5 năm qua, Tổ công tác đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Nhìn chung, Tổ công tác hoàn thành khá toàn diện cả 6 nhiệm vụ được giao trong Quyết định 1642 và 1289”, với tinh thần quyết liệt, không ngại va chạm.
Đến nay, số nhiệm vụ quá hạn chỉ chiếm 1,8%, giảm gần 25% so với thời điểm Tổ công tác thành lập.
Cả nhiệm kỳ Chính phủ, số đề án chưa trình chỉ chiếm 0,5%, chỉ bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước.
Hoạt động của Tổ công tác đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đánh giá: “Việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng là cần thiết, Tổ hoạt động quyết liệt, không ngại va chạm đem lại hiệu quả tích cực. Đây là điểm sáng nhất cần phải đánh giá rõ và nhấn mạnh hơn…”.
Chính công tác kiểm tra đã góp phần ngày càng hoàn thiện thể chế, chính sách, khắc phục một phần quan trọng tình trạng “tham nhũng chính sách”, tư tưởng “cài cắm”, tạo rào cản, giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Điều đáng mừng nữa là tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết được khắc phục. Đến 13/3/2021, chỉ còn nợ đọng 14 văn bản của năm 2020 (trong khi đó, cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Chính phủ nợ 58 văn bản; cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chính phủ nợ 39 văn bản).
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, tại nhiều bộ, cơ quan, địa phương chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra theo đầu việc, kiểm đếm công việc, theo dõi tiến độ mà chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng, kết quả thực hiện theo yêu cầu đề ra.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, qua 5 năm hoạt động, những nỗ lực của Tổ công tác đã tác động, góp phần tạo chuyển biến quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ; kỷ luật, kỷ cương được nâng cao.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ giao, các đề án trong Chương trình công tác được cải thiện rất tích cực.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chuyển biến rõ rệt cả về phương pháp tiếp cận lẫn tiến độ trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tổ công tác đã kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ thực chất nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử được thúc đẩy mạnh mẽ.
Qua đó, đã góp phần tích cực tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của các bộ, cơ quan, địa phương, cắt giảm hàng nghìn thủ tục hành chính;
Thay đổi lề lối và phương thức làm việc, chuyển mạnh từ thủ công sang môi trường điện tử cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Việc đưa vào vận hành 4 hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; giúp cắt giảm 16.200 tỷ đồng/năm chi phí xã hội (theo cách tính của OECD).
Học tập sáng kiến của Thủ tướng và kinh nghiệm hoạt động của Tổ công tác, 22 bộ, 63/63 địa phương đều đã thành lập Tổ công tác để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cũng như nhiệm vụ được lãnh đạo bộ, địa phương giao.