TÓM TẮT:
Mục đích nghiên cứu là xác định các nhân tố tác động đến mức độ công bố tự nguyện thông tin phi tài chính của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Nghiên cứu được thực hiện với mẫu gồm báo cáo thường niên (BCTN) năm 2016 và các báo cáo khác của 93 DNNY tại HOSE. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng với mô hình hồi quy để kiểm định giả thuyết và chỉ số công bố tự nguyện thông tin phi tài chính với 57 mục thông tin được xây dựng trên cơ sở hướng dẫn công bố của GRI4 và các nghiên cứu trước về thông tin phi tài chính. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Quy mô doanh nghiệp và lợi nhuận tác động tích cực đến mức độ công bố tự nguyện thông tin phi tài chính của các DNNY tại HOSE.
Từ khóa: Công bố thông tin, công bố tự nguyện, thông tin phi tài chính, doanh nghiệp, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE).
1. Giới thiệuNền kinh tế phát triển, nhu cầu thông tin của các đối tượng quan tâm đã không ngừng gia tăng và không dừng lại ở góc độ tài chính mà còn mở rộng ở góc độ phi tài chính. Nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư quốc tế, đang hướng sự quan tâm nhiều tới các thông tin phi tài chính để hiểu rõ hơn về giá trị, hiệu quả, uy tín và tính bền vững của các doanh nghiệp (DN). Nếu DN không nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội, sẽ không thể có và giữ được nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ngoài việc sử dụng các dữ liệu tài chính truyền thống để phân tích và đưa ra các quyết định kinh doanh thì nhà đầu tư hiện nay còn sử dụng các dữ liệu phi tài chính về môi trường, xã hội, quản trị DN và các thông tin phi tài chính khác.
Theo nhận định của tác giả, vấn đề nghiên cứu liên quan đến thông tin phi tài chính được thực hiện nhiều trên thế giới, nhưng vấn đề nghiên cứu này vẫn còn mới ở Việt Nam, tác giả nhận thấy các khoảng trống trong nghiên cứu như sau: (1) Các nghiên cứu trước tập trung vào mức độ công bố thông tin tài chính (2) Nghiên cứu các nhân tố tác động đến mức độ công bố thông tin tài chính (3) Nghiên cứu về công bố tự nguyện còn ít và chưa có nghiên cứu riêng về công bố thông tin phi tài chính. Do đó, việc nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc công bố tự nguyện thông tin phi tài chính của các DNNY tại HOSE, từ đó hàm ý chính sách nhằm tăng cường mức độ công bố tự nguyện thông tin phi tài chính là cần thiết.
2. Cơ sở lý thuyết và khung phân tích
2.1. Cơ sở lý thuyết
Lý thuyết nền thường được sử dụng để giải thích mối quan hệ giữa các nhân tố tác động đến công bố tự nguyện phi tài chính như sau:
Lý thuyết thông tin bất cân xứng: Được giới thiệu đầu tiên bởi Akerlof (1970), mô tả thông tin bất cân xứng xảy ra khi một bên giao dịch (cổ đông) có ít thông tin hơn bên đối tác (người quản lý) hoặc có thông tin nhưng không chính xác. Thông tin bất cân xứng sẽ làm cho bên ít thông tin hơn sẽ có những quyết định không chính xác khi thực hiện giao dịch và làm cho bên có nhiều thông tin hơn cũng sẽ có những hành vi gây bất lợi cho bên kia khi thực hiện nghĩa vụ giao dịch. Như vậy, theo lý thuyết này, cổ đông công ty không có nhiều cơ hội tiếp cận công ty nên họ có ít thông tin hơn và sẽ có nhiều bất lợi khi đưa ra các quyết định đầu tư. Vì vậy, để giảm rủi ro do bất cân xứng thông tin gây ra cổ đông của công ty sẽ gây áp lực để nhà quản lý công bố nhiều thông tin hơn.
Lý thuyết đại diện: Được phát triển bởi Jensen và Meckling (1976), mô tả về mối quan hệ giữa người quản lý và cổ đông, giữa cổ đông và chủ nợ, cổ đông ủy nhiệm cho người quản lý quyền quản lý, điều hành DN và họ mong muốn nhà quản lý điều hành tốt để giá trị cổ phần ngày càng tăng. Theo lý thuyết này có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý DN trong các DN lớn, người quản lý là người trực tiếp điều hành hoạt động của DN, chủ động nắm bắt thông tin của DN và có thể thực hiện việc tối đa hóa lợi ích của mình nhưng lại có thể làm tổn hại đến lợi ích của cổ đông. Trong khi đó, cổ đông không trực tiếp quản lý DN nên ít có cơ hội tiếp cận thông tin trực tiếp từ DN, vì vậy ảnh hưởng đến quyết định của cổ đông.
Lý thuyết tín hiệu: Tồn tại sự bất cân xứng thông tin giữa người quản lý và cổ đông (Cotter, 2011), lý thuyết cho rằng để giảm bất cân xứng thông tin thì người quản lý phải cung cấp nhiều tín hiệu thông tin cho cổ đông, tín hiệu này gồm chất lượng thông tin DN và giá trị của các kênh thông tin liên lạc. Như vậy thông qua việc công bố tự nguyện thông tin phi tài chính, nhà quản lý sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn để giúp nhà đầu tư có quyết định đầu tư hợp lý. Với việc công bố tự nguyện thông tin phi tài chính bên cạnh việc công bố các thông tin tài chính, DN sẽ tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư, nhằm thuyết phục nhà đầu tư về việc thông tin DN công bố là chất lượng, đáng tin cậy và minh bạch.
2.2. Khung phân tích và giả thuyết nghiên cứu
Căn cứ vào cơ sở lý thuyết các giả thuyết được xây dựng như sau:
2.2.1. Lợi nhuận
Các nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng giữa lợi nhuận có mối liên hệ tích cực với việc công bố thông tin phi tài chính, như nghiên cứu của Arif và Tuhin (2013), Zare và cộng sự (2013). Trên cơ sở lý thuyết tín hiệu, khi DN kinh doanh đạt kết quả tốt, người quản lý có xu hướng cung cấp nhiều tín hiệu tốt cho cổ đông và thị trường vốn. Như vậy, giả thuyết nghiên cứu thứ nhất được xây dựng như sau:
H1: DN có lợi nhuận cao thì công bố tự nguyện thông tin phi tài chính nhiều hơn các DN có lợi nhuận thấp.
2.2.2. Tuổi doanh nghiệp
Nghiên cứu của Arif và Tuhin (2013), Zare và cộng sự (2013), Mohammed và Islam (2014) cho kết quả, các DN thành lập lâu năm thì công bố nhiều thông tin hơn các DN mới thành lập. Tuy nhiên, điều này cũng không thể đưa ra kết luận những DN thành lập nhiều năm hơn, sẽ công bố thông tin nhiều hơn và tuân thủ hơn những DN mới. Như vậy, giả thuyết nghiên cứu thứ hai được xây dựng:
H2: DN thành lập lâu năm hơn thì công bố tự nguyện thông tin phi tài chính nhiều hơn những DN mới thành lập.
2.2.3. Đòn bẩy tài chính
Theo lý thuyết đại diện, những DN có cơ cấu nợ trong vốn cao thì chi phí đại diện cao hơn (Jensen và Meckling, 1976), mâu thuẫn giữa nhà quản lý và cổ đông tăng, vì vậy nhà quản lý cần phải cung cấp nhiều thông tin hơn cho cổ đông, cũng như củng cố niềm tin của chủ nợ. Tuy nhiên, nghiên cứu thực nghiệm của Zare và cộng sự (2013) cho kết quả đòn bẩy tài chính tác động âm đến chất lượng công bố thông tin phi tài chính. Như vậy cũng chưa thể khẳng định được đòn bẩy tài chính tác động tích cực hay tiêu cực đến việc công bố tự nguyện thông tin phi tài chính và giả thuyết nghiên cứu thứ ba được xây dựng:
H3: Đòn bẩy tài chính có ảnh hưởng đáng kể đến việc công bố tự nguyện thông tin phi tài chính.
