Các nhân tố ảnh hưởng đến việc công bố thông tin kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

TS. PHẠM NGỌC TOÀN (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) và ThS. NGUYỄN VĂN BẢO (Trường Cao đẳng Bách Việt TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Thông tin nói chung và thông tin kế toán nói riêng là yếu tố then chốt, nhạy cảm và ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của tất cả các đối tượng tham gia thị trường. Thông tin kế toán sẽ phản ảnh tình hình tài chính, bản chất của doanh nghiệp, qua đó các nhà đầu tư có thể nhận định, phân tích và đầu tư có hiệu quả. Vì vậy, để đảm bảo cho thị trường chứng khoán hoạt động một cách minh bạch, công khai thì thông tin kế toán cung cấp của các doanh nghiệp phải thực hiện một cách công khai, minh bạch. Xác định và đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến việc công bố thông tin kế toán kể cả thông tin bắt buộc và tự nguyện của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là vấn đề cần thiết và ảnh hưởng đến nhiều đối tượng sử dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ cùng chiều, có ý nghĩa thống kê giữa các yếu tố: Quy mô doanh nghiệp, Chủ thể kiểm toán, Thành phần hội đồng quản trị, Thời gian hoạt động, Khả năng thanh toán đến Mức độ công bố thông tin. Từ kết quả nghiên cứu này, tác giả đã đề xuất một số giải pháp có tác động trực tiếp đến việc nâng cao mức độ công bố thông tin kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ khóa: Công bố thông tin kế toán, thị trường chứng khoán Việt Nam, công ty niêm yết.

1. Giới thiệu

Để duy trì một hệ thống thị trường vốn hiệu quả, điều cần thiết là phải có những thông tin kế toán có chất lượng và minh bạch. Một thị trường vốn có tính thanh khoản cao đòi hỏi sự sẵn có và đầy đủ của thông tin minh bạch để tất cả những người tham gia có thể đưa ra quyết định. Vì vậy, trong bối cảnh phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, nhu cầu hoàn thiện thông tin kế toán do các doanh nghiệp công bố ngày càng tỏ ra cấp thiết và thực tiễn. Việc nghiên cứu các nhân tố nào ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin (CBTT) kế toán giúp cho các tổ chức, các nhà điều hành thấy được các tác động này để có thể có những quy định phù hợp và khả thi. Do đó, việc nâng cao mức độ CBTT kế toán thông qua các nhân tố tác động có ý nghĩa to lớn đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

2. Cơ sở lý thuyết, mô hình và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình đề xuất

CBTT kế toán là toàn bộ thông tin được cung cấp thông qua hệ thống các báo cáo tài chính (BCTC) của một công ty trong thời kỳ nhất định. CBTT bao gồm hai loại là các công bố bắt buộc và các công bố tự nguyện (hay không bắt buộc). Công bố bắt buộc (Madatory disclosure) là những công bố kế toán được yêu cầu bởi luật pháp và những quy định của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ. Những công bố này phải được trình bày theo những quy định của Luật Kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán, các cơ quan quản lý về kế toán, các nguyên tắc kế toán chấp nhận chung (GAAP - Generally Accepted Accounting Principles) và các chuẩn mục kế toán. Hiện nay, CBTT bắt buộc mặc dù đã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp quy. Tuy nhiên, mức độ tuân thủ vẫn khác nhau giữa các doanh nghiệp, ý thức về CBTT ở các doanh nghiệp vẫn chưa cao. Công bố tự nguyện là sự lựa chọn của doanh nghiệp, không bắt buộc, có nghĩa là một doanh nghiệp có thể có hoặc không cần phải công bố các thông tin kế toán mà luật pháp không yêu cầu.

Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT như sau:

- Quy mô doanh nghiệp:

Quy mô doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức độ CBTT. Theo lý thuyết đại diện thì có sự tách bạch giữa quyền sở hữu và kiểm soát công ty và các vấn đề bất đối xứng thông tin từ các nhà quản lý và các cổ đông đã xảy ra vấn đề chi phí đại diện. Do đó, ở các công ty lớn với số lượng cổ đông nhiều, chi phí đại diện sẽ gia tăng vì các công ty có khuynh hướng nỗ lực hơn trong việc giám sát người quản lý. Để làm giảm chi phí này, các công ty có xu hướng CBTT ngày càng nhiều hơn. Theo lý thuyết tín hiệu, các doanh nghiệp lớn nhận thức rằng việc phát tín hiệu, công bố nhiều thông tin cho người sử dụng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, do đó sẽ làm tăng giá trị cổ phiếu hơn. Theo Nandi và Ghosh (2012), doanh nghiệp có quy mô càng lớn sẽ càng công bố nhiều thông tin hơn để làm giảm chi phí chính trị và gia tăng sự tin cậy trên thị trường.

Giả thuyết H1 được đưa ra là: Quy mô doanh nghiệp có tác động tích cực đến việc công bố thông tin kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

- Thời gian hoạt động của doanh nghiệp:

Theo lý thuyết tín hiệu và các nghiên cứu trước thì thời gian hoạt động của doanh nghiệp có ảnh hưởng đến mức độ CBTT. Caferman và Cooke (2002) đã cho rằng có mối quan hệ thuận chiều giữa thời gian hoạt động của doanh nghiệp với mức độ CBTT. Các doanh nghiệp có thời gian hoạt động càng lâu thì việc lập và trình bày BCTC càng được cải thiện hơn vì chúng có nhiều điều kiện thực tế hơn cho quá trình báo cáo như bộ máy kế toán, khả năng áp dụng công nghệ thông tin… Các công ty có thời gian hoạt động lâu dài có nhiều thành tựu để báo cáo nhằm tăng danh tiếng và tăng vị thế cạnh tranh.

Do đó giả thuyết H2 được đưa ra là: Thời gian hoạt động của doanh nghiệp có tác động tích cực đến việc công bố thông tin kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

- Chủ thể kiểm toán:

Kiểm toán là một phần bắt buộc trong BCTC của các công ty niêm yết. Kiểm toán đảm bảo cho các báo cáo của các doanh nghiệp phù hợp với các quy định của luật pháp. Để giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa nhà quản lý và các nhà đầu tư, lý thuyết đại diện cho rằng kiểm toán độc lập đóng một vai trò rất quan trọng. Công ty kiểm toán lớn hoạt động như một cơ chế để làm giảm chi phí đại diện và phát huy nhiều hơn vai trò giám sát bằng cách hạn chế hành vi cơ hội của nhà quản lý (Jensen và Meckling, 1976).

Bhayani (2012) cho rằng, việc lựa chọn các công ty kiểm toán lớn cũng là một cách để doanh nghiệp phát tín hiệu với các nhà đầu tư rằng nội dung của các thông tin mà họ cung cấp đảm bảo tính minh bạch, khách quan và trung thực.

Giả thuyết H3 được đưa ra: Chủ thể kiểm toán có tác động tích cực đến việc công bố thông tin kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

- Thành phần hội đồng quản trị:

Chức năng giám sát của HĐQT là cần thiết vì theo lý thuyết đại diện thì luôn có sự mâu thuẫn về lợi ích giữa một bên là các nhà đầu tư và một bên là các người quản lý. Tránh né, đặc quyền quá mức và các khoản đầu tư không tối ưu là những vấn đề hay gặp trong hành động lạm dụng chức quyền của các nhà quản lý (Jensen và Meckling, 1976). Để làm giảm mâu thuẫn này, HĐQT sẽ thực hiện quyền lực của mình để theo dõi và kiểm soát quản lý. Mối quan hệ thuận chiều giữa tỷ lệ thành viên HĐQT không tham gia điều hành và mức độ CBTT được đưa ra bởi Chen và Jaggi (2000).

