TÓM TẮT:
Giấy phép môi trường (GPMT) là một công cụ quản lý môi trường (MT) quan trọng, đồng thời cũng đem lại giá trị kinh tế to lớn cho chủ thể được cấp loại giấy phép (GP) này. Tuy nhiên, hiện nay, quy định pháp luật cũng như thực tiễn thực hiện ở Việt Nam còn một số bất cập, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm giá trị kinh tế của GPMT. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả phân tích, làm rõ bản chất pháp lý và kinh tế của GPMT, chỉ ra những bất cập để từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao giá trị kinh tế của GPMT.
Từ khóa: giấy phép môi trường, lợi ích kinh tế của giấy phép môi trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế giấy phép môi trường.
1. Đặt vấn đề
Quy định về GPMT là một nội dung mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022), đây là một loại Giấy phép vừa có giá trị pháp lý về bảo vệ môi trường (BVMT), vừa đem lại lợi ích kinh tế cho các tổ chức, cá nhân được cấp GP. Nhận diện rõ giá trị kinh tế của GPMT là điều hết sức cần thiết để Nhà nước có chính sách quản lý loại GP này một cách hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và yêu cầu BVMT trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bài viết này xin được phân tích, làm rõ nội dung pháp lý và giá trị kinh tế của GPMT, những bất cập trong quy định pháp luật cũng như trong thực tiễn hoạt động làm ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị kinh tế của GPMT, từ đó đưa ra một số giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật cũng như cơ chế thực hiện để nâng cao hiệu quả kinh tế của GPMT, góp phần phát huy tối đa vai trò của GPMT trong quá trình BVMT.
2. Một số vấn đề pháp lý về GPMT
2.1. Khái niệm GPMT
GPMT là một thuật ngữ đang được sử dụng phổ biến trong nhiều tài liệu cũng như trong một số văn bản pháp luật và được tiếp cận dưới nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể như sau:
- GPMT: Là một loại GP của Nhà nước (do trung ương hoặc địa phương) cấp cho cơ sở sản xuất (gọi tắt là cơ sở) trước khi đi vào vận hành chính thức, như vậy cơ sở chỉ được phép hoạt động khi có GPMT; hay nói cách khác GPMT là một trong những thủ tục bắt buộc đối với cơ sở nếu cơ sở đó muốn hoạt động.(1)
- GPMT bao gồm các loại: GP xử lý chất thải nguy hại; GP xả thải khí thải công nghiệp; Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; GP vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm; Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam; Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc MT; GP khai thác loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; GP nuôi, trồng các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (2)...
- GPMT là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra MT, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về BVMT theo quy định của pháp luật.(3)
- Trong phạm vi nghiên cứu của bài viết này, khái niệm GPMT được hiểu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, bao gồm các loại GP: GP xử lý chất thải nguy hại, GP xả nước thải vào nguồn nước, GP xả khí thải, giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
2.2. Một số đặc điểm của GPMT
- Là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới nhiều dạng, tên gọi như: GP xử lý chất thải nguy hại (XLCTNH); Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; GP xả nước thải vào nguồn nước.
- Loại GP này chỉ cấp cho các tổ chức, các nhân có đủ điều kiện nhất định trong quá trình hoạt động. Những điều kiện này rất đa dạng, nhưng chủ yếu là các điều kiện để bảo đảm hạn chế tác động xấu tới MT; phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, như: Điều kiện về công trình xử lý chất thải; Điều kiện về phương tiện, trang thiết bị khoa học công nghệ để BVMT trong sản xuất kinh doanh; Điều kiện về địa điểm hoạt động,…
- Loại GP này là điều kiện cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động sản xuất - kinh doanh dịch vụ thường có yếu tố tác động lớn tới MT và phải đáp ứng các yêu cầu BVMT nhất định, ví dụ như các chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ XLCTNH là một loại hình kinh doanh có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới MT thì phải có GPXLCTNH, Chủ thể nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là lĩnh vực có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới MT thì phải có giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu,…
- GPMT có mục đích chủ yếu nhằm buộc các chủ thể kinh doanh phải thực hiện các yêu cầu BVMT trong quá trình hoạt động. GPMT là một công cụ pháp lý để cơ quan nhà nước kiểm soát các yêu cầu về BVMT trong hoạt động kinh doanh. GP này đặt ra các yêu cầu BVMT cụ thể trong từng lĩnh vực kinh doanh và chỉ khi nào các chủ thể kinh doanh đáp ứng các yêu cầu bắt buộc này thì mới được thực hiện các hoạt động sản xuất - kinh doanh nhất định.
