TÓM TẮT:
Một nguyên tắc quan trọng trong thương mại quốc tế là các bên tham gia trao đổi hàng hóa đều phải có lợi ích. Một khi nguyên tắc này bị phá vỡ tất yếu dẫn đến xung đột trong thương mại giữa hai hay nhiều nước tham gia. Cuộc chiến thương mại quốc tế có thể bị kéo dài hay rút ngắn điều đó tùy thuộc vào suy nghĩ và hành động của các nước tham chiến. Nhưng rõ ràng nhất là cuộc chiến thương mại không những gây tổn hại lên nền kinh tế của nhau, mà còn tác động đến lợi ích kinh tế của các khu vực sản xuất trên thế giới, trong đó có các nước ASEAN. Các nước ASEAN có mối quan hệ thương mại gắn bó chặt chẽ với cả hai cường quốc kinh tế: Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, vấn đề đặt ra cho các nước trong khối là phải có những cách ứng xử khôn ngoan và khéo léo đối với hai nước này. Các nước ASEAN cần có sự liên kết chặt chẽ trên các lĩnh vực, giữ vững trung lập, đoàn kết. Điều đó sẽ giúp các nước ASEAN ứng phó tốt đối với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đây là nội dung nghiên cứu được đề cập đến trong bài viết này.
Từ khóa: Chiến tranh thương mại, Mỹ - Trung Quốc, hậu quả, ứng phó của ASEAN.
1. Đặt vấn đề
Tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và nâng cao mức sống của người dân là những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ các nước hiện nay. Sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn không những phụ thuộc vào tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà còn phụ thuộc vào việc trao đổi mua bán hàng hóa giữa các nước. Một nguyên tắc quan trọng để duy trì hoạt động trong thương mại quốc tế là các quốc gia tham gia đều có lợi ích sau khi trao đổi mua bán hàng hóa, dịch vụ. Do đó, một khi nguyên tắc này không được tôn trọng tất yếu sẽ dẫn đến những xung đột trong thương mại giữa các nước. Các quốc gia tham gia thương mại quốc tế bị bất lợi hoặc bị đối xử không bình đẳng trong thời gian dài buộc họ phải có những biện pháp đối phó trở lại. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng bắt nguồn từ nguyên nhân trên. Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017, ông Donald Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ có biện pháp mạnh nhằm trả đũa trong lĩnh vực thương mại đối với Trung Quốc. Thực tế từ khi ông Trump lên nắm quyền, hai bên đã tổ chức đàm phán nhằm tìm kiếm thỏa thuận và nhượng bộ, song không thành công. Do đó, ngày 6/7/2018, chính quyền Mỹ chính thức khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng việc đánh thuế 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế trên thế giới đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước có mối quan hệ kinh tế gắn bó chặt chẽ với hai nước này. Khu vực ASEAN cũng không nằm ngoài sự tác động của cuộc chiến thương mại này. Do đó, đứng trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tổ chức này cần phải cân nhắc và thực hiện những ứng xử thích hợp nhằm tránh những thiệt hại do cuộc chiến thương mại này gây ra.
- Mục đích nghiên cứu: Tìm hiểu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xuất phát từ những nguyên nhân nào và dẫn đến những hậu quả gì cho kinh tế toàn cầu. Cách thức đối phó cuộc chiến thương mại này của các quốc gia mà cụ thể là các nước ASEAN nhằm giảm thiểu những thiệt hại do xung đột thương mại Mỹ - Trung gây ra, qua đó rút ra bài học cho Việt Nam.
- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu là những hậu quả về kinh tế - xã hội của Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như các nước ASEAN khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Phạm vi nghiên cứu: Tập trung phân tích những cách thức ứng phó của các nước trong ASEAN nhằm hạn chế thiệt hại do xung đột thương mại Mỹ - Trung gây ra.
- Phương pháp nghiên cứu trong bài viết này chủ yếu là dựa vào nguồn thông tin thứ cấp, có liên quan đến nội dung của bài viết. Qua đó, tác giả sẽ phân tích đánh giá và đưa ra nhận xét để làm sáng tỏ vấn đề cần nghiên cứu.
