Cân đối cung cầu xăng dầu hiện nay thế nào?
Theo Quyết định số 242/1999/QĐ-TTg ngày 30/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2000, Bộ Thương mại điều hành, bảo đảm nhập khẩu năm 2000 khoảng 8 triệu tấn sản phẩm xăng dầu. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả nước năm 2000 là 8,7 triệu tấn, vậy là ta đã nhập khẩu khoảng 92%.
Năm 2010, theo số liệu từ Bộ Công Thương, sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước là 16,3 triệu tấn, trong đó nhập khẩu khoảng 11,6 triệu tấn, tương đương khoảng 71%.
Năm 2021, sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước khoảng 20,5 triệu tấn, trong đó nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn, tương đương khoảng 34%.
Như vậy có thể thấy, tỷ trọng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam đã giảm từ mức trên 90% vào những năm 2000, về khoảng 70% vào những năm 2020, và đến nay chỉ còn khoảng 35%.
Sự giảm này nhờ có việc vận hành thành công của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn) từ năm 2009 và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn) từ năm 2018. Trong đó, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) là liên doanh do bốn thành viên góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 25,1%; Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait 35,1%; Công ty Idemisu Kosan Nhật Bản 35,1% và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản 4,7%.
Mỗi nhà máy này hiện cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam, vậy là sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 65-70% nhu cầu. Nguồn cung xăng dầu được bảo đảm ổn định cho đến nay.
Mới đây, theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, do khó khăn về tài chính nên Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải cắt giảm công suất sản xuất từ mức 105% xuống 80% và dự kiến ngừng sản xuất vào sau Tết 2022. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ và sau khi có nguồn cung cấp bổ sung tạm thời về tài chính từ phía PVN, Nghi Sơn hiện vẫn duy trì sản xuất với công suất khoảng 60% và dự kiến sẽ nâng dần công suất lên 85% từ 12/3/2022 và lên mức 100% từ 15/3/2022. Việc duy trì sản xuất tạm thời đến khoảng tháng 5/2022.
Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, do nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian vừa qua giảm nên từ trước Tết Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2/2022 đã nâng công suất lên 105%. Dự kiến Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 300.000 m3 xăng và 300.000 m3 dầu mỗi tháng.
Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đánh giá, với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022. Từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường. Tuy nhiên, Nhà máy Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 13/3/2022.
Hiện, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước, nếu Nhà máy lọc dầu Nghị Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất như kế hoạch.
Trước đó, để bảo đảm việc cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, Bộ Công Thương đã có Công văn chỉ đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm xăng dầu đã đăng ký với Bộ Công Thương; kế hoạch giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong Quý I/2022; nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm nguồn hàng giao cho khách hàng theo các hợp đồng đã ký kết theo quy định hiện hành.
Đồng thời, chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu: chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt; không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Ngày 28/1/2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có Công điện số 517/CĐ-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến lĩnh vực này, lực lượng QLTT cả nước đã tiến hành công tác quản lý địa bàn, biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố (Công an, Sở Công Thương) giám sát các loại hình kinh doanh xăng dầu theo từng địa phương, trong đó cụ thể có các phương án, kế hoạch để kiểm tra đột xuất ngay các đơn vị kinh doanh có dấu hiệu, hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu trong những ngày Tết.
Chung tay và quyết liệt
Tại cuộc họp khẩn do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên triệu tập ngày 9/2/2022 về tình hình cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, ghi nhận tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa hàng hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt; tìm nhiều lý do để trì hoãn mở cửa hoặc bán với giá cao hơn;… Đây chính là dấu hiệu của hành vi lợi dụng tình hình, găm hàng, chờ nâng giá, trục lợi, gây khủng hoảng thị trường và tâm lý bất an cho người dân, doanh nghiệp.
