Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 10/2021 đạt 55 tỷ USD, tăng 2,4% so với tháng trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 28,87 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng trước (tương ứng tăng 1,85 tỷ USD); nhập khẩu đạt 26,13 tỷ USD, giảm 2,0% (tương ứng giảm 533 triệu USD).
Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 539,42 tỷ USD, tăng 22,6% với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 99,54 tỷ USD. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 269,77 tỷ USD, tăng 17,4%, tương ứng tăng 40,02 tỷ USD và nhập khẩu đạt 269,65 tỷ USD, tăng 28,3%, tương ứng tăng 59,5 tỷ USD.
Với kết quả này, chỉ trong tháng 10/2021, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã thặng dư tới 2,74 tỷ USD, cao gấp 2 lần so với mức xuất siêu 1,1 tỷ USD được Tổng cục Thống kê ước tính hồi cuối tháng 10/2021.
Và cũng vì vậy, cán cân thương mại của Việt Nam sau 10 tháng đã đảo chiều ngoạn mục, xuất siêu 125 triệu USD, không còn thâm hụt 1,45 tỷ USD như ước tính trước đó.
Tổng cục Hải quan nhận định, đây là một tín hiệu tích cực của nền kinh tế, cho thấy, xuất khẩu tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng tốt, khi nhu cầu thị trường toàn cầu đang dần hồi phục.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 10/2021 đạt 37,76 tỷ USD, giảm 1,1% so với tháng trước, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 10 tháng năm 2021 đạt 374,03 tỷ USD, tăng 25,4%, tương ứng tăng 75,73 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 10/2021 đạt 20,68 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 10 tháng/2021 lên 197,49 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 10/2021 đạt 17,08 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 10 tháng/2021 đạt 176,54 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 10/2021 có mức thặng dư trị giá gần 3,6 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong 10 tháng năm 2021 lên mức thặng dư trị giá 20,95 tỷ USD.
Về thị trường xuất nhập khẩu, trong 10 tháng năm 2021, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 349,12 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,7%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.
Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ: 112,32 tỷ USD, tăng 23,1%; châu Âu: 59,45 tỷ USD, tăng 12,9%; châu Đại Dương: 11,52 tỷ USD, tăng 44% và châu Phi: 7,02 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, còn khoảng hơn một tháng nữa để hoàn thành mục tiêu cả năm, song dịch Covid-19 vẫn diễn biến khá phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay, trước tiên là vấn đề lao động. Đặc biệt, tại khu vực phía Nam, việc kêu gọi lao động trở lại làm việc gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp chưa thể phục hồi 100% công suất, do tình trạng thiếu lao động. Bên cạnh đó, do tác động của dịch Covid-19 nên thị trường nguyên liệu của thế giới và dịch vụ logistics đều đang gia tăng chi phí. Những yếu tố này sẽ đẩy áp lực về chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có cơ hội để phụ hồi sản xuất khi Nghị quyết 128/NQ-CP được thực hiện hiệu quả, khi các biện pháp chống dịch của địa phương có thể vừa đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng cho người dân, vừa không gây tác động quá lớn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Về khả năng gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải cho hay, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng được cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Tác động từ hai hiệp định này đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa rất rõ, đặc biệt với thị trường mà chúng ta chưa từng ký FTA.
Nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25 - 30%/năm. Với thị trường EU, Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ ưu đãi thuế thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường tiền năng rộng lớn này. Tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nhiều khả năng vượt mốc 600 tỷ USD.
[Quảng cáo]