TÓM TẮT:
Bài viết đề cập đến mục tiêu và nội dung của chuẩn mực Kế toán Quốc tế IAS 16, trong đó nêu chuẩn mực IAS 16 tương đương với chuẩn mực VAS 3 - Tài sản cố định hữu hình Việt Nam. Từ đó, bài viết tập trung giải thích điểm khác biệt giữa IAS 16 và VAS 3.
Từ khóa: Chuẩn mực kế toán quốc tế, IAS 16, bất động sản, nhà xưởng, máy móc thiết bị, tài sản cố định hữu hình, VAS 03.
1. Đặt vấn đề
Kế toán không còn là vấn đề mang tính nội tại, riêng biệt của từng quốc gia trong xu hướng toàn cầu hóa về hợp tác và phát triển kinh tế. Các quốc gia chuyển dần từ việc áp dụng chuẩn mực quốc gia sang chuẩn mực quốc tế nhằm đảm bảo thông tin trên báo cáo tài chính mang tính thuyết phục, minh bạch, tin cậy cho các nhà đầu tư. Việc nghiên cứu, áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có chuẩn mực IAS 16 - Bất động sản, nhà xưởng và máy móc thiết bị. Trong lộ trình chuyển đổi từ VAS 03 - Tài sản vô hình, doanh nghiệp cần xác định được những điểm khác biệt.
2. Mục tiêu của chuẩn mực IAS 16
Chuẩn mực kế toán quốc tế số 16 - Bất động sản, Nhà xưởng và máy móc thiết bị (IAS 16 - Property, Plant and Equipment) phiên bản đầu tiên được ban hành vào năm 1982. IAS 16 đã trải qua nhiều lần bổ sung và hiệu đính.
IAS 16 được tái phát hành vào tháng 12/2003 và áp dụng cho kỳ kế toán năm, bắt đầu từ ngày 01/01/2005.
Mục tiêu của chuẩn mực IAS 16 là mô tả phương pháp kế toán cho bất động sản, nhà xưởng và thiết bị giúp người sử dụng báo cáo tài chính có thể biết được thông tin về khoản đầu tư của đơn vị vào bất động sản, nhà xưởng và thiết bị, cùng với những thay đổi trong khoản đầu tư đó.
Các vấn đề chính trong kế toán bất động sản, nhà xưởng và thiết bị bao gồm: Ghi nhận tài sản ban đầu, bao gồm xác định thời điểm, giá trị ghi nhận ban đầu của bất động sản, nhà xưởng và máy móc thiết bị; Xác định giá trị còn lại và chi phí khấu hao; Ghi nhận các khoản lỗ do suy giảm giá trị liên quan đến tài sản đó.
3. Nội dung của chuẩn mực IAS 16
Theo IAS 16, bất động sản, nhà xưởng và thiết bị là những tài sản hữu hình thỏa mãn điều kiện: được nắm giữ để sử dụng trong sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, cho thuê hoặc dùng cho mục đích quản lý; và dự kiến sẽ được sử dụng trong hơn một kỳ.
Ghi nhận ban đầu
Theo đoạn 7 IAS 16, hai điều kiện để ghi nhận một khoản chi phí là nguyên giá của tài sản (thường gọi là được vốn hóa) khi và chỉ khi: Khoản chi phí đó nhiều khả năng mang lại lợi ích kinh tế trong tương lại cho đơn vị; và Nguyên giá của tài sản này có thể được xác định được một cách đáng tin cậy.
Ở trường hợp mua ngoài, nguyên giá được xác định bằng giá mua (nếu trả chậm, trả góp là giá mua trả ngay), thuế nhập khẩu và các khoản thuế mua hàng không hoàn lại sau khi trừ (-) đi chiết khấu thương mại và giảm giá công (+) chi phí nào liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản đến vị trí và điều kiện cần thiết cộng (+) chi phí tháo dỡ, di dời khôi phục ước tính.
Ví dụ, công ty XYZ mua một máy nén khí A với số tiền là $5.000. Chi phí vận chuyển bốc, dỡ là $2.000. Chi phí lắp đặt là $1.000 thì nguyên giá của máy nén A được tính: $5.000 + $2.000 + $1.000 = $53.000
Trường hợp tài sản hình thành dưới dạng trao đổi lấy một tài sản khác không phải bằng tiền, giá mua được xác định theo giá trị hợp lý, trừ khi giá trị hợp lý của tài sản đem trao đổi và tài sản nhận về không được đo lường một cách đáng tin cậy hoặc giao dịch trao đổi thiếu bản chất thương mại.
