Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Văn phòng Bộ; Tổng cục Quản lý thị trường; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Thị trường trong nước; Cục Xúc tiến thương mại; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Xuất nhập khẩu; Cục Phòng vệ thương mại; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Công Thương địa phương; Cục Công nghiệp;…
Về phía tỉnh Bắc Kạn có ông Hoàng Duy Chinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn; ông Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cùng đại diện các Sở, ban ngành địa phương.
Bắc Kạn có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao hơn bình quân chung cả nước
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đinh Quang Tuyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, như: điều kiện thời tiết gây bất lợi cho sản xuất mưa lớn kéo dài ảnh hưởng đến việc sản xuất, khai thác vùng nguyên liệu cho cung cấp cho các dự án công nghiệp, dịch tả lợn Châu phi bùng phát trên diện rộng và đặc biệt là giá xăng, dầu biến động tăng, giảm đã gây tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế trên địa bàn.
Nhưng dưới sự chỉ đạo và điều hành quyết liệt của các cấp lãnh đạo và các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao, công tác đảm bảo an sinh xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục duy trì và ổn định.
6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá so sánh) tăng trưởng 5,45%. Cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản 24,5%; Khu vực Công nghiệp - xây dựng 16,35% (trong đó: công nghiệp 10,12%; xây dựng 6,23%); Khu vực Dịch vụ 56,1%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp 3,02%.
Ngành công nghiệp của tỉnh với tỷ trọng và số tuyệt đối còn thấp nhưng trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt tốc độ tăng trưởng 9,44%, cao hơn bình quân chung của cả nước (7,54%).
“Đây là kết quả đáng ghi nhận của địa phương về phát triển công nghiệp, cũng như là động lực, cơ sở để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tốc độ phát triển ngành công nghiệp tỉnh Bắc Kạn 13%/năm giai đoạn 2020-2025 như Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ tư (khóa XII) đã đề ra.” - ông Đinh Quang Tuyên nhấn mạnh.
Trong đó, về tình hình sản xuất công nghiệp, tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; ban hành Đề án Phát triển công nghiệp chế biến tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030; tổ chức hội nghị hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường liên kết giữa khai thác mỏ gắn với nhà máy chế biến sâu trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, đôn đốc các dự án công nghiệp triển khai đúng tiến độ; thường xuyên kiểm tra, thăm nắm tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để đánh giá tác động và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thành lập và triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp, tăng cường thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư, tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; công tác xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 7 tháng đầu năm 2024 tăng 11,04% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Ngành khai khoáng tăng 7,46%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13,94%; ngành sản xuất phân phối điện và khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,3% và nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,68%.
Ngành công nghiệp của tỉnh hoạt động ổn định, đảm bảo tăng trưởng so với cùng kỳ 2023, đóng góp chủ yếu trong ngành công nghiệp là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,94% so với cùng kỳ (nhóm ngành chế biến thực phẩm có chỉ số sản xuất tăng 14,9% so với cùng kỳ; nhóm ngành sản xuất đồ uống có chỉ số sản xuất tăng 17,4% so với cùng kỳ; nhóm ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa có chỉ số sản xuất tăng 30,9% so với cùng kỳ; nhóm ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy có chỉ số sản xuất tăng 22,3% so với cùng kỳ; đặc biệt là nhóm ngành sản xuất kim loại có chỉ số sản xuất tăng cao nhất trong nội ngành là 40,7% so với cùng kỳ).
Về công tác phát triển khu, cụm công nghiệp, tỉnh có Khu công nghiệp Thanh Bình được đầu tư xây dựng đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật được 62ha/73,5ha đất quy hoạch, trong đó diện tích đất công nghiệp là 46 ha; tỷ lệ lấp đầy đạt trên 72% (có 14 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.600 tỷ đồng, bao gồm 02 dự án FDI), các loại hình ngành nghề sản xuất của các dự án trong khu công nghiệp gồm: Sản xuất, chế biến gỗ; chế biến nông sản, thực phẩm; chế biến khoáng sản (sản xuất sắt xốp, gang,..) và chiết nạp gas…
Đối với cụm công nghiệp, Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có điều kiện địa hình đồi núi có độ dốc lớn, suất đầu tư cao, dẫn đến việc phát triển cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, tỉnh Bắc Kạn luôn xác định xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong công tác phát triển công nghiệp, đến nay tỉnh đã thành lập được 07 cụm công nghiệp với tổng diện tích 234,9 ha, trong đó 03 cụm công nghiệp đầu tư từ nguồn ngân sách và 04 cụm công nghiệp đầu tư từ nguồn vốn khác.
Hiện nay, đã hoàn thiện xong cơ bản hạ tầng kỹ thuật 01 cụm công nghiệp và được 01 nhà đầu tư thứ cấp thuê 100% diện tích đất để thực hiện dự án giai công giày, dép da xuất khẩu; các cụm công nghiệp còn lại đang khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thi công các hạng mục đầu tư xây dựng kỹ thuật hạ tầng cụm.
Về tình hình phát triển thương mại, dịch vụ, ông …. nhận định, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh nhìn chung diễn ra ổn định, hàng hoá được lưu thông thuận lợi, phong phú, đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.
Ngay từ đầu năm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tích điểm, tặng quà trên nhiều mặt hàng để kích cầu tiêu dùng nhằm phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán.
Nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra tại các huyện, thành phố; các hoạt động lễ hội truyền thống do các địa phương tổ chức, chuỗi sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024,… qua đó đã thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5.660,312 tỷ đồng, tăng 10,17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 67,46% kế hoạch năm 2024.
Về hoạt động xuất, nhập khẩu, ông Đinh Quang Tuyên cho biết, hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh có nhiều thuận lợi, lượng hàng hóa xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ. Hàng năm UBND tỉnh đều tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn về xuất nhập khẩu.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu 7 tháng năm 2024 đạt 23,106 triệu USD, tăng 75,17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 75,02% kế hoạch năm 2024. Mặt hàng xuất khẩu, gồm: Kẽm sulphat, Chì chưa gia công, Đũa gỗ, Gỗ ván sàn Công nghiệp nhiều lớp và mặt hàng nhập khẩu, gồm: Verneer nguyên liệu, máy móc, vật tư thiết bị khác.
Trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 10 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu như: Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn, Công ty TNHH xuất nhập khẩu VINACOM Việt Nam, Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, Công ty TNHH Việt Nam MISAKY, Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Đầu tư Govina,...với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Gỗ ván dán, Đũa gỗ, Kim loại chì thỏi thô; Hoa quả chế biến; Kẽm Sunfat…với các thị trường xuất khẩu là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc,...
Triển khai đồng bộ giải pháp phát triển công nghiệp - thương mại năm 2024
Thời gian tới, để đạt mục tiêu kế hoạch phát triển công nghiệp - thương mại năm 2024, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể:
Thứ nhất, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, Bộ Công Thương tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Thứ hai, tiếp tục tập trung thực hiện 04 chương trình trọng tâm của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII theo các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh hoàn thiện các quy hoạch có liên quan.
Thứ ba, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 của ngành Công Thương tại Quyết định số 2418/QĐ-UBND ngày 22/12/2023 về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024; Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 26/3/2024 thực hiện kịch bản tăng trưởng ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024;
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất công nghiệp; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các nhà máy công nghiệp lớn sớm đi vào hoạt động. Tiếp tục thu hút đầu tư các dự án phát triển hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, nhiệm vụ khuyến công;
Thứ năm, thực hiện tốt công tác bình ổn giá và công tác dự báo tình hình thị trường kịp thời, sát thực tế thị trường; theo dõi diễn biến tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu nhằm làm cho thị trường phát triển lành mạnh. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định Nhà nước về giá hàng hóa tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Hướng dẫn, hỗ trợ các hệ thống siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động dự trữ hàng hóa, thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh,…
Thứ sáu, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ xúc tiến thương mại năm 2024 theo kế hoạch.
Thứ bảy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ quan, đơn vị.
Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về buổi làm việc...