển.

Điều 133, Luật Hàng hải thương mại của Ucraina (1995), quy định “Theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, người vận chuyển hoặc người thuê tàu cam kết vận chuyển hàng hóa được người gửi hàng giao cho từ cảng nhận hàng tới cảng đích và giao hàng cho người được ủy quyền thích hợp (người nhận hàng), và người gửi hàng hoặc người thuê tàu cam kết trả một khoản tiền nhất định cho việc vận chuyển đó”. Luật Hàng hải thương mại của Ucraina (1995) quy định cụ thể hơn về người nhận hàng, trong quan hệ sở hữu với hàng hóa được chuyên chở, người nhận hàng có thể là chủ sở hữu của hàng hóa, hoặc là người được ủy quyền để nhận hàng hóa từ người chuyên chở, để giao lại cho người chủ sở hữu đối với hàng hóa đó. Người nhận hàng là người chịu trách nhiệm đối với hàng hóa từ khi nó rời khỏi tàu đến khi nó được giao cho người chủ sở hữu.

Theo pháp luật của nhiều quốc gia, hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trước hết là sự thỏa thuận giữa bên vận chuyển hàng hóa và bên thuê vận chuyển hàng hóa. Theo đó, bên thuê vận chuyển thu tiền cước vận chuyển và vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận hàng đến cảng đích và giao hàng hóa cho người nhận hàng. Qua đây, ta có thể hoàn chỉnh khái niệm: Hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển được hiểu là sự thỏa thuận giữa bên vận chuyển hàng hóa và bên thuê vận chuyển hàng hóa, theo đó, bên vận chuyển thu phí dịch vụ vận chuyển do người thuê vận chuyển trả và dùng tàu biển để vận chuyển hàng hoá từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng nằm ở những quốc gia hay vùng lãnh thổ khác nhau.

2.2. Các loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển theo pháp luật Hàng hải Việt Nam

Trong kinh doanh hàng hải quốc tế hiện nay, có nhiều cách phân loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển. Căn cứ vào đối tượng của hợp đồng, người ta có thể phân thành hợp đồng chuyên chở hàng khô, hàng lỏng, hợp đồng chuyên chở hàng hóa nguy hiểm, độc hại…

Cách phân loại phổ biến hiện nay là dựa vào phương thức thuê tàu. Thực tiễn hàng hải quốc tế có 2 phương thức chủ yếu để các bên có thể thực hiện việc vận chuyển hàng hóa, đó là: phương thức chuyên chở hàng hóa bằng tàu chợ và phương thức chuyên chở hàng hóa bằng tàu chuyến. Tương ứng với các phương thức này, các bên có thể ràng buộc trách nhiệm với nhau thông qua hai loại hợp đồng vận chuyển chính, là: hợp đồng thuê tàu chợ theo chứng từ vận chuyển và hợp đồng chuyên chở hàng hóa bằng tàu chuyến.

Thực tiễn cho thấy, tại một số nước như Singapore, Trung Quốc - quy định theo hướng hợp đồng thuê tàu chuyến và vận đơn đường biển, còn một số nước thì lại quy định phân loại theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyến và hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng tàu chợ. Điều 44, Bộ luật Hàng hải Trung Quốc (1992) quy định hình thức hợp đồng theo chứng từ vận chuyển là “vận đơn hoặc các chứng từ tương tự khác tạo nên bằng chứng hợp đồng”. Theo khoản 2, Điều 25, Luật Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của Singapore (2007) quy định có hai hình thức của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, là: hợp đồng thuê tàu chuyến và vận đơn đường biển. Hợp đồng thuê tàu chuyến được dùng trong trường hợp vận chuyển hàng hóa trên một chuyến tàu theo lộ trình hay nhiều chuyến. Luật vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của Singapore quy định về vận đơn đường biển có 3 chức năng: là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển, là biên lai nhận hàng hóa và là chứng từ sở hữu hàng hóa.

