Các nhân tố tác động đến hệ thống kế toán của tổ chức công đoàn tại tỉnh Tiền Giang

VŨ QUỐC THÔNG (Giảng viên khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) - NGUYỄN THỊ TRÚC LINH (Học viên khoa Sau Đại học, Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này nhằm mục tiêu xác định các tác động của hệ thống kế toán (HTKT) đến hiệu quả hoạt động của các tổ chức công đoàn tại tỉnh Tiền Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 20 biến, chia thành các nhóm thành 5 nhân tố, bao gồm: Cơ sở vật chất; Trình độ nhân lực; Cách thức phân chia công việc tổ chức bộ máy kế toán; Kiểm tra và giám sát nội bộ; Tổ chức xử lý thông tin kế toán. Kết luận này giúp cho các nhà quản trị về sự quan trọng của HTKT đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp và gợi ra các hướng nghiên cứu mới trong tương lai, nhằm giúp xác định thêm các tác động khác đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.

Từ khóa: hệ thống kế toán, tổ chức công đoàn, tỉnh Tiền Giang.

1. Đặt vấn đề

Những năm qua, cùng với sự đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế, tài chính của đất nước, sự đổi mới về tổ chức hoạt động Công đoàn, công tác tài chính Công đoàn có nhiều thuận lợi như: cụ thể về công tác thu, chi, quản lý tài chính Công đoàn. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 07b/NQ-TLĐ ngày 21/01/2016 - Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI, công tác tài chính Công đoàn còn một số hạn chế như “sử dụng tài chính Công đoàn hiệu quả còn thấp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của kế toán Công đoàn chuyên trách còn một số bất cập như tỷ lệ đại học chính quy có chuyên ngành kế toán - tài chính chỉ chiếm 25,8%, cán bộ làm công tác tài chính không đúng chuyên ngành còn chiếm tỷ lệ tương đối cao. Công tác quản lý tài chính Công đoàn một số nơi còn lỏng lẻo, tài chính chưa trở thành công cụ để điều tiết hoạt động Công đoàn, chưa gắn công tác tổ chức với tài chính trong việc định mức biên chế ở các cấp Công đoàn”.

Từ thực tiễn trên, việc xây dựng hệ thống kế toán cho hoạt động Công đoàn rất quan trọng. Một hệ thống kế toán được xây dựng khoa học sẽ cung cấp thông tin kế toán phục vụ tốt công tác quản lý tài chính, tài sản, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính của tổ chức Công đoàn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - chính trị của đất nước. Để tăng cường công tác quản lý tài chính của tổ chức Công đoàn, hạn chế những vi phạm về công tác tài chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đó là cần phải tổ chức hệ thống kế toán tại đơn vị một cách khoa học, hợp lý nhằm cung cấp thông tin kế toán kịp thời, chính xác, chống thất thu, phân phối nguồn thu hợp lý, đúng quy định; tăng cường công tác quản lý chi tài chính Công đoàn tại các cấp đảm bảo chi tiêu phải chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Do đó, tác giả nhận thấy nghiên cứu đề tài: “Phân tích các nhân tố tác động đến hệ thống kế toán cho hoạt động Công đoàn - Trường hợp nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” là yêu cầu cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.

2. Mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Qua các phương pháp nghiên cứu định tính gồm lược khảo các nghiên cứu từ trước, đồng thời căn cứ vào bối cảnh của các đơn vị hành chính sự nghiệp, tác giả đã đề ra mô hình nghiên cứu sơ bộ và Bảng câu hỏi khảo sát dự kiến, trong đó:

+ Kế thừa các nhân tố: Tổ chức bộ máy kế toán; Kiểm tra và giám sát nội bộ; Cơ chế, chính sách kế toán; Cơ sở vật chất; Nguồn nhân lực.

+ Tích hợp các nhân tố Tổ chức hệ thống tài khoản kế toán; Tổ chức hệ thống sổ sách kế toán; Tổ chức hệ thống báo cáo kế toán thành Tổ chức xử lý thông tin kế toán để tinh gọn mô hình.

Qua lý thuyết nền và một số nghiên cứu liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

hệ thống kế toán

Dựa theo mô hình đề xuất, tác giả trình bày các giả thuyết cho nghiên cứu như sau:

Giả thuyết H1: Cơ sở vật chất và trang thiết bị tương quan cùng chiều với hệ thống kế toán cho hoạt động Công đoàn tỉnh Tiền Giang.

Giả thuyết H2: Cơ chế chính sách kế toán tương quan cùng chiều với hệ thống kế toán cho hoạt động Công đoàn tỉnh Tiền Giang.