2.2.4. Quy mô DN
Theo lý thuyết thông tin bất cân xứng và lý thuyết tín hiệu, DN có quy mô lớn thì sự tách biệt về quyền sở hữu và quyền quản lý tăng lên, cổ đông khó có thể tiếp cận với thông tin của DN để có thể đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn, dẫn đến rủi ro bất cân xứng thông tin tăng. Vì vậy, để giảm rủi ro bất cân xứng thông tin, các cổ đông của DN gây áp lực để DN phát nhiều tín hiệu ra thị trường; bên cạnh việc công bố thông tin tài chính, DN sẽ công tự nguyện nhiều thông tin phi tài chính hơn. Các nghiên cứu trước cũng chỉ ra rằng nhân tố quy mô DN có ảnh hưởng tới mức độ công bố tự nguyện thông tin, quy mô DN càng lớn thì xu hướng cung cấp thông tin phi tài chính càng nhiều như nghiên cứu của Meek và cộng sự (1995), Robb và cộng sự (2001), Mohammed và Islam (2014). Tuy nhiên cũng có nghiên cứu cho rằng, nhân tố quy mô DN không ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin như nghiên cứu của Arif & Tuhin (2013). Như vậy, giả thuyết nghiên cứu thứ tư được xây dựng:
H4: Quy mô DN càng lớn thì mức độ công bố tự nguyện thông tin phi tài chính càng nhiều.
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Đo lường biến phụ thuộc và biến độc lập trong mô hình
3.1.1. Đo lường biến phụ thuộc
Bước 1: Xây dựng bộ tiêu chí công bố tự nguyện thông tin phi tài chính
Các nghiên cứu trên thế giới đo lường mức độ công bố tự nguyện thông tin phi tài chính theo phương pháp chỉ số công bố như nghiên cứu của Meek & cộng sự (1995), Arif & Tuhin (2013), Zare & cộng sự (2013), Mohammed & Islam (2014).
Trong nghiên cứu này, tác giả cũng sử dụng phương pháp chỉ số công bố với danh mục thông tin phi tài chính được xây dựng trên cơ sở hệ thống chỉ mục của báo cáo sáng kiến toàn cầu GRI4 về môi trường, xã hội và các nghiên cứu trước gồm nghiên cứu của Meek & cộng sự (1995), Arif & Tuhin (2013), Zare & cộng sự (2013), Mohammed & Islam (2014).
Sau đó, tác giả loại trừ những thông tin phi tài chính được quy định công bố bắt buộc theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC và quy định về thông tin phi tài chính trong các chuẩn mực kế toán Việt Nam gồm: VAS 07, VAS 21, VAS 23 VAS 25, VAS 26, VAS 28 được ban hành theo QĐ số 234/BTC (2003) và QĐ 12/BTC (2005).
Sau khi loại trừ các thông tin phi tài chính bắt buộc, các mục thông tin phi tài chính còn lại là công bố tự nguyện, với tổng số mục công bố tự nguyện thông tin phi tài chính là 57 mục, các thông tin phi tài chính này được công bố trên BCTN, báo cáo quản trị DN và trên website của DN.
Bước 2: Chấm điểm thử
Sau khi thiết lập bộ chỉ số công bố tự nguyện thông tin phi tài chính, tác giả tiến hành chấm điểm thử nhằm đánh giá và loại bỏ các mục không rõ thông tin.
