Hẹn hò mãi, cuối cùng tôi cũng gặp được Nguyên.
Rời quê hương sang làm việc ở Séc, Nguyên đã nung nấu ý định đến một ngày sẽ đưa được các sản vật của đất nước sang vùng đất Châu Âu. Trải qua hơn chục năm lăn lộn, tích lũy, đến giờ Nguyên đã có một doanh nghiệp thành lập tại Séc. Và chuyến đi này, cậu về Việt Nam để kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trong nước.
Tôi khá ngạc nhiên khi thấy trong một thời gian rất ngắn, Nguyên đã đi tương đối nhiều nơi trên bản đồ nông sản của đất nước, gặp gỡ khá nhiều tên tuổi trong số các doanh nghiệp kinh doanh nông sản hiện nay. Những nhận xét của Nguyên đưa ra cũng rất sắc sảo, chứng tỏ những tìm hiểu, chiêm nghiệm và quan sát của cậu rất chắc chắn.
Bên cạnh câu chuyện về sản xuất nông nghiệp trong nước, Nguyên cũng trao đổi với tôi về những vấn đề khi doanh nghiệp Việt Nam bán hàng ra nước ngoài.
- Qua vụ các container điều ở Italia vừa qua, mọi người đều đặt dấu hỏi tại sao doanh nghiệp Việt Nam lại không thể kiểm tra, xác thực được người mua trước khi ký hợp đồng. Vậy em là người kinh doanh bên đó, em thấy thế nào?
- Trong kinh doanh, bên cạnh những khách hàng lâu năm thì thị trường luôn xuất hiện những khách hàng mới. Doanh nghiệp nhà mình chưa có thói quen, hoặc chưa biết muốn xác thực khách hàng thì làm thế nào. Thực ra, chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ là có thể làm được việc đó. Ở Châu Âu có những doanh nghiệp chuyên làm việc audit khách hàng. Họ có thông tin gần như đầy đủ về các doanh nghiệp, doanh thu, tình trạng đóng thuế,... Mình bỏ một khoản tiền nhỏ ra để mua thông tin, sẽ yên tâm hơn rất nhiều và tránh gặp phải những doanh nghiệp ma.
- Ừ, có lẽ doanh nghiệp Việt Nam chưa biết điều này thôi, chứ không phải họ ngại bỏ tiền ra để mua thông tin đâu. Nhưng làm cách nào để biết được các doanh nghiệp làm audit như vậy?
- Chịu khó tìm hiểu một chút là ra ngay. Nhưng ngay cả khi chưa tìm ra thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tra cứu phần nào thông tin tại đường link miễn phí.
Theo đề nghị của tôi, Nguyên hứa sẽ gửi đường link miễn phí này để thông tin cho các doanh nghiệp Việt.
Trở lại với câu chuyện thanh toán quốc tế vốn đã nóng bỏng trong suốt những ngày qua, tôi hỏi:
- Thế bản thân em là người mua, em thanh toán cho đối tác Việt Nam như thế nào?
- Em thường dùng T/T. Có thể là 30% đặt trước, 70% còn lại thanh toán sau khi có chứng từ hoặc nhận hàng. Hoặc là 30 - 50 - 20, tùy khách hàng. Thậm chí có doanh nghiệp Việt Nam thiếu vốn, em có thể thanh toán trước đến 70%.
- Thế em không sợ à! Có thể doanh nghiệp Việt Nam không lừa đảo, nhưng vì vấn đề năng lực mà không thể có hàng để giao cho em thì sao?
- Trong kinh doanh đúng là nhiều rủi ro, nhưng vẫn có lòng tin. Nếu không có lòng tin thì vòng quay hàng hóa trên thế giới đã chậm lại nhiều rồi. Mặt khác, em là người Việt, em về tận Việt Nam để tìm hiểu nên việc xác lập lòng tin cũng thuận lợi hơn.
Đúng là suy nghĩ của người làm kinh doanh, không phải bao giờ cũng giống như người ngoài vẫn tưởng. Tôi cũng cảm thấy ấm áp vì lòng tin không phải đã biến mất khỏi từ vựng của các doanh nhân.
- Vậy em thấy còn vấn đề gì nữa không?
- Điều em lo nhất bây giờ là ở khâu logistics. Không chỉ là vấn đề cước tàu biển tăng mà còn là thời gian vận chuyển kéo dài, và thiếu các chuyến bay freighter từ Việt Nam đến thẳng Châu Âu.
- Em định đưa nông sản đi bằng đường hàng không sao!
Dường như hiểu được câu hỏi mà tôi chưa nói ra, Nguyên bảo:
- Chi phí đúng luôn là vấn đề, nhưng khi khối lượng hàng hóa đủ lớn thì vấn đề này sẽ nhỏ lại.
Khi tôi cho biết, Cục Hàng không đang xem xét hồ sơ và hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới, một hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa của ông Jonathan Hạnh Nguyễn và chị Thủy Tiên sẽ đi vào hoạt động, Nguyên rất vui. Cậu hy vọng sẽ là những khách hàng đầu tiên sử dụng dịch vụ của hãng hàng không này.
Trở lại với câu chuyện đường biển, Nguyên cho biết hàng nông sản sau khi cập cảng ở Rotterdam sẽ được đưa về ABC Westland. Đây là một trung tâm logistics nông sản vào loại lớn nhất Châu Âu, có đủ các kho lạnh, kho mát, kho ủ để bảo quản, sơ chế, phân loại, đóng gói trước khi chuyển tiếp đến các nước trong châu lục.
- Thế còn Rungis thì sao?
- Rungis là chợ đầu mối nông sản lớn nhất Châu Âu. Chợ này nằm ở ngoại ô Paris. Em tìm hiểu chợ này 2 năm rồi mà vẫn chưa hiểu hết. Chỉ có thể nói là các doanh nghiệp ở đó cũng đủ loại thành phần, quan hệ với các đối tác ở đó cũng cần xác minh tương đối chắc chắn rồi hẵng làm.
Trước khi chia tay, Nguyên cũng cho biết cậu đang xử lý giúp một doanh nghiệp có container điều bị kẹt ở Italia để chuyển sang tiêu thụ ngay tại Châu Âu, đỡ phải đưa ngược trở về Việt Nam.
Ước mơ của Nguyên là sẽ đưa được nhiều container gạo, nhiều container bưởi, nhiều container thanh long của Việt Nam sang với Châu Âu. Qua ánh mắt rực cháy niềm tin và những gì Nguyên kể, tôi cũng dâng lên một niềm tự hào về thế hệ doanh nhân trẻ của đất nước, không chỉ mong muốn làm giàu cho bản thân mà còn muốn hoạt động kinh doanh của mình đem lại những lợi ích thiết thực cho đồng bào, quê hương.
Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu