Đây là những chia sẻ tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) diễn ra ngày 23/2/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tạo diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học và Ban soạn thảo trao đổi, thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
“Trên cơ sở đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan sẽ có thông tin đầy đủ hơn, nhiều chiều hơn, có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Lê Quang Huy cho hay.
Mặt khác, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Thành phố Hồ Chí Minh được nhận định là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, với nhiều hoạt động kinh tế, thương mại sôi động. Do đó, ý kiến của các bên liên quan trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, có ý nghĩa thiết thực đối với công tác xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Chủ tịch VCCI chia sẻ thêm, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong môi trường cạnh tranh thương mại tự do, đã và đang chú trọng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung ứng ra thị trường. Thậm chí một số hiệp hội, doanh nghiệp... còn đặt ra những tiêu chuẩn vượt lên trên yêu cầu của quy định pháp luật trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Điển hình, với mục tiêu thúc đẩy văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng văn hóa kinh doanh quốc gia, VCCI đã công bố Bộ 6 quy định đạo đức doanh nhân. Những quy tắc kinh doanh liêm chính, minh bạch, công bằng, tuân thủ pháp luật... chính là hướng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhưng trên thực tế, nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, cần nhìn nhận thẳng thắn là hiện tại chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn là mảng chính sách phức tạp, đảm bảo thực thi càng không dễ dàng. Hầu hết nền kinh tế, thị trường nào cũng không thể tránh khỏi những xung đột giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển cần phải lấy nền tảng phục vụ tốt người tiêu dùng làm cốt lõi, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên.
“Đây cũng là lý do pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần sửa đổi và hoàn thiện không ngừng, nhất là trong bối cảnh phương thức kinh doanh phi truyền thống ngày càng đa dạng, mối quan hệ giữa các bên trong giao dịch thương mại ngày càng phát sinh nhiều khía cạnh mới”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến liên quan đến 4 nhóm vấn đề: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; quản lý nhà nước trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh cho biết, cách đây đúng 1 năm, Dự thảo Luật đã được đưa ra góp ý. Đến nay, theo sự góp ý rộng rãi, có cả các đại biểu Quốc hội, Dự thảo đã có nhiều sửa chữa, bổ sung, khá hoàn chỉnh, điều này đã cho thấy những ý kiến đóng góp đã được Nhóm soạn thảo quan tâm, lắng nghe, cầu thị.
Nhìn chung, Dự luật với 79 điều, có rất nhiều sự đổi mới, cho thấy có sự nghiên cứu sâu sát tình hình thực tế, có sự rà soát các luật khác liên quan.
Cụ thể, về chính sách, bổ sung tăng thêm khoản 7 hướng đến việc nâng cao đạo đức kinh doanh và hình thành văn hóa tiêu dùng an toàn, văn minh, lành mạnh và bền vững; khoản 8 nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tiếp đến là quyền của người tiêu dùng trong Dự luật sửa đổi lần này được tăng thêm 1 quyền cho phù hợp với nhu cầu sử dụng dịch vụ mới: “Quyền của người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ công được bảo vệ theo quy định của pháp luật có liên quan”.
Tiếp tục góp ý cho Dự thảo Luật, bà Phan Thị Hương Giang - Giảng viên Khoa Luật kinh tế - Trường Đại học kinh tế luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đánh giá, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có nhiều điều chỉnh tích cực từ sự góp ý của đại biểu Quốc hội cũng như từ các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau. So với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Dự thảo Luật sửa đổi nhìn chung đã chứa đựng những quy định mới và tiến bộ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần có sự xem xét điều chỉnh cho phù hợp hơn. Điển hình như, tại khoản 1 điều 5 dự thảo Luật vẫn giữ quy định cũ là một trong các trách nhiệm của người tiêu dùng là phải “Kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật”.
Theo bà Hương Giang, nếu giữ quy định này thì tương ứng, nghĩa vụ (trách nhiệm) của người tiêu dùng là để đáp ứng quyền của bên còn lại trong quan hệ tiêu dùng - tổ chức cá nhân kinh doanh. Hay nói cách khác, tổ chức cá nhân kinh doanh có quyền cho người tiêu dùng kiểm tra sản phẩm trước khi nhận hoặc là không. Chính quy định này dẫn tới việc người tiêu dùng không được kiểm tra sản phẩm trước khi nhận và điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.
Dẫn ví dụ cụ thể, bà Giang cho biết, như nếu sản phẩm không đúng như quảng cáo, hình ảnh đăng tải khi mua hàng online, từ xa thì nhiều rủi ro có thể phát sinh khiến người tiêu dùng mất công sức, tiền bạc và thời gian để giải quyết khiếu nại không đáng có về sau. Tuy đã có quy định liên quan đến việc cung ứng hàng hóa không đúng như như quảng cáo, giới thiệu, cam kết hoặc công bố của tổ chức, cá nhân kinh doanh nhưng việc không được kiểm tra hàng là một trong những thiếu sót mà ban soạn thảo luật sửa đổi cần xem xét và chỉnh sửa cho phù hợp.
Về định nghĩa "người tiêu dùng", bà Trần Kiều Dung - Chánh Văn phòng Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thuật ngữ "người tiêu dùng" đang có phạm vi quá rộng và chưa thực sự rõ ràng giữa “tiêu” và “dùng”. Theo đó, trong định nghĩa “người tiêu dùng” Dự thảo sử dụng dấu phẩy giữa hai động từ “mua” và “sử dụng”. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc phân định chủ thể “người tiêu dùng” giữa “người mua” và người sử dụng”.
Trên cơ sở đó, bà Dung đề xuất khái niệm mới “người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. Hộ gia đình, tổ chức được coi là người tiêu dùng khi mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích kinh doanh, thương mại”.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp đối với dự án Luật.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là văn bản có liên quan tới nhiều chủ thể, có phạm vi tác động rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, vì vậy, các ý kiến tham gia đóng góp, hoàn thiện Dự thảo Luật là dữ liệu quan trọng, góp phần giúp các cơ quan liên quan có cái nhìn sâu rộng, đa dạng hơn đối với các vấn đề được quy định trong Dự thảo.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, về vấn đề khái niệm về người tiêu dùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến thống nhất. Theo đó, trong Dự thảo hiện chỉ còn 1 phương án, và cách thể hiện sẽ dựa trên cơ sở luật hiện hành, nhấn mạnh việc không vì mục đích thương mại, không vì mục đích kinh doanh, lợi nhuận. Mặc dù bảo vệ người tiêu dùng song vẫn phải đảm bảo cân bằng, hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Điều này nhằm tránh đặt gánh nặng lệch một phía cho doanh nghiệp.
Về vấn đề giải quyết tranh chấp, hòa giải, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, góc độ hòa giải đã có những cơ sở pháp luật về hòa giải. Về trọng tài, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu một số vấn đề như có thể tạo điều kiện cho người tiêu dùng được quyền chọn các tổ chức trọng tài khác.
Ngoài ra, đối với các tranh chấp giải quyết qua tòa án vẫn giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự thông thường thủ tục rút gọn, để tạo thêm một cái kênh giải quyết tranh chấp, giúp người tiêu dùng có thêm kênh bảo vệ hiệu quả và kịp thời.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và các doanh nghiệp đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Để dự án Luật trình lên Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ 5 tới đạt hiệu quả, chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật cần rà soát về tính đồng bộ của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với các luật khác; tránh sự chồng chéo để đảm bảo luật dễ nhớ, đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao.
Bên cạnh đó, các cơ quan, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; đánh giá tác động qua quá trình thực hiện luật Luật trong xử lý tranh chấp giữa doanh nghiệp, các bên liên quan đến người tiêu dùng. Mặt khác, cũng cần đề cập rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức trọng tài trong giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.