2. Khung lý thuyết về chiến tranh thương mại
2.1. Chiến tranh thương mại là gì?
Chiến tranh thương mại (Trade war) là tình huống trong đó các nước tham gia vào thương mại quốc tế tìm cách giảm bớt các mặt hàng nhập khẩu cạnh tranh thông qua thuế quan, hạn ngạch hoặc những hạn chế khác đối với hàng nhập khẩu. Như vậy, mục đích của các cuộc chiến tranh thương mại là để bảo hộ sản xuất nội địa do nhiều nguyên nhân khác nhau như thâm hụt triền miên trong cán cân thương mại, giải quyết công ăn việc làm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,…
Trong quá khứ, thế giới đã trải qua ba cuộc chiến tranh thương mại lớn: Thứ nhất là giữa Pháp và Ý khởi đầu năm 1886, Ý chấm dứt hiệp định thương mại với Pháp đồng thời đánh thuế tới 60% hàng hóa của Pháp; Thứ hai là giữa Hoa Kỳ và Canada bắt đầu từ năm 1866 Hoa Kỳ hủy bỏ Hiệp ước có đi có lại với Canada khiến cho nước này có những hành động trả đũa trở lại; Thứ ba, lịch sử ghi nhận cuộc chiến thương mại toàn cầu nổi tiếng nhất thế kỷ XX bùng phát khi Mỹ ban hành Luật Smoot-Hawley Tariff Act (1930), đánh thuế với hơn 20.000 hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ (hầu hết là hàng hóa không do Mỹ sản xuất ra) và sau đó là sự trả đũa của các nước đối với Mỹ.
2.2. Nguyên nhân của chiến tranh thương mại
- Nguyên nhân thứ nhất: Bảo hộ mậu dịch và các hình thức bảo hộ mậu dịch.
Theo lý thuyết, thương mại tự do luôn mang đến lợi ích cho các bên tham gia trao đổi mua bán, tổng phúc lợi kinh tế của cả hai đều tăng lên so với trước khi có thương mại. Tuy nhiên trên thực tế chưa bao giờ có tự do thương mại hoàn toàn, chính phủ các nước thường đưa ra các hình thức bảo hộ mậu dịch với mục đích bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, giải quyết công ăn việc làm cho lao động trong nước… Bảo hộ mậu dịch có hai hình thức: thuế quan và phi thuế quan. Đặc biệt các hình thức phi thuế quan ngày càng đa dạng, phong phú và bảo hộ rất chặt chẽ đối với người sản xuất trong nước đồng thời cũng có tác hại đối với người tiêu dùng. Chính vì có các hình thức bảo hộ mậu dịch như vậy mà các nước đã sử dụng chúng như những công cụ hữu hiệu để trừng phạt đối phương và cuộc chiến mậu dịch xảy ra.
- Nguyên nhân thứ hai: Toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân tộc.
Trong những thập niên gần đây, do sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin mà toàn cầu hóa có một bước phát triển nhanh chóng. Hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ đang di chuyển mạnh mẽ giữa các khu vực, giữa các quốc gia trên thế giới. Đó là một xu hướng tích cực, góp phần làm cho các nước xích lại gần nhau hơn, tạo điều kiện các nước đi sau có thể tận dụng các cơ hội để rút ngắn khoảng cách chênh lệch. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới, xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và sẵn sàng can thiệp vào mậu dịch tự do. Nhiều nước lớn sẵn sàng đi ngược lại với những quy định của WTO để trả đũa lẫn nhau, gây ra các cuộc chiến mậu dịch.
- Nguyên nhân thứ ba: Thâm hụt thương mại.
Cán cân thương mại thâm hụt nghĩa là giá trị hàng hóa xuất khẩu nhỏ hơn giá trị hàng hóa nhập khẩu. Thâm hụt thương mại có thể không phải là mối lo trực tiếp, nếu nó được bù lại bằng phần thặng dư được tạo ra ở phần nào đó trong cán cân thanh toán. Khi một quốc gia trong thời gian dài bị thâm hụt trong cán cân thương mại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của nền kinh tế như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, đồng tiền trong nước mất giá, tỷ lệ lạm phát gia tăng, tăng trưởng kinh tế trong nước sẽ chậm lại, tài sản trong nước sẽ bị nước ngoài nắm giữ và kết quả là GNP sẽ giảm sút. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột thương mại giữa các nước.
