Tóm tắt:
Dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong nước, làm suy giảm năng lực tài chính, một trong những nguyên nhân phải kể đến nữa là việc quản lý và kiểm soát hoạt động tín dụng không tốt đã làm cho nợ xấu tăng lên, kéo theo sự suy giảm lợi nhuận của các ngân hàng, thậm chí là mất vốn. Việc tìm hiểu nguyên nhân của nợ xấu đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam là vô cùng quan trọng và cấp thiết, nhằm tạo nền tảng tài chính cho các ngân hàng dần lành mạnh và phục hồi ổn định.
Từ khóa: ngân hàng thương mại, nợ xấu.
1. Đặt vấn đề
Nợ xấu từ hoạt động tín dụng là một trong những nhân tố tác động trực tiếp đến lợi nhuận các NHTM cũng như là vấn đề toàn cầu. Nợ xấu gia tăng không chỉ làm tăng tính dễ tổn thương của các ngân hàng khi gặp những cú sốc, mà có thể là nguyên nhân làm hạn chế hoạt động cho vay của các NHTM đối với nền kinh tế.
Xuất phát từ tầm quan trọng của việc phải giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu của các NHTM Việt Nam, tác giả lựa chọn đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2008-2020”.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu nhằm xác định, đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu (Non Performing Loans - NPLs) của các NHTM Việt Nam và đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến nợ xấu giai đoạn 2008-2020.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Nợ xấu và các nhân tố ảnh hưởng nợ xấu của các NHTM Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu: tiến hành nghiên cứu tại 24 NHTM Việt Nam giai đoạn 2008-2020. Đây là giai đoạn mà báo cáo thường niên của các ngân hàng được công bố tương đối đầy đủ. Hơn nữa, giai đoạn này là khoảng thời gian từ khủng hoảng tài chính năm 2008 đến thời điểm bắt đầu đại dịch toàn cầu Covid-19 (ca nhiễm đầu tiên trên thế giới từ ngày 17/11/2019 đến nay). Chính vì thế sẽ nghiên cứu được đầy đủ các tác động của biến vĩ mô đến nợ xấu của các ngân hàng. Do việc thu thập dữ liệu gặp nhiều khó khăn, cũng như nguồn tiếp cận dữ liệu còn hạn chế, nghiên cứu này chỉ dừng ở phạm vi nghiên cứu 24 NHTM Việt Nam trên tổng số 31 NHTM Việt Nam (tính đến ngày 31/12/2020). Các NHTM còn lại không tìm được dữ liệu là do không công bố và cung cấp được báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, một số ngân hàng thì công bố không đầy đủ theo giai đoạn nghiên cứu của tác giả (giai đoạn 2008-2020).
4. Phương pháp nghiên cứu
Áp dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu. Mô hình ước lượng được sử dụng phương pháp hồi quy GMM hệ thống để phân tích mối quan hệ giữa các nhân tố tác động với nợ xấu. Nghiên cứu sử dụng phương pháp GMM xử lý được vấn đề nội sinh trong mô hình. Đồng thời, sử dụng kiểm định Sargan-Hansen để cho thấy việc sử dụng các biến công cụ thỏa mãn điều kiện giới hạn nội sinh của mô hình.
5. Kết quả nghiên cứu
Bảng 1. Tóm tắt các biến độc lập trong mô hình hồi quy
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Quy mô tổng tài sản của các tổ chức tín dụng nói chung và NHTM nói riêng có xu hướng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2020 và được đánh giá là đang bước vào giai đoạn phát triển thịnh vượng của hệ thống ngân hàng. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2020, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đã đạt trên 14.000 tỷ đồng.
Đồ thị 1: Quy mô tổng tài sản hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2008-2020
Đơn vị tính: Nghìn tỷ đồng
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo NHNN
Từ năm 2013 đến nay, quy mô tổng tài sản của các ngân hàng thương mại nói riêng liên tục tăng nhanh, dẫn đến tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản có xu hướng giảm và tăng trở lại, năm 2019 là 12,95%, năm 2020 là 9,09%.
Đồ thị 2: Tăng trưởng dư nợ hệ thống ngân hàng giai đoạn 2008-2020
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo NHNN
Kết quả tăng trưởng tín dụng đạt được tương đối khả quan, tỷ lệ tăng trưởng toàn ngành năm 2015, 2016, 2017 tăng lần lượt là 24%, 21,18% và 19,48%. Tăng trưởng tín dụng giảm mạnh trong nửa đầu năm do tác động của đại dịch, nhưng phục hồi nhanh trong nửa cuối năm 2020 sau khi dịch bệnh được kiểm soát (năm 2020 tín dụng tăng trưởng 12,17%, năm 2019 tăng 13,65%).
Đồ thị 3: Vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2008-2020
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của các ngân hàng thương mại
Đồ thị 4: Dư nợ cho vay trên số dư huy động giai đoạn 2008-2019
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Trong giai đoạn 2008-2019, mức độ an toàn của hệ thống NHTM ở mức thấp khi có một số năm do tăng trưởng tín dụng nhanh trong điều kiện phải đối mặt với rủi ro thanh khoản rất lớn khi tỷ lệ dư nợ/huy động (LDR) toàn hệ thống luôn ở mức xấp xỉ hoặc trên 100%.
Kết quả kiểm tra VIF, cho thấy VIF<10, do đó hoàn toàn không có khả năng xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.
