Nhật Bản
Nhật Bản đã thiết kế chính sách công nghiệp của mình để ứng phó với những thay đổi của môi trường sản xuất - kinh doanh, đồng thời cố gắng tạo điều kiện và cân bằng lợi ích giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp lớn.
Ví dụ, vào những năm 1940, nhu cầu về các sản phẩm của ngành máy móc mở rộng nhanh chóng khiến các doanh nghiệp lớn phải ký hợp đồng sản xuất với các nhà sản xuất nhỏ hơn thay vì mở rộng cơ sở sản xuất của riêng họ.
Để đối phó với vấn đề này, năm 1949, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật về sự hợp tác giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với các bên khác, nhằm nâng cao khả năng thương lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho phép họ tiếp cận các công nghệ và nguồn vốn vay mới.
Đến những năm 1950, các nhà thầu phụ lại bị các doanh nghiệp mẹ gây khó bằng cách chậm thanh toán. Chính phủ Nhật Bản đã can thiệp bằng cách ban hành Luật Ngăn chặn sự chậm trễ trong việc thanh toán các khoản phí hợp đồng phụ và các vấn đề liên quan vào năm 1956, để ngăn chặn sự chậm trễ trong việc thanh toán cho các nhà thầu phụ.
Trong những năm 1960 và 1970, sự mở rộng nhanh chóng của lĩnh vực sản xuất khi bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt đã dẫn đến sự gia tăng cạnh tranh giữa các công ty lớn ở Nhật Bản. Lúc này, các doanh nghiệp lớn cần những nhà thầu phụ có thể cải thiện năng suất và hạ giá thành để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Chính phủ đã hỗ trợ điều này thông qua Luật Xúc tiến doanh nghiệp thầu phụ nhỏ và vừa năm 1970, để đảm bảo việc ký kết hợp đồng phụ diễn ra suôn sẻ.
Hàn Quốc
Để thúc đẩy mối liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp lớn, Hàn Quốc đã thực hiện “áp” chính sách từ trên xuống, trong đó chỉ định một số doanh nghiệp lớn đóng vai trò chính và yêu cầu họ mua các bộ phận từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhất định.
Ví dụ, Luật xúc tiến hợp đồng phụ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, được ban hành vào năm 1975 và sửa đổi vào năm 1978, đã chỉ định danh mục một số ngành và sản phẩm công nghiệp phải được sản xuất thông qua ký kết các hợp đồng với nhà thầu phụ. Các doanh nghiệp lớn phải mua ngoài, chứ không được tự sản xuất các phụ tùng và vật liệu theo danh mục sản phẩm quy định. Số lượng mặt hàng được chỉ định trong danh mục này đã tăng mạnh từ 41 mặt hàng năm 1979 lên 1.553 mặt hàng năm 1984, và sau đó giảm dần xuống 1.053 mặt hàng năm 1999.
Năm 2001, Chính phủ Hàn Quốc ban hành Luật đặc biệt về linh kiện, phụ tùng và vật liệu, theo đó chi khoảng 6 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Năm 2005, Hàn Quốc đưa ra Chiến lược Phát triển Vật liệu và Phụ tùng, nhắm mục tiêu vào các bộ phận và vật liệu chính được sử dụng trong công nghiệp điện tử và ô tô. Chiến lược chỉ định các công ty lớn như Samsung và Lucky Gold Star (LG) là doanh nghiệp hạt nhân cùng với một số nhà sản xuất chuyên cung ứng linh phụ kiện. Các doanh nghiệp này tiến hành nghiên cứu và phát triển các linh phụ kiện, vật liệu mới thay thế cho các sản phẩm nhập khẩu. Các doanh nghiệp hạt nhân bắt buộc phải cam kết mua linh kiện của các doanh nghiệp cung ứng trong nước.
Hiện nay, công nghiệp vật liệu và phụ tùng của Hàn Quốc đã chuyển sang giai đoạn đòi hỏi giá trị gia tăng rất cao trong sản phẩm như hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp. Hàn Quốc đã xây dựng hàng chục Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp có cơ sở vật chất, máy móc thiết bị tiên tiến để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Hàng năm, Chính phủ Hàn Quốc dành hàng tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, trong đó hàng trăm triệu USD để hỗ trợ cho hoạt động của các Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.
Đài Loan (Trung Quốc)
Khác với Hàn Quốc, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) không tham gia sâu vào quyết định của các doanh nghiệp lớn và các nhà thầu phụ mà chỉ đóng vai trò điều phối bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp tài chính.
Hệ thống “vệ tinh lõi” được đưa ra vào năm 1984, bao gồm 3 mối liên kết: (i) nhà cung cấp linh phụ kiện và nhà lắp ráp; (ii) người dùng hạ nguồn và nhà sản xuất vật liệu chính; và (iii) nhà thầu phụ và công ty thương mại/người bán hàng. Chính phủ đã hỗ trợ các mối liên kết này thông qua hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn quản lý và hỗ trợ tài chính. Các doanh nghiệp cốt lõi chịu trách nhiệm điều phối, giám sát và nâng cấp hoạt động của các nhà máy vệ tinh của mình. Trong khi các doanh nghiệp cốt lõi này được hỗ trợ về tài chính, thì các nhà cung cấp vệ tinh được lợi trong cải thiện năng suất. Hệ thống đóng vai trò là người hỗ trợ chia sẻ thông tin và cung cấp cơ chế để chính phủ thực hiện các chính sách.
Mặt khác, Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cũng nâng cao vai trò điều phối của Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp (NCCNCN) - một trong những viện nghiên cứu công do Nhà nước tài trợ, trong việc tiêu chuẩn hóa những linh kiện/bộ phận công nghệ then chốt nhằm trang bị cho những doanh nghiệp khả năng tham gia vào công đoạn ODM.
Các khu công nghiệp tại đây được thúc đẩy chuyển từ đầu tư theo chiều rộng sang chiều sâu, tức là nâng cao chất lượng các khu công nghiệp bằng việc tập trung xây dựng các khu công nghệ cao kết hợp chặt chẽ giữa khoa học - công nghệ với công nghiệp, chuyển từ mô hình phát triển các khu công nghiệp tập trung sang mô hình công viên công nghiệp với vai trò chủ đạo của các “ông lớn” ngành điện tử như Acer, Asus, Foxconn, HTC,...
Malaysia
Để hỗ trợ việc kết nối giữa các nhà cung cấp địa phương và các doanh nghiệp lớn, từ trước những năm 1990, Malaysia đã triển khai Chương trình Phát triển Nhà cung cấp (VDP), trong đó chỉ định các doanh nghiệp lớn làm “mỏ neo”. Các “mỏ neo” phải nuôi dưỡng “nhà cung cấp” (gồm nhà cung cấp cấp một và các doanh nghiệp Bumiputra - thuật ngữ chỉ các dân tộc bản địa của Malaysia, doanh nghiệp Bumiputra có thể hiểu là các doanh nghiệp bản địa), cung cấp cho họ thị trường và hỗ trợ phát triển kỹ thuật và kỹ năng quản lý. Chính phủ Malaysia đã hỗ trợ Chương trình thông qua các khoản vay không lãi suất, vốn trước đó chỉ được cung cấp cho các nhà cung cấp.
Dù vậy, Chương trình này không đạt được kết quả mong đợi do sự thiếu nhiệt tình và phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp địa phương. Các doanh nghiệp mỏ neo cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới để phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp Bumiputra, vì họ đã có nhiều nhà thầu phụ. Họ tham gia VDP chỉ vì yêu cầu của Chính phủ và cam kết hợp tác với chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của Chính phủ.
Trước tình trạng này, Malaysia đã thiết kế một chương trình mới được gọi là Chương trình Liên kết công nghiệp (ILP), được giới thiệu vào năm 1995 - 1996 như một công cụ chính sách mới để thực hiện Kế hoạch Tổng thể Phát triển Công nghiệp lần hai 1996-2005 cùng với sự ra đời của Tổng công ty Phát triển công nghiệp vừa và nhỏ (SMIDEC) vào năm 1996. ILP có ba nội dung: (i) Các công cụ khuyến khích tài chính, (ii) Liên kết kinh doanh và (iii) Gói hỗ trợ cung cấp nơi đặt nhà máy sản xuất, R&D, nâng cấp công nghệ, phát triển thị trường xuất khẩu. Điểm mới ở đây là các nhà cung cấp cấp 2 và các doanh nghiệp không thuộc nhóm Bumiputra cũng có thể đủ điều kiện tham gia hoạt động liên kết kinh doanh. Việc kết nối được thực hiện bởi SMIDEC, trong đó các nhà cung cấp và các doanh nghiệp sẽ được hưởng chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm hoặc trợ cấp thuế đầu tư 60%, các doanh nghiệp chủ đạo cũng có thể áp dụng cho các khoản phụ cấp đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật.
Thái Lan
Với lịch sử thu hút FDI và công nghiệp hóa lâu đời cùng những chính sách, định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ từ sớm, Thái Lan đã tạo ra một lớp công nghiệp hỗ trợ tương đối dày, đặc biệt là cung cấp phụ tùng ô tô, và được đánh giá là một quốc gia có nền công nghiệp hỗ trợ khá phát triển.
Năm 1992, Thái Lan thành lập Đơn vị Phát triển Liên kết Công nghiệp (BUILD) trực thuộc Cục Đầu tư. Hai năm đầu hoạt động, BUILD tập trung phát triển cơ sở dữ liệu để hỗ trợ kết nối, chú trọng vào các ngành công nghiệp điện tử, ô tô và máy móc, và nâng cấp các nhà cung cấp thông qua đào tạo. Giai đoạn sau, BUILD hỗ trợ kỹ thuật, các hoạt động hội thảo và các hoạt động kết nối; phát triển cơ sở dữ liệu, đào tạo và tham gia các hội chợ thương mại quốc tế. Tuy nhiên, BUILD chỉ kéo dài hoạt động đến năm 1997, với nguyên nhân được cho là hạn chế trong việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và sự phối hợp thiếu nhịp nhàng giữa các bên liên quan.
Năm 1998, Thái Lan thành lập Cục Phát triển công nghiệp hỗ trợ trực thuộc Vụ Xúc tiến công nghiệp của Bộ Công nghiệp nhằm cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, thiết kế và phát triển các khuôn cho sản xuất thiết bị điện tử gia công nhiệt và xúc tiến phát triển các nhà thầu phụ. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng có những viện nghiên cứu độc lập hỗ trợ cho các ngành công nghiệp và ngành hỗ trợ cụ thể, như Viện Ô tô Thái Lan, Viện Điện tử, Viện Thực phẩm, Viện Dệt may, Viện Thép nhằm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển những ngành này.
Mặt khác, Thái Lan đã tìm kiếm sự hợp tác của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để thiết kế Quy hoạch tổng thể về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung vào hai lĩnh vực thế mạnh của quốc gia này là ô tô và điện - điện tử.
Liên Hợp Quốc
Năm 1985, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã thành lập Sàn giao dịch hợp tác và hợp tác phụ (SPX) trên toàn thế giới để hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước đang phát triển. Mục tiêu cuối cùng của SPX là tăng cường hoạt động kết nối thông qua liên hệ trực tiếp, thăm quan ngành, hội chợ, v..v... Các lĩnh vực công nghiệp chính được SPX bao phủ là cơ khí kim loại (81%), nhựa - cao su (64%), điện - điện tử ( 47%), và dịch vụ công nghiệp (33%).
Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển đã giới thiệu bộ công cụ thúc đẩy liên kết trong Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2001, trong đó đưa ra các biện pháp cụ thể để tạo dựng và làm sâu sắc hơn các mối liên kết, cũng như các chính sách để tăng cường liên kết. Báo cáo bao gồm hướng dẫn thiết kế một chương trình xúc tiến liên kết dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia thành viên.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:
- Sự hỗ trợ và can thiệp kịp thời của Nhà nước thông qua công cụ chính sách là cần thiết để doanh nghiệp nội địa tham gia được vào chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu.
- Cần thiết kế, xây dựng và tập trung nguồn lực thích đáng để thực thi có hiệu quả các chiến lược, chương trình cụ thể nhằm phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ mũi nhọn trong từng thời kỳ phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.
- Cần tổ chức hệ thống bộ máy triển khai các chính sách công nghiệp hỗ trợ thống nhất từ Trung ương đến địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và các hiệp hội ngành hàng.
- Trọng tâm của các hoạt động kết nối, phát triển công nghiệp hỗ trợ nói riêng và công nghiệp quốc gia nói chung luôn phải là phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước.
[Quảng cáo]