Đặc điểm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ảnh hưởng đến hoạt động kế toán - kiểm toán

ThS. NGUYỄN THỊ THU HÀ (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích đặc điểm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với sự khác biệt về mục tiêu kinh doanh, hoạt động kinh doanh, tính pháp lý… ảnh hưởng đến hoạt động kế toán, kiểm toán đối với các doanh nghiệp này. Từ đó, tác giả đưa ra phương pháp và yêu cầu trong hoạt động hạch toán kế toán và kiểm toán đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam.

Từ khóa: doanh nghiệp, kế toán - kiểm toán, vốn đầu tư nước ngoài.

1. Đặc điểm của kiểm toán các doanh nghiệp có vốn ĐTNN

ĐTNN là việc nhà đầu tư nước này đưa vốn bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản nào sang nước khác để tiến hành các hoạt động đầu tư và nắm quyền sở hữu cơ sở kinh doanh đó.

Doanh nghiệp có vốn ĐTNN là doanh nghiệp do nhà ĐTNN thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam hoặc là doanh nghiệp Việt Nam, do nhà ĐTNN mua cổ phần, sáp nhập, mua lại.

Theo Luật Đầu tư năm 2005, doanh nghiệp có vốn ĐTNN bao gồm doanh nghiệp do nhà ĐTNN thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp Việt Nam do nhà ĐTNN mua cổ phần, sáp nhập, mua lại.

Doanh nghiệp có vốn ĐTNN là một loại hình doanh nghiệp hình thành và phát triển bắt nguồn từ hoạt động ĐTNN, nên loại hình doanh nghiệp có những đặc trưng riêng, khác biệt với các loại hình doanh nghiệp khác, do đó kiểm toán các doanh nghiệp có vốn ĐTNN cũng có đặc điểm khác với kiểm toán các doanh nghiệp khác.

Theo từng đặc trưng của doanh nghiệp có vốn ĐTNN, có những khác biệt riêng trong kiểm toán các doanh nghiệp này.

Đặc điểm về mục tiêu kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN

Mục tiêu của doanh nghiệp có vốn ĐTNN quyết định chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, tạo nên đặc trưng riêng của từng doanh nghiệp. Kiểm toán viên của công ty kiểm toán cần xác định đúng mục tiêu của doanh nghiệp để dự đoán các rủi ro gian lận và sai sót mà doanh nghiệp thực hiện nhằm đạt mục tiêu.

Khi tiến hành đầu tư, mục tiêu chung của các nhà ĐTNN là tìm kiếm một thị trường hấp dẫn, thuận lợi và an toàn nhằm thu được lợi nhuận cao và đảm bảo khả năng phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do chiến lược phát triển của doanh nghiệp ở mỗi thị trường nước ngoài là khác nhau, mối quan hệ sẵn có của doanh nghiệp với nước chủ nhà là khác nhau, do đó, mục tiêu cụ thể trong từng doanh nghiệp cũng khác nhau.

Đặc điểm về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN ở Việt Nam

Các doanh nghiệp có vốn ĐTNN hoạt động ở nhiều lĩnh vực nhưng ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp. Với ưu thế về vốn và công nghệ của các nước tiên tiến, sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN thường có hàm lượng khoa học công nghệ cao như hàng điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học… nhằm mục đích thay thế hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, tận dụng uy tín, thương hiệu sẵn có và thị trường của các công ty xuyên quốc gia, sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN cũng tập trung nhiều vào lĩnh vực xuất khẩu. Các doanh nghiệp này được phép nhập khẩu trực tiếp thiết bị, vật tư với các điều kiện ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh như miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các thiết bị máy móc để đầu tư xây dựng cơ bản hình thành doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc công nghệ chưa được sản xuất tại Việt Nam.

Với đặc điểm về sản phẩm công nghệ cao, không có sản phẩm tương tự ở Việt Nam và sản phẩm chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài đã dẫn đến khó khăn cho các công ty kiểm toán trong việc kiểm soát hoạt động chuyển giá, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nguồn nhân công giá rẻ, nguồn nguyên nhiên liệu về than, khoáng sản, sắt thép, rừng, biển… dồi dào, chi phí sản xuất chung như chi phí thuê mặt bằng, chi phí điện nước,… cũng thấp hơn rất nhiều so với các nước có nền công nghiệp phát triển. Tận dụng nguồn nhân lực rẻ tại Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn ĐTNN đã thuê hàng nghìn lao động chân tay để làm việc và tận dụng tối đa sức khỏe của nhân công. Giờ công ngoài giờ của người lao động luôn vượt quá định mức cho phép của Nhà nước. Vấn đề này gây khó khăn trong việc kiểm toán chi phí nhân công do số lượng nhân viên lớn và giờ công nhiều, dẫn đến chi phí liên quan đến nhân công rất lớn mà thời gian kiểm toán lại có hạn, không đủ thời gian để kiểm tra toàn bộ chi phí này.