2.3. Hậu quả của chiến tranh thương mại
- Thứ nhất. Ảnh hưởng đến kỳ vọng tích cực vào tương lai. Hậu quả của chiến tranh thương mại ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất nhập khẩu của các nước tham gia, giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu sẽ giảm sút nghiêm trọng. Đặc biệt đối với những quốc gia tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu, chiến tranh thương mại sẽ kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế. Nếu chiến tranh thương mại xảy ra đối với các cường quốc kinh tế thì không chỉ ảnh hưởng đến các nước tham gia mà còn tác động lớn đến kinh tế toàn cầu.
- Thứ hai. Khiến tăng cao tỉ lệ thất nghiệp, nạn phân biệt chủng tộc, lạm phát. Chiến tranh thương mại xảy ra dẫn đến giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu giảm mạnh, hàng hóa sản xuất trong nước bị dư thừa, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tình trạng thất nghiệp của người lao động gia tăng. Đối với hàng nhập khẩu do bị áp thuế cao dẫn đến giá hàng hóa gia tăng, tình trạng lạm phát xảy ra. Hơn nữa, tình trạng chủ nghĩa dân tộc sẽ xuất hiện, sự đả kích lẫn nhau giữa các nước tham gia chiến tranh thương mại làm xói mòn niềm tin trong quan hệ thương mại nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.
- Thứ ba. Có thể khiến một hay nhiều quốc gia bị cô lập trên thế giới. Ngày nay, nền kinh tế thế giới như một thể thống nhất bao gồm các nền kinh tế khu vực, các quốc gia hợp lại. Giữa chúng cần có sự tương tác với nhau để cùng phát triển kinh tế. Vì vậy, khi có xung đột thương mại giữa hai nước hay nhiều nước sẽ dẫn đến không những thiệt hại về kinh tế mà đôi khi còn bị cô lập với phần còn lại của thế giới bởi những lệnh trường phạt kinh tế của những nước có sức mạnh kinh tế, có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới.
- Thứ tư. Dẫn đến chiến tranh trên nhiều mặt khác như: Chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự,… Chiến tranh thương mại có thể là hậu quả và cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh trên các mặt khác như chính trị, ngoại giao,… Bên cạnh đó là những xung đột về lợi ích thương mại sẽ khiến cho các nước tham gia dễ dẫn đến xung đột về mặt chính trị, tranh giành ảnh hưởng địa chính trị trên thế giới. Về mặt ngoại giao, do ảnh hưởng chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế thương mại chi phối, niềm tin lẫn nhau bị xói mòn, hoạt động ngoại giao bị lạnh nhạt.
3. Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến kinh tế Asean
3.1. Diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
3.1.1. Nguyên nhân
- Nguyên nhân sâu xa. Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai siêu cường quốc kinh tế lớn nhất trên thế giới, giữa hai nước này luôn có sự cạnh tranh và hợp tác để giành quyền ảnh hưởng thế giới về các lĩnh vực. Trung Quốc lại đang trỗi dậy và có toan tính muốn thay thế Hoa Kỳ để trở thành siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới (Theo dự báo đến năm 2030, GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ). Nhiều chỉ số kinh tế cơ bản có thể Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ như GDP tính theo ngang giá sức mua. Một số ngành công nghiệp của Hoa Kỳ có dấu hiệu giảm sút, năng lực cạnh tranh kém đi.
- Nguyên nhân trực tiếp: Chính sách bảo hộ chính quyền Tổng thống Donald Trump với phương châm “Nước Mỹ là trên hết” và “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”; Hoa Kỳ bị thâm hụt mậu dịch lớn với Trung Quốc; Tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành quốc gia công nghệ hàng đầu của thế giới; Tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc; Các biện pháp hạn chế đầu tư của Trung Quốc.
3.1.2. Biện pháp áp dụng
- Hoa Kỳ: Áp dụng một trong những công cụ trong ngoại thương là đánh thuế cao hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn sử dụng các biện pháp khác như: hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ, ngăn cấm các công ty nước ngoài mua lại các công ty của Mỹ, siết chặt kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ tới Trung Quốc.
