Tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về giá điện. Theo Bộ Công Thương, nội dung tại Mục 3 Giá điện, về cơ bản kế thừa các quy định tại Luật hiện hành và điều chỉnh, bổ sung một số quy định mới như sau:
Chính sách giá điện
Về chính sách giá điện, dự thảo Luật bổ sung nội dung giá điện cần đảm bảo phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện của đơn vị điện lực và được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực; có cơ chế giá điện phù hợp trong việc nhập khẩu điện với nước ngoài.
Để phản ánh định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, dự thảo Luật cũng bổ sung, làm rõ quy định thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia mua bán điện trên thị trường điện và giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực. Dự thảo Luật cũng bổ sung nội dung giao Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.
Giá điện
Về giá điện, dự thảo Luật sửa đổi các nội dung về: thẩm quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá (bán lẻ điện), theo đó Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá thay vì Thủ tướng Chính phủ như hiện hành; sửa đổi làm rõ việc Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện bình quân (để làm rõ việc tính toán bình quân khung giá phát điện theo đời sống kinh tế dự án) và khung giá bán buôn điện bình quân (tính toán bình quân khung giá bán buôn điện theo thời gian sử dụng và tính toán bình quân trong chu kỳ tính khung giá). Các hướng dẫn của Bộ Công Thương về các loại giá điện/khung giá điện sẽ phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Bổ sung nội dung quy định về việc Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong trường hợp cần thiết để ổn định phát triển kinh tế - xã hội để có cơ sở thực hiện sau này.
Bổ sung quy định về phạm vi xây dựng khung giá phát điện bình quân, theo đó sẽ không xây dựng khung giá phát điện bình quân cho các nhà máy điện đầu tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhà máy điện do nhà nước độc quyền xây dựng và vận hành theo Điều 4 của Luật và nhà máy thủy điện nhỏ để đảm bảo tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách hiện hành cho các loại hình nhà máy điện này.
Đồng thời bổ sung thẩm quyền của Bộ Công Thương trong việc quy định phương pháp xác định chi phí và giá điện cho các nhà máy điện do nhà nước độc quyền xây dựng và vận hành theo quy định tại Điều 4 của Luật và nhà máy thủy điện nhỏ.
Bổ sung quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Công Thương về giá điện đã được quy định ở Nghị định số 137/2013/NĐ-CP nhưng chưa được quy định ở Luật, bao gồm: thẩm quyền của Bộ Công Thương trong việc hướng dẫn phương pháp lập giá phát điện, giá bán buôn điện; thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng giá điện nhiều thành phần, cơ chế giá điện khuyến khích cho khách hàng tham gia vào chương trình quản lý nhu cầu điện.
Bổ sung quy định về giá tạm thời giữa bên bán điện và bên mua điện theo hướng trường hợp chưa thỏa thuận được về giá phát điện, giá bán buôn điện để ký hợp đồng mua bán điện có thời hạn, bên bán điện và bên mua điện có quyền thỏa thuận mức giá tạm thời để áp dụng cho đến khi thỏa thuận được mức giá chính thức.
6 căn cứ lập và điều chỉnh giá điện
- Chính sách giá điện.
- Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ.
- Quan hệ cung cầu về điện.
- Các chi phí sản xuất, kinh doanh điện và lợi nhuận hợp lý của đơn vị điện lực.
- Cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
- Báo cáo tài chính, số liệu chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán hằng năm của đơn vị điện lực.
Giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo
Về giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo: Dự thảo sửa đổi quy định (so với quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật hiện hành) theo hướng Thủ tướng Chính phủ quy định giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia, phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Luật Điện lực (sửa đổi) quy định về chính sách phát triển điện lực; quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện lực, hoạt động mua bán điện; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành hệ thống điện; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện.
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có các hoạt động khác liên quan đến hoạt động điện lực trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.