Đặc điểm về pháp lý của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN

Chủ ĐTNN thường là những tập đoàn kinh tế, các công ty xuyên quốc gia có mạng lưới hoạt động trên toàn thế giới. Họ mở rộng mạng lưới văn phòng đại diện, các công ty con tại nhiều quốc gia. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, các nhà ĐTNN có thể góp vốn bằng tiền nước ngoài, tiền Việt Nam, thiết bị máy móc nhà xưởng, giá trị quyền sở hữu công nghệ, bí quyết kỹ thuật, thương hiệu, bằng sáng chế. Số vốn tối thiểu của các nhà ĐTNN là 30% vốn pháp định của dự án. Quyền quản lý doanh nghiệp cũng như mức độ gánh chịu trách nhiệm về hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc vào mức độ góp vốn.

Như vậy, theo đặc trưng này, các chủ đầu tư là bên nước ngoài nên thường không am hiểu các thông tư, chuẩn mực, quy định pháp luật của Việt Nam. Do đó, rủi ro về việc áp dụng đúng quy định của nước sở tại khi kiểm toán các doanh nghiệp có vốn ĐTNN cao hơn kiểm toán các doanh nghiệp trong nước. Công ty kiểm toán cần tìm hiểu kỹ hơn quy trình hoạt động sản xuất, quy trình hạch toán kế toán tại các doanh nghiệp này, thực hiện các bước kiểm toán chi tiết nhiều hơn để tư vấn cho doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định trong nước về kế toán, về thuế và các quy định hiện hành có liên quan. Bên cạnh đó, việc định giá phần vốn góp không phải bằng tiền của các nhà ĐTNN cũng là một vấn đề thường xảy ra tranh cãi, công ty kiểm toán có thể cần đến chuyên gia định giá để xác định giá trị vốn góp, đảm bảo nhà đầu tư góp đủ số vốn tối thiểu theo quy định.

Đặc điểm về cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN

Thực tế trong các doanh nghiệp có vốn ĐTNN tại Việt Nam, các đối tác nước ngoài thường nắm tỷ lệ vốn lớn nên sẽ nắm quyền chủ động trong các doanh nghiệp. Bởi vậy, cơ cấu tổ chức cũng như quản lý điều hành hoạt động của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN chịu ảnh hưởng rõ nét, mang phong cách của các công ty đa quốc gia nước ngoài. Các doanh nghiệp có vốn ĐTNN thường là công ty con của công ty mẹ tại nước ngoài hoặc có các công ty trong cùng hãng trên toàn thế giới.

Đặc điểm này có ảnh hưởng lớn đến quyết định lựa chọn công ty kiểm toán của doanh nghiệp có vốn ĐTNN vì các công ty mẹ là chủ đầu tư chính, thường có quyền lựa chọn và chỉ định hãng kiểm toán cho công ty con. Do đó, lợi thế của hãng kiểm toán cung cấp dịch vụ kiểm toán toàn cầu là đáp ứng được nhu cầu kiểm toán của cả công ty mẹ và các công ty con.

2. Về phương pháp và yêu cầu trong kế toán và kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp có vốn ĐTNN ở Việt Nam

2.1. Phương pháp

Từ những ảnh hưởng do đặc điểm doanh nghiệp có vốn ĐTNN ở Việt Nam ảnh hưởng đến hoạt động kế toán, kiểm toán tại các doanh nghiệp này, bài viết đưa ra phương pháp áp dụng cụ thể tại Việt Nam.

Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp có vốn ĐTNN hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải thực hiện công tác kế toán theo Luật Kế toán ban hành ngày 17/6/2003 và các văn bản pháp quy khác về kế toán của Nhà nước Việt Nam. Doanh nghiệp có vốn ĐTNN áp dụng hệ thống kế toán Việt Nam phải tuân thủ và chấp hành toàn bộ chế độ hiện hành về chứng từ kế toán, chế độ sổ sách, hệ thống báo cáo tài chính và lưu trữ tài liệu kế toán. Đơn vị tiền tệ sử dụng trong ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính phải là đồng Việt Nam. Tuy nhiên, có thể sử dụng đơn vị tiền tệ nước ngoài (loại tiền tệ có khả năng chuyển đổi) để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính nhưng phải nằm trong quy định được phép áp dụng của chế độ kế toán và phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Ngôn ngữ trong ghi chép, doanh nghiệp phải sử dụng tiếng Việt trong ghi chép kế toán và lập báo cáo tài chính. Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng từ hai ngôn ngữ trở lên thì bắt buộc phải có một ngôn ngữ là tiếng Việt Nam.

