Cùng tham gia còn có Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và Tổ Công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT.
Cần sớm mở các điểm tập kết hàng hóa trung chuyển
Theo Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, các chợ đầu mối này được bố trí tại các khu vực cửa ngõ của Thành phố, kết nối đến các vùng sản xuất nông nghiệp lớn của miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên đã trở thành các trung tâm tập trung và trung chuyển, điều phối hàng hóa cho thành phố và cả nước; giúp đảm bảo đầu ra cho các hộ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khuyến khích người dân tăng cường chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng quy mô sản xuất; góp phần phát triển nông nghiệp cho khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời điểm bình thường (không có dịch Covid-19) lượng khách ra vào chợ khoảng 12.000 đến 15.000 lượt khách/đêm, thời gian cao điểm từ 20.000 - 30.000 lượt khách/đêm; bên cạnh đó, hiện có khoảng 3.000 thương nhân và hơn 18.000 người lao động hoạt động tại 3 chợ. Lượng hàng về 3 chợ đầu mối khoảng 8.500 - 8.700 tấn/ngày đêm, chủ yếu là thực phẩm tươi sống, thiết yếu (như: thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây).
Đồng thời, bên cạnh việc cung cấp hàng hóa cho các hệ thống phân phối, các bếp ăn công nghiệp, nhà máy sản xuất - chế biến thực phẩm trên địa bàn Thành phố, chợ đầu mối còn là nơi trung chuyển hàng hóa ngược lại cung ứng cho các tỉnh, thành trên cả nước và đang dần chuyên môn hóa, xây dựng thương hiệu, tăng cường chất lượng hàng hóa để dần phát triển theo hướng đáp ứng phân khúc tiêu dùng cao và xuất khẩu. Bên cạnh cung cấp hàng hóa cho các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long. Các chợ đầu mối cung ứng 60 - 70% cho nhu cầu của người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ công tác nhận định, các chợ đầu mối giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhưng hiện nay cả 3 chợ đầu mối đang bị đóng cửa nhằm phòng chống dịch. Do đó việc tận dụng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực hiện có của các chợ đầu mối này để tham gia hoạt động phân phối hàng hóa thiết yếu, cũng như đầu ra cho nông sản của các tỉnh, thành phố phía Nam nhằm giảm áp lực cho hệ thống phân phối hiện đại và đáp ứng tối đa nhu cầu của nhân dân là giải pháp quan trọng và cần thiết.
Cần mở trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch
Theo ông Nguyễn Văn Huây - Tổng Giám đốc Chợ nông sản Thủ Đức, chợ này có quy mô hơn 20 ha với lượng hàng trung chuyển về chợ mỗi đêm khoảng 2.800 tấn hàng hóa. Tuy nhiên ngày 7/7 vừa qua chợ đã tạm ngưng để thực hiện phòng chống dịch Covid-19. “So với trước đây lượng hàng về chợ giảm mạnh chỉ còn 50-60 tấn/ngày, chủ yếu là trái cây và rau củ quả. Để chuẩn bị cho phương án mở trạm trung chuyển, chúng tôi đã sẵn sàng sân bãi, nhân sự, lực lượng bảo vệ kiểm tra cũng như tổ chức xét nghiệm cho tiểu thương và lái xe tham gia hoạt động buôn bán”- ông Huây cho biết.
Tương tự, chợ đầu mối Hóc Môn đã tạm ngưng hoạt động từ ngày 28/6 để thực hiện công tác vệ sinh, phun khử khuẩn phòng chống dịch. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ này, cho biết kể từ khi tạm đóng cửa đến nay, công tác tổng vệ sinh được đặt lên hàng đầu nên ngày nào công ty cũng thực hiện phun khử khuẩn chợ. Trước áp lực về cung ứng hàng hóa cho Thành phố, gần 1 tháng nay Ban lãnh đạo công ty đã chuẩn bị phương án mở khu vực tập kết hàng trung chuyển tại chợ.
Theo ông Dũng, khu vực tập kết hàng hóa trung chuyển có diện tích 5.000m2 và Ban giám đốc chợ đã lên danh sách các xe ra vào khu vực trung chuyển, thực hiện tiêu độc khử trùng và “3 tại chỗ” cho nhân viên, lái xe cũng như các hộ kinh doanh tại đây. “Nếu đi vào hoạt động trạm trung chuyển này sẽ có sức chứa từ 120 - 150 tấn thực phẩm/ngày. Do đó chúng tôi chỉ chờ các cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động để giảm áp lực cung ứng hàng hóa cho các kênh phân phối Thành phố”- ông Dũng chia sẻ.
Qua khảo sát thực tế, ý kiến của Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp, Ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, việc từng bước tổ chức trạm tập kết, trung chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng thiết yếu ngay tại 3 chợ đầu mối này là cần thiết. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT nhất trí việc sớm mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối của TP. Hồ Chí Minh. Hai Bộ đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan căn cứ điều kiện thực tế, đặc thù của từng chợ để nghiên cứu, tổ chức thực hiện trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối các quy định của các cấp có thẩm quyền, ngành y tế về phòng, chống dịch Covid-19.
Trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí nhân chuyến khảo sát, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Với những diễn biến của dịch bệnh tại thời điểm hiện nay, để đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu cho người dân TP. Hồ Chí Minh cũng như hỗ trợ đầu ra cho nông sản ở các tỉnh phía Nam, bên cạnh việc duy trì, mở lại các chợ truyền thống thì mở lại các chợ đầu mối là cần thiết. Tuy nhiên trước mắt nên tập trung vào việc mở một số địa điểm tập kết hàng hóa trung chuyển ngay tại các chợ đầu mối để giảm tải cho hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại.
“Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đồng thuận với TP. Hồ Chí Minh, căn cứ vào thực tế đặc thù của từng chợ đầu mối để sớm mở những địa điểm tập kết trung chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh là trong mọi trường hợp vẫn phải đảm bảo các điều kiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19”-Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.