Giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam trước ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

ThS. NGUYỄN THỊ THU TRANG (Khoa Kinh tế cơ sở - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ khởi đầu đã leo thang và trở nên vô cùng “nóng”. Điều này tác động không hề nhỏ đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhận thấy sự cần thiết rằng Việt Nam cần có những giải pháp đối phó nhất định trước những biến động bất thường bởi ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại, bài viết đề cập đến một số giải pháp nhằm ổn định nền kinh tế Việt Nam, đứng vững trước sự “nóng bỏng” của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Từ khóa: Chiến tranh thương mại, cuộc chiến Mỹ - Trung, thuế quan, giải pháp thương mại, quỹ tiền tệ thế giới, thâm hụt thương mại, kinh tế Việt Nam.

  1. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động tới Việt Nam

1.1. Bản chất chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức bắt đầu khi các qui định áp thuế trị giá 34 tỷ USD của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực. Vậy, chiến tranh thương mại này mang bản chất gì?

Chiến tranh thương mại là cuộc chiến giữa hai hay nhiều nước, trong đó các nước cố gắng tấn công thương mại của nhau bằng các rào cản thương mại như thuế quan, hạn ngạch... Điều này có thể làm tổn thương nền kinh tế của các quốc gia khác, đồng thời dẫn đến căng thẳng chính trị leo thang giữa các nước đối lập.

Thuế nhập khẩu là thuế đánh vào một sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài, được nhập khẩu vào trong nước… nhằm bảo vệ các sản phẩm nội địa.

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra như thế nào?

Tổng thống Mỹ áp thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD  do Mỹ cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp sở hữu trí tuệ về thiết kế và ý tưởng sản phẩm.

Đồng thời, Tổng thống Mỹ muốn cắt giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc với cáo buộc nước này đã có hành vi thương mại không công bằng: Mỹ bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc ở mức 375 tỷ USD. Muốn cắt giảm thâm hụt thương mại thì Mỹ đã sử dụng thuế áp vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vậy, tại sao hành động này của Mỹ lại gây ra cuộc chiến tranh thương mại. Chúng ta có thể thấy rằng mục đích chính của việc cắt giảm thâm hụt thương mại là do Mỹ muốn bảo hộ trong nước. Bởi theo các nhà phân tích thì thâm hụt thương mại chưa hẳn là xấu. Nhiều nước có nền kinh tế mạnh đang chuyển từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ. Dịch vụ đang chiếm tới 90% nền kinh tế Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc chủ yếu là xuất khẩu hàng hóa sản xuất.

Diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại như sau:

- Vào đầu tháng 3, Mỹ đã công bố mức thuế 25% cho tất cả các mặt hàng thép nhập khẩu và 10% trên nhôm.

- Ngành sản xuất thép của Mỹ được thúc đẩy hơn khi nhu cầu tăng lên từ đó tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, các công ty Mỹ cần vật liệu thô. Đối với các nhà sản xuất ôtô và máy bay thì chi phí của họ lại tăng lên. Điều đó có nghĩa là họ có thể phải tăng giá sản phẩm gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Hành động này ảnh hưởng đến toàn cầu, đặc biệt là kể từ khi Trung Quốc trả đũa.

- Trung Quốc đã đánh thuế các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp của Mỹ, từ đậu nành, thịt lợn tới máy bay, ôtô và ống thép, thậm chí có thể đánh thuế các công ty công nghệ của Mỹ như Apple dẫn tới hãng công nghệ khổng lồ này có thể buộc phải tăng giá.

- Hành động đáp trả của Trung Quốc đối với Mỹ làm nảy sinh cuộc chiến thương mại toàn cầu, nó có thể làm tổn thương người tiêu dùng trên toàn thế giới bằng cách làm cho mọi công ty khó khăn hơn trong việc vận hành, buộc họ phải đẩy giá cao hơn.

Vậy bản chất sâu xa của cuộc chiến tranh thương mại cho Mỹ phát động, bởi nguyên nhân sau:

Thứ nhất, là nhằm cân bằng cán cân bằng thương mại.

Thứ hai, nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thứ ba, nhằm ngăn cản tốc độ phát triển khoa học công nghệ của Trung Quốc, đây là nguyên nhân quan trọng nhất nhằm ngăn cản tốc độ phát triển dài hạn của Trung Quốc.

Thứ tư, thể hiện thay đổi lập trường về Trung Quốc của Tổng thống Mỹ. Mỹ đã mất kiên nhẫn với Trung Quốc bởi Trung Quốc chưa thực sự tự do và mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài, thể hiện sự trỗi dậy lấn át tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và thế giới.

