Nhằm hỗ trợ, động viên, khuyến khích, tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Sở Công Thương Đắk Lắk vừa giao Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển Công nghiệp Đắk Lắk (Trung tâm) thực hiện Kế hoạch khuyến công địa phương đợt 1 năm 2024, với 24 đề án khuyến công tổng kinh phí là 5.089 triệu đồng.
Hiệu quả của chương trình khuyến công năm 2023
Năm 2023, Trung tâm đã thực hiện 23 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí thực hiện 5.623 triệu đồng (Trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ thực hiện 2.711 triệu đồng; kinh phí đối ứng cơ sở 2.912 triệu đồng) và thực hiện công tác khuyến công quốc gia với 03 đề án nhóm với tổng kinh phí 4.776 triệu đồng (Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 1.800 triệu đồng; kinh phí đối ứng của các đơn vị thụ hưởng là 2.976 triệu đồng).
Các đề án tập trung một số lĩnh vực đáp ứng nhu cầu cần thiết cho cơ sở công nghiệp nông thôn cụ thể như: Tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công, học tập kinh nghiệm; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; tư vấn hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn(CNNT).
Theo đó, Trung tâm đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn các huyện Krông Búk, Ea H’leo, Krông Ana, Krông Pắc, Cư M’gar và Ea Kar; và đối với 03 đề án nhóm khuyến công quốc gia triển khai hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến cà phê, nông sản, vật liệu xây dựng cho 07 cơ sở công nghiệp nông thôn.
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm CNNT (logo, bao bì sản phẩm) cho 05 nhãn hiệu sản phẩm CNNT giúp hoàn thiện sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, tăng khả năng cạnh tranh, phân biệt sản phẩm với đối thủ trong mắt của người tiêu dùng, tạo ra ấn tượng dài lâu trong tâm trí của khách hàng. Hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia Hội chợ Triển lãm nhằm xây dựng hình ảnh và kết nối giao thương giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã của tỉnh Đắk Lắk tìm kiếm được thị trường mới, tìm kiếm các hợp đồng sản xuất và phân phối các sản phẩm.
Cùng với đó, Trung tâm đã hỗ trợ 11 sản phẩm và bộ sản phẩm của 11 cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023, kết quả 04 sản phẩm và bộ sản phẩm của 04 cơ sở CNNT đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023; đối với cấp tỉnh có 55 sản phẩm, bộ sản phẩm của 36 cơ sở CNNT trên địa bàn 14 huyện, thị xã, thành phố tham gia Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, kết quả 32 sản phẩm của 23 cơ sở đạt sản phẩm CNNT cấp tỉnh năm 2023.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết: Các đề án khuyến công đã được thực hiện đảm bảo theo Chương trình công tác năm 2023 của Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt, các đề án hỗ trợ máy móc thiết bị đã giúp cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng các máy móc thiết bị tiến tiến trong sản xuất, nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng hoá sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng doanh thu cho các cơ sở CNNT. Có những đề án, mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, là mô hình mẫu, tác động nhân rộng mô hình cho các đơn vị khác học tập, tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm CNNT, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk.
Gần 5,1 tỷ đồng thực hiện chương trình khuyến công địa phương
Nhằm hỗ trợ, động viên, khuyến khích, tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Sở Công Thương Đắk Lắk cũng đã ban hành Quyết định số 38/QĐ-SCT phê duyệt Kế hoạch khuyến công địa phương đợt 1 năm 2024.
Theo đó, Sở Công Thương Đắk Lắk giao Trung tâm thực hiện Kế hoạch khuyến công địa phương đợt 1 năm 2024, với 24 đề án khuyến công tổng kinh phí là 5.089 triệu đồng (Trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 2.702 triệu đồng; kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng 2.387 triệu đồng).
Chương trình khuyến công tập trung vào các nội dung chính như: Tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển công nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nhận thức về năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tư vấn, hỗ trợ các cơ sở CNNT; tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm CNNT; hỗ trợ đầu tư xây dựng phòng trưng bày sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh.
Đáng chú ý, việc hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sẽ được triển khai trên địa bàn các huyện: Krông Búk, M’Đrăk, Krông Năng, Krông Bông, Ea Kar, Cư M’gar, Buôn Đôn và thị xã Buôn Hồ với tổng kinh phí thực hiện là 3.622 triệu đồng (Trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ 1.370 triệu đồng; kinh phí đơn vị thụ hưởng 2.252 triệu đồng).