Cần cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ ngành cơ khí tận dụng cơ hội thị trường

Doanh thu toàn ngành cơ khí chế tạo hiện đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, song theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ô tô là 120 tỷ USD.

Bước tăng trưởng của ngành công nghiệp cơ khí

Phát biểu tại Hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam tại Quảng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Nguyễn Ngọc Thành cho biết, cơ khí là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu và thiết bị cho nhiều ngành sản xuất như xây dựng, ô tô, điện tử, năng lượng, hàng không, và nhiều lĩnh vực khác. Tại Việt Nam, trong những năm qua ngành công nghiệp cơ khí đã có những bước tăng trưởng đáng kể, cả về quy mô và sản phẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghiệp cơ khí
Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Nguyễn Ngọc Thành, những năm qua, ngành công nghiệp cơ khí đã có những bước tăng trưởng đáng kể, cả về quy mô và sản phẩm, không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu

Hiện nay, cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Ngành cơ khí - máy móc và thiết bị trong nước đã từng bước làm chủ và tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho một số doanh nghiệp lớn như Toyota, Thaco, Thành Công…, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước đã đẩy mạnh đầu tư và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nên các sản phẩm như khuôn mẫu, linh kiện cơ khí, nhựa và cao su kỹ thuật... về cơ bản đã được đáp ứng ở mức cao. Cụ thể, linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 15 - 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ôtô (tùy chủng loại xe). Đối với lĩnh vực đường sắt, về đầu máy, toa xe hàng, toa xe khách, nếu các đơn hàng có số lượng phù hợp, các doanh nghiệp đóng tàu, xe lửa và ô tô có thể tham gia chế tạo với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60%.

Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp cơ khí trong nước hiện có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp và rất khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Thị phần cơ khí ở thị trường trong nước phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Dù đã có nhiều bước tiến trong sản xuất các sản phẩm cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, nhiều sản phẩm đã kết nối và vươn được ra nước ngoài, song nhìn chung toàn ngành, sản phẩm của đa số doanh nghiệp trong nước vẫn có chất lượng và độ chính xác thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Đặc biệt, hiện cơ khí Việt Nam còn thiếu nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn, mang tầm quốc tế và đóng vai trò dẫn dắt.

Nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành cơ khí

Thời gian vừa qua, nhận thức được sự quan trọng của ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành, như:

(i) Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh “Ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng: cơ khí chế tạo (ưu tiên phát triển cơ khí chế tạo cho sản xuất máy nông nghiệp, ô tô, tàu biển, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế)”.

(ii) Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng “Tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt đồng bộ với các ngành công nghiệp khác; từng bước tự chủ trong bảo trì, sản xuất một số loại phương tiện, vật tư, trang thiết bị cho đường sắt”.

Đây là một hoạt động có ý nghĩa tích cực trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước
Thời gian quan, nhận thức được sự quan trọng của ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành

(iii) Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó quy định các Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển (bao gồm các sản phẩm cơ khí chế tạo) được xem xét hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, tiền thuê đất, mặt nước…

(iv) Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó đặt mục tiêu “Đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước”.

(v) Luật Điện lực năm 2024 khuyến khích và hỗ trợ phát triển nghiên cứu công nghệ, công nghiệp thiết kế, chế tạo, lắp đặt và dịch vụ trong lĩnh vực điện lực đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các ngành chế tạo thiết bị điện, dịch vụ điện.

(vi) Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Nghị quyết số 187/2025/QH15 ngày 19/2/2025 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ công nghiệp đường sắt mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp.

Nhiều cơ hội cho ngành cơ khí phát triển

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế toàn cầu, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đứng trước rất nhiều cơ hội lớn. Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ôtô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3. Việt Nam cũng đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút thêm nhiều dự án FDI khi có nhiều khách hàng nước ngoài sang Việt Nam để tìm nhà cung cấp mới. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam trong bối cảnh đơn hàng toàn cầu suy giảm vì tác động của suy thoái kinh tế thế giới.

hận thức được sự quan trọng của ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành
Các đại biểu tham dự Hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam tại Quảng Ninh

Trên cơ sở định hướng phát triển ngành của Đảng và Chính phủ, nhằm tận dụng những lợi thế, cơ hội để đạt mục tiêu phát triển bền vững ngành cơ khí Việt Nam, cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể:

Tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ nhằm khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp cơ khí: Hiện nay, Cục Công nghiệp đang chủ trì, tham mưu Lãnh đạo Bộ xây dựng dự thảo Luật Phát triển cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, trong đó dự kiến có các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành cơ khí, tạo điều kiện khuyến khích mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đối với các địa phương, nghiên cứu đầu tư phát triển Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại địa phương trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị hiện có; cân đối ngân sách địa phương, bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển; đổi mới sáng tạo; ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; thiết kế, sản xuất thử nghiệm...

Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương nhằm kịp thời xúc tiến, trợ giúp phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm mục tiêu phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Đối với các doanh nghiệp, chủ động đầu tư nghiên cứu, phát triển về công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng cao của thị trường. Tận dụng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi hiện có của Nhà nước nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp như:

Chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, mặt nước... cho các các Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;

Các hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất, ứng dụng chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

"Cục Công nghiệp đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy toàn ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp cơ khí nói riêng, đặc biệt là cơ khí chế tạo cho sản xuất, lắp ráp ô tô và phát triển hệ thống đường sắt phát triển hơn nữa, hướng tới mục tiêu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng trên 9,7% và tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp nhằm hiện thực hóa mục tiêu nêu trên," Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Thành nhấn mạnh.

Ngày 26/3/2025, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam tại Quảng Ninh.

Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, làm rõ tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô và đường sắt. Đồng thời, góp phần cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Huyền My