Cách tiếp cận phát triển trong xây dựng chương trình đào tạo đại học

THS. BÀNH THỊ HỒNG LAN (Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Chương trình đào tạo vừa là công cụ vừa là thước đo trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khoa học - kỹ thuật của mỗi quốc gia cũng như của mỗi trường đại học. Theo đó, việc xây dựng chương trình đào tạo phụ thuộc vào tầm nhìn và sứ mệnh của cơ sở giáo dục trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Bài viết nghiên cứu cách tiếp cận định hướng phát triển năng lực trong xây dựng chương trình và sơ đồ hóa các bước phát triển chương trình dạy học đại học.

Từ khóa: chương trình đào tạo, tiếp cận phát triển, sơ đồ, định hướng.

1. Đặt vấn đề

Trong lịch sử phát triển giáo dục có 3 cách tiếp cận khác nhau trong việc xây dựng chương trình dạy học đào tạo: Tiếp cận nội dung, Tiếp cận mục tiêu, và Tiếp cận phát triển (tiếp cận năng lực). Tại mỗi thời điểm của lịch sử phát triển giáo dục, các quốc gia cũng như mỗi cơ sở đào tạo cần có cách tiếp cận riêng phù hợp với sứ mệnh của riêng mình. Vì vậy, các nhà quản lý giáo dục, nhà sư phạm cần hiểu bản chất của từng cách tiếp cận chương trình đào tạo. Mỗi cách tiếp cận đều có những đặc điểm riêng, có ưu điểm và hạn chế riêng. Vì vậy, các nhà quản lý và các nhà sư phạm cần hiểu được bản chất của chương trình đào tạo để xây dựng phương án sao cho phù hợp.

Chương trình giáo dục định hướng phát triển năng lực được hiểu là cách tiếp cận phát triển trong xây dựng chương trình dạy học đại học định hướng phát triển năng lực, nay còn gọi là dạy học định hướng kết quả đầu ra. Trên thực tế, cách tiếp cận này đã được đưa vào nghiên cứu và bàn luận trên thế giới từ những năm 90 của thế kỷ XX và ngày nay đã trở thành xu hướng giáo dục quốc tế.

2. Phân tích cách tiếp cận phát triển trong xây dựng chương trình dạy học đại học

Bản chất của giáo dục định hướng phát triển năng lực nhằm mục tiêu phát triển năng lực người học. Bởi lẽ giáo dục định hướng năng lực nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của việc dạy học, thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện các phẩm chất nhân cách, chú trọng năng lực vận dụng tri thức trong những tình huống thực tiễn, nhằm chuẩn bị cho con người năng lực giải quyết các tình huống của cuộc sống, nghề nghiệp và nhấn mạnh vai trò của người học với tư cách chủ thể của quá trình nhận thức.

Không giống với cách tiếp cận của chương trình định hướng nội dung, cách tiếp cận của chương trình dạy học định hướng phát triển năng lực tập trung vào việc mô tả chất lượng đầu ra. Với cách tư duy này thì chất lượng đầu ra được coi là “sản phẩm cuối cùng” của quá trình dạy học. Theo cách tiếp cận này, việc quản lý chất lượng dạy học chuyển từ việc điều khiển “đầu vào” sang điều khiển “đầu ra”, tức là kết quả học tập của người học.

Vì vậy, chương trình dạy học định hướng phát triển năng lực có những đặc điểm sau:

Không quy định những nội dung dạy học chi tiết mà quy định kết quả đầu ra mong muốn của quá trình giáo dục. Trên cở sở đó, đưa ra những hướng dẫn chung về việc lựa chọn nội dung, phương pháp, tổ chức và đánh giá kết quả dạy học nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu đào tạo tức là đạt được kết quả đầu ra mong muốn.

Mục tiêu học tập được hiểu là kết quả học tập mong muốn thường được mô tả thông qua hệ thống các năng lực. Kết quả học tập mong muốn sẽ được mô tả chi tiết và có thể quan sát, đánh giá được.

Người học cần đạt được những kết quả yêu cầu đã được quy định trong chương trình.

Việc đưa ra các chuẩn đào tạo nhằm đảm bảo quản lý chất lượng giáo dục theo định hướng kết quả đầu ra.

Bài viết đề cập tới sự khác biệt giữa chương trình định hướng nội dung và chương trình định hướng phát triển, từ đó giúp chúng ta có thể thấy được xu hướng. (Bảng 1)

Bảng 1. Bảng so sánh chương trình định hướng nội dung

và chương trình định hướng phát triển năng lực

           

Chương trình định hướng nội dung

Chương trình định hướng phát triển năng lực

Mục tiêu giáo dục

Mục tiêu dạy học được mô tả không chi tiết và không nhất thiết phải quan sát, đánh giá được.

Kết quả học tập cần đạt được mô tả chi tiết và có thể quan sát, đánh giá được; thể hiện được mức độ tiến bộ của người học một cách liên tục.

Nội dung giáo dục

Việc lựa chọn nội dung dựa vào các khóa học chuyên môn, không gắn với các tình huống thực tiễn.

Nội dung được quy định chi tiết trong chương trình.

Lựa chọn những nội dung nhằm đạt được kết quả đầu ra đã quy định, gắn với các tình huống thực tiễn.

Chương trình chỉ quy định những nội dung chính, không quy định chi tiết.

Phương pháp dạy học

 Giáo viên là người truyền thụ tri thức, là trung tâm của quá trình dạy học.

Người học tiếp thu thụ động những tri thức được quy định sẵn.

Giáo viên chủ yếu là người tổ chức, hỗ trợ người học tự lực và tích cực lĩnh hội tri thức.

Tập trung phát triển khả năng giải quyết vấn đề, khả năng giao tiếp,…;

Chú trọng sử dụng các quan điểm, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; các phương pháp dạy học thí nghiệm, thực hành.

Hình thức dạy học

Chủ yếu dạy học lý thuyết trên lớp học.

Tổ chức hình thức học tập đa dạng; chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.

Đánh giá kết quả học tập của người học

Tiêu chí đánh giá được xây dựng chủ yếu dựa trên sự ghi nhớ và tái hiện nội dung đã học.

Tiêu chí đánh giá dựa vào năng lực đầu ra, có tính đến sự tiến bộ trong quá trình học tập, chú trọng khả năng vận dụng trong các tình huống thực tiễn.

(Nguồn: Tác giả tổng hợp)

So với chương trình định hướng nội dung thì chương trình định hướng phát triển năng lực đã chuyển đổi trọng tâm của quá trình dạy học từ người dạy sang người học. Từ đó, thể hiện được hướng đích chất lượng giáo dục thông qua sự tiến bộ của người học. Vai trò của người thầy được chuyển đổi từ vị trí trung tâm sang vị trí người hỗ trợ, truyền cảm hứng để phát huy tính tự giác và chủ động của người học, từ đó đạt được mục tiêu của chương trình đào tạo môn học/khóa học.

3. Sơ đồ phát triển chương trình dạy học đại học (Hình 1)

Bước 1: Phân tích nhu cầu đào tạo và Xác định bối cảnh

Phân tích nhu cầu đào tạo

Có thể dựa vào những phương pháp như: Khảo sát (bằng việc xây dựng bảng câu hỏi điều tra khảo sát, tiến hành khảo sát) và tìm các thông tin về nhu cầu đào tạo thông qua các tổ chức, cá nhân, các công trình nghiên cứu và các số liệu thống kê thứ cấp. Từ đó, sàng lọc thông tin tiến hành phân tích số liệu và có thể tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhằm xác định một cách sát nhất nhu cầu đào tạo.

Xác định bối cảnh

Đối với việc xác định bối cảnh hiệu quả cần tìm hiểu các thông tin về xu hướng công nghệ phát triển và đặc điểm người học, cũng như bối cảnh dạy và học. Cụ thể, xác định xu hướng công nghệ có thể tìm hiểu thông qua những kênh thông tin về sự phát triển của các hệ điều hành máy tính, sự phát triển của các mạng liên kết dữ liệu và các phần mềm học tập đang và sẽ được phát triển và thông tin về các nguồn dữ liêu mở. Xác định đặc điểm người học cần dựa trên thông tin nhu cầu về các ngành học, nhu cầu về kỹ năng, nghề nghiệp; phát triển cá nhân; rèn luyện các kỹ năng tư duy bậc cao; kiến thức của nguời học trước khi học môn học; thái độ của người học; và cả những mong đợi của người học đối với môn học.

Với những thông tin này, khi được thu thập thì việc phát triển chương trình đào tạo trở nên thiết thực và chất lượng đào tạo mới có thể đạt hiệu quả cao. Xác định bối cảnh dạy học cũng là một nhân tố đóng vai trò quyết định tới quá trình đào tạo. Việc thiết kế chương trình giáo dục để tối ưu hóa những ưu điểm và tối thiểu hóa những rào cản, hạn chế ảnh hưởng tới quá trình dạy học. Thông qua việc tìm hiểu đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, nơi trường đóng trụ sở và cơ sở vật chất của nơi đó là cách thức hiệu quả nhất để xác định bối cảnh dạy học.

Bước 2: Xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra

Đối với mục tiêu cần xác định rõ Mục tiêu chung và Mục tiêu cụ thể. Đối với chuẩn đầu ra cần xác định lưu ý nguyên tắc SMART để đảm bảo tính hiệu quả, đó là: Phải rõ ràng, cụ thể (Specific), Phải đo lường được (Measurable); Phải khả thi, có thể đạt được (Attainable); Phải thực tiễn (Relevant); Phải xác định được thời gian hoàn thành (Time-bound). Chuẩn đầu ra phải bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó, kiến thức gồm 6 bậc từ biết đến hiểu, ứng dụng, phân tích tổng hợp, đánh giá và cuối cùng là sáng tạo. Kỹ năng bao gồm 5 bậc từ bắt chước, vận dụng, chính xác đến thành thạo và kỹ xảo. Thái độ cũng gồm 5 bậc từ cầu thị, cởi mở, bày tỏ thái độ, tổ chức, và tính cách.

Bước 3: Thiết kế chương trình

Thiết kết chương trình cần lựa chọn và sắp xếp nội dung chương trình, xác định phương thức tổ chức quá trình đào tạo, xác định các hình thức tổ chức dạy học, lựa chọn các phương pháp giáo dục phù hợp và cuối cùng là lựa chọn và sử dụng phương tiện, công nghệ dạy học thích hợp.

Bước 4: Thực thi

Để thực thi chương trình cần

Chuẩn bị: Xác định vị trí môn học trong cả chương trình đào tạo, điều tra đối tượng dạy học, kiểm tra kiến thức nền của người học, quan sát phong cách của người học và sự hứng thú của họ với môn học, kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất nơi dạy học.

Xác định mục tiêu dạy học.

Lập kế hoạch dạy học.

Tổ chức tài liệu dạy học.

Chuẩn bị các hình thức tổ chức dạy học.

Chuẩn bị các phương tiện và công cụ dạy học.

Bước 5: Đánh giá chương trình

Được dựa trên các nguyên tắc sau:

Tính trình tự:  Lựa chọn sắp xếp nội dung đào tạo theo thứ tự từ cái chung tới cái riêng, từ đơn giản tới phức tạp, từ dễ đến khó, từ cơ bản tới chuyên sâu.

Tính liên thông: Thể hiện các yếu tố sự tiếp nối các tri thức; kế thừa các kiến thức đã học; tính liên thông ngang - sự liên thông giữa các chương trình cùng trình độ; tính liên thông dọc - sự liên thông giữa các bậc học; lưu ý tới môn học tiên quyết trước đó.

Tính cân đối: Thể hiện các yếu tố cân đối giữa tự nhiên, xã hội, nhân văn; cân đối giữa lý thuyết và thực hành; cân đối giữa đại cương và chuyên ngành.

Tính cập nhật: Cần thường xuyên cập nhật những tri thức mới, cách thức giảng dạy mới để điều chỉnh sao cho phù hợp với sự phát triển chung của xã hội và đòi hỏi của phát triển kinh tế.

Tính mềm dẻo: Cần tránh sự đóng khung và cứng nhắc trong việc thiết kế chương trình; cần có các môn học tương đương để lựa chọn nhằm giúp người học có thể tìm được môn học mà họ mong muốn cũng như phù hợp với sở thích cá nhân để từ đó phát triển tối đa nhất năng lực của người học.

Tính khả thi: Khi phát triển chương trình cần tính đến các điều kiện thực tế khi thực hiện, tính toán tới số lượng và chất lượng của đội ngũ giáo viên cùng điều kiện cơ sở vật chất và tình hình tài chính của đơn vị giáo dục.

4. Kết luận

Ưu điểm của chương trình giáo dục định hướng phát triển năng lực là có thể tạo điều kiện quản lý chất lượng theo kết quả đầu ra đã quy định. Một ưu điểm khác là nhấn mạnh năng lực vận dụng của người học. Bên cạnh đó, cũng còn những hạn chế như nếu vận dụng một cách thiên lệch, không chú ý đầy đủ đến nội dung dạy học thì có thể dẫn đến các lỗ hổng tri thức cơ bản và tính hệ thống của tri thức.

Với việc nhận thức được những ưu điểm và hạn chế của cách thức tiếp cận này sẽ mang lại những thông tin giá trị trong việc điều chỉnh cách thức tiếp cận cũng như lựa chọn phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với đối tượng người học, từ đó đưa ra những thông tin phản hồi với cấp quản lý trong việc xây dựng cũng như thiết kế khung chương trình đào tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Thị Hoài (2020). Bài giảng Phát triển chương trình và tổ chức quá đào tạo đại học. Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Nguyễn Đức Chính (2011), Phát triển chương trình đào tạo, Tài liệu giảng dạy, Trường Đại học Giáo dục, Hà Nội.
  3. Lê Thái Hưng (2020), Đánh giá trong giáo dục đại học, Bài giảng, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. Trần Thành Nam (2020), Giáo dục học đại học thế giới và Việt Nam, Bài giảng, Đại học Quốc gia Hà Nội.

The development-oriented approach in developing university

teaching programs

Master. Banh Thi Hong Lan

School of Economics and Management, Hanoi University

of Science and Technology

ABSTRACT:

The training program works as a tool and also a measure for the socio-economic, science and technology development of each country as well as for each university. The development of training program depends on the vision and mission of each educational institutions in a certain historical period. This paper analyzes the capacity development-oriented approach in developing curriculum and maps the steps of creating university teaching programs.

Keywords: training program, development approach, diagrams, orientation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7, tháng 3 năm 2021]