Giả thuyết H3: Trình độ nhân lực tương quan cùng chiều với hệ thống kế toán cho hoạt động Công đoàn tỉnh Tiền Giang.

Giả thuyết H4: Cách thức phân chia công việc trong bộ máy kế toán tương quan cùng chiều với hệ thống kế toán cho hoạt động Công đoàn tỉnh Tiền Giang.

Giả thuyết H5: Kiểm tra và giám sát nội bộ tương quan cùng chiều với hệ thống kế toán cho hoạt động Công đoàn tỉnh Tiền Giang.

Giả thuyết H6: Tổ chức xử lý thông tin kế toán tương quan cùng chiều với hệ thống kế toán cho hoạt động Công đoàn tỉnh Tiền Giang.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Bước1: Thu thập và tìm hiểu tài liệu liên quan đến đề tài. Nhóm tác giả tìm hiểu những tài liệu lý thuyết, cũng như những bài nghiên cứu có liên quan từ trong và ngoài nước để thu thập các thông tin, cơ sở cho đề tài của nhóm.

- Bước 2: Xây dựng mô hình, các giả thuyết nghiên cứu. Xây dựng mô hình, các giả thuyết nghiên cứu để tổng hợp, liệt kê các dữ liệu thu thập được từ các nghiên cứu có liên quan và tiến hành phác thảo khảo sát nháp các thông tin đó.

- Bước 3: Tiến hành nghiên cứu định tính - tham vấn ý kiến chuyên gia. Nhóm thực hiện các phương pháp nghiên cứu cụ thể như phương pháp nghiên cứu tài liệu, tổng hợp, phân tích, so sánh, lấy ý kiến chuyên gia, thống kê mô tả để tổng quát hóa cơ sở lý thuyết về HTKT, xác định sơ bộ các nhân tố ảnh hưởng đến HTKT của tổ chức Công đoàn tỉnh Tiền Giang”.

- Bước 4: Thực hiện nghiên cứu định lượng. Nhóm thu thập các thông tin và dữ liệu dưới dạng số học, số liệu có tính chất thống kê để có được những thông tin cơ bản, tổng quát về đối tượng nghiên cứu nhằm phục vụ mục đích thống kê, phân tích. Giai đoạn này được chia thành 3 hoạt động chính để có thể tiến hành phân tích đầy đủ hơn cho giai đoạn này. Đầu tiên là định hình bảng hỏi và thang đo chính thức, sau đó phát phiếu khảo sát thực trạng hệ thống kế toán đến các đơn vị có liên quan để thu thập dữ liệu (nhóm sẽ lên danh sách các đơn vị và tiếp cận các đơn vị đó để khảo sát các thông tin), cuối cùng là xử lý dữ liệu - nhóm tiến hành thống kê mô tả số liệu, đánh giá độ tin cậy của thang đo và phân tích EFA, phương pháp hồi quy đa biến để kiểm định giả thuyết nghiên cứu.

- Bước 5: Kết quả. Sau khi dữ liệu được xử lý, nhóm tác giả thu được kết quả về mức độ tác động của các nhân tố đến HTKT cho hoạt động công đoàn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

3. Kết quả

3.1. Thống kê mô tả

Nhóm tác giả phát bảng khảo sát đến các cán bộ nhân viên thuộc các tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Trong tổng số 160 phiếu gửi đi khảo sát và thu về 150 phiếu, kết quả thống kê mô tả mẫu khảo sát cho thấy:

- Về giới tính: Tỷ lệ nam - nữ của đối tượng khảo sát khá cân bằng, lần lượt là 53,3% nam và 46,7% là nữ giới.

- Về độ tuổi: Tác giả chia đối tượng khảo sát thành 3 nhóm tuổi chính: Nhóm 1 từ 25 đến 35 tuổi chiếm 20,0%; Nhóm 2 từ trên 35 tuổi đến 45 tuổi chiếm 42,7%; và Nhóm 3 trên 45 tuổi chiếm 37,3%. Điều này cho thấy các đối tượng khảo sát phần lớn trên 35 tuổi, độ tuổi đã có quãng thời gian làm việc lâu dài.

- Về thâm niên: Thâm niên làm việc của các đối tượng khảo sát được chia thành các nhóm như sau: Thâm niên ít hơn 10 năm: 38,0%, Thâm niên trên 10 năm đến 20 năm: 28,2%, Thâm niên trên 20 năm đến 30 năm: 15,5%, Thâm niên trên 30 năm: 18,3%.

Qua đó cho thấy, các đối tượng khảo sát phần lớn có kinh nghiệm làm việc hơn 10 năm, đã quen thuộc và thấu hiểu rõ ràng phương thức, cũng như bộ máy hoạt động của cơ quan.