Ví dụ, doanh nghiệp sản xuất ABC trao đổi hai chiếc xe tải cũ và đặt thêm $15,000 tiền mặt để đổi lấy một chiếc xe tải vận chuyển cỡ lớn. Giá trị hợp lý của hai chiếc xe tải cũ là $55.000. Giá trị sổ sách của chúng là $42,000 (nguyên giá $75.000 trừ khấu hao lũy kế $33.000). Giá trị hợp lý của hai chiếc xe tải cũ được tính toán từ các bằng chứng rõ ràng hơn giá trị hợp lý của chiếc xe tải lớn hơn dùng để trao đổi thì nguyên giá của chiếc xe tải cỡ lớn = $55.000 + $15.000 = $70.000
Trường hợp phát hành cổ phần để đối lấy tài sản, giá mua của tài sản là giá trị hợp lý của tài sản nhận về hoặc bằng giá trị hợp lý của cổ phiếu phát hành nếu giá trị hợp lý của tài sản nhận về không xác định được một cách đáng tin cậy.
Nếu tài sản bao gồm nhiều bộ phận khác nhau, có thời gian hữu dụng khác nhau, lúc này cần ghi nhận giá mua tài sản theo từng bộ phận riêng lẻ. Tỷ lệ giá tị hợp lý của từng bộ phận có thể được dùng làm căn cứ để phân bổ giá mua tài sản.
Chi phí liên quan trực tiếp là những chi phí cần thiết để đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng theo dự định của nhà quản lý như: Các khoản lợi ích của người lao động phát sinh trực tiếp từ việc xây dựng hoặc mua sắm bất động sản, nhà xưởng và thiết bị; Chi phí chuẩn bị mặt bằng; Chi phí vận chuyển và bốc xếp ban đầu; Chi phí lắp ráp và lắp đặt; Chi phí kiểm tra xem tài sản; Chi phí chuyên gia; Khoản thu nhập được tạo ra trong giai đoạn đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng thì được giảm trừ khỏi giá trị ghi nhận ban đầu.
Tại thời điểm ghi nhận ban đầu, đơn vị cần ước tính tất cả các chi phí cần thiết liên quan đến việc tháo dỡ, di dời và khôi phục địa điểm đặt tài sản. Những chi phí này được vốn hóa vào giá trị tài sản theo hiện giá. Ví dụ như khi xây dựng giàn khoan dầu, nếu có những quy định liên quan đến việc tháo dỡ giàn khoan sau khi sử dụng nhằm mục đích bảo vệ môi trường.
Đo lường giá trị tài sản sau khi ghi nhận ban đầu
Tại thời điểm ghi nhận ban đầu, tài sản được phản ánh theo nguyên giá. Sau khi ghi nhận ban đầu, đơn vị có thể lựa chọn một trong hai cách để đo lường giá trị của tài sản, đó là: Mô hình giá gốc hay mô hình chi phí; Mô hình đánh giá lại.
Các mô hình đo lường giá trị tài sản sau khi ghi nhận ban đầu được xem là chính sách kế toán của đơn vị và được áp dụng chung cho tất cả tài sản. Đơn vị có thể thay đổi phương pháp sử dụng nếu việc thay đổi đó được yêu cầu bởi chuẩn mực và những quy định có liên quan. Hoặc là khi kết quả thay đổi sẽ cung cấp được một BCTC đáng tin cậy hơn, phản ánh một cách phù hợp thông tin tài chính của đơn vị. Việc thay đổi chính sách kế toán này cần được thực hiện theo yêu cầu của IAS 8 “Chính sách kế toán, sự thay đổi ước tính kế toán và sai sót”.
Mô hình giá gốc hay mô hình chi phí
Sau khi ghi nhận ban đầu, tài sản được trình bày theo giá trị còn lại bằng nguyên giá trừ đi khấu hao lũy kế và các khoản lỗ tích lũy từ việc giảm giá trị của tài sản. Nguyên giá bao gồm các khoản chi liên quan đến việc đưa tài sản đến vị trí sẵn sàng sử dụng và có đủ điều kiện hoạt động theo dự tính của nhà quản lý.
