Xây dựng thương hiệu hàng Việt và chuỗi phân phối sản phẩm thuần Việt

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, nhiệm vụ về phát triển thương mại trong nước.

Về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ Công Thương đã rà soát, xây dựng hệ thống chính sách nhằm thúc đẩy mọi lĩnh vực của thương mại trong nước.

Triển khai các đề án mang tính chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động của ngành với mục tiêu tổ chức vận hành hiệu quả các kênh phân phối hàng hóa, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước, đặc biệt là các mặt hàng hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng hóa nông sản;

Đồng thời, cải thiện môi trường kinh doanh, rà soát, cắt giảm, chuyển hậu kiểm các điều kiện đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp tham gia thị trường;

Gắn kết các nhiệm vụ của ngành với các hoạt động của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, triển khai chuỗi hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp;

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương rà soát, xây dựng quy hoạch các hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại và triển khai trên phạm vi cả nước, khuyến khích, thu hút đầu tư và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại;

Hoàn thiện môi trường pháp lý điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử, thích ứng với luật pháp và tập quán quốc tế, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng kỹ thuật  (mạng internet, các hình thức thanh toán điện tử, thanh toán qua máy POS, thanh toán online…).

Thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động nhằm từng bước xanh hóa các chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, hướng tới tiêu dùng xanh và tăng trưởng bền vững.…;

Đưa ra các giải pháp bình ổn thị trường (đặc biệt trong giai đoạn ứng phó dịch bệnh Covid-19), bảo đảm cân đối cung cầu; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sự tuân thủ pháp luật đối với hoạt động kinh doanh, mua bán, trao đổi hàng hóa trên thị trường trong nước.

Những nố lực đó đã mang lại nhiều kết quả đạt tích cực:

Đóng góp của thương mại trong nước vào tăng trưởng GDP chung của cả nước ngày càng tăng (từ 10,1% năm 2015 lên 11,2% năm 2019), tốc độ tăng bình quân giá trị tăng thêm của thương mại trong nước giai đoạn 2016 - 2019 đạt 8,5%/năm.

Nhìn chung, sự phát triển của thương mại trong nước đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 12-13% tổng lao động xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo đảm an sinh xã hội.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có mức tăng trưởng nhanh, hoạt động lưu thông hàng hóa trong nước có sự gia tăng về quy mô (từ 3.223,2 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 4.930,8 nghìn tỷ đồng năm 2019).

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 11,2%/năm (cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cả nước trong cùng thời kỳ).

Thị trường trong nước thay đổi tích cực theo hướng ngày càng  mở cửa, môi trường kinh doanh được cải thiện, vận động theo hướng ngày càng cạnh tranh, thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường, xuất hiện nhiều hình thức phân phối hiện đại, văn minh, tạo ra tác động lan tỏa tốt, cải thiện mô hình kinh doanh, năng suất của các doanh nghiệp trong nước;

Bên cạnh mở cửa thị trường dịch vụ phân phối để thu hút đầu tư nước ngoài, từ sức mạnh nội lực, thương mại trong nước đã từng bước phát triển và hiện đại hóa, đa dạng hóa các hệ thống phân phối;

Cấu trúc thị trường ngày càng hiện đại, chủ thể tham gia thị trường đa dạng, hệ thống phân phối theo chuỗi đã từng bước hình thành; liên kết giữa các doanh nghiệp được xây dựng, củng cố, vận hành phù hợp với nền kinh tế thị trường;

Đã phát triển được các thương hiệu phân phối trong nước đủ khả năng để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài, xây dựng được các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt và các chuỗi phân phối sản phẩm thuần Việt;

Đáng lưu ý là các hoạt động thương mại trong nước đã từng bước được hiện đại hóa với sự dịch chuyển mạnh mẽ của thương mại điện tử với sự hỗ trợ của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và sự phát triển của hệ thống điện thoại thông minh;

Hạ tầng thương mại phát triển nhanh, cả ở khu vực đô thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và cả các địa bàn có điều kiện khó khăn, có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (như chợ) sang hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại (siêu thị và trung tâm thương mại), từng bước tạo lập kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại;

Quản lý nhà nước đối với thương mại trong nước từng bước được củng cố, kiện toàn, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh thị trường. Công tác điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường đã và đang được đổi mới phù hợp.

 

[Quảng cáo]

Kiến An