Ngày 18/1/1950 đã đi vào lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc như một mốc son quan trọng. Sau khi được thành lập không lâu, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Trong chặng đường hơn 73 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà phát triển tốt đẹp và đạt nhiều kết quả quan trọng; giao lưu, tiếp xúc cấp cao diễn ra sôi động.
Tiếp nối chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 (từ ngày 30/10-01/11/2022) và trong năm 2023, nhiều đoàn Lãnh đạo Việt Nam đã thăm Trung Quốc. Đáp lại, từ ngày 12-13/12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, hai bên ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, ký kết 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ đầu năm 2024, các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp tiếp tục diễn ra sôi động với nhiều hình thức linh hoạt.
Hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế - thương mại phát triển ngày càng thực chất. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc theo tiêu chí quốc gia (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam năm 2023 tăng trên 77%, đạt 4,47 tỷ USD với 707 dự án, là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam. Hợp tác du lịch từng bước phục hồi, ta đã đón 1,75 triệu lượt khách Trung Quốc, đứng thứ 2 trong các thị trường khách đến Việt Nam (sau Hàn Quốc 3,6 triệu lượt).
Tuy nhiên, thương mại giữa hai nước vẫn còn một số yếu tố không bền vững, nhập siêu từ Trung Quốc vẫn ở mức cao; đầu tư của Trung Quốc chưa tương xứng với mức độ quan hệ hai nước và tiềm năng của Trung Quốc.
Trong tổng thể quan hệ hai nước, quan hệ giao lưu, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc thời gian qua được duy trì thường xuyên và đạt nhiều thành quả thiết thực. Sau Đại hội XIII, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có 2 cuộc hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc khóa XIII Lật Chiến Thư (17/6/2021) và Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc khóa XIV Triệu Lạc Tế (27/3/2023).
Đáng chú ý, hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là hoạt động đối ngoại đầu tiên của đồng chí Triệu Lạc Tế ngay sau khi được bầu giữ chức vụ Ủy viên trưởng Nhân đại, thể hiện sự coi trọng của Trung Quốc trong việc tăng cường quan hệ giao lưu, hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước.
Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc ký kết năm 2015 nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhìn chung được triển khai thuận lợi. Trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hai bên dự kiến ký kết Thỏa thuận hợp tác mới với nhiều nội dung mới phong phú, thể hiện mức độ hợp tác chặt chẽ, thực chất hơn giữa hai Cơ quan lập pháp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước CHXHCN Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng về độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng; khẳng định sự coi trọng cao, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta về quan hệ song phương với Trung Quốc. Củng cố, phát huy, triển khai cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao và những kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2022) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (12/2023), giữ ổn định, nâng tầm và làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Chuyến thăm nhằm trao đổi, thúc đẩy toàn diện hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trên tất cả các lĩnh vực theo 6 phương hướng hợp tác lớn trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình vào tháng 12/2023 là: Tăng cường tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất, nhất là thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại theo hướng bền vững, chất lượng cao, thúc đẩy xử lý các dự án song phương đã tồn đọng nhiều năm; tăng cường phối hợp, hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương; đẩy mạnh giao lưu hữu nghị, xây dựng nền tảng xã hội tốt đẹp của quan hệ song phương.
Đồng thời, nâng tầm và làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, đưa quan hệ giữa Cơ quan lập pháp hai nước trở thành trụ cột quan trọng trong tổng thể quan hệ hai Đảng, hai nước; tăng cường trao đổi hợp tác giữa các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội với các cơ quan tương ứng của Nhân đại toàn quốc Trung Quốc; thúc đẩy giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về phục hồi kinh tế sau đại dịch và phát triển bền vững; xây dựng thể chế chính sách phát triển đường sắt cao tốc và quy hoạch các khu thí điểm thương mại tự do và hợp tác giáo dục và đào tạo,…
Chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau khi hai nước nâng tầm quan hệ, là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và cũng là chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 5 năm, do đó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc duy trì đà tiếp xúc cấp cao, triển khai, cụ thể hóa nhận thức chung giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước.
Với sự tương đồng về thể chế, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ là giao lưu, hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp mà còn là trao đổi chiến lược cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Chuyến thăm cũng là dịp quan trọng để hai bên trao đổi ở tầm chiến lược về các vấn đề lớn trong quan hệ song phương cũng như tình hình quốc tế, khu vực cùng quan tâm, qua đó, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, hiện thực hóa nhận thức chung giữa Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch, hợp tác địa phương.