- GPMT có thể đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho tổ chức, cá nhân được cấp GP cũng như có thể đem lại lợi ích kinh tế cho Nhà nước và cộng đồng, bởi lẽ GP này giúp mở rộng thị trường kinh doanh cho doanh nghiệp (DN), hạn chế các sự cố MT trong kinh doanh, tiết kiệm chi phí cho cơ quan có thẩm quyền.
- GPMT chỉ được cấp cho các chủ thể nhất định, đó là dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III phát sinh nước thải, bụi, khí thải ra MT phải được xử lý hoặc phát sinh CTNH phải được quản lý theo quy định (4), với những nội dung, căn cứ cụ thể và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo thủ tục, trình tự mà pháp luật quy định. (5)
3. Những lợi ích kinh tế mà GPMT mang lại cho chủ thể kinh doanh
- GPMT là một công cụ, điều kiện để cho các DN có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh đem lại lợi ích kinh tế to lớn.
+ Hiện nay có những hoạt động kinh doanh, dịch vụ có thể đem lại lợi ích kinh tế rất lớn, có thị trường rộng mở, nhưng các DN muốn tiếp cận lĩnh vực này cần phải đáp ứng những yêu cầu về MT rất khắt khe và phải được sự chấp thuận của Nhà nước bằng GPMT. Điều này được nhận thấy rõ thông qua các dịch vụ về XLCTNH: Các doanh nghiệp có GPMT về XLCTNH có thể thực hiện các hợp đồng về vận chuyển, thu gom, XLCTNH, tham gia đấu thầu, đấu giá thu mua phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, tái chế chất thải đem lại lợi nhuận hàng năm rất lớn, trong khi đó các doanh nghiệp khác dù rất muốn tiếp cận lĩnh vực này nhưng cũng không thể tham gia vì không có GPMT.
+ Trong lĩnh vực nhập khẩu phế liệu, GPMT cũng thể hiện rõ giá trị kinh tế của nó bởi lẽ chỉ có những DN có chức năng nhập khẩu, có GPMT mới được nhập khẩu phế liệu, một hoạt động đem lại lợi nhuận rất lớn ở thị trường Việt Nam hiện nay.
+ Đặc biệt, GPMT (nhất là các loại GP về xả thải) là một điều kiện bắt buộc phải có để các nhà máy được phép hoạt động và xả thải vào MT. Hoạt động của những nhà máy đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho chủ đầu tư nhưng nó chỉ được thực hiện khi có GPMT. Điều này khẳng định rằng, GPMT là một yếu tố không thể thiếu để làm nên hiệu quả kinh tế cho các chủ đầu tư, các DN trong quá trình kinh doanh.
- GPMT còn bảo đảm cho các chủ thể kinh doanh thực hiện các giải pháp BVMT phù hợp trong quá trình kinh doanh, từ đó hạn chế tới mức thấp nhất các rủi ro, các sự cố môi trường xảy ra trong quá trình kinh doanh tránh được những thiệt hại không đáng có, từ đó cũng góp phần đem lại lợi ích kinh tế cho chủ thể kinh doanh. Mặt khác, thông qua việc bảo đảm các điều kiện để được cấp GPMT, như thực hiện đánh giá tác động MT, phương án ký quỹ cải tạo MT, còn giúp cho các chủ đầu tư lựa chọn được các phương án đầu tư tối ưu (về địa điểm thực hiện dự án, về công nghệ,…) qua đó đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất trong quá trình kinh doanh.