1.2. Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đối với Việt Nam

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức bùng nổ, về lý thuyết thì các nước trong khu vực châu Á sẽ có cơ hội bù đắp vào chuỗi cung ứng hàng hóa cho Mỹ thay Trung Quốc, nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều bởi đa số hàng hóa xuất đi của các nước này được Trung Quốc nhập khẩu rồi gia công bán sang Mỹ. Như vậy, khi kể từ Khi cuộc chiến tranh bắt đầu thì toàn bộ chuỗi cung ứng tại châu Á sẽ bị tổn thương. Và đương nhiên Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Việt Nam vốn có quan hệ kinh tế thương mại sâu rộng với cả 2 nước. Vòng xoáy thương mại giữa 2 cường quốc này dự báo sẽ tác động tới xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam theo cả 2 chiều hướng tiêu cực và tích cực.

Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn bởi cả Trung Quốc hay Mỹ đều có thể lựa chọn chuyển hướng đầu tư, sau đó xuất khẩu hàng hóa từ các nước trung gian như Việt Nam sang nước kia để không phải chịu mức áp thuế cao.

Đầu tư FDI của Trung Quốc và Mỹ vào Việt Nam sẽ gia tăng, để thông qua đó giảm thiệt hại của cuộc chiến tranh thương mại và có thể tiếp tục trong thời gian tới. Việt Nam có thể tận dụng thời cơ gia tăng hàng xuất khẩu, gia tăng thị phần trên đất Mỹ.

Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhập khẩu nguyên liệu hàng hóa giá rẻ này từ Trung Quốc, đó là lợi thế giảm giá thành xuất khẩu sang Mỹ để cạnh tranh…

Tuy nhiên bức tranh không hẳn sẽ toàn màu hồng. Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng kinh tế cao dù các nước láng giềng bị ảnh hưởng nặng nề. nhưng cuộc khủng hoảng ảnh hưởng tới Việt Nam lớn dần.

Sự yếu đi của hệ thống thương mại tự do toàn cầu (WTO) trong đó có Việt Nam

Châu Âu và Canada cũng đã có những động thái đánh thuế mang tính bảo hộ. Việt Nam sẽ phải tìm cách làm việc với những đối tác toàn cầu như Canada, Nhật Bản, Trung Quốc… để đảm bảo việc tuân thủ sâu hơn các nguyên tắc của WTO.

Các loại thuế mới áp cũng sẽ ảnh hưởng rõ rệt tới thương mại xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Xuất khẩu vào Mỹ của Việt Nam có thể sẽ tăng, nhưng các công ty Trung Quốc cũng nhiều khả năng sẽ tăng cường xuất khẩu vào Việt Nam, khiến cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc càng trở nên chênh lệch và điều này có thể làm tình hình tệ hơn.

  1. Giải pháp nhằm hạn chế rủi ro của các tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam

2.1. Nhận định chung về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc

Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang suốt mấy tháng nay, khi hai bên liên tục "ăn miếng trả miếng" bằng cách áp thuế và đe dọa áp thuế lên hàng hóa của nhau. Tình trạng này khiến giới đầu tư toàn cầu lo ngại về khả năng đi đến một cuộc chiến thương mại tổng lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế vĩ mô từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể không nghiêm trọng như nhiều người lo sợ. Chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu Andrew Kenningham của Capital Economics đã đưa ra 5 lý do để nói rằng tác động kinh tế vĩ mô của cuộc chiến thương mại đối với Mỹ và Trung Quốc sẽ chỉ ở mức hạn chế:

Thứ nhất, miễn là "chính sách tài khóa không bị thắt chặt, thuế quan chưa chắc đã khiến tổng cầu trong nền kinh tế suy giảm". Thuế quan có thể sẽ chuyển hướng dòng chảy thương mại giữa hai nước sang các quốc gia khác, thay vì gây ra sự suy giảm nhu cầu.

Thứ hai, giá trị thương mại toàn cầu có thể sẽ không giảm.

"Độ co giãn nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc là khá thấp, và nhiều mặt hàng Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc có thể chuyển hướng sang thị trường khác".

Thứ ba, xuất khẩu không chiếm tỷ trọng lớn so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của cả Mỹ và Trung Quốc.

Dù hai nước đều có sự phụ thuộc vào thương mại, ông Kenningham cho rằng Mỹ và Trung Quốc là "những nền kinh tế tương đối đóng kín". Xuất khẩu chỉ tương đương khoảng 20% GDP của Trung Quốc trong năm trước, giảm so với tỷ lệ 36% vào năm 2006.