- Về trình độ: đối tượng có trình độ Đại học chiếm tỉ lệ 84,0%, sau Đại học chiếm 16,0%. Từ đó nhận thấy, các đối tượng khảo sát đều có trình độ học vấn cao.

- Về phân cấp: có 21,3% đối tượng khảo sát ở LĐLĐ tỉnh; 60,0% ở LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố và 18,7% ở CĐ các ngành.

3.2. Đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Trọng và Mộng Ngọc (2008), tiêu chuẩn chọn thang đo là khi có độ tin cậy Cronbach’s Alpha lớn hơn (>) 0.6. Đồng thời, hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đo lường cho nhân tố đạt sẽ lớn hơn 0.3 (Hair et al., 2005).

Bảng 1. Đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha

hệ thống kế toán

hệ thống kế toán

Bảng 1 cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha của các nhân tố ≥ 0,6, đồng thời tất cả các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng (Corrected Item - Total Correlation) ≥ 0,3. Ngoài ra, kết quả kiểm định cho thấy tất cả các biến quan sát có hệ số Cronbach's Alpha if Item Deleted đều nhỏ hơn hệ số Cronbach's Alpha của nhân tố. Vì vậy kết luận, thang đo các biến đạt yêu cầu về độ tin cậy.

3.3. Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Sau khi thực hiện đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s alpha, thang đo các biến quan sát trong mô hình của nhóm còn giữ lại 24 biến quan sát của các nhân tố được đưa vào phân tích. (Bảng 2)

Bảng 2. Kiểm định KMO và Bartletts Test

hệ thống kế toán

- Kết quả Kiểm định KMO cho thấy hệ số KMO = 0,687 thỏa mãn điều kiện 0,5<0.6387<1. Kết quả kiểm định Bartlett’s Test có p-value = 0,000 < 0,05 cho thấy các biến quan sát đưa vào phân tích có mối quan hệ với nhau. NNhư vậy, phân tích nhân tố khám phá EFA là phù hợp.

- Phương pháp xoay: Tác giả mong muốn chọn ra các biến quan sát chất lượng nên sẽ sử dụng ngưỡng hệ số tải là 0,5. Kết quả ma trận xoay (Rotated Component Matrix) cho thấy, các biến quan sát được phân thành 6 nhân tố, tất cả các biến quan sát đều có hệ số tải nhân tố Factor Loading lớn hơn 0,5 và không có biến xấu.

3.4. Phân tích hồi quy đa biến

Thực hiện phân tích hồi quy tuyến tính bội để đánh giá sự tác động của các biến độc lập này lên biến phụ thuộc. Kết quả phân tích hồi quy thể hiện như sau:

- R2 hiệu chỉnh - Adjusted R Square (Bảng Model Summary) có kết quả lần lượt là Giá trị R bình phương hiệu chỉnh bằng 0,541 cho thấy các biến độc lập đưa vào phân tích hồi quy ảnh hưởng 54,1% sự biến thiên của biến phụ thuộc.

- Kết quả Bảng Model Summary cũng cho giá trị Durbin - Watson = 2,124, nằm trong khoảng 1,5 đến 2,5 nên kết quả không vi phạm giả định tự tương quan chuỗi bậc nhất (Yahua Qiao, 2011).

- Bảng ANOVA cho giá trị sig kiểm định F bằng 0,000 < 0,05. Do đó, mô hình hồi quy là phù hợp.

- Biến CS (Bảng Coefficients) cho kết quả sig = 0,148 > 0,05, nên biến này không có ý nghĩa trong mô hình hồi quy và không có sự tác động lên biến phụ thuộc HT. Ngoài ra, 5 biến độc lập còn lại đều có sig < 0,05 nên đều có ý nghĩa trong mô hình hồi quy và có sự tác động lên biến phụ thuộc HT.

- Hệ số phóng đại phương sai - VIF (Bảng Coefficients) của 05 biến độc lập còn lại là VC, TD, PC, KS và TT đều cho kết quả < 10 nên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

- Từ các hệ số hồi quy, xây dựng được phương trình hồi quy chuẩn hóa như sau:

HT = 0,127*VC + 0,251*TD + 0,211*PC + 0,407*KS + 0,134*TT + ε

4. Kết luận

Bài nghiên cứu đã xây dựng và kiểm định mô hình các nhân tố tác động đến HTKT cho hoạt động công đoàn của tỉnh Tiền Giang, bao gồm 6 nhân tố: Cơ sở vật chất; Cơ chế, chính sách kế toán; Trình độ nhân lực; Cách thức phân chia công việc; Kiểm tra - giám sát nội bộ; Tổ chức xử lý thông tin kế toán. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong 6 nhân tố khảo sát, chỉ có 5 nhân tố gồm: Cơ sở vật chất (VC); Trình độ nhân lực tham gia hệ thống kế toán (TD); Cách thức phân chia công việc trong bộ máy kế toán (PC); Kiểm tra và giám sát nội bộ (KS); Tổ chức xử lý thông tin kế toán (TT) là có ảnh hưởng đến HTKT Tổ chức Công đoàn tỉnh Tiền Giang. Các nhân tố này có thể giải thích được 54,1% sự biến thiên của HTKT tổ chức Công đoàn tỉnh Tiền Giang.