4. Một số bất cập trong bảo đảm giá trị kinh tế của GPMT
4.1. Bất cập trong quy định pháp luật về GPMT
- Pháp luật còn thiếu quy định chi tiết, cụ thể về điều kiện cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát với các trường hợp doanh nghiệp xin cấp các loại GPMT vượt quá quy mô, tính chất của dự án hoạt động cũng như yêu cầu về BVMT của dự án. Trên thực tế, có những chủ dự án xin cấp GPXLCTNH với rất nhiều mã xử lý chất thải nguy hại khác nhau nhằm mục đích mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình, đem lại lợi ích kinh tế cho DN, nhưng thực chất DN không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật công nghệ để xử lý một số chất thải nguy hại. Cơ quan có thẩm quyền vì những lý do khác nhau vẫn cấp GPXLCTNH cho những chủ thể này, ngay cả khi phát hiện ra cũng không thu hồi hoặc điều chỉnh GP kịp thời, do còn thiếu những quy định hướng dẫn chi tiết. Chính điều này đã gián tiếp đem lại lợi ích kinh tế cho một số chủ DN, tạo nên tình trạng đầu cơ mã XLCTNH để tăng sức cạnh tranh bất hợp pháp thu lợi bất chính trong quá trình hoạt động. Tương tự như vậy, cũng có nhiều trường hợp chủ dự án được cấp GP xả thải với lưu lượng xả thải lớn hơn nhiều so với quy mô, công suất của dự án nhưng cơ quan chức năng khó xử lý bởi thiếu các hướng dẫn cụ thể về việc cấp phép phù hợp với quy mô, tính chất của dự án cũng như cơ chế giám sát để điều chỉnh, thu hồi GP.
- Pháp luật còn thiếu những hướng dẫn chi tiết, cụ thể về đánh giá sức chịu tải của MT trong mối liên hệ với việc cấp GPMT để bảo đảm cấp GP này phù hợp với sức chịu tải của MT, góp phần kiểm soát ô nhiễm MT. Trên thực tế, có nhiều trường hợp DN được cấp GP xả nước thải vào nguồn nước, DN đã thực hiện đúng GP, đúng quy định pháp luật, song vẫn gây ra ô nhiễm nguồn nước bởi vì quy định khối lượng xả thải, quy chuẩn xả thải không phù hợp với sức chịu tải của nguồn nước. Trường hợp này dẫn tới DN phải bồi thường và chịu nhiều thiệt hại về mặt kinh tế. Tuy nhiên, không thể xử lý được cơ quan cấp phép bởi thiếu những quy định cụ thể về tính chịu trách nhiệm trong việc xác định chịu tải của MT.
- Mặc dù pháp luật đã có những quy định về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với một số hoạt động sản xuất - kinh doanh thân thiện với MT (thuộc diện phải có GPMT) nhưng mức hỗ trợ còn hạn chế, chưa đủ sức hấp dẫn, cơ chế thực hiện còn nhiều thủ tục rườm rà, chưa thực sự tạo điều kiện về mặt kinh tế cho các DN đầu tư trong lĩnh vực hoạt động cần phải có GPMT.
- Pháp luật còn thiếu các quy định để tạo ra một thị trường cho các chủ thể có GPMT phát huy các lợi thế của mình, điều này thể hiện ở chỗ pháp luật thiếu các quy định cụ thể về mở rộng các lĩnh vực kinh doanh đặc thù dành riêng cho chủ thể có GPMT. Ví dụ như hiện nay có các lĩnh vực đáng lẽ chỉ nên dành riêng cho chủ thể có GPMT được tham gia kinh doanh thì pháp luật lại quy định cho các chủ thể không có GP này tham gia để đạt được lợi ích kinh tế rất lớn, đó là quy định về thu mua phế liệu, xử lý chất thải thông thường từ các cơ sở sản xuất - kinh doanh,…
4.2. Bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật về GPMT
- Tình trạng thuê GPMT: Hiện nay trong thực tế đã xuất hiện tình trạng một số DN không có GPXLCTNH nhưng vì có mối quan hệ đặc biệt với chủ tài sản thanh lý các lô hàng phế liệu có chất thải nguy hại, nên đã tìm cách cấu kết với DN có GPXLCTNH, thuê lại GP này (với hình thức rất tinh vi như hợp đồng ủy quyền vận chuyển hàng hóa) để có đủ điều kiện tham gia mua thanh lý lô hàng, từ đó thu lợi bất chính và không đáp ứng yêu cầu BVMT.
- Tình trạng cơ quan có thẩm quyền cấp phép không phù hợp với quy mô dự án, không phù hợp sức chịu tải của MT do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó không loại trừ việc tiêu cực, tham nhũng, hình thành lợi ích nhóm để cấp GP vượt quá quy mô dự án, vượt quá sức chịu tải MT cho các chủ thể cùng lợi ích, đồng thời nhũng nhiễu gây khó khăn, cấp phép dưới sức chịu tải MT thấp hơn quy mô, nhu cầu của chủ dự án nếu không cùng nhóm lợi ích.