Bảng 2. Tổng hợp kết quả kiểm tra VIF theo từng biến độc lập
Nguồn: Truy xuất từ phần mềm STATA
Bảng 3. Kết quả hồi quy NPL bằng mô hình GMM
Nguồn: Truy xuất từ phần mềm STATA
Theo kết quả hồi quy (Bảng 3), phương trình được tổng quát lại sau:
NPLi,t = -9,8306 + 0,0931SIZEi,t + 0,5317L.NPLi,t - 0,3200ROAi,t - 0,0289EA i,t -0,0020LOANi,t – 0,1171GDPt + 2,7015EXRt + 0,0752RIRt + ei,t
Quy mô ngân hàng: Được đại diện bằng Logarit tự nhiên của tổng tài sản, có ý nghĩa thống kê với mức 10%. Khi quy mô ngân hàng tăng 1 đơn vị thì nợ xấu tăng 0,0931 đơn vị.
Nợ xấu trong quá khứ: Nợ xấu trong quá khứ là nhân tố nội tại thể hiện khả năng quản trị rủi ro trong cho vay của ngân hàng và có tác động cùng chiều lên nợ xấu năm hiện tại với độ trễ 1 năm và có ý nghĩa thống kê 1%, đúng như kỳ vọng nghiên cứu.
Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA): ROA tăng làm giảm nợ xấu chứng tỏ các ngân hàng khai thác và sử dụng tài sản hiệu quả, quản trị rủi ro tốt từ đó giảm thiểu nợ xấu. Trước những biến động của nền kinh tế, công tác cho vay trở nên cẩn trọng hơn, các ngân hàng có thị phần lớn, đang trên đà phát triển.
Vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản: Có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và tác động ngược chiều với nợ xấu. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy nợ xấu gia tăng đối với các ngân hàng có mức vốn hóa hay tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản thấp và ngược lại.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng: Có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và tương quan ngược chiều với nợ xấu. Với kết quả này không mang ý nghĩa muốn giảm nợ xấu thì các ngân hàng phải gia tăng dư nợ, mà các ngân hàng thương mại cần có quyết định chính xác, đúng mực trong quá trình giải ngân, đảm bảo tăng trưởng tín dụng bền vững.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP: Có ý nghĩa thống kê ở mức 10%, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP có tác động nguợc chiều với nợ xấu.
Tỷ giá hối đoái: Kết quả hồi quy cho thấy mối tương quan cùng chiều giữa tỷ giá hối đoái và nợ xấu. Khi tỷ giá tăng 1% thì NPL tăng 2,7015 đơn vị. Điều này phù hợp đối với mẫu nghiên cứu về nợ xấu của các NHTM ở Việt Nam thời kỳ 2018-2020.
Lãi suất cho vay thực: Kết quả hồi quy cho thấy mối tương quan cùng chiều giữa lãi suất cho vay thực và nợ xấu. Khác với các nghiên cứu trước đây, nhân tố dư nợ cho vay trên số dư huy động không có ý nghĩa thống kê khi nghiên cứu trong giai đoạn 2008-2020.
6. Đề xuất một số gợi ý chính sách
Chú trọng vai trò của công tác quản trị rủi ro tín dụng: Các nhà quản lý NHTM có thể sử dụng chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản để làm dự báo cho nợ xấu trong tương lai;
Hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ;
Tập trung tăng trưởng quy mô bền vững: Cung ứng vốn tín dụng một cách hợp lý nhằm điều chỉnh cơ cấu tín dụng thể hiện ở danh mục cho vay với các ngành nghề;
Tăng cường khả năng quản trị rủi ro phù hợp với quy mô tổng tài sản không ngừng tăng lên theo thời gian;
Tích cực xử lý nợ xấu gắn liền với tăng trưởng tín dụng hiệu quả;
Tiếp tục xử lý nhanh chóng nợ đọng bằng cách từ việc bán tài sản đảm bảo; tích cực đôn đốc thu hồi nợ từ khách hàng; giãn nợ, đánh giá lại nợ.
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của các ngân hàng thương mại qua các năm 2008 - 2020.
- Bùi Duy Tùng và Đặng Thị Bạch Vân (2015). Ảnh hưởng của các yếu tố nội tại đến nợ xấu các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Phát triển kinh tế, 26(10), 111-128.
- Nguyễn Thị Ngọc Diệp và Nguyễn Minh Kiều (2015). Ảnh hưởng của yếu tố đặc điểm đến rủi ro tín dụng ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Phát triển kinh tế, 26(3), 49-63.
- Nguyễn Thị Hồng Vinh (2015). Yếu tố tác động đến nợ xấu các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Phát triển kinh tế, 26(11), 80-89.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2014). Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014.
- Kennedy, P. (2008). A Guide to Econometrics. 6th edition, Cambridge: MIT Press.
- Kjosevski & Petkovski, M. (2016). Non–performing loans in Baltic States: determinants and macroeconomic effects. Baltic Journal of Economics, 17(1), 25-44
CAUSES OF BAD DEBT IN VIETNAM’S COMMERCIAL BANKS DURING THE 2008 - 2020 PERIOD
Assoc.Prof. Ph.D Tran Huy Hoang1
Master’s student Le Thi My Tien2
1University of Finance - Marketing
2K14 TNB University of Finance - Marketing
Abstract:
The COVID-19 pandemic starting from the end of 2019 has severely impacted Vietnam’s economy in general and Vietnamese commercial banks in particular. Besides the pandemic’s complicatd developments, the poor banking operation management has caused a rise of bad debts in Vietnamese commercial banks. Many banks are facing a decline in their profits, even losses. It is necessary to understand the causes of bad debt in Vietnamese commercial banks in order to have solutions to help Vietnam’s financial and banking sector recovery sustainably.
Keywords: commercial bank, bad debt.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]