Ví dụ, tài sản có nguyên giá là 100 triệu đồng, dự định sử dụng trong 5 năm. Mỗi năm giá trị khấu hao là 20 triệu đồng. Cuối năm thứ nhất không có dấu hiệu của lỗ do suy giảm giá trị thì giá trị tài sản trên báo cáo tài chính bằng 80 triệu đồng cuối năm thứ nhất.
Mô hình đánh giá lại
Theo đoạn 31 của IAS 16, “Sau khi ghi nhận ban đầu, tài sản có giá trị hợp lý có thể xác định một cách đáng tin cậy phải được phản ánh theo giá trị được đánh giá lại. Đó là giá trị hợp lý của tài sản đó tại ngày đánh giá lại trừ đi khấu hao lũy kế và các khoản lỗ do suy giảm giá trị tài sản lũy kế sau ngày đánh giá (impairment losses). Quá trình đánh giá lại cần được thực hiện một cách đầy đủ và thường xuyên để giá trị còn lại của tài sản không khác biệt quá lớn với giá trị hợp lý tại ngày khóa sổ”.
Ví dụ, tài sản có nguyên giá là 100 triệu đồng, dự định sử dụng trong 5 năm. Mỗi năm giá trị khấu hao bằng 20 triệu đồng. Cuối năm thứ hai, không có dấu hiệu của lỗ do suy giảm giá trị. Giá trị tài sản ghi sổ tại thời điểm báo cáo bằng 60 triệu đồng cuối năm thứ 2.
Đoạn 36 IAS 16 lưu ý rằng, mô hình đánh giá lại không áp dụng cho từng tài sản riêng lẻ mà áp dụng cho toàn bộ từng loại tài sản. Do đó, đối với mỗi loại tài sản người quản lý phải chọn mô hình áp dụng phù hợp.
Khấu hao tài sản
Theo IAS 16 đoạn 62, tài sản được khấu hao theo 3 phương pháp: phương pháp đường thẳng, phương pháp số dư giảm dần và phương pháp khấu hao theo số lượng sản phẩm dự kiến.
IAS 16 cho phép đơn vị có thể phân bổ nguyên giá của một tài sản cho những bộ phận cấu thành nên tài sản đó một các riêng lẻ. Vì vậy, nếu một tài sản gồm những bộ phận có thời gian sử dụng hữu ích khác nhau, lúc này để ghi nhận đúng đắn lợi ích kinh tế thu được, các bộ phận đó cần được hạch toán như những tài sản riêng lẻ.
Xóa sổ tài sản đã ghi nhận hay dừng ghi nhận
Đoạn 67 IAS 16 xác định hai trường hợp xóa sổ tài sản, đó là khi: Tài sản được thanh lý (bán, cho thuê tài chính, biếu tặng…); Khi không còn nhận được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng hoặc thanh lý tài sản đó.
Lãi hoặc lỗ phát sinh từ việc dừng ghi nhận một bất động sản, nhà xưởng và thiết bị được xác định là khoản chênh lệch giữa khoản thu thuần từ thanh lý, nếu có và giá trị còn lại của tài sản đó. Việc xác định lãi, lỗ, từ hoạt động thanh lý phụ thuộc và mô hình ghi nhận tài sản sau thời gian ban đầu. Khi tài sản thanh lý mà trước đó được ghi nhận theo mô hình đánh giá lại, phần thặng dư còn lại trên báo cáo tài chính được chuyển sang lợi nhuận giữ lại trong kỳ thanh lý.
4. So sánh chuẩn mực IAS 16 với VAS 03
Việt Nam đã ban hành Chuẩn mực kế toán số 03 - Tài sản cố định hữu hình tương đương với Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 16. (Xem Bảng)
Bảng. Chuẩn mực kế toán số 03 - Tài sản cố định hữu hình tương đương và Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 16
Tiêu chí |
IAS 16 |
VAS 03 |
Phạm vi áp dụng |
IAS 16 loại trừ: bất động sản, nhà xưởng và máy móc thiết bị được phân loại là giữ để bán; các tài sản sinh học liên quan đến hoạt động nông nghiệp; các quyền về khoáng sản và trữ lượng khoáng sản như dầu, khí và các nguồn tài nguyên không tái sinh tương tự. |
Không quy định về vấn đề đối với các bất động sản đang được xây dựng phát triển để sử dụng trong tương lai
|
Giá trị có thể thu hồi |
Theo IAS 16, giá trị có thể thu hồi là giá trị cao hơn giá bán ròng của một tài sản và giá trị sử dụng của tài sản đó. |
Theo VAS 3, giá trị có thể thu hồi là giá trị được thu hồi từ việc sử dụng trong tương lai của tài sản đó, bao gồm giá trị còn lại của tài sản khi thanh lý. |
Điều kiện ghi nhận giá trị ban đầu |
IAS 16 ghi nhận nguyên giá trong trường hợp tài sản được mua hoặc trao đổi khi tài sản đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai ngay cả khi bản thân chúng không tạo ra lợi ích kinh tế trực tiếp nhưng cần thiết để khiến cho các tài sản khác có khả năng tạo ra lợi ích kinh tế (ví dụ vì lý do an toàn hoặc thuộc về môi trường). IAS 16 đề cập việc sử dụng bất động sản, máy móc thiết bị trong hơn một niên độ kế toán. |
Chỉ quy định về các lợi ích kinh tế trong tương lai gắn liền với tài sản. VAS 3 yêu cầu 2 điều kiện bổ sung đối với việc ghi nhận tài sản hữu hình so với IAS 16:
|
Ghi nhận ban đầu |
Chi phí tháo dỡ, di dời, khôi phục ước tính được tính vào nguyên giá của tài sản |
Giá trị ban đầu không bao gồm chi phí tháo dỡ, di dời, khôi phục ước tính |
Khấu hao tài sản |
Yêu cầu xác định chi phí khấu hao riêng cho mỗi thành phần trọng yếu của mỗi bộ phận của tài sản |
Không quy định rõ chi phí khấu hao cho mỗi phần quan trọng của tài sản. |
Giá trị sau ghi nhận ban đầu |
Cho phép đo lường theo 2 mô hình: mô hình giá gốc hoặc mô hình đánh giá lại theo giá trị hợp lý. |
Chỉ cho phép đo lường giá trị theo giá gốc. |
5. Kết luận
Chuẩn mực IAS 16 là mô tả phương pháp kế toán cho bất động sản, nhà xưởng và thiết bị, giúp người sử dụng báo cáo tài chính có thể biết được thông tin về khoản đầu tư của đơn vị vào bất động sản, nhà xưởng và thiết bị cùng với những thay đổi trong khoản đầu tư đó. Các vấn đề chính trong kế toán bất động sản, nhà xưởng và thiết bị được đề cập đến gồm: Ghi nhận tài sản ban đầu, bao gồm xác định thời điểm và giá trị ghi nhận ban đầu của bất động sản, nhà xưởng và máy móc thiết bị; Xác định giá trị còn lại và chi phí khấu hao; Ghi nhận các khoản lỗ do suy giảm giá trị liên quan đến tài sản đó. Trong quá trình chuyển đổi từ việc áp dụng VAS 03 - Tài sản cố định hữu hình sang IAS 16, kế toán cần nhận biết được sự khác nhau giữa hai chuẩn mực này ở các tiêu chí: Phạm vi áp dụng; Giá trị có thể thu hồi; Điều kiện ghi nhận giá trị ban đầu; Ghi nhận ban đầu; Khấu hao tài sản; Giá trị sau ghi nhận ban đầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án “Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam”.
2. IAS 16 - Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị - IFRS.VN. Truy cập tại https://ifrs.vn/document/ias-16-bat-dong-san-nha-xuong-va-thiet-bi-7064/
3. So sánh Chuẩn mực Kế toán IAS 16 và VAS 03 về Tài sản cố định hữu hình. Truy cập tại https://sapp.edu.vn/bai-viet-acca/so-sanh-ias-16-va-vas-03-ve-tai-san-co-dinh-huu-hinh/
Comparing IAS 16 - Property, Plant and Equipment with VAS 3 - Guidelines for Accounting of Tangible Fixed Assets
Master. Vu Thi Diep
Faculty of Accounting and Auditing, University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
This paper presented the objectives and content of International Accounting Standards 16 (IAS 16) - Property, Plant and Equipment, which are equivalent to Vietnam Accounting Standards 3 (VAS 3) - Guidelines for Accounting of Tangible Fixed Assets. The paper pointed out the differences between IAS 16 and VAS 3.
Keywords: international accounting standards, IAS 16, real estate, factories, machinery and equipment, tangible fixed assets, VAS 03.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 3 năm 2024]