Theo Chủ tịch FPT, đối với ngành Tài chính thì dữ liệu quan trọng nhất chính là các giao dịch. Trong đó, dữ liệu về hóa đơn điện tử nếu làm sáng tỏ được sẽ đạt đc sự minh bạch. Ngoài ra, thương mại điện tử hiện nay đang là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh về quy mô và khối lượng giao dịch. Nếu cơ quan chức năng giám sát, quản lý được các hồ sơ giao dịch thì sẽ tăng tốc độ xử lý thông tin, tăng tính minh bạch và nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Đây là những chia sẻ về kinh nghiệm hợp tác và vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại buổi làm việc giữa Tập đoàn FPT và Bộ Tài chính về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành. Cũng tại buổi làm việc, các chuyên gia của Tập đoàn FPT đã nêu ra một số đề xuất về chuyển đổi số trong ngành Tài chính như: Cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế; Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong nghiệp vụ đăng ký thuế đối với người nộp thuế cá nhân; Tăng thu, chống gian lận; Triển khai hóa đơn điện tử để tăng thu, giảm gian lận thuế VAT/TNDN; Hỗ trợ cơ quan hải quan xác định giá tính thuế; Quản lý rủi ro; Luân chuyển chứng từ thu ngân sách giữa các đơn vị liên quan; Giám sát giao dịch chứng khoán; Phòng chống tội phạm tài chính trên thị trường chứng khoán; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính…
Trong những năm qua, việc triển khai ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính đã tập trung vào mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp trên cơ sở chuẩn hóa thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong CCHC; Áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ dịch vụ qua các thiết bị công nghệ tích hợp; Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành cho lãnh đạo; Cung cấp thông tin đa chiều, hỗ trợ phân tích, thống kê, dự báo.
Đồng thời xây dựng các kho dữ liệu chuẩn theo công nghệ hiện đại; Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc tích hợp (TABMIS), Quản lý thuế tập trung (TMS), Hệ thống tự động hóa thủ tục Hải quan và Hải quan một cửa Quốc gia (VNACCS/VCIS); Hệ thống trao đổi dữ liệu số ngành Tài chính (trung tâm trao đổi thông tin thu NSNN); Xây dựng hệ thống Quản lý nghiệp vụ Dữ trữ Quốc gia; Xây dựng các hệ thống ứng dụng quy mô lớn và các hệ thống CSDL cốt lõi, mang tính tích hợp cao của UBCKNN như Hệ thống cổng thông tin điện tử của UBCKNN (Portal); Hệ thống CBTT (IDS); Hệ thống giám sát giao dịch trên TTCK (MSS); Hệ thống CSDL quản lý CTCK (SCMS). Từng bước ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý tài chính (giá, công sản, doanh nghiệp, bảo hiểm...) theo lộ trình cải cách và hiện đại hóa của các đơn vị chuyên môn...
Hiện nay, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số phục vụ công tác lãnh đạo, quản lí và điều hành những nhiệm vụ trọng yếu, đặc biệt là đối với các lĩnh vực NSNN, thuế, hải quan, kho bạc nhà nước… và các lĩnh vực khác đang được Bộ Tài chính tiếp tục coi là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai mạnh mẽ, là xương sống xuyên xuốt trong quá trình lãnh đạo, điều hành của ngành Tài chính.
Trước mắt, ngành Tài chính từng bước triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ chủ chốt và hoạt động chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính, như: trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ Tài chính; quản lý rủi ro trong lĩnh vực Thuế, Hải quan, kiểm soát chi NSNN, thị trường chứng khoán,… Thiết bị di động, robot, dữ liệu mạng xã hội, … được kết nối, dữ liệu được thu thập, phân tích và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người quản lý, “cung cấp chủ động” các dịch vụ tài chính công mới cho người dân, doanh nghiệp theo mô hình cá nhân hóa trên nhiều kênh/phương tiện giao tiếp.
Phấn đấu đến năm 2030 trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trở thành phổ biến trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ Tài chính và cung cấp dịch vụ tài chính số cho người dân, doanh nghiệp thông qua các kênh giao tiếp số được thực hiện bởi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo,...