Giả thuyết H4 được đưa ra: Thành phần hội đồng quản trị có tác động tích cực đến việc công bố thông tin kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Khả năng thanh toán:

Khả năng thanh toán hay còn gọi là tính thanh khoản là khả năng đáp ứng tình hình nợ của doanh nghiệp trong ngắn hạn. Thanh khoản là một đặc tính quan trọng của công ty trong đó có ảnh hưởng lớn đến mức độ CBTT của doanh nghiệp. Lý thuyết tín hiệu cho rằng một công ty có tính thanh khoản cao sẽ công bố nhiều thông tin như là một cách phát thêm tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư để tăng niềm tin của họ và ngược lại, một công ty có tính thanh khoản thấp sẽ hạn chế việc CBTT để che giấu những thông tin yếu kém ra ngoài. Nandi và Ghosh (2012) đã tìm thấy mối quan hệ giữa tính thanh khoản và mức độ CBTT.

Giả thuyết H5: Khả năng thanh toán có tác động tích cực đến việc công bố thông tin kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

2.2. Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng. Sử dụng các kỹ thuật phân tích: thống kê mô tả, phân tích mô hình hồi quy. Thang đo của các biến độc lập và biến phụ thuộc được thiết kế dựa theo các nghiên cứu trước đó.

Phương pháp chọn mẫu: Mẫu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên. Số mẫu được chọn trong bài nghiên cứu là 100 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tác giả đã đề xuất mô hình hồi quy để kiểm định các giả thuyết trên có dạng như sau:

MUCDOCBTT = β0 + β1QUYMODN + β2THOIGIANHD + β3THANHPHANHDQT + β4KIEMTOAN + β5KNTHANHTOAN + ɛ

ɛ: Hệ số nhiễu; β: Trọng số hồi quy.

Đo lường biến phụ thuộc

Chỉ số mức độ công bố thông tin được tính cho mỗi doanh nghiệp như sau:

Ij: Chỉ số công bố thông tin của công ty j, 0≤ Ij ≤1;

dij = 1 nếu mục thông tin được công bố

dij = 0 nếu mục thông tin không được công bố

Ij = 1 doanh nghiệp công bố đầy đủ thông tin trong BCTC

n: Số lượng mục thông tin mà doanh nghiệp có thể công bố

3. Kết quả nghiên cứu

Trước khi đi vào phân tích hồi qui, ta cần xem xét sự tương quan giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc qua ma trận tương quan các biến như sau: (Xem bảng 3.2)

Hệ số tương quan của biến phụ thuộc với từng biến độc lập dao động từ 0.311 đến 0.596. Điều này có nghĩa là trong tổng thể, tồn tại mối tương quan tuyến tính giữa biến phụ thuộc Mucdocbtt với các biến độc lập: Quymodn, Thoigianhd, Thanhphanhdqt, Kiemtoan, Knthanhtoan.

Bảng 3.3 cho thấy, giá trị hệ số R2 là 0.571 > 0.5, do vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập. Ngoài ra, giá trị hệ số R2 hiệu chỉnh là 0.543, nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 54.3%. Nói cách khác, biến phụ thuộc được giải thích 54,3% bởi các biến độc lập trên.

Căn cứ vào Bảng 3.4, phương trình hồi qui tuyến tính bội của các nhân tố ảnh hưởng đến việc công bố thông tin kế toán các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với các hệ số chuẩn hóa như sau:

MUCDOCBTT = 0.433*QUYMODN + 0.334*THOIGIANHD + 0.336*THANHPHANHDQT + 0.390*KIEMTOAN + 0.184*KNTHANHTOAN

4. Kiến nghị

4.1. Đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Các doanh nghiệp có thể cải thiện mức độ CBTT của mình để tăng niềm tin của các nhà đầu tư dựa vào mối quan hệ giữa Mức độ CBTT và các nhân tố Quy mô doanh nghiệp, Chủ thể kiểm toán, Thành phần hội đồng quản trị (HĐQT), Thời gian hoạt động, Khả năng thanh toán. Các doanh nghiệp cần gia tăng mức độ CBTT, bởi vì việc CBTT có thể làm gia tăng uy tín của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp dễ dàng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư như cải thiện tính độc lập của thành viên HĐQT bằng cách gia tăng số lượng thành viên độc lập, quy định công khai thời gian tham gia là thành viên độc lập của HĐQT, chủ động lựa chọn đơn vị kiểm toán ưu tiên lựa chọn các công ty kiểm toán có uy tín nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán và gia tăng tính minh bạch công bố thông tin của doanh nghiệp tăng niềm tin từ cổ đông và các nhà đầu tư…

4.2. Đối với các cơ quan chức năng

Đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước về việc xây dựng và thực hiện những quy chế, quy định của thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt là quy định về thành phần HĐQT, Ban kiểm soát và vấn đề kiểm toán độc lập. Về nội dung CBTT, cần xem xét bằng những quy định cụ thể. Các thông tin được công bố phải chính xác đầy đủ theo đúng biểu mẫu quy định. Nội dung CBTT nói chung và thông tin tài chính nói riêng phải đúng theo chuẩn mực kế toán và các văn bản hướng dẫn. Các số liệu phải phản ánh đúng bản chất nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Nếu có số liệu tổng hợp thì phải thuyết minh chi tiết đầy đủ để người đọc hiểu rõ đúng bản chất của thông tin được công bố. Ngoài ra, cần phải có những quy định chặt chẽ về công tác kiểm tra và xử lý các hành vi sai phạm, cần tăng cường giám sát chặt chẽ những doanh nghiệp thường xuyên vi phạm về CBTT để đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển một cách lành mạnh, bền vững, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên tham gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Meek, G.K., Roberts, C.B, & Gray, S.J. (1995), Factors influencing voluntary annual report disclosure U.S., U.K., and continental European multinational corporations, Journal of International Business Studies.

2. Nandi và Ghosh (2012), Corporate governance attributes, film characteristics and the level of corporate disclosure: Evidence from the Indian listed firms. Decision Science letters 2.

3. Sanjay Bhayani (2012), The relationship between comprehensiveness of Corporate disclosure anh firm characteristics in India. Asia-Pacific Finace and Accounting Review, Vol 1, No.1.

4. Aljifri và Alzarouni (2013), The association between firm characteristics and corporate financial disclosures: evidence from UAE companies. The International Journal of Business and Finance research, Vol 8, No.2.

5. Mohamed Moustafa Soliman (2013), Firm characteristics and the Extent of Voluntary Disclosure: The Case of Egypt. Research Journal of Finance and Accounting.

6. M.C. Jensen, W. H. Meckling (1976), Theory of the firms: Managerial Behaviour, Agency Cost and Ownership Structure. Journal of Financial Economics.

7. R. L. Watts, J. L. Jimmerman (1986), Posity Accounting Theory. Prentice-Hall.Englewood Clifls.N.L.

FACTORS AFFECTING THE ACCOUNTING INFORMATION DISCLOSURE LEVEL OF LISTED COMPANIES ON THE VIETNAMS STOCK MARKET

Ph.D. PHAM NGOC TOAN

University of Economics Ho Chi Minh City

Master. NGUYEN VAN BAO

Bach Viet College

ABSTRACT:

Information in general and accounting information of enterprises in particular play a key role and have strong impacts on all market participants. The accounting information would provide insights into enterprises financial and business conditions for investors. Therefore, investors could make appropriate investment decisions. In order to ensure that the securities market would operate in a transparent and public manner, the accounting information of listed companies must be transparently published. It is important for investors to identify and evaluate the factors affecting the disclosing accounting information including both compulsory and unnecessary information of companies listed on the Vietnams stock market. This study shows that there is a statistical correlated relationship between factors, namely size of enterprise, auditor, board of directors, time of operation, liquidity level and information disclosure level. This study also proposes some solutions that directly increase the accounting information disclosure level of listed companies on the Vietnams stock market.

Keywords: Publishing accounting information, Vietnams stock market, listed companies.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây