Sáng 17/4, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G năm 2025 đã diễn ra Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: "Các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững". Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển quốc gia Indonesia đồng chủ trì Phiên thảo luận.
Phiên thảo luận có sự tham dự của đại diện các cơ quan, bộ, ngành và địa phương; Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam; Ban Thư ký quốc tế P4G và các cơ quan trực thuộc, WRI; các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khí hậu, quỹ đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế.

Chuyển đổi năng lượng - yêu cầu cấp thiết và tất yếu
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết: Hiện nay, thế giới đang đối mặt với những thách thức, tác động to lớn về biến đổi khí hậu, môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, chuyển đổi năng lượng không chỉ là một lựa chọn mà là một yêu cầu cấp thiết và tất yếu. Tại Hội nghị COP26 năm 2021 ở Vương quốc Anh, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển của quốc gia, đồng thời đáp ứng bối cảnh, yêu cầu, xu thế chung của toàn cầu.
Theo đó, Thứ trưởng đã chia sẻ 03 định hướng quan trọng và những bài học thực tiễn từ hành trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam.
Thứ nhất là đổi mới sáng tạo
Theo Thứ trưởng, đổi mới sáng tạo thực sự là chìa khóa mở cánh cửa và vượt qua những thách thức trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững. Chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra những công nghệ mang tính cách mạng. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), lưới điện thông minh, hệ thông Pin tích trữ năng lượng (BESS), năng lượng hyđrogen... đang trở thành xu hướng mới, giúp tối ưu hóa hiệu suất và giảm chi phí. Tuy nhiên, để đổi mới sáng tạo thực sự phát triển, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách, bao gồm ưu đãi tài chính và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sáng kiến đột phá.
Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng cần được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, từ việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, các giải pháp, công cụ để triển khai thực hiện, việc huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế… "Ở đây, con người luôn là yếu tố quan trọng then chốt và quyết định", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ hai là mô hình đối tác công - tư và hợp tác quốc tế
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, chuyển đổi năng lượng không thể đạt được nếu chỉ dựa vào nỗ lực riêng của chính phủ hoặc khu vực tư nhân. Hợp tác công - tư chính là cầu nối để hai bên cùng chia sẻ nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và mở rộng quy mô triển khai các giải pháp năng lượng bền vững. Chính phủ đóng vai trò định hướng đưa ra những chính sách, tạo hành lang pháp lý và thiết lập các mục tiêu quốc gia rõ ràng. Trong khi đó, khu vực tư nhân có thể mang đến những nguồn lực tài chính lớn, cùng với sự linh hoạt và sáng tạo trong triển khai các dự án.
Bên cạnh đó, việc thông qua các cơ chế, sáng kiến hợp tác quốc tế như P4G sẽ hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam, chia sẻ, học hỏi nhiều kinh nghiệm và tiếp cận được các nguồn tài chính, đặc biệt nguồn tài chính xanh toàn cầu để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Đây là minh chứng rõ ràng rằng chỉ khi chúng ta kết hợp, huy động mọi nguồn lực và chia sẻ rủi ro thì mới có thể triển khai những dự án quy mô lớn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu khắt khe về thời gian.
Thứ ba là lấy con người làm trung tâm
Trong hành trình hướng tới chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, chúng ta không thể thiếu yếu tố con người. Chuyển đổi năng lượng bền vững không chỉ là một cuộc cách mạng về công nghệ, mà đây cũng là một cơ hội để cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng trăm triệu người trên thế giới, đặc biệt là những cộng đồng nghèo và yếu thế.
"Tại Việt Nam, chúng tôi đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm rằng các giải pháp chuyển đổi năng lượng không chỉ phục vụ cho các đô thị lớn mà còn đến được các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Các dự án năng lượng tái tạo, các dự án lưới điện và điện nông thôn đã giúp hàng trăm nnghìn hộ dân cải thiện chất lượng cuộc sống.", Thứ trưởng chia sẻ và cho biết thêm: "Chuyển đổi năng lượng bền vững không thể thành công nếu thiếu sự công bằng xã hội. Các chính sách bao trùm như cung cấp tài chính vi mô cho hộ gia đình tự đầu tư vào năng lượng tái tạo, chính là nền tảng để mọi người có thể cùng tham gia đóng góp vào quá trình này".
Như vậy, đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững không chỉ là mục tiêu mà còn là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, định hình tương lai phát triển bền vững. Quá trình chuyển đổi ngành năng lượng luôn đòi hỏi sự hài hòa trong phát triển, đảm bảo các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường, hướng tới một tương lai xanh, bền vững và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.



Thúc đẩy hợp tác chuyển đổi năng lượng hiệu quả và công bằng
Trao đổi tại Phiên thảo luận, đại diện các quốc gia P4G và các địa phương trong nước, các tổ chức quốc tế bày tỏ đánh giá cao về quyết tâm, nỗ lực và quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam; đồng thời chia sẻ thêm những thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động này.
Ông Leonardo A.A. Teguh Sambodo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển quốc gia Indonesia cho biết: Các quốc gia trên thế giới đã có những bước đi quan trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, với những cam kết đầy tham vọng hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Những hành động này phản ánh sự công nhận chung rằng việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 là điều cần thiết để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu và ngăn ngừa những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Đối với Indonesia và nhiều quốc gia đang phát triển, hành trình hướng tới mục tiêu trung hòa carbon không hề dễ dàng, thường được định hình bởi hai yêu cầu cấp thiết là phát triển kinh tế và tiếp cận năng lượng, cũng như nhu cầu về các giải pháp tài chính sáng tạo.
Để tiến lên phía trước, chúng ta phải thoát khỏi mô hình tăng trưởng kinh doanh thông thường và nắm bắt sự đổi mới. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào việc áp dụng các phương pháp tiếp cận mới sẽ đưa chúng ta thoát khỏi quỹ đạo không bền vững của quá khứ và mở ra con đường cho năng suất, tăng trưởng kinh tế, phát triển toàn diện và bền vững.
Ông Leonardo A.A. Teguh Sambodo cho rằng, chủ đề của Phiên thảo luận phù hợp chặt chẽ với chiến lược của Indonesia và các nỗ lực toàn cầu nhằm quản lý và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả và công bằng. Đối với Indonesia, quá trình chuyển đổi năng lượng trở thành động lực chính để đạt được mục tiêu Indonesia Vàng 2045 thông qua nền kinh tế xanh, ít carbon và có khả năng chống chịu với khí hậu.
"Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu đẩy nhanh năng lượng tái tạo, mở rộng mạng lưới điện, thúc đẩy giao thông xanh, thúc đẩy năng lượng sinh học và áp dụng các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực khó giảm thiểu. Chiến lược này thích ứng với tiềm năng năng lượng và cơ sở hạ tầng tại địa phương, bắt đầu từ các khu vực có nhu cầu cao và dần dần mở rộng sự thâm nhập của năng lượng tái tạo trên toàn quốc. Việc triển khai sẽ được hỗ trợ bởi nhiều chiến lược khác nhau để tận dụng các công nghệ tiên tiến, áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và tăng cường quan hệ đối tác công - tư vì một tương lai năng lượng hiệu quả, bền vững và toàn diện hơn", ông Leonardo A.A. Teguh Sambodo chia sẻ.

Từ góc độ địa phương, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã thông tin về tiềm năng, thế mạnh và những chính sách ưu đãi dành cho hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Ông Trịnh Minh Hoàng cho biết, Ninh Thuận đã và đang có những hướng đi mới, chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội mà 01 trong những đột phá là xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Đặc biệt, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023, đã tiếp sức và là đòn bẩy rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bứt phá, hiệu quả.
Với chủ trương định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng, trong đó điển hình là năng lượng tái tạo, tỉnh Ninh Thuận đã quyết tâm biến khó khăn, bất lợi về khí hậu, điều kiện tự nhiên thành lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã triển khai đầu tư và đưa vào vận hành thương mại (COD) 57 dự án với tổng công suất 3.749,942 MW, hàng năm tổng sản lượng điện phát lên hệ thống điện quốc gia ước đạt 8,7 tỷ kwh, chiếm 6,69% trong tổng sản lượng điện phát của năng lượng tái tạo cả nước (130 tỷ kWh) góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nhằm tiếp tục phát huy các kết quả đạt được trên lĩnh vực năng lượng tái tạo, Ban chấp hành Đảng bộ Khoá XIV đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 25/01/2022 về xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm Năng lượng, Năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; theo đó, định hướng đến năm 2025: Tổng công suất tích lũy đạt 6.500MW; Cơ bản trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước; Phấn đấu hình thành 01 Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo; thu hút 01 dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng. Đến năm 2030, tổng công suất tích lũy đạt khoảng 11.800MW; Xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo bền vững.
Cũng trong sáng 17/4, diễn ra song song với Phiên thảo luận: "Các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững", Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 còn có các Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với các chủ đề: "Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu"; "Bắt nhịp cách mạng xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững"; "Công nghệ tạo đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh"; "Đầu tư vào con người - Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai".