Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam
Trước tác động của dịch bệnh, những rủi ro vốn có trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với trọng tâm là sự dịch chuyển hoạt động gia công và các công đoạn tạo giá trị gia tăng thấp đến các quốc gia có nhân công giá rẻ và đông đảo - tiêu biểu là Trung Quốc, trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, dịch bệnh đã làm giảm các hoạt động trong chuỗi cung ứng toàn cầu lên tới 35,4%, khiến kinh tế thế giới rơi vào nguy cơ suy thoái lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng được dự đoán sẽ khiến nhiều nền kinh tế lớn phải tiến hành tái cơ cấu lại chuỗi giá trị của các ngành sản xuất.
Đứng trước sự gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp trong nước đã quay trở lại thị trường sân nhà, khẩn trương liên hệ với Bộ Công Thương để tìm kiếm đối tác phụ trợ thay thế.
Không chỉ vậy, Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam và một số tập đoàn, công ty trên thế giới cũng chủ động chuyển hướng sang sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hay nói cách khác, là “tái cơ cấu chuỗi giá trị sản xuất” như nhắc đến bên trên.
Vào những tháng đầu năm 2020 - giai đoạn cao điểm của dịch bệnh Covid-19, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ cho biết nhận được nhiều đơn hàng mới của các nhà sản xuất ở Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ, góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng doanh thu trong bối cảnh toàn ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định thì cho biết lượng đơn đặt hàng đã tăng gấp đôi trong thời gian đó. Đáng chú ý, đây là một trong bảy doanh nghiệp của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã chuyển hướng sản xuất vải kháng khuẩn để phục vụ nhu cầu khẩu trang chống dịch. Vậy là, trong lúc đảm bảo trách nhiệm xã hội về phòng chống dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn nắm bắt được cơ hội phát triển cho riêng mình.
Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đã thành công xuất khẩu đơn hàng 69 sơmi rơmoóc sang thị trường Mỹ và ký kết hợp đồng phân phối sơmi rơmoóc với một doanh nghiệp của quốc gia này.
Công nghiệp hỗ trợ nắm bắt cơ hội
Tất nhiên, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với sản phẩm phụ trợ Việt Nam không vì dịch Covid-19 mà giảm bớt đi tiêu chuẩn khắt khe của mình về nguyên phụ liệu, máy móc, linh kiện phục vụ sản xuất.
Để có thể đáp ứng các yêu cầu này, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thời gian qua đã không ngừng nỗ lực đổi mới, hướng đến nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
“Trong vấn đề nội địa hóa, chúng tôi đã nỗ lực tăng số lượng, hàm lượng chất xám Việt Nam trong các sản phẩm linh kiện để cung cấp cho những chiếc điện thoại, ô tô, xe máy, máy in, máy giặt… vốn đòi hỏi sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng vào nguồn vốn, công nghệ, con người”, đại diện Tập đoàn An Phát Holdings từng chia sẻ.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Công nghiệp EuroCast, trong thời gian gần đây, xu thế rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quay trở về tìm các nhà sản xuất nguyên phụ liệu và sản phẩm phụ trợ trong nước, bởi đây không chỉ là sự lựa chọn tiết kiệm chi phí, chủ động thời gian mà còn thỏa mãn điều kiện chất lượng.
Đối với một số lô hàng nhập khẩu, đặc biệt từ các quốc gia gia công giá rẻ như Trung Quốc, do sản xuất đại trà số lượng lớn (mass production) nên nguyên phụ liệu, máy móc linh kiện có thể rẻ hơn một chút nhưng chất lượng dễ không đồng đều, tỷ lệ kích thước hay thành phần không đạt tiêu chuẩn như thỏa thuận ban đầu.
“Khi đã chuyển về Việt Nam mới phát hiện ra vấn đề lỗi sản phẩm thì để đổi lại cực kỳ phức tạp. Trong khi nếu sang tận nơi để kiểm tra trước và sau khi đặt hàng thì lại tốn kém thêm rất nhiều loại chi phí nữa”, doanh nghiệp chia sẻ.
Có thể ở phân khúc hàng phổ thông công nghiệp hỗ trợ của ta khó cạnh tranh, nhưng Việt Nam hiện đang tập trung nhiều vào sản xuất dòng sản phẩm có thiết kế, mẫu mã tương đối đẹp, ổn định về chất lượng và năng suất. Đặc biệt, với các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường lớn có tiêu chuẩn khắt khe thì yếu tố này sẽ là thế mạnh để công nghiệp hỗ trợ trong nước thu hút đơn đặt hàng.
Cùng với đó, hàng loạt các Hiệp định Thương mại song phương và đa phương đã và đang được ký kết cũng tạo điều kiện cho dòng vốn chuyển dịch từ các nước về Việt Nam càng mạnh mẽ. Các doanh nghiệp quốc tế đương nhiên không bỏ qua cơ hội tiếp cận những ưu đãi về thuế quan và đầu tư từ FTA, tăng cường tiếp cận và khai thác hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Cú hích từ chính sách
Cùng với sự chủ động từ doanh nghiệp, Nhà nước, Chính phủ cũng đã và đang nỗ lực xây dựng những hành lang chính sách vững chắc để ngành công nghiệp hỗ trợ có thêm đà phát triển.
Ngày 6/8/2020, với sự tham mưu của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.
Năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Những mục tiêu này được hiện thực hóa thông qua 7 nhóm giải pháp chính mà Nghị quyết đề ra, kỳ vọng sẽ tạo nên những bước phát triển đột phá cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Cũng trong năm 2020, lần đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã xây dựng và chính thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối B2B trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.
Hoạt động phối hợp với các doanh nghiệp FDI đa quốc gia như Samsung, Toyota,… tiếp tục được duy trì nhằm tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp năm 2020, số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp. Đến nay, cũng có thêm 3 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của Toyota.
Không thể phủ nhận, với một ngành thâm dụng vốn và lao động như công nghiệp hỗ trợ, còn rất nhiều khó khăn, thách thức trước mắt cần vượt qua. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang dần tiến từng bước, chủ động “biến nguy thành cơ”, tận dụng thế mạnh của mình để không chỉ đứng vững qua năm 2020 đầy biến động mà còn nắm bắt cơ hội phát triển lớn hơn trong năm 2021 và những năm tiếp theo.