Cụ thể, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ trưởng Sung Yun-mo có ý kiến với Ủy ban Thương mại Hàn Quốc dừng tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam.
“Nếu biện pháp chống bán phá giá được áp dụng sẽ ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục nghìn lao động trực tiếp và hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng rừng của Việt Nam, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc, tiếp tục gây mất cân đối cán cân thương mại giữa hai nước”, người đứng đầu ngành Công Thương chia sẻ.
Thấu hiểu sự lo lắng của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đối với đời sống của người dân và công nhân lao động, Bộ trưởng Sung Yun-mo đồng ý sẽ có ý kiến trực tiếp với Ủy ban Thương mại Hàn Quốc để giải quyết vấn đề một cách tích cực, nhất là trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang làm cho cuộc sống người lao động trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
Trước đó, ngày 3/12/2019, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được thông báo về việc Ủy ban Thương mại Hàn Quốc quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm gỗ dán (gỗ Plywood) của Việt Nam, dựa trên khiếu nại của Hiệp hội sản xuất gỗ Hàn Quốc.
Sản phẩm bị yêu cầu điều tra trong vụ việc thuộc 23 mã HS khác nhau gồm 4412.31.4011; 4412.31.4019; 4412.31.4021; 4412.31.1029; 4412.31.5010; 4412.31.6010; 4412.31;6090; 4412.31.7010; 4412.31.7090; 4412.33.4010; 4412.33.4020; 4412.33.5000; 4412.33.6000; 4412.33.7000; 4412.34.4020; 4412.34.5000; 4412.34.6000; 4412.34.7000; 4412.39.9000; 4412.99.6000; 4412.99.9100; 4412.99.4100; 4412.99.5100.
Thời kỳ điều tra từ 1/7/2018 đến 30/6/2019.
Về quy trình, thủ tục điều tra, thông thường, thời gian để tiến hành điều tra vụ việc chống bán phá giá là 12 tháng (kể từ ngày khởi xướng) và có thể gia hạn nhưng không quá 18 tháng. Tuy nhiên, kết quả điều tra sơ bộ sẽ được Ủy ban Thương mại Hàn Quốc đưa ra vào tháng 4/2020, và dựa trên kết quả này, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc có thể áp thuế chống bán phá giá tạm thời lên gỗ dán của ta.
Đáng chú ý, gỗ nhập từ Malaysia và Trung Quốc cũng đã bị áp thuế chống bán phá giá tại Hàn Quốc trước đó, ở mức từ 3,96% - 38,1%. Tuy nhiên, mức thuế đề xuất cho gỗ dán Việt Nam mà Hiệp hội sản xuất gỗ Hàn Quốc đưa ra lên tới 93,5%.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu gỗ dán thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ.
Năm 2019, xuất khẩu gỗ dán sang Hàn Quốc đạt 222,1 triệu USD, chiếm trên 31% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam trong năm 2019 là 712,51 triệu USD.
Hiểu rõ thiệt hại mà ngành gỗ trong nước sẽ phải chịu nếu bị áp thuế tại Hàn Quốc, ngay khi nhận thông tin, Bộ Công Thương đã khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu có liên quan của Việt Nam theo dõi sát tình hình vụ việc, đồng thời tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để đạt được kết quả khả quan trong vụ việc.
Về phía mình, Bộ Công Thương cho biết đang thường xuyên liên lạc, trao đổi với doanh nghiệp trong nước và phía Hàn Quốc trong suốt quá trình điều tra, cũng như tìm kiếm các giải pháp phối hợp xử lý vụ việc.