Cần nâng cao độ tin cậy vận hành toàn hệ thống điện khi năng lượng tái tạo phát triển

Khi tỷ trọng điện gió, điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung tăng cao, cần nghiên cứu nâng cao khả năng giải tỏa công suất và độ tin cậy vận hành hệ thống điện song song với các cơ chế chính sách phát triển hiệu quả năng lượng sạch.

Đây là lưu ý của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại Hội thảo Đối tác Công tư Việt Nam – Nhật Bản về Công nghệ năng lượng sạch do Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản phối hợp tổ chức sáng 27/2/2019 tại Hà Nội.

Hội thảo nằm trong chuỗi “Kế hoạch hành động toàn cầu hướng tới nền kinh tế ít carbon” Nhật bản triển khai để hỗ trợ các nước thành viên ASEAN.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong những năm qua, với sự quan tâm của nhà nước, hệ thống năng lượng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội và phục vụ người dân. Tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của Việt Nam trong 20 năm qua luôn tăng trưởng ở mức độ cao trên dưới 10%/năm.

Tính riêng ngành điện, theo điều tra của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tới cuối năm 2018, hệ thống điện của Việt Nam với công suất đạt gần 50.000MW, đã xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á và 23 trên thế giới về công suất hệ thống.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, với sự quan tâm của nhà nước, hệ thống năng lượng của Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội và phục vụ người dân.

 

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, trước những thách thức to lớn đó, trong những năm vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để hạn chế những tác động tiêu cực của sự phát triển của ngành năng lượng, trong khi vẫn phải đảm bảo đủ năng lượng, đủ điện trong phát triển kinh tế xã hội.

Chính phủ đã xây dựng và ban hành bộ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; công bố các tổng sơ đồ phát triển ngành điện cho mỗi giai đoạn 10 năm và có xét đến 10 năm tiếp theo.

Các tổng sơ đồ này được xem xét điều chỉnh mỗi 5 năm để đảm bảo hệ thống điện được phát triển hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển của nên kinh tế đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, mặt trời, sinh khối, điện từ rác thải,…

Cho tới cuối năm 2018, tổng công suất các nhà máy thủy điện trong hệ thống đã đạt trên 22.000MW, trong đó công suất các nhà máy thủy điện nhỏ (dưới 30MW) chiếm khoảng 4.000MW; công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió sẽ vào vận hành cuối năm 2019 này sẽ đạt MW, vượt kế hoạch đặt ra trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh (năm 2020, điện Mặt trời 850MW, điện gió 800MW).

Hiện nay Bộ Công Thương đã nhận được gần 30.000MW công suất các dự án điện mặt trời và hơn 10.000MW điện gió do các nhà đầu tư đề xuất.

Đại diện Bộ Công Thương nhận định, nhờ có những cơ chế giá FIT hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư đang tiếp tục đề xuất đăng ký đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng với cơ chế khuyến khích hấp dẫn của Chính phủ, sự tiến bộ của công nghệ điện mặt trời, điện gió, mục tiêu đạt 29% công suất hệ thống từ năng lượng tái tạo (không kể thủy điện) sẽ được hoàn thành vượt bậc.

Hội thảo Đối tác Công tư Việt Nam – Nhật Bản về Công nghệ năng lượng sạch.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thẳng thắn chia sẻ, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió cũng có những mặt hạn chế nhất định, như tính không ổn định do hoàn toàn phụ thuộc vào nắng gió, khả năng giải tỏa công suất chưa cao hay do nắng gió có khả năng khai thác kinh tế chỉ tập trung ở một số địa điểm làm ảnh hưởng tới độ tin cậy ổn định vận hành hệ thống điện và làm tăng chi phí của hệ thống mà cuối cùng là làm tăng giá điện tới người tiêu dùng cuối cùng.

“Vấn đề tăng chi phí không phải chỉ do giá năng lượng tái tạo cao, mà còn do phải đầu tư thêm hệ thống truyền tải, hệ số sử dụng không cao…”, Thứ trưởng nhận định.

Để giải quyết các vấn đề trên, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu nâng cao khả năng giải tỏa công suất, nâng cao độ tin cậy vận hành hệ thống điện khi tỷ trọng điện gió, điện mặt trời tăng cao, các cơ chế chính sách phát triển hiệu quả năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Cùng với việc phát triển mạnh các nguồn điện, trong đó lưu ý cơ cấu hợp lý giữa các nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện, điện khí, điện than, năng lượng tái tạo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng, nhằm hướng tới giải pháp lâu dài, hiệu quả góp phần bảo đảm an ninh cung ứng điện cho đất nước.

Những kết quả Việt Nam đạt được trong phát triển năng lượng sạch, trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mới chỉ là bước đầu, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa để hướng tới một nền kinh tế xanh, tới sự phát triển bền vững.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng khẳng định, với sự tham dự của các chuyên gia đến từ những cơ quan, tổ chức của một quốc gia được biết đến với nguồn năng lượng sơ cấp thành công, một đất nước phồn vinh, xanh sạch như Nhật Bản, Hội thảo sẽ mang tới những cách tiếp cận, những giải pháp tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với Việt Nam trong thời gian tới.

Chia sẻ với quan điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Daisuke Okabe, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực năng lượng, thời gian qua, Bộ Kinh tế Công nghiệp Nhật Bản cùng Bộ Công Thương Việt Nam đã tiến hành nhiều hội đàm cấp bộ trưởng.

Đặc biệt, tháng 11/2017, 2 bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về năng lượng sạch. Đến tháng 7/2018, bắt đầu tiến hành đối thoại chính sách, triển khai hoạt động của tổ công tác lần thứ 1.

Hội thảo Đối tác Công tư Việt Nam – Nhật Bản về Công nghệ năng lượng sạch

“Những hoạt động triển khai được giới thiệu trong hội thảo hôm nay là thành quả trong lĩnh vực năng lượng. Chúng tôi mong muốn đây là nơi tạo ra nhiều hoạt động về công nghiệp carbon thấp, kiến tạo giải pháp Chính phủ cần làm gì tiếp theo, các khối liên kết cần làm gì…”, đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghệ Nhật Bản nhấn mạnh.

“Hiện, trọng tâm tiêu thụ năng lượng đang dịch chuyển sang Châu Á, trong đó có Việt Nam, do đó Việt Nam cần triển khai đang ngày càng có hiệu quả hơn các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch. Tôi mong muốn Việt Nam sẽ phát huy hơn nữa quá trình chuyển đổi năng lượng”. 

Đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghệ (METI), ông Daisuke Okabe, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định: “Hoạt động giữa 2 nước trong lĩnh vực năng lượng, METI Nhật Bản cùng Bộ Công Thương Việt Nam đã tiến hành nhiều hội đàm cấp bộ trưởng. Đặc biệt, tháng 11/2017, hai Bộ đã ký kết biên bản ghi nhớ về năng lượng sạch". 

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia và diễn giả trong và ngoài nước đã tập trung trao đổi và thảo luận về các nội dung xoay quanh lĩnh vực năng lượng sạch như các chính sách biến đổi khí hậu, công nghệ thông minh trong ngành năng lượng tái tạo và trong sử dụng năng lượng hiệu quả,…

Hội thảo Đối tác Công tư Việt Nam – Nhật Bản về Công nghệ năng lượng sạch

Các chuyên gia và diễn giả tại Hội thảo trao đổi và thảo luận về các nội dung xoay quanh lĩnh vực năng lượng sạch

Thy Thảo