Bảng 3. Vị trí quan trọng của các nhân tố độc lập

hệ thống kế toán

Kết quả Bảng 3 cho thấy trong 6 nhân tố khảo sát, chỉ có 5 nhân tố gồm: Cơ sở vật chất (VC); Trình độ nhân lực tham gia HTKT (TD); Cách thức phân chia công việc trong bộ máy kế toán (PC); Kiểm tra và giám sát nội bộ (KS); Tổ chức xử lý thông tin kế toán (TT) là có ảnh hưởng đến HTKT tổ chức Công đoàn tỉnh Tiền Giang. Còn nhân tố Cơ chế, chính sách kế toán (CS) không ảnh hưởng. Trong đó, nhân tố Kiểm tra và giám sát nội bộ (KS) có tác động mạnh nhất, tiếp theo sau lần lượt là: Trình độ nhân lực tham gia HTKT (TD); Cách thức phân chia công việc trong bộ máy kế toán (PC); Tổ chức xử lý thông tin kế toán (TT) và yếu nhất là nhân tố Cơ sở vật chất (VC).

Ghi chú:

Nội dung bài báo được công bố dựa trên kết quả nghiên cứu thuộc đề tài luận văn của học viên Nguyễn Thị Trúc Linh, khoa Sau Đại học, Trường Đại học Trà Vinh. Đề tài được thực hiện dưới sự hướng dẫn của giảng viên Vũ Quốc Thông, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2012). Luật số 12/2012/QH13: Luật Công đoàn.
  2. Quốc hội (2015). Luật số: 88/2015/QH13: Luật Kế toán.
  3. Quốc hội (2015). Luật số 83/2015/QH13: Luật Ngân sách Nhà nước.
  4. Chính phủ (2013). Nghị định số 191/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết về tài chính Công đoàn.
  5. Boockholdt Jame L. (1999). Accounting information systems transactions processing and controls 5th ed., Irwin/McGraw-HillBoston - England.
  6. Chenhall, R. H. (2003). Management control systems design within its organizational context: Findings from contingency-based research and directions for the future, Accounting Organizations and Society 28(2-3), 127-168.
  7. Bộ Tài chính (2017). Thông tư số 107/2017/TT-BTC Hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.
  8. Mai Thị Thu Hà (2016). Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến công tác tổ chức kế toán tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lực trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sỹ kế toán, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
  9. Lương Thị Hồng Hoa (2016). Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức công tác kế toán trong các cơ quan hành chính sự nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sĩ kế toán, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
  10. Nguyễn Thế Ích (2015). Hoàn thiện hệ thống kế toán ở các đơn vị sự nghiệp Khoa học-Công nghệ công lập thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Luận án Tiến sĩ, Học viện Tài chính.
  11. Nguyễn Thị Thuận Thành (2014). Hoàn thiện hệ thống kế toán đơn vị Hành chính sự nghiệp thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định. Luận văn Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Đại học Đà Nẵng.
  12. Vũ Quốc Thông, Trần Minh Ngọc và Nguyễn Hoàng Phi Nam (2021). Tài liệu Hệ thống thông tin kế toán. NXB Đại học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh.

FACTORS AFFECTING THE ACCOUNTING SYSTEM
OF TRADE UNIONS IN TIEN GIANG PROVINCE

• VU QUOC THONG1

• NGUYEN THI  TRUC LINH2

1Lecturer, Faculty of Accounting - Auditing, Ho Chi Minh City Open University

2Postgraduate student, Tra Vinh University

ABSTRACT:

This study determines the impacts of the accounting system on the performance of trade unions in Tien Giang province. The study’s results show that there are 20 variables divided into 5 groups of factors including: Facilities, Human resources competencies, Work allocation in the accounting system, Internal inspection and supervision, and Organization of processing accounting information. This study’s results help managers understand the importance of the accounting system to the performance of trade unions. The study also suggests some new research directions to help further researches identify other impacts on the performance of trade unions.

Keywords: accounting system, trade union organization, Tien Giang province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2022]