Pháp luật Việt Nam hiện nay cũng phân loại hợp đồng dựa trên cơ sở phương thức thuê tàu. Bộ luật Hàng hải Việt Nam (2015), tại Điều 146 cũng quy định có hai loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển và hợp đồng thuê tàu chuyến. Theo khoản 1, quy định “Hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo chứng từ vận chuyển là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển không phải dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể mà chỉ căn cứ vào chủng loại, số lượng, kích thước hoặc trọng lượng của hàng hóa để vận chuyển’’.

Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển hay còn gọi là hợp đồng thuê tàu chợ thường được áp dụng trong các trường hợp chủ hàng có khối lượng hàng hóa không lớn, chủ yếu là những lô hàng lẻ, giữa cảng đi và cảng đến có tuyến đường tàu chợ. Tàu chợ là tàu chạy thường xuyên trên một tuyến đường nhất định, ghé qua những cảng nhất định theo một lịch trình định trước. Do tàu chạy theo một luồng có sẵn, có lịch trình định trước nên chủ hàng có thể dự kiến thời gian giao hàng, đồng thời tính toán được chi phí vận chuyển vì giá cước thuê tàu chợ đã được quy định sẵn trong biểu mẫu. Tuy nhiên, hợp đồng này khi thực hiện có nhược điểm là nếu cảng xếp dỡ hàng nằm ngoài lịch trình quy định của tàu thì việc tổ chức chuyên chở sẽ trở nên thiếu linh hoạt. Nhờ hợp đồng này, chủ hàng có thể chủ động thuê chở bất cứ loại hàng nào, không hạn chế về số lượng, xác định được thời gian giao hàng tại cảng và không phải lo việc xếp dỡ hàng hóa lên xuống tàu (trách nhiệm này thuộc về chủ tàu). Ngược lại, do chi phí xếp dỡ đã được tính trong biểu cước nên cước phí tàu chợ luôn ở mức cao và người thuê vận chuyển muốn giảm giá cước thì phải thông qua thương lượng đàm phán.

Hạn chế lớn nhất của loại phương thức này là người thuê vận chuyển không được tự do thỏa thuận các điều kiện chuyên chở mà thường phải chấp nhận các điều khoản do chủ tàu in sẵn trong vận đơn đường biển. Thủ tục ký kết hợp đồng thuê tàu chợ rất đơn giản và nhanh chóng. Để lưu khoang tàu chợ, thông thường người thuê chở yêu cầu người chuyên chở hay đại lý thuê tàu lưu khoang một phần chiếc tàu chở hàng cho mình. Nếu người chuyên chở đồng ý thì giữa hai bên ký kết hợp đồng chuyên chở sơ bộ (Booking note) với mức cước nhất định.

Sau khi hàng hóa được xếp lên tàu, người vận chuyển hoặc đại diện của họ cấp phát cho người gửi hàng một chứng từ chuyên chở hàng hóa bằng đường biển gọi là vận đơn đường biển (Bill of Lading). Đây là văn bản pháp lý điều chỉnh quan hệ giữa người vận chuyển và người gửi hàng. Mọi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan đến việc vận chuyển giữa người thuê chở và người chuyên chở được điều chỉnh theo các điều khoản của vận đơn. Vận đơn là bằng chứng duy nhất xác định và chỉ rõ nội dung của hợp đồng chuyên chở hàng hóa bằng tàu chợ đã được ký kết. Chính vì vậy có thể cho rằng, chuyên chở hàng hóa bằng tàu chợ là chuyên chở theo vận đơn đường biển. Vận đơn đường biển là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp xảy ra về sau giữa người phát hành vận đơn và người cầm giữ vận đơn.

Theo khoản 2, Điều 146, Bộ luật Hàng hải (2015) quy định: Hợp đồng vận chuyển theo chuyến là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, được giao kết với điều kiện người vận chuyển dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể để vận chuyển hàng hóa theo chuyến.

Theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến thì chủ tàu cho người thuê tàu toàn bộ hay một phần chiếc tàu để chuyên chở hàng hóa từ cảng này đến cảng khác và được hưởng tiền cước chuyên chở theo quy định của hợp đồng thuê tàu do hai bên thỏa thuận ký kết.

Hợp đồng vận chuyển theo chuyến được sử dụng trong phương thức thuê tàu chuyến. Tàu chuyến được hiểu là loại tàu không chạy thường xuyên trên một tuyến đường nhất định, không đi qua những cảng nhất định và không theo một lịch trình đã định trước. Trong phương thức thuê tàu chuyến, tàu không chạy theo lịch trình cố định như tàu chợ, mà theo yêu cầu của chủ hàng.

Khác với tàu chợ, tàu chuyến hoạt động không theo một lịch trình định trước, mà lịch trình của nó được đặt ra theo yêu cầu của người thuê tàu. Hàng hóa chuyên chở trong hợp đồng thuê tàu chuyến thường là đầy tàu và được vận chuyển nhanh. Do không phải ghé qua các cảng định trước như trường hợp vận chuyển bằng tàu chợ, nên giá cước vận chuyển rẻ hơn. Mặt khác, tàu có thể thay đổi cảng xếp, cảng dỡ một cách dễ dàng nên hợp đồng có tính linh hoạt cao.

Hợp đồng thuê tàu chuyến là văn bản pháp lý ràng buộc nghĩa vụ của người thuê vận tải và người vận tải. Hợp đồng thuê tàu chuyến thông thường được đàm phán, ký kết theo một thủ tục phức tạp hơn nhiều so với thuê tàu chợ. Mọi điều khoản đều được hai bên tự do thương lượng trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi nhằm xác định quyền và nghĩa vụ của các bên đối với nhau. Người chuyên chở trong hợp đồng thuê tàu chuyến có thể là chủ tàu nhưng cũng có thể là người thuê tàu của người khác để chuyên chở kinh doanh thu tiền cước. Người thuê tàu để vận chuyển hàng hóa có thể là người xuất khẩu và cũng có thể là người nhập khẩu.

3. Kết luận

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển là loại hợp đồng phổ biến trong thương mại và hàng hải, nhưng cũng là hợp đồng phức tạp, liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của quan hệ thương mại và hàng hải quốc tế. Dựa vào các dấu hiệu cơ bản, ta có thể nhận dạng hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển khác so với các loại hợp đồng có yếu tố quốc tế khác, do có những đặc thù riêng. Hiểu biết được hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển sẽ góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiểu biết của cá nhân, tổ chức về luật hàng hải quốc tế, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của các bên khi tham gia kí kết và thực hiện hợp đồng. Trên cơ sở đó, phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa quốc tế bằng đường biển và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại hàng hải của Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Stewart E. Sterk (1994), The Marginal Relevance of Choice of Law Theory, 142 U. Pa. L. Rev. 949, tr.10.
  2. Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG 1980) - United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods.
  3. Hoàng Thế Liên (chủ biên) (2006), Hội nhập kinh tế quốc tế (Tài liệu Bồi dưỡng ngành Tư pháp), Nxb Tư pháp, Hà Nội.
  4. Công ước quốc tế thống nhất một số quy tắc về vận đơn đường biển, gọi tắt là Công ước Brussels năm 1924 (Quy tắc Hague).
  5. Công ước Liên hợp quốc về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển 1978 (Quy tắc Hamburg).
  6. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Hàng hải.
  7. Maritime Code of the People's Republic of China 1992.
  8. The Merchant Shipping Code of Ukraine 1995.
  9. The shipping law of Singapore 2007.

Discussing concepts of international sea cargo transportation contracts

                    Ph.D Ha Viet Hung

Lecturer, Faculty of International Law, Hanoi Law University

ABSTRACT:

This article analyzes and introduces the complete concept of international contract of sea cargo transportation in order to distinguish it from other contracts involving foreign elements. This article also analyzes other types of contracts of international sea cargo transportation according to Vietnam’s maritime laws, contributing to improving the understanding of individuals and organizations regarding the International Maritime Law, to protect the legitimate rights and interests of parties involved in signing and implementing the contract.

Keywords: International sea cargo transportation, international contracts, Vietnamese maritime laws.