- Trung Quốc: Tương tự như Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng trả đũa bằng cách đánh thuế cao vào các hàng hóa của Hoa Kỳ nhập khẩu vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn áp dụng các biện pháp phi thương mại như: chính sách tỷ giá, sử dụng trái phiếu kho bạc Mỹ để gây áp lực, kiện Hoa Kỳ lên WTO, các biện pháp hành chính, sử dụng phương tiện truyền thông, hạn chế du lịch sang Hoa Kỳ, khuyến khích tiêu dùng nội địa,…
3.1.3. Sơ lược diễn biến.
Ngày 22/3/2018, Hoa Kỳ áp dụng đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đáp trả hành động của Mỹ, ngày 2/4/2018, Trung Quốc đã áp đặt thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ, bao gồm: Phế liệu nhôm, máy bay, ô tô, sản phẩm thịt lợn và đậu nành (có thuế suất 25%), cũng như trái cây, hạt và ống thép (15%). Sau hành động của Trung Quốc, ngày 5/4/2018, Hoa Kỳ xem xét áp thuế 100 tỷ USD trong các mức thuế bổ sung. Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra ngày càng căng thẳng hơn, khi Trung Quốc hủy đơn hàng mua đậu tương của Mỹ. Ngày 15/6/2018, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế 25% trên 50 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc. Trong đó, 34 tỷ USD sẽ bắt đầu vào ngày 6/7/2018, 16 tỷ USD còn lại sẽ tính từ ngày sau đó. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn công bố và áp đặt các hạn chế đầu tư và tăng cường kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc. Trung Quốc cáo buộc Mỹ đã châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại và Trung Quốc sẽ đáp trả với mức thuế tương tự đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 6/7/2018. Đáp lại ngày 9/7/2018, Hoa Kỳ tuyên bố áp đặt thêm 10% thuế quan đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD nếu Trung Quốc trả đũa các mức thuế của Mỹ. Trung Quốc đáp trả sẽ "phản công cứng rắn". Theo đó, Trung Quốc đã kích hoạt mức thuế trả đũa cho cùng một số tiền. Và tình hình hiện nay cho thấy, căng thẳng thương mại vẫn còn tiếp diễn, ngày càng gay gắt và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại. Gần đây nhất, ngày 18/8/2020, Tổng thống Mỹ tuyên bố hủy cuộc đối thoại thương mại với Trung Quốc vì thất vọng với cách Bắc Kinh xử lý đại dịch toàn cầu.
3.2. Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến ASEAN
Về mặt kinh tế, Đông Nam Á là một phần không thể thiếu trong chuỗi sản xuất toàn cầu, trong đó các siêu cường kinh tế: Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu EU, Nhật Bản và Ấn Độ đều chiếm vị trí quan trọng. Nếu không có những chuỗi giá trị đó, ASEAN sẽ mất vai trò xúc tác trong nền kinh tế toàn cầu. Và sự mất cân bằng do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang lại sẽ làm tổn thương các khu vực này nhiều hơn là mang lại lợi ích.
Trước hết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong ASEAN bị tác động theo chiều hướng đi xuống như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines. Dự báo tăng trưởng trung bình năm 2019 là 4,3% (giảm 0,3%). Ngoài ra, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam, vốn là các thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên sẽ chịu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại. Lượng hàng hóa trung gian của các nước ASEAN xuất khẩu vào Trung Quốc bị giảm sút mạnh do tác động của cuộc chiến thương mại này.
Tuy nhiên cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ đem lại một số cơ hội cho các nước ASEAN.
Thứ nhất: Cơ hội thay thế nhập khẩu. Khi Mỹ và Trung Quốc áp thuế bổ sung lẫn nhau, hai bên đều phải tìm kiếm hàng hóa nhập khẩu thay thế. Do vậy, Malaysia, Thái Lan và Philippines có thể cung cấp khí thiên nhiên, trang thiết bị xử lý số liệu tự động và vi mạch thay thế cho hàng Trung Quốc.
Thứ hai: Dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Xu hướng dòng vốn được kỳ vọng sẽ dịch chuyển sang các nước ASEAN nhờ thương chiến. Một số nước được hưởng lợi như Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia khi các dòng thương mại và đầu tư đang chảy nhiều vào các quốc gia này. Trong mỗi quý kể từ quý III/2018, Việt Nam nhận được trung bình 4 tỷ USD, tăng lên 18% so với mức trung bình vào nữa đầu năm 2018, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vừa nổi lên. Malaysia cũng từng chứng kiến sự tăng trưởng tương tự, với bước nhảy vọt lên đến 60% trong nguồn vốn FDI được rót vào hàng quý trong giai đoạn từ quý III/2018 đến quý I/2019. Sự gia tăng này ít thấy hơn ở các nước ASEAN lớn khác như Thái Lan và Indonesia.