Bước 3: Chấm điểm chính thức
Tác giả sử dụng phương pháp không trọng số để chấm điểm công bố tự nguyện thông tin phi tài chính. Nghĩa là mục thông tin nếu được công bố trên BCTN hoặc các báo cáo khác thì được tính và cho điểm là 1, nếu không công bố thì được tính và cho điểm 0. Do đó, chỉ số công bố tự nguyện thông tin phi tài chính được tính theo công thức sau:
Trong đó:
- VNIDj: Chỉ số công bố tự nguyện thông tin phi tài chính của công ty j, và 0 =< VNIDj =< 57.
- dij = 1 nếu mục thông tin phi tài chính được công bố, dij = 0 nếu mục thông tin phi tài chính không được công bố.
- n: Số lượng mục thông tin phi tài chính công ty có thể công bố.
3.1.2.Đo lường biến độc lập
3.2. Mô hình hồi quy
Dựa trên các giả thuyết được xây dựng, mô hình hồi quy các nhân tố tác động đến mức độ công bố tự nguyện thông tin phi tài chính được sử dụng trong nghiên cứu để kiểm định giả thuyết có dạng như sau:
VNID = β0 + β1PRO + β2AGE + β3LEV+ β4SIZE + ε
Với β: Hệ số hồi quy riêng từng phần, ε: Sai số ngẫu nhiên
3.3. Mẫu nghiên cứu và phương pháp thu thập dữ liệu
Đối tượng của nghiên cứu tập trung vào các DNNY tại HOSE. Nguồn dữ liệu trong nghiên cứu được thu thập từ BCTN năm 2016, các báo cáo khác của các DNNY không thuộc lĩnh vực tài chính tại HOSE là 100 DNNY. Dữ liệu này được thu thập từ website của HOSE, sau đó làm sạch dữ liệu và loại bỏ những phần tử ngoại lai (outliers), mẫu nghiên cứu còn 93 DNNY.
4. Kết quả và thảo luận
Kết quả bảng 3 cho thấy mức điểm công bố tự nguyện thông tin phi tài chính trung bình là 35,60 điểm (62,46%), trong đó mức điểm công bố tự nguyện cao nhất là 53 điểm, mức điểm công bố tự nguyện thấp nhất là 13 điểm.
Kết quả bảng 4 cho thấy hệ số tương quan chung R = 0,540 và giá trị R2 = 0,291, như vậy biến độc lập: Lợi nhuận, Tuổi DN, Đòn bẩy tài chính, Quy mô DN trong mô hình đã giải thích được trung bình 29,1% sự thay đổi mức độ công bố tự nguyện thông tin phi tài chính.
Kết quả bảng 5 cho thấy, giá trị Sig của kiểm định F (cột Sig.) là rất nhỏ (Sig = 0,000 < 0,05), điều đó cho thấy có sự tồn tại mối quan hệ tuyến tính giữa biến phụ thuộc công bố tự nguyện thông tin phi tài chính (VNID) với các biến độc lập.
Tuy nhiên, kết quả hồi quy ở bảng 6 cho thấy biến ROE có ý nghĩa thống kê với sig = 0,009< 0,05 và biến SIZE có ý nghĩa thống kê với sig = 0,001< 0,05; trong đó biến SIZE có tác động mạnh hơn. Còn biến AGE (Sig = 0,273> 0,05), và biến LEV (Sig = 0,418> 0,05) không có ý nghĩa thống kê.
Kết quả cho thấy, nhân tố lợi nhuận (ROE) tác động tích cực đến mức độ công bố tự nguyện thông tin phi tài chính với β = + 0,268. Như vậy, các DN có lợi nhuận càng cao thì mức độ công bố tự nguyện thông tin phi tài chính càng cao. Điều này được lý giải theo lý thuyết tín hiệu, đối với những DN có tình hình kinh doanh tốt sẽ có xu hướng phát tín hiệu nhiều hơn ra thị trường, nghĩa là cung cấp nhiều thông tin phi tài chính hơn cho cổ đông, việc cung cấp nhiều thông tin phi tài chính bên cạnh thông tin tài chính sẽ tạo được niềm tin cho cổ đông, nhà đầu tư vào DN. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các DN sẽ có hành vi che giấu thông tin phi tài chính không công bố ra thị trường nếu tình hình kinh doanh của DN không tốt.
