Chiều 12/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập tổ chức ra mắt: “Cổng thông tin Chuẩn hội nhập” kết nối khách hàng thế giới với 2 phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt.
Đồng thời, Hội cũng tổ chức Lễ ký kết hợp tác với Công ty trách nhiệm hữu hạn Bureau Veritas Việt Nam và hội nghị “Giao lưu trực tuyến với Tổ chức tiêu chuẩn GlobalGAP" tại Tp. Hồ Chí Minh.
Cổng thông tin “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” hướng đến mục tiêu kết nối với khách hàng thế giới, đáp ứng nhu cầu cần có một nền tảng kết nối lực lượng doanh nghiệp. Cổng thông tin còn được kỳ vọng là công cụ chia sẻ thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam, giúp họ xây dựng nhận thức tuân thủ tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đứng vững trên thị trường thế giới một cách bền vững.
Đến nay, Hội cũng đã hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn đào tạo và trao chứng nhận cho 159 doanh nghiệp trong cả lĩnh vực thực phẩm và phi thực phẩm.
Trong thời gian tới, với Cổng thông tin này, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ truyền tải các bài huấn luyện cho doanh nhân và nông dân về đa dạng lĩnh vực như chuyển đổi số, quy định chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế; phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững trong nền kinh tế tuần hoàn...
Đặc biệt, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ hướng tới việc biến nền tảng Cổng thông tin này thành nơi giao lưu mua bán thường xuyên bằng việc hình thành showroom trên mạng và giao thương qua mạng…", bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ thêm.
Chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao triển khai từ năm 2016. Cùng với đó, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao phối hợp cùng một số đơn vị xây dựng tiêu chuẩn LocalGAP còn có tên chuyên môn là PFA – Chuẩn cho nông trại cơ bản, để tạo thuận lợi cho nông trại nhỏ (nhóm chiếm hơn 70% trong cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam) có thể tham gia xuất khẩu.
Tiêu chuẩn LocalGAP còn là “bước đệm” trung chuyển giữa tiêu chuẩn VietGAP (ứng dụng trong nước) và tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP. Tham gia làm tiêu chuẩn LocalGAP, đơn vị sản xuất, kinh doanh được Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao hỗ trợ 30% chi phí, địa phương hỗ trợ 30%, phần còn lại do doanh nghiệp đối ứng và một số tổ chức hỗ trợ...
LocalGAP là một công cụ để nâng cao năng lực sản xuất; định hướng, hỗ trợ nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để cải tiến hệ thống quản lý trang trại, giảm thiểu rủi ro về ATTP. Đây là bước đệm cho người nông dân có nhu cầu đạt chứng nhận GlobalGAP.
LocalGAP đòi hỏi các tiêu chí ở mức độ cơ bản. Chẳng hạn, để đạt chứng nhận GlobalGAP phải đảm bảo các tiêu chí quan trọng như truy xuất nguồn gốc; an toàn sức khỏe của người lao động; an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường bền vững. Đối với LocalGAP người nông dân có thể đảm bảo một số tiêu chí truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm...
[Quảng cáo]