4. Ứng xử của ASEAN
Sự mất cân bằng do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang lại sẽ tác động không nhỏ đến các khu vực kinh tế trên thế giới trong đó có khu vực Đông Nam Á. Đối với các nước trong khối ASEAN, Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại hàng đầu. Hệ thống mậu dịch đa phương dựa trên luật lệ, vốn thúc đẩy tăng trưởng cho khối ASEAN, đang chịu nhiều áp lực trong bối cảnh bầu không khí chính trị ở nhiều nước đã thay đổi theo hướng chống lại tự do thương mại. Việc triển khai công nghệ mới cũng như cuộc cạnh tranh vị thế số một toàn cầu đã đặt Mỹ - Trung Quốc vào thế thường xuyên xung đột lợi ích. Và cuộc xung đột này đang đặt ra thử thách lớn cho các quốc gia ASEAN về tính trung lập và sự đoàn kết.
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các nước ASEAN đang có những cách ứng xử giống và khác nhau. Những cách lựa chọn có tính ngắn hạn, tùy tình huống. Tuy nhiên, một vài lựa chọn nhỏ ban đầu có thể từng bước đẩy các nước vào những chiến lược khác nhau và lựa chọn vị thế khác nhau trong ứng xử với những thời khắc quyết định trong cuộc chiến Mỹ - Trung. Nếu các nước trong khối ASEAN có sự liên kết chặt chẽ thì có thể giải quyết mọi vấn đề. Sự liên kết chặt chẽ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tạo mạng lưới sản xuất theo chuỗi sẽ giúp các nước ASEAN ứng phó tốt đối với cuộc chiến thương mại này. Vấn đề đặt ra cho các nước ASEAN là làm sao duy trì được sự liên kết, giữ vững quan điểm trung lập và đoàn kết trong bối cảnh như vậy là một thử thách lớn cho các nước ASEAN.
Trước hết là, cách ứng xử trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, dòng vốn đầu tư trên toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng. Theo báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết, khoảng 1/3 công ty Mỹ tại Trung Quốc sẽ hủy hoặc tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc; đồng thời một số doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc sẽ dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, mà điểm đến có thể là các nước Đông Nam Á hoặc Mexico. Xu hướng này càng gia tăng sau khi dịch Covid-19 làm tê liệt các chuỗi cung ứng thế giới, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp toàn cầu. Trong bối cảnh đó khiến nhiều doanh nghiệp nhận thức được sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Và khu vực ASEAN nổi lên là một điểm đến tiềm năng do có lợi thế lớn về nguồn nhân lực, Chính phủ các nước trong khối ASEAN đã nhanh chóng thực thi các chính sách ưu đãi nhằm đón dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc với các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền thuê nhà xưởng… Ngoài ra, việc ký kết các hiệp định tự do thương mại của một số nước trong khối ASEAN với các nước phát triển cũng tạo ra lợi thế xuất khẩu của các ngành sản xuất Đông Nam Á. Làn sóng chuyển dịch này diễn ra rõ nét đối với các nhà đầu tư đến từ khu vực Đông Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Thứ hai là, cách ứng xử đối với chiến lược “Một Vành đai, Một Con đường”của Trung Quốc. Tháng 6/2019, các nước ASEAN đã công bố “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Với quan điểm trung lập và không loại trừ hợp tác với Trung Quốc, ASEAN đang diễn giải lại “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” theo cách của mình. Điều này cũng phản ánh quan điểm của nhiều nước ASEAN trong ứng xử với chiến lược “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc. Dù đã có những cảnh báo rằng hợp tác với các dự án “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc dẫn đến việc các nước tham gia có thể rơi vào bẫy nợ, phải đánh đổi quyền kiểm soát các tài sản có tính chiến lược hay chủ quyền, nhiều nước ASEAN vẫn quan tâm đến các khoản vay của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) trong đó có Việt Nam nhằm để phát triển cơ sở hạ tầng, trong khi Mỹ không cụ thể hóa chiến lược đầu tư vào hạ tầng châu Á như Trung Quốc.