Vấn đề mà lãnh đạo Bộ Công Thương đặt ra là: Nguồn cung không thiếu, vậy có hay không có tình trạng găm hàng? Các cơ quan quản lý đã vào cuộc xử lý nghiêm chưa? Các đơn vị thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đã thực hiện đúng quy định và vai trò chưa?
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã khẳng định, dù hiện tượng này đang chỉ rải rác ở một số địa phương thì nó sẽ trở nên phổ biến nếu không có những chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết để loại bỏ. Do đó, không thể chủ quan dù đây mới chỉ là hiện tượng. Phải xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi, tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế.
"Tinh thần chung của Bộ Công Thương là kiên quyết thu hồi giấy phép nếu phát hiện vi phạm. Kể cả giấy phép của cửa hàng bán lẻ hay doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, không dừng lại ở việc xử phạt hành chính. Nếu các Cục Quản lý thị trường địa phương, Sở Công Thương các địa phương 'làm ngơ', hoặc làm không hết trách nhiệm cũng sẽ xử lý nghiêm, thậm chí tạm đình chỉ công tác đối với những cán bộ này", Bộ trưởng nhấn mạnh nhiều lần.
Tư lệnh ngành Công Thương khi kết luận cuộc họp khẩn đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ cần triển khai khẩn trương, nhưng tựu lại từ khóa có lẽ vẫn là “chung tay” và “quyết liệt”, từ cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, đến lực lượng chức năng (Sở Công Thương, quản lý thị trường) và doanh nghiệp sản xuất, đầu mối kinh doanh hay cửa hàng, đại lý xăng dầu.
Bên cạnh việc phân tích nguyên nhân, yếu tố ảnh hưởng đến tình hình hiện nay, nếu lúc này không có cơ chế thông suốt về thông tin, hành động đảm bảo sự minh bạch của thị trường thì sẽ là quá muộn.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh các cơ quan báo chí hãy vào cuộc, hãy phát hiện và phản ánh các trường hợp thực tế, bởi “Bộ Công Thương chúng tôi không ngần ngại”.
Chiều tối 9/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định số 150/QĐ-BCT thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành của định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp.
Nhận lệnh của Bộ trưởng, ngay trong sáng 10/2, Đoàn kiểm tra do Chánh thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long làm trưởng đoàn; Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình làm Phó trưởng đoàn cùng các thành viên thuộc Vụ Thị trường trong nước, Vụ Pháp chế và Đại diện Cục Quản lý thị trường địa phương… đã lên đường vào các tỉnh, thành phố phía Nam để ghi nhận thực tiễn, bất ngờ kiểm tra một số cửa hàng xăng dầu. Bước đầu, đã có ghi nhận về một số cây xăng không có hàng, cũng có cây xăng có hàng nhưng chưa mở bán tại thời điểm kiểm tra.
Kết quả chính thức của việc kiểm tra ra sao vẫn còn phải chờ đợi, nhưng đây sẽ là căn cứ xác đáng nhất để có cái nhìn tổng thể và đúng đắn về thị trường, về những gì đang xảy ra với nguồn cung xăng dầu trong nước, từ đó có câu trả lời cho người dân và doanh nghiệp.
Ở góc phân tích căn cơ hơn, sự hoàn thiện cơ chế, chính sách là cần thiết để cân đối giữa lợi ích của người tiêu dùng và các doanh nghiệp, thương nhân hoạt động kinh doanh chân chính, nhất là đối với mặt hàng chiến lược như xăng dầu.
Bộ Công Thương - với chức năng là quản lý nhà nước trong lĩnh vực này - sẽ phối hợp với Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có liên quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, PVN, Petrolimex,... để có những hành động quyết liệt; mà trước mắt là theo sát diễn biến thị trường thế giới và trong nước, yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, đầu mối kinh doanh đảm bảo nguồn cung xăng dầu bằng mọi cách, trong mọi tình huống; cũng như đề nghị Chính phủ cho phép được linh hoạt điều hành giá xăng dầu trong nước để tiệm cận giá thế giới.