Kết quả phân tích hồi quy cũng cho thấy, nhân tố Quy mô DN là nhân tố tác động mạnh nhất đến mức độ công bố tự nguyện thông tin phi tài chính với β = + 0,336. Điều này được lý giải theo lý thuyết đại diện và lý thuyết bất cân xứng thông tin, khi DN có quy mô lớn thì sự tách biệt về quyền sở hữu và quyền quản lý càng tăng, dẫn đến rủi ro bất cân xứng thông tin tăng và DN chịu áp lực lớn từ phía cổ đông; do đó, DN bên cạnh việc công bố thông tin tài chính phải công bố nhiều thông tin phi tài chính hơn. Từ kết quả nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng: những DN có quy mô nhỏ có xu hướng che giấu hoặc mức độ công bố tự nguyện thông tin phi tài chính thấp.
5. Kết luận và hàm ý chính sách
5.1. Kết luận
Kết quả thống kê mô tả cho thấy mức điểm công bố tự nguyện thông tin phi tài chính trung bình là 35,60 điểm (62,46%), trong đó mức điểm công bố tự nguyện cao nhất là 53 điểm, mức điểm công bố tự nguyện thấp nhất là 13 điểm.
Kết quả hồi quy cho thấy, DNNY có xu hướng công bố tự nguyện thông tin phi tài chính nhiều hơn nếu tình hình kinh doanh tốt hơn và quy mô DN lớn. Như vậy, DN có xu hướng công bố tự nguyện thông tin phi tài chính thấp nếu tình hình kinh doanh không tốt, hoặc quy mô DN nhỏ.
5.2. Hàm ý chính sách
Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Cần phải lưu ý những DN có kết quả kinh doanh không tốt, có quy mô nhỏ vì những DN này sẽ có xu hướng công bố tự nguyện thông tin phi tài chính ít hơn hoặc che giấu không công bố và có cơ chế giám sát chặt chẽ các DN có dấu hiệu thua lỗ nhiều năm.
Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Hội Nghề nghiệp kế toán (VAA) cần phải tuyên truyền cho DN về lợi ích, vai trò quan trọng của thông tin phi tài chính trong hệ thống thông tin kế toán. Nó có tiềm năng để gia tăng đáng kể giá trị của DN (Fraser, 2012). Tổ chức tập huấn và hỗ trợ, hướng dẫn DN lập báo cáo phát triển bền vững, báo cáo môi trường công bố các thông tin phi tài chính về môi trường - xã hội riêng biệt không tích hợp trong BCTN nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối với doanh nghiệp niêm yết: (1) Các DNNY cần phải xây dựng quy trình công bố thông tin nội bộ chặt chẽ, khoa học nhằm đảm bảo việc công bố thông tin chính xác kịp thời và đáp ứng được các quy định về công bố thông tin của tổ chức niêm yết một cách nhanh nhất, đảm bảo tính chính xác của thông tin và nguyên tắc giám sát hiệu quả. (2) Các DNNY cần tăng cường ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, công bố những thông tin trong hoạt động của DN liên quan đến môi trường, xã hội, cộng đồng, điều này sẽ làm gia tăng giá trị của DN, tạo nên hình ảnh tốt đẹp, minh bạch thông tin của DN đối với thị trường, tạo được niềm tin của nhà đầu tư đối với DN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Akerlof, G.A (1970). The Market for “Lemon”: Quality Uncertainty and the Market Mechanism. The Quarterly Journal of Economics, Vol. 84, No. 3 (Aug., 1970), pp. 488-500.
2. Arif, H. M., & Tuhin, M. H. (2013). Disclosure of Non-financial information Voluntarily in the annual report of Financial institutions: A study on listed banks of Bangladesh. European Journal of Business and Economics.
3. Bộ Tài chính. (2003). Quyết định 234/2003/QĐ-BTC ngày 30/12/2003 ban hành và công bố sáu chuẩn mực kế toán Việt Nam (Đợt 4). Chuẩn mực kế toán số 07, 21, 25, 26.
4. Bộ Tài chính. (2005). Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/2/2005 ban hành và công bố sáu chuẩn mực kế toán Việt Nam (Đợt 5).Chuẩn mực kế toán số 23, 28.
5. Bộ Tài Chính. (2015). Thông tư 155/2015/TT-BTC ngày 6/10/2015 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
6. Cotter, J., Lokman, N., & Najah, M. M. (2011). Voluntary disclosure research: Which theory is relevant? Journal of Theoretical Accounting Research, p77-95.
7. Fraser, M. (2012). The management accountant and non-financial information. http://www.nzica.com/ News/Archive/2012/March/The-management-accountant-and-non-financial-information.aspx, accessed on 20/10/2015.
8. Global Reporting Initiative. (2013). Hướng dẫn báo cáo phát triển bền vững - Các nguyên tắc báo cáo và công bố thông tin theo tiêu chuẩn. Phần 1 và 2, Phiên bản tiếng Việt.
9. Jensen, M. C., & Meckling, W. H. (1976). Theory of The firm: Managerial Behavior, Agency costs and ownership structure.Journal of Financial Economics 3 (1946) 305-360.
10. Meek, G. K., Roberts, C. B., & Gray, S. J. (1995). Factors influencing Voluntary annual report disclosures by U.S, U.K and continental European Multinational Corporations.Journal of International Business Studies, P555-572.
11. Mohammed, S., & Islam, M. (2014). Nonfinancial Information Disclosure and Company Characteristics: A Study on Listed Pharmaceutical and Chemical Companies of Bangledesh. Pacific Business Review International , Volume 6, Issue 8, Feb 2014.
12. Nguyễn Thị Thu Hảo. (2015). Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin tự nguyện của các DNNY trên HOSE. Tạp chí Phát triển Kinh tế, 26 (11), trang 99-115.
13. Robb, S. W., Single, E. L., & Zarzeski, T. M. (2001). Nonfinancial disclosures across Anglo-American countries.Journal of International Accounting, Auditing & Taxation, 10 (2001) 71-83.
14. Ta Quang Binh (2012). Voluntary Disclosure Information in the Annual Reports of Non Financial Listed Companies: The case of Vietnam. Journal of Applied Economics and Business Research, 2(2): 69-90.
15. Website Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. (2016). https://www.hsx.vn/Modules/Cms/ Web/NewsByCat/dca0933e-a578-4eaf-8b29-beb4575052c5?fid=6d1f1d5e9e6c4fb593077d461e5155e7.
16. Zare, R., Kiafar, H., Rasouli, F., Sadeghi, L., & Behbahani, S. (2013). Examining Financial Leverage, Profitability and Firm Life Influencing Nonfinancial Information Disclosure Quality. Acta Universitatis Danubius, Vol 9, no 6, 2013.
FACTORS AFFECTING THE VOLUNTARY DISCLOSURE
OF NON-FINANCIAL INFORMATION OF LISTED COMPANIES
ON THE HO CHI MINH STOCK EXCHANGE
MA. DUONG HOANG NGOC KHUE
University of Finance - Marketing
ABSTRACT:
The purpose of the study is to identify the factors that can affect voluntary disclosing non-financial information by the listed companies in Ho Chi Minh Stock Exchange (HOSE). The study has been conducted on the sample of 93 listed companies in HOSE. Annual reports for the year 2016 and the other reports have been used for the study. The study has used a quantitative method with the regression analysis model to test the hypotheses. A model including 57 indexes base on GRI4 and the prior nonfinancial information researchs were used to measure the level of non-financial information voluntary disclosure. The findings show that the company size and the profitability (ROE) have positive and significant effect on the level of non-financial information voluntary disclosure by the listed companies in HOSE.
Keywords: Disclosure, Voluntary Disclosure, Non-Financial Information.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây