Cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu từ các FTAs

Với việc tiên phong mở rộng các thị trường FTA lên tới 60 nền kinh tế, chiếm 75% kim ngạch mậu dịch toàn cầu, các FTA mà Việt Nam đang thực thi đã bổ trợ cho nhau, giúp Việt Nam chủ động phân tán rủi ro, thiết lập chuỗi cung mới, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nhập khẩu.

EVFTA

Phân tán rủi ro

Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường FTA được hưởng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao, phần lớn trên 90% số dòng thuế. Do đó, xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng trưởng mạnh ở các thị trường FTAs. Cụ thể, với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngay trong năm đầu thực thi, đã giúp kim ngạch xuất khẩu nước ta tăng 8,3%. Với EVFTA, trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu đạt 25,85 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị hàng hóa tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA (được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O EUR.1) đạt 5,66 tỉ USD, chiếm 21,9% giá trị xuất khẩu sang EU.

Cùng với đó, điều vô cùng thuận lợi là dư địa của các thị trường FTA còn rất nhiều. Cụ thể, lớn nhất là thị trường Trung Quốc, năm 2020 chúng ta mới xuất khẩu 48,9 tỷ USD, chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Tương tự như vậy là các thị trường lớn như Nhật Bản, xuất khẩu Việt Nam mới chiếm 2,8% dung lượng thị trường; xuất khẩu sang Hàn Quốc chiếm 3%; Australia chiếm 1,7%...

Đó là những con số có tính thuyết minh mạnh mẽ về lợi ích và cơ hội trong tương lai của thị trường FTA đối với xuất khẩu nước ta. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường FTA còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế mang tính nền tảng.

Trước hết, thị trường FTA tạo cơ hội cho Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu với khu vực châu Á (chiếm khoảng 80% kim ngạch nhập khẩu và 50% kim ngạch xuất khẩu). Các FTAs giúp doanh nghiệp nước ta thâm nhập, khai thác các thị trường mới, phân tán rủi ro khi thương mại bị lệch quá nhiều về một, hai đối tác.

Hàng dệt may có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EVFTA
Hàng dệt may Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EVFTA

Một thí dụ điển hình là xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Hiện nước này đã cơ cấu lại bộ máy nhằm quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo ngành dọc, với trọng tâm là tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm quy định nhập khẩu. Như hàng nhập khẩu phải từ cơ sở nuôi trồng, chế biến nằm trong danh sách đã được Trung Quốc đồng ý cho xuất khẩu; phải có chứng thư an toàn thực phẩm do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp...

Vì vậy, trong thời gian qua, mặt hàng nông lâm thủy, hải sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc có xu hướng giảm. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2010- 2019, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng bình quân 28,16% trong giá trị xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,1 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng thị phần xuất khẩu của ngành hàng.

Trước đây, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam. Nhưng kể từ năm 2019 đến nay, thị trường này đã tụt xuống vị trí thứ hai. Trong 7 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 5,5 tỷ USD, đứng thứ hai về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam với 19,2% thị phần, sau Mỹ đạt trên 8,2 tỷ USD chiếm 28,9% thị phần. Một trong những nguyên nhân tình hình nói trên là do Trung Quốc ngày càng siết chặt hơn các quy định đối với nông sản Việt Nam.

Với nhiều FTAs thế hệ mới, chúng ta có nhiều cơ hội xử lý, phân tán được sự phụ thuộc mang tính rủi ro này.

Thiết lập chuỗi cung ứng mới

Thị trường FTA còn tạo cơ hội tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu cho doanh nghiệp nước ta. Quá trình hình thành chuỗi cung ứng mới đối với Việt Nam càng được đẩy nhanh trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung. Vì sao Việt Nam được ưu tiên lựa chọn như một mắt xích trong chuỗi cung ứng mới? Lý do hàng đầu được các doanh nghiệp kể ra bao giờ cũng là vì Việt Nam được coi là nước tiên phong mở cửa nhất trong khu vực khi có trong tay 15 FTAs đang thực thi với 60 nền kinh tế, chiếm 75% tổng kim ngạch thương mại thế giới; là 1 trong 3 nước Asean ký kết FTA thế hệ mới CPTPP; 1 trong 2 nước Asean ký kết FTA với EU. Vì thế, khi đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp nghiễm nhiên được hưởng ưu đãi tại các thị trường FTA mà Việt Nam ký kết.

FTA

Không chỉ đầu tư, doanh nghiệp còn có quyền nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện tại các thị trường FTA để được tính tỷ lệ xuất xứ. Với mục tiêu khuyến khích thương mại giữa các thành viên tham gia FTA, hạn chế sự hưởng lợi từ các nước ngoài khu vực, nhiều mặt hàng đòi hỏi phải sử dụng toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hoặc trong khu vực ký FTA mới được hưởng thuế ưu đãi. Quy tắc xuất xứ là thách thức cho xuất khẩu nhưng cũng bao hàm cơ hội khi tạo áp lực thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu. Từ một nền sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc, nay nhiều ngành sản xuất nước ta như dệt may, da giầy, chế biến gỗ, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm từ chất dẻo, cao su, dây điện và cáp điện… không những đã phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước kết tinh trong sản phẩm dành cho xuất khẩu.

Có thể nói, với việc tiên phong mở rộng các thị trường FTA lên tới 60 nền kinh tế, chiếm 75% kim ngạch mậu dịch toàn cầu, các FTA mà Việt Nam đang thực thi đã bổ trợ cho nhau trong 2 chiều (chiều đi - xuất khẩu để hưởng ưu đãi thuế quan) và chiều về (nhập khẩu - đóng góp vào tỷ lệ xuất xứ) đã giúp Việt Nam chủ động phân tán rủi ro, thiết lập chuỗi cung mới, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, tạo sức ép buộc ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành hướng về xuất khẩu phải đổi mới, phát triển.

Gio Linh và nhóm phóng viên