- Quá trình thực hiện cơ chế ưu đãi, hỗ trợ DN được cấp GPMT, nhất là việc ưu đãi vay vốn từ Quỹ BVMT còn nhiều hạn chế về nguồn vốn, đối tượng được vay vốn, xét duyệt hồ sơ, hiệu quả môi trường(6), điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích kinh tế của các chủ thể được cấp GPMT.
5. Một số giải pháp nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế của GPMT
Thứ nhất: Pháp luật cần quy định mở rộng thêm một số lĩnh vực kinh doanh chỉ dành riêng cho chủ thể có GPMT để bảo đảm hiệu quả kinh tế cho các chủ thể này cũng như bảo đảm yêu cầu về BVMT, đó là lĩnh vực thu mua phế liệu, phá dỡ máy móc thiết bị không có chứa chất thải nguy hại.
Thứ hai: Bổ sung thêm một số quy định ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án, các DN kinh doanh có GPMT (đó có thể là các ưu đãi, hỗ trợ về vay vốn, về đất đai, về thuế, về thị trường hoạt động), lược bỏ bớt một số thủ tục rườm rà trong việc xét điều kiện vay vốn tại Quỹ BVMT.
Thứ ba: Việc cấp GPMT phải căn cứ vào quy mô và tính chất hoạt động của đối tượng được cấp GP. Điều này có nghĩa là tùy theo quy mô hoạt động và tính chất, mức độ ảnh hưởng tới MT của cơ sở mà cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp các GPMT phù hợp để vừa BVMT, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế trong quá trình hoạt động của các cơ sở này.
Thứ tư: Việc cấp GPMT phải căn cứ vào sức chịu tải của MT. Sức chịu tải của MT được hiểu là khả năng chịu đựng của MT ở một mức độ nhất định trước những tác động từ các đối tượng kinh doanh trong một khu vực, một khoảng thời gian được xác định. Yêu cầu đặt ra đối với việc cấp GPMT là cơ quan chức năng phải phân tích, đánh giá được hiện trạng các thành phần MT, sự tác động của hoạt động kinh doanh tới MT một cách khách quan để từ đó đánh giá đúng sức chịu tải của MT, làm cơ sở cho việc cấp GPMT được hợp lý nhất, đáp ứng một cách hiệu quả về yêu cầu BVMT trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Thứ năm: Nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý GPMT, có cơ chế chính sách phù hợp để phát huy giá trị về mặt pháp lý và giá trị kinh tế của GPMT; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng GPMT.
6. Kết luận:
Bảo đảm giá trị kinh tế của GPMT là vô cùng cần thiết, bởi điều này sẽ góp phần phát huy tối đa vai trò của GPMT trong quản lý và BVMT. Hiện nay, trong nội dung của quy định pháp luật cũng như trong thực tiễn thực hiện vẫn còn một số bất cập làm giảm giá trị kinh tế, giảm vai trò của GPMT. Chính vì vậy mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân liên quan cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp phù hợp để khắc phục những điểm hạn chế như bài viết đã phân tích, từ đó góp phần bảo đảm giá trị kinh tế nói riêng, vai trò quản lý nói chung của GPMT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:
(1) Hoàng Dương Tùng (2013), Giấy phép môi trường - Công cụ hữu hiệu để quản lý môi trường. Tạp chí Môi trường, 5, 25- 29.
(2)Điểm a Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
(3) Khoản 8 điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
(4) Điều 28, Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
(5) Xem từ Điều 40 đến Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
(6) Nguyễn Văn Luân (2020), - Hiệu quả kinh tế và môi trường của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Tạp chí Công Thương, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hieu-qua-kinh-te-va-moi-truong-cua-quy-bao-ve-moi-truong-viet-nam-71106.htm
Ensuring the economic value of the environmental permit
Master. Dang Hoang Son
Lecturer, Faculty of Economic Law, Hanoi Law University
ABSTRACT:
The environmental permit is not only an important environmental management tool but it also brings great economic value to the permit holder. However, current regulations as well as practical practices about the environmental permit in Vietnam still have some shortcomings. These shortcomings negatively affect the guarantee of the economic value of the environmental permit. This paper analyzes and clarifies the legal and economic characteristics of the environmental permit and points out the inadequacies in order to propose solutions to improve the economic value of the environmental permit.
Keyword: environmental permit, economic value of the environmental permit, guarantee of the economic value of the environmental permit.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]