Đảm bảo vận hành an toàn các hồ thủy điện
Trả lời câu hỏi được nhiều phóng viên quan tâm liên quan đến vận hành các đập, hồ chứa thủy điện, ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và Nghị quyết 114 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tập trung vào rà soát, đánh giá an toàn hồ chứa và yêu cầu các hồ thực hiện đúng các quy định về đảm bảo an toàn.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa bàn tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành.
“Qua báo cáo đánh giá, hiện nay các hồ thủy điện đang vận hành trên cả nước đều đảm bảo an toàn theo đúng quy định”, ông Tô Xuân Bảo cho hay.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành nhiều công điện chỉ đạo hồ chứa triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ và đảm bảo tuân thủ đúng quy trình vận hành được phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế là hiện nay các hồ thủy điện nhỏ thường không có dung tích phòng lũ, khi lũ ở nguồn về nước qua tổ máy phát điện và tràn về hạ du.
Đối với các hồ chứa có dung tích phòng lũ, trong mùa lũ nguyên tắc là các hồ phải đưa về mực nước duy trì đón lũ trên cơ sở dự báo khí tượng thủy văn và các thông số lưu lượng về hồ. Các thủy điện phải báo cáo cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh và UBND tỉnh để xin lệnh có xả nước về mức duy trì đón lũ hay không, giúp làm chậm, làm giảm lũ về phía hạ du.
Về đảm bảo an toàn hạ du, khi được lệnh xả lũ, các hồ chứa thủy điện phải có thông báo, cảnh báo cho khu vực dân cư ở vùng hạ du, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong thông báo đến người dân để làm sao hạn chế tác động của việc xả lũ đến người dân.
Hàng ngày, qua hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối với các hồ thuỷ điện, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Công Thương đã theo dõi diễn biến mực nước, lưu lượng nước về hồ, giám sát việc vận hành các hồ chứa đảm bảo đúng quy trình, đồng thời báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để có các chỉ đạo, điều hành sao cho đảm bảo an toàn cho công trình cũng như khu vực hạ du.
Trong 10 ngày vừa qua, khu vực miền Trung bị ảnh hưởng 4 đợt áp thấp nhiệt đới và bão gây lượng mưa lớn.
Thống kê cho thấy, từ ngày 5-12/10, tổng lượng mưa ở các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định ở mức 350 - 550 mm; Quảng Bình 500 - 1.200 mm; Quảng Trị 900 - 1.800mm; Đà Nẵng 800 - 1.200 mm; Quảng Nam 900 - 1.400 mm; Quãng Ngãi 500 - 1.000 mm; đặc biệt tại Thừa Thiên Huế lên đến 1.300 - 2.000 mm.
Trong khi đó theo thống kê cả thời kỳ mưa chính vụ tại Thừa Thiên Huế đạt từ 2.009 đến 2.127mm. Điều đó cho thấy đợt mưa, lũ vừa rồi rất lớn chỉ trong hơn 1 tuần đã đạt xấp xỉ lượng mưa của cả mùa, gây ngập úng nhiều khu vực tại các tỉnh miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân, cũng như các công trình hạ tầng trong khu vực.
Đặc biệt, địa hình khu vực miền Trung dốc và mỏng, không có hồ lớn như miền Bắc, chỉ một số hồ có dung tích chống lũ; còn lạ đa số hồ nhỏ và chủ yếu là đập tràn tự do.
Một số hồ lớn có dung tích phòng lũ như hồ Quảng Trị (30 triệu m3), hồ Bình Điền (150 triệu m3), các hồ Sông Tranh 2, A Vương, Hương Điền, A Lưới… được quy định mực nước đón lũ và hiện đang duy trì mực nước này để sẵn sàng cho lũ từ thượng nguồn về, giúp giảm lũ xả xuống hạ du.
Trên cơ sở dự báo khí tượng thủy văn và mực nước tại các hồ chứa, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai các tỉnh đã chỉ đạo các hồ duy trì mực nước đón lũ và điều tiết lũ để giữ mực nước đón lũ giúp làm chậm, giảm lũ. Trong quá trình điều tiết nước qua tràn của các hồ thuỷ điện cũng đã phần nào ảnh hưởng đến việc khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra tại khu vực hạ du.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, rà soát các thủy điện để chuẩn bị các phương án ứng phó với thiên tai, chủ động lường trước các tình huống có thể xảy ra.
Mặt khác, Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các đập, hồ chứa để tăng cường hiệu quả trong giám sát quá trình vận hành các công trình này.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, về quy hoạch, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã rà soát và loại các dự án ảnh hưởng môi trường, các dự án có liên quan nhiều đến xã hội, rừng tự nhiên. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, sau khi có Chỉ thị 13 của Bộ Chính trị và các chương trình của Chính phủ, không có dự án thủy điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên nào được bổ sung vào quy hoạch.
Theo thống kê, diện tích đất rừng tự nhiên dùng cho dự án điện là không còn; diện tích rừng sản xuất và đất còn lại trước đây bình quân lên đến 4-5ha/MW hiện giảm chỉ còn khoảng 1-2ha/MW, kể cả diện tích sông suối.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo địa phương không bổ sung các dự án thủy điện dưới 30MW vào quy hoạch nữa.
Liên quan đến cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tác động của các dự án thủy điện, Bộ Công Thương cũng lưu ý khi xem xét trong quá trình quy hoạch, đặc biệt ở địa phương như Thừa Thiên Huế là khu vực có rủi ro về tai biến địa chất cũng như lượng mưa rất lớn.
Khi xảy ra sự cố ở Rào Trăng 3, Bộ Công Thương đã kịp thời cử 5 cán bộ trực tiếp đến hiện trường để phối hợp cùng lực lượng chức năng hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn, cũng như cung cấp và thu thập thông tin về các dự án và phương án giải quyết.
Loạt chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, những ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nhiều về nguồn cung do phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt như điện tử, dệt may, da giày, túi xách, lắp ráp ô tô.
Tuy nhiên, sau quý I/2020, nguồn cung đã dần phục hồi và về cơ bản trở lại như cũ. Hiện nay vấn đề tiêu thụ sản phẩm mới là vướng mắc lớn với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Việt Nam.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất công nghiệp hỗ trợ để tăng cường tính tự chủ cho các ngành sản xuất trong nước, hạn chế tác động của đứt gãy nguồn cung.
Trong đó, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và Nghị quyết 124 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhằm tìm kiếm thị trường, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với hệ thống thương vụ để giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị Chính phủ một số chính sách về thuế phí như giảm 50% thuế trước bạ, lùi thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt,… để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn.
Hiện, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về các giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp; dự kiến sẽ ban hành trong năm 2020.
Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, dự kiến ban hành trong năm 2020.
Đồng thời, xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định 68 của Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 (theo hướng kéo dài thời gian đến năm 2030); Chiến lược xây dựng ngành dệt may, da giày; dự kiến sẽ trình Chính phủ 2 văn bản này trong năm nay.
EVFTA có hiệu lực: Thời điểm kịp thời
Tại buổi họp báo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, đặc biệt là EVFTA.
Tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 22,76 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm (bình quân 7 tháng là 2,79 tỷ USD).
Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng khoảng 14,4% so với cùng kỳ.
Qua 2 tháng, các tổ chức được ủy quyền đã cấp 20.680 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 830 triệu USD đi 28 nước EU.
Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử...
Điển hình, mặt hàng giày dép có kim ngạch xuất khẩu sang EU được cấp C/O là 385 triệu USD, thủy sản 118 triệu USD, nhựa và sản phẩm nhựa khoảng 48 triệu USD.
“Đây là những kết quả tích cực, cho thấy việc EVFTA có hiệu lực vào thời điểm này là khá kịp thời, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường trong bối cảnh chúng ta đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng
Một là, tổ chức khai thác tốt các cơ hội từ FTA, đặc biệt đi vào hỗ trợ một số ngành hàng cụ thể.
Hai là, tăng cường công tác thông tin, giúp định hướng sản xuất và phục vụ xuất khẩu.
Ba là, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu, ứng dụng chuyển đổi số trong kết nối giao thương.
Bốn là, đẩy mạnh công tác thuận lợi hóa thương mại thông qua kết nối thủ tục hành chính của Bộ Công Thương với cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ chế một cửa quốc gia; rà soát để cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và quy định kiểm tra chuyên ngành; phối hợp với các bên thúc đẩy cắt giảm chi phí logistics.
Về lâu dài, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, tạo ra nguồn hàng xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, gia tăng hàm lượng nội địa trong các sản phẩm xuất khẩu. Riêng đối với mặt hàng nông sản, tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và thu mua tiêu thụ.