Một vấn đề khác có liên quan đến cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đó là triển khai công nghệ 5G. Mỹ đã cảnh báo về các rủi ro bảo mật phát sinh từ công nghệ 5G của Huawei (Trung Quốc), trong một số tuyên bố đã có hàm ý nước nào dùng công nghệ 5G của Huawei sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ an ninh - quốc phòng với Mỹ. Trong khi Campuchia và Malaysia tỏ rõ mối quan tâm đến việc hợp tác với Huawei trong phát triển công nghệ 5G, thì Việt Nam không hợp tác với Huawei. Một trong những lý do và cũng là động lực - Việt Nam muốn tự chủ công nghệ quốc gia thông qua những công ty như Viettel.
Như vậy, các nước trong khối ASEAN phải cố gắng giữ vững thế cân bằng trong ứng xử với các chiến lược cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang dần vượt lên thành cuộc chiến tranh toàn diện và lâu dài, thử thách lớn nhất của các nước ASEAN là làm sao không hoàn toàn nghiêng về phe nào mà vẫn có thể phát triển ổn định và thịnh vượng. Quan trọng hơn, các nước trong khối ASEAN phải đoàn kết, tạo thành một khối thống nhất với tiếng nói được tôn trọng khi các siêu cường định hình chiến lược của mình.
5. Kết luận
Bên cạnh sự phát triển của tiến bộ công nghệ, sự tăng trưởng trong thương mại quốc tế cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Do đó, nếu xảy ra xung đột trong thương mại giữa các nước, đặc biệt là các nước phát triển sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực không những đối với các nước cạnh tranh mà còn đối với kinh tế toàn cầu. Cũng như các chuỗi sản xuất ở các khu vực khác, kinh tế các nước trong khối ASEAN cũng chịu tác động không nhỏ bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ngoài những tác động tiêu cực còn có những cơ hội tốt cho các nước trong khối ASEAN từ cuộc chiến thương mại này. Vấn đề đặt ra không kém phần quan trọng là các nước Đông Nam Á phải có cách ứng xử thích hợp đối với các cường quốc kinh tế Mỹ - Trung. Các nước ASEAN làm sao duy trì được sự liên kết chặt chẽ, giữ vững quan điểm trung lập và đoàn kết trong bối cảnh như vậy là một thử thách lớn cho các nước ASEAN.
Song, việc nghiên cứu vấn đề chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và những ứng xử của ASEAN là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn. Nghiên cứu này cũng có ý nghĩa thực tiễn đối với Việt Nam trong việc ứng phó với cuộc chiến thương mại này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- ASEAN được và mất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung? <https://baoquocte.vn/asean-duoc-va-mat-tu-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-103588.html>Truy cập 14/12/2020
- Hồ Quốc Tuấn, (2020). ASEAN và cuộc chiến Mỹ - Trung.<https://www.sggp.org.vn/asean-va-cuoc-chien-my-trung-642261.html> Truy cập 20/12/2020
- Lê Quốc Phương, (2018). Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Nguyên nhân và phương thức các nước áp dụng.<https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-nguyen-nhan-va-phuong-thuc-cac-nuoc-ap-dung-301016.html> Truy cập 11/12/2020
- Tiến Long, (2020). ASEAN đón dòng vốn đầu tư toàn cầu: Xu hướng tất yếu. <http://consosukien.vn/asean-don-dong-von-dau-tu-toan-cau-xu-huong-tat-yeu.htm>Truy cập 23/12/2020
THE US – CHINA TRADE WAR AND RESPONSES OF THE ASEAN COUNTRIES
Master. Tran Ba Tho
University of Economics Ho Chi Minh City
ABSTRACT
An important principle in international trade is that parties to international business transactions must act in accordance with good faith and fair dealing. If this principle is broken, it will inevitably lead to conflicts in trade between two or more parties. The lenght of an international trade war depends on the thinking and actions of involved parties. The trade war does not only cause negative impacts on related economies but also damage interests of global manufacturers including members of the Association of Southeast Asian Nations (ASEAN). ASEAN countries have close trade relationships with economic super powers, such as the US and China. In the context of the US-China trade war, ASEAN countries should have to find appropriate responses toward this issue. ASEAN countries should develop close regional linkages in all fields and maintain their neutrality and solidarity. It is expected to help ASEAN countries respond well to the US-China trade war.
Keywords: trade war, the US – China, consequence, response of ASEAN.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]