Công suất đỉnh cao nhất từ đầu năm đến nay
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nhận định, sự tích nhiệt (nhiệt độ cao liên tiếp nhiều ngày) đang ảnh hưởng mạnh đến phụ tải.
Ví dụ, cùng là nhiệt độ 38 độ C, nếu chỉ tích nhiệt trong 1 ngày trên 35 độ C thì phụ tải tăng không quá mạnh, ở mức khoảng 20.000 MW, tuy nhiên nếu nhiệt độ trên 35 độ C trong 3-5 ngày liên tiếp, thì khi đó ở mức nhiệt 38 độ C phụ tải có thể lên đến khoảng trên 23.500 MW.
Ở nhiệt độ 35 độ C trở lên, nếu cộng hưởng với hiện tượng tích nhiệt, mỗi 1 độ C tăng lên thì công suất đỉnh hệ thống điện có thể tăng thêm 600 đến 1.000 MW.
Trong tuần vừa qua, ngày 6/7 - 9/7 nhiệt độ miền Bắc tăng cao ở mức 37-38 độ C. Do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài từ ngày 29/6, phụ tải miền Bắc đã ghi nhận mức sản lượng và công suất cao nhất từ trước đến nay là 465,9 triệu kWh và công suất đỉnh (Pmax) đạt 23.094 MW vào ngày 7/7, tăng 104% về sản lượng và 103% về công suất so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, công tác chuẩn bị kĩ lưỡng trước đợt nắng nóng này và tình hình thủy văn các hồ miền Bắc được cải thiện đã giúp đảm bảo tốt tình hình cung ứng điện trong tuần qua.
Sản lượng điện trung bình ngày toàn quốc đạt 853,3 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 45,7 triệu kWh. Công suất đỉnh (Pmax) trong tuần đạt 45.305,3 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay, cao hơn 3.482,6 MW so với tuần trước.
Thủy điện nước về chỉ bằng 30-45% mọi năm
Về tình hình thủy văn, khu vực miền Nam do đã bước vào mưa nên hầu hết các hồ đều có nước về tốt và cao hơn trung bình nhiều năm. Khu vực miền Trung phân hóa theo từng khu vực khi nước về tốt ở một số hồ thủy điện ở tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng; khu vực khác nước về kém ở mức dưới 50% trung bình nhiều năm.
Tại khu vực miền Bắc, nước về vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, phổ biến ở mức 30-45% trung bình nhiều năm. Tính cả thủy điện nhỏ, sản lượng điện theo nước về các ngày trong tuần trung bình khoảng 263,8 triệu kWh/ngày.
Các nhà máy thủy điện được khai thác theo tình hình thủy văn thực tế, đáp ứng ràng buộc lưới điện/nhu cầu hệ thống, mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo Quy trình liên hồ. Huy động tiết kiệm các nhà máy thủy điện đa mục tiêu miền Bắc để hỗ trợ đáp ứng sản lượng và đảm bảo công suất khả dụng hệ thống miền Bắc. Huy động tối ưu thuỷ điện miền Nam theo tình hình thủy văn thực tế để đảm bảo cung ứng điện.
Trong đó, mực nước giới hạn đã được tính toán cập nhật phù hợp tình hình vận hành hệ thống điện và yêu cầu nước của địa phương, quy trình liên hồ nhằm đảm bảo đủ nước đáp ứng an ninh cung cấp điện và nhu cầu nước hạ du đến hết mùa khô 2023.
Theo dõi diễn biến mực nước các hồ thuỷ điện trên cả nước, cập nhật định kỳ tại đây.
Hồ chứa lưu vực sông Hồng có thể phát khoảng 75 triệu kWh/ngày
Theo Cục Điều tiết điện lực, dự kiến từ 10/7-15/7 hệ thống điện miền Bắc bước vào giai đoạn nắng nóng kéo dài với mức nhiệt từ 37-39 độ C. Nhiệt độ tăng cao kéo theo phụ tải sẽ tăng cao, dự kiến sản lượng tiêu thụ của miền Bắc sẽ tăng 102,3% so với tuần vừa qua.
Dự báo 10-15/7, nước về các hồ trên lưu vực sông Hồng biến đổi chậm theo xu thế giảm dần. Tổng lượng nước về các hồ trung bình xấp xỉ khoảng 190 triệu m3/ngày, trong đó lượng nước về các hồ Sơn La, Hòa Bình và Huội Quảng chỉ tính lượng nhập khu giữa.
Nếu giữ nguyên mực nước các hồ như hiện nay, nước về bao nhiêu phát điện bấy nhiêu thì mỗi ngày các hồ trên lưu vực sông Hồng có thể phát được xấp xỉ 75 triệu kWh.
Dự kiến tuần tiếp theo sẽ tiếp tục huy động các nhà máy thuỷ điện lớn phía Bắc (Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Bản Chát) để đảm bảo công suất khả dụng cho hệ thống điện miền Bắc và có dự phòng so với mức nước quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa, tránh xả thừa.
Chiều 8/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực đã chủ trì cuộc họp về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc.
Bộ trưởng yêu cầu EVN và EVNNPT khẩn trương hoàn tất hồ sơ các dự án đường dây 500kV mạch 3 trong tháng 7/2023, bảo đảm chất lượng theo đúng quy định để trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án trong tháng 8/2023 và phê duyệt Dự án đầu tư trong tháng 9/2023.
Sau khi dự án đầu tư được phê duyệt, cần khẩn trương làm việc, thống nhất với các địa phương để triển khai các công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3 và chậm nhất đến tháng 6/2024 phải hoàn thành, đưa vào vận hành theo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Ngay sau khi kết thúc cuộc họp của Bộ trưởng, chiều 8/7, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân đã chủ trì cuộc họp với EVNNPT về tình hình triển khai dự án.
Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối gồm 4 cung đoạn: Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu - Thanh Hoá, Thanh Hoá - Nam Định 1; Nam Định 1 - Phố Nối. Đây là dự án đặc biệt quan trọng giúp nâng cao năng lực truyền tải trục Bắc - Trung, khi hoàn thiện sẽ tăng thêm năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc từ mức khoảng 2.200 MW hiện nay lên khoảng 5.000 MW.