Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra và xử lý nhiều vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), nhiều trường hợp liên quan tới hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet.
Cụ thể, tổng mức xử phạt vi phạm hành chính trong năm 2015 là 3,5 tỷ đồng, năm 2016 là 4,5 tỷ đồng, năm 2017 gần 6 tỷ đồng và năm 2018 là trên 7 tỷ đồng, trong đó Cục TMĐT và KTS đã thực hiện thanh tra tại 2 đơn vị và kiểm tra 8 đơn vị và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với tổng mức xử phạt gần 430 triệu đồng. Năm 2019, Cục TMĐT và KTS đã chủ trì tiến hành kiểm tra và thanh tra theo Kế hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 5004/QĐ-BCT và Quyết định số 4374/QĐ-BCT và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp vi phạm với tổng mức xử phạt vi phạm hành chính hơn 576 triệu đồng.
Riêng năm 2019, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm hành chính, xử phạt 16.382.372.000 đồng, trị giá hàng vi phạm 40.625.465.000 đồng hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.
Đầu năm 2020, ngay sau khi dịch bệnh Covid -19 đã từng bước được kiểm soát tốt tại Việt Nam, Cục TMĐT và KTS tiếp tục đẩy mạnh triển khai Kế hoạch kiểm tra theo Quyết định số 3935/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch kiểm tra năm 2020, Cục TMĐT và KTS đã phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trực tiếp tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 02 đơn vị với tổng mức phạt 42 triệu đồng.
Thậm chí có cửa hàng còn quảng cáo nhận ship loại hàng giả này đi toàn thế giới. Các cơ sở kinh doanh này đã lợi dụng mạng xã hội, Internet để quảng cáo và bán ra thị trường các sản phẩm trên trong một thời gian dài. Chủ các cơ sở này thừa nhận dùng những hình thức phổ biến như livestream trên Facebook để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Mỗi lần livestream, các cơ sở đã thu hút hàng ngàn lượt người xem, chia sẻ và hỏi mua.
Đáng chú ý, đây đều là những hệ thống cửa hàng lớn hoặc facebook có lượng tương tác cao, được rất nhiều nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua hàng. Để tăng độ tin cậy, cửa hàng không chỉ dùng hình ảnh tĩnh mà còn livetream (phát sóng trực tiếp) để quảng cáo, bán sản phẩm. Mỗi lần livestream, các cơ sở đã thu hút hàng ngàn lượt người xem, chia sẻ và hỏi mua. Người tiêu dùng không biết được mình đang xem và mua phải hàng lậu, hàng giả nhãn hiệu lớn.
Cục TMĐT và KTS cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ 368 - Tổng cục QLTT để tham mưu, xử lý các vi phạm TMĐT tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, trong đó mặt hàng trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép sẽ là những mặt hàng nằm trong chiến dịch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử.
Hiện tại, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã được xây dựng khá chi tiết và đáp ứng tốt yêu cầu của công tác quản lý, nhưng thị trường TMĐT phát triển nhanh và liên tục, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh. Hiện tại, Cục TMĐT và KTS đang chủ trì xây dựng Nghị định Sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử.
Một số nội dung sửa đổi nghị định 52/2013/NĐ-CP tập trung vào các nội dung
- Điều kiện thiết lập các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh;
- Minh bạch hóa thông tin sản phẩm đặt biệt là quy định về ghi nhãn hàng hóa hiện hành, kể cả nhãn phụ, nhãn gốc, các thông tin cụ thể cần phải đăng tải khi bán hàng, thông tin về người bán, v.v…
- Tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT trong quản lý hoạt động TMĐT trên sàn; quy định cụ thể về hoạt động TMĐT trên MXH và trách nhiệm tương ứng của đơn vị quản lý MXH;
- Các vấn đề bán hàng xuyên biên giới;
- Điều chỉnh các mô hình kinh doanh mới như mô hình kinh tế chia sẻ, trung gian cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, v.v...
Đồng thời, dự thảo cũng sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác gồm: Hợp nhất quy định tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động TMĐT trên ứng dụng di động; quy định về vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong việc quản lý hoạt động TMĐT; bổ sung trách nhiệm của chủ thương hiệu đối với hàng hóa, dịch vụ giao dịch trên các kênh TMĐT.
Ngoài ra, về chế tài xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử, Cục TMĐT và KTS đang phối hợp chặt chẽ với các Tổng cục Quản lý thị trường để hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.