Đối với Mỹ, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn: xuất khẩu chỉ tương đương 12% GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thứ tư, thương mại song phương Mỹ-Trung đóng góp một phần rất nhỏ trong GDP mỗi nước. Thương mại với Mỹ chỉ đóng góp 2,5% vào GDP Trung Quốc, và thương mại với Trung Quốc chỉ đóng góp 1% vào GDP Mỹ.

"Nếu giá trị thương mại giữa hai nước có giảm tới 20%, thì tác động trực tiếp đến GDP chỉ ở mức 0,5% đối với Trung Quốc và 0,2% đối với Mỹ", ông Kenningham dự báo. Bởi vậy, theo vị chuyên gia này, các nhà đầu tư không cần phải hoảng sợ vì cuộc chiến thương mại.

Thứ năm, lạm phát ở cả Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi xung đột thương mại. Bởi vậy, chính sách tiền tệ của mỗi nước ít có khả năng chịu tác động.

2.2. Đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế rủi ro của các tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc

Trước những thách thức do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây ra, Việt Nam cần có đối sách để tránh những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến này. Tác giả xin đề xuất một vài giải pháp dưới đây:

- Tận dụng tốt thị trường Việt Nam rộng lớn: với gần 100 triệu người tiêu dùng ở mức thu nhập trung bình, là thị trường hấp dẫn và sẽ được nhiều nước quan tâm.

- Tranh đấu không ngừng để giữ gìn và phát triển các thị trường xuất khẩu của mình. Trước mắt, ảnh hưởng trực tiếp của cuộc chiến nói trên là những khó khăn do chính quyền Mỹ đưa ra nhằm ngăn chặn xuất khẩu thép, nhôm, cá da trơn vào thị trường này. Để tránh rơi vào tình thế khó xử và nguy hiểm cho chủ quyền quốc gia thì cách tốt nhất là không theo phe nào, tức giữ vị thế “trung lập kinh tế”.

 - Phải đa phương hóa tối đa các quan hệ kinh tế, ngoài việc ký kết hiệp định CPTPP là bước tiến rất tốt nhưng ta cần đi xa hơn nữa để bổ sung những thị trường đã không còn tồn tại. Mặt khác, ta phải ngăn chặn sự chi phối, dưới mọi hình thức của một quốc gia hay khối kinh tế, lên nền kinh tế Việt Nam”.

- Bước đầu sẽ là đa phương hóa tối đa quan hệ kinh tế, thương mại thông qua những hiệp định FTA thế hệ mới, đồng thời sẽ không để một đối tác nào có một vị thế có thể chi phối được nền kinh tế quốc gia. Chính sách này không chỉ áp dụng cho nguồn cầu mà cả cho nguồn cung ứng cho nền kinh tế quốc gia.

- Hạn chế tới mức không chi phối được các quan hệ kinh tế, thương mại với những quốc gia và khối kinh tế hiện tại. Để thực hiện bước này, Chính phủ sẽ sửa đổi Luật Cạnh tranh theo đúng tinh thần của nền kinh tế thị trường, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng và nghiêm cấm sự chi phối thị trường của một doanh nghiệp, một quốc gia hay một khối kinh tế.

  1. Kết luận

Trong ngắn hạn, chúng ta có thể tận dụng hệ quả của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để hưởng lợi. Tuy nhiên, các DN Việt Nam cần luôn ghi nhớ điểm cốt lõi của kinh doanh bền vững là chất lượng đi đầu. Trong cuộc chiến thương mại này, Việt Nam không là nền kinh tế đối đầu trực tiếp với Mỹ, không có nghĩa là chúng ta sẽ không bị Mỹ khống chế. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn các chính sách đối phó bởi Việt Nam rất có thể nằm trong vòng xoáy chung của toàn cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Diamond, Jeremy. “Trump hits China with tariffs, heightening concerns of global trade war”. CNN. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2018.
  2. "Intellectual property theft, not metal, is the real trade war in US sights and it's a much bigger worry", ABC, 9 March 2018
  3. Nicholas Chapman “Việt Nam được gì và mất gì trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung", https://news.zing.vn
  4. Website: http://vietnamnet.vn
  5. Website: https://news.zing.vn

ECONOMIC SOLUTIONS FOR VIETNAM’S ECONOMY IN THE CONTEX OF THE US - CHINA TRADE WAR

Master. NGUYEN THI THU TRANG

Faculty of Fundamental Economics

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The trade war between China and the United States is escalating. This trade war has greatly impacted on the world economy in general and Vietnam’s economy in particular. It is important for Vietanm to figure out some solutions for unusual economic fluctuations due to the effects of this trade war. This article is to propose some solutions to help Vietnam stabilize the country’s economy in the context of the US-China trade war.

Keywords: Trade war, the US-China trade war, tariffs, trade solutions, International Monetary Fund, trade deficit, economy of Vietnam.