Các sai sót mà doanh nghiệp có vốn ĐTNN tại Việt Nam hầu hết mắc phải là sử dụng ngôn ngữ nước ngoài trong trình bày chứng từ và chỉ tập trung lập báo cáo nội bộ cho công ty mẹ bên nước ngoài mà không chú trọng lập báo cáo đúng theo quy định và nộp đúng thời hạn cho cơ quan thuế địa phương. Bên cạnh đó, để đạt được mục đích kinh doanh, các doanh nghiệp có vốn ĐTNN thường có nhiều nghiệp vụ xuất nhập khẩu nên ngoại tệ là phương tiện thông dụng sử dụng khi thực hiện các thương vụ kinh doanh. Do đó, tỷ giá ngoại tệ thay đổi và phương pháp kế toán ngoại tệ ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, điều này dẫn đến rủi ro về tỷ giá trong kiểm toán doanh nghiệp có vốn ĐTNN rất lớn. Công ty kiểm toán cần xác định được các rủi ro về sử dụng tỷ giá và thực hiện các bước kiểm toán để phát hiện và điều chính các sai sót trọng yếu.

2.2. Yêu cầu về kiểm toán doanh nghiệp có vốn ĐTNN

- Về nhân sự:

Theo quy định của Chính phủ, công ty trách nhiệm hữu hạn kiểm toán đủ điều kiện kiểm toán doanh nghiệp có vốn ĐTNN cần phải có ít nhất 02 (hai) thành viên góp vốn là kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại công ty.

Kiểm toán viên hành nghề là người đã đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật Việt Nam, đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính và đáp ứng đủ các điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính; Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán từ 60 tháng trở lên, tính từ tháng tốt nghiệp ghi trên quyết định tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học đến thời điểm đăng ký dự thi; hoặc thời gian thực tế làm trợ lý kiểm toán ở doanh nghiệp kiểm toán từ 48 tháng trở lên, tính từ tháng ghi trên quyết định tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học đến thời điểm đăng ký dự thi.

Trong quá trình làm việc, kiểm toán viên cần tuân thủ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán. Chuẩn mực đạo đức nghề nhiệp kiểm toán là những quy định và hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với thành viên tham gia cuộc kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam. Bộ Tài chính quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế. Kiểm toán viên hành nghề đang thực hiện hoặc đã thực hiện dịch vụ có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên hành nghề theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán thì không được thực hiện kiểm toán doanh nghiệp có vốn ĐTNN.- Về quy chế hoạt động kiểm toán:

Về phương pháp kiểm toán, các công ty kiểm toán khi kiểm toán các doanh nghiệp có vốn ĐTNN tại Việt Nam cần tuân thủ theo 37 (ba mươi bảy) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam đã được ban hành và các quy định có liên quan. Chuẩn mực kiểm toán là những quy định và hướng dẫn về yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán mà thành viên tham gia cuộc kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán phải tuân thủ.

Về lưu trữ hồ sơ kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán phải thiết kế và thực hiện các chính sách và thủ tục để duy trì tính bảo mật, an toàn, toàn vẹn, có khả năng tiếp cận và phục hồi được của hồ sơ kiểm toán các doanh nghiệp có vốn ĐTNN theo quy định của chuẩn mực kiểm toán. Doanh nghiệp kiểm toán phải thiết kế và thực hiện các chính sách và thủ tục về lưu trữ hồ sơ kiểm toán trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày phát hành báo cáo kiểm toán cho doanh nghiệp có vốn ĐTNN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005, Hà Nội.
  2. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2011), Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29 tháng 3 năm 2011, Hà Nội.
  3. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Kiểm toán nhà nước số 37/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005, Hà Nội.

 Characteristics of foreign-invested enterprises and impacts of these characteristics on the accounting and auditing activities

Master. Nguyen Thi Thu Ha

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industrie

ABSTRACT:

This paper analyzes the characteristics of foreign-invested enterprises in terms of business objectives, business activities, legality, etc. This paper also analyzes the impact of these characteristics in the accounting and auditing activities of foreign-invested enterprises. Based on the paper’s findings, some accounting – auditing methods and requirements are proposed to foreign-invested enterprises in Vietnam.

Keywords: enterprise, accounting - auditing, foreign investment